Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 18 Tháng 2 2022 16:24

Vác Thập Giá

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Vác Thập Giá

19.2

Thứ Bảy trong tuần thứ Sáu Mùa Quanh Năm

Gc 3:1-10; Tv 12:2-3,4-5,7-8; Mc 9:2-13

VÁC THẬP GIÁ

           Khi tiên báo về cuộc khổ hình và thập giá mà Người sắp phải chịu bởi các kì mục, thượng tế và kinh sư, Ðức Giêsu nhận thức được rằng các tông đồ phải cảm thấy buồn nản và còn lo sợ. Các ông không thể nào quan niệm được rằng Thày mình sẽ phải chịu đau khổ. Các ông muốn Ðức Giêsu đi theo đường lối của loài ngưòi, nghĩa là tránh khổ hình thập giá. Vì thế ông Phêrô đại diện cho nhóm Mười Hai kéo riêng Thầy ra mà can ngăn Người (Mc 8:32). Rồi khi biến cố thập giá xẩy ra vào ngày Thứ Sáu Chịu nạn, thì kinh nghiệm đau thương lại càng đè nặng tâm trí các tông đồ, nhất là cho Phêrô, Giacôbê và Gioan, là những người được chứng kiến cảnh sầu khổ của Thầy mình trong vườn cây dầu.

          Ðể giúp các tông đồ đối phó với cảnh khổ nạn và thập giá, Ðức Giêsu đưa ba tông đồ thân tín lên đỉnh núi, biến hình cho họ thấy cảnh vinh quang của nước Chúa. Việc Ðức Giêsu biến hình có mục đích là củng cố đức tin và đức cậy của các tông đồ, trong viễn tượng của cuộc khổ hình và thánh giá. Giáo hội coi việc tổ phụ Ápraham sẵn sàng hiến tế con mình làm lễ vật hi sinh là hình bóng của lễ vật hi sinh của Ðức Giêsu làm của lễ đền tội cho nhân loại.

          Ðể thử thách đức tin của Áp-ra-ham, Thiên Chúa muốn ông dâng con mình, là I-xa-ác làm lễ vật toàn thiêu, một người con duy nhất mà Chúa đã hứa cho ông bà, khi bà xã ông là Sara sinh con lúc bà đã cằn cỗi (St 18:12), còn ông được xấp xỉ một trăm tuổi xuân (St 21:5). Nhờ đức tin, Ápraham sẵn sàng chấp nhận hi sinh hiến tế con mình mặc dù đã nhận được lời hứa là nhờ I-xa-ác mà ông sẽ có được một dòng dõi (St 21:12). Kết quả là Chúa sai sứ thần bảo ông dừng tay lại và còn hứa cho dòng dõi ông trỏ nên đông đúc như sao trời và cát biển (St 22:17).

          Từ trên núi xuống, Chúa ra lệnh cho bộ ba tông đồ không được thuật lại cho ai nghe những điều họ vừa xem thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại (Mc 9:9). Các tông đồ tuân giữ lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì? Từ đó các tông đồ quan sát và suy niệm những cảnh chống đối và lăng nhục xẩy ra như: Thày mình bị bách hại trong vườn cây dầu, bị dân chúng lăng nhục, nhạo cười, bị quân lính tra tấn và đánh đòn, cuối cùng chịu đội mão gai, vác thánh giá và chịu chết trên thập giá. Những cảnh bách hại và nhục mạ Thày mình phải chịu khiến các tông đồ nản lòng, khiếp sợ. Họ nản lòng vì cái chết của Thày mình đã làm tiêu tan những mối hi vọng của họ. Họ khiếp sợ vì bị người Do Thái truy nã, bách hại. Rồi khi được loan tin là Thày mình đã sống lại họ trở nên hoang mang, không biết đâu là thực hư.

Chỉ sau khi đối diện với Chúa phục sinh, họ mới hiểu được ý nghĩa của lời Chúa: Cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại. Từ đó họ ra đi để làm chứng cho việc Chúa sống lại. Ðể chia sẻ niềm vui phục sinh của Thày chí thánh, họ cũng đã phải trải qua những bách hại, chịu tù đầy và chịu khổ hình trên thập giá. Ðúng như lời Chúa phán: Ðày tớ không trọng hơn chủ. Nếu người ta đã bách hại Thày, họ cũng bách hại các con (Ga 15:20). Và như vậy ý niệm thần học tín lí: sống lại từ cõi chết cũng đã được áp dụng cho các tông đồ. Các vị tử đạo trong đó có 117 vị anh hùng tử đạo Việt nam, cũng đã phải hiểu được ý niệm từ cõi chết sống lại là thế nào trước khi dám để cho lý hình hành xử, chứ không phải khơi khơi mà dám xông ra pháp trường.

          Ðối với người tín hữu, từ cõi chết sống lại nghĩa là gì trong đời sống mỗi người? Một biến cố rất quan trọng xẩy ra trong đời sống người, mang lại sự sống thiêng liêng cho tâm hồn là Bí tích Rửa tội. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ta cũng được sống lại từ cõi chết. Tội nguyên tổ bị hủy diệt, và ta được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa.

          Thế rồi từ đó trong cuộc sống hàng ngày, ta cũng trải qua những cuộc chết đi sống lại nhỏ bé, không phải như các tông đồ, cũng không phải như các vị tử đạo. Khi ta sẵn sàng chịu thua thiệt, mất mát ở đời này, như mất bạn bè, mất việc làm, mất dịa vị xã hội, chỉ vì tin yêu vào Chúa, và tuân giữ giới răn Chúa, tức là ta đã chết đi cho mình một phần, để được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa. Khi ta sẵn sàng chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính ươn hèn, chết đi cho tính tham lam, ích kỷ, lười biếng, chết đi cho tính nói hành nói xấu, ta sẽ được vươn lên thượng giới.

          Việc Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết, hay nói một cách khác, mầu nhiệm thập giá của Ngài mãi mãi vẫn là một điều khó chấp nhận, một cớ vấp phạm cho người Do Thái, một sự điên rồi đối với dân ngoại. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã chuẩn bị tâm hồn mọi người để có thể hiểu được phần nào mầu nhiệm ấy.

          Cuộc chuẩn bị xa xôi nhất, đó là việc Thiên Chúa đòi tổ phụ Abraham sát tế người con duy nhất của mình là Isaac, để làm của lễ toàn thiêu dâng kính Ngài. Việc đòi hỏi này thật là mâu thuẫn với lời Chúa đã phán hứa với ông. Nhưng Abraham đã không thắc mắc, đã không phản đối, trái lại ông hoàn toàn tin tưởng, và thi hành đúng theo lệnh truyền của Chúa và kết quả: Ông được gọi là kẻ công chính, còn Isaac con ông thì được cứu sống, chứ chẳng bị sát tế.

          Hình ảnh của Abraham là biểu tượng cho tình thương của Chúa đối với chúng ta. Thực vậy sự công bình và lòng thương yêu của Chúa đối với chúng ta đã đòi Chúa làm một việc tương tự như Abraham, đó là không dung tha con mình, nhưng phó thác con mình cho tất cả chúng ta. Ngày xưa, Isaac không bị giết, mà Abraham vẫn được kể là kẻ công chính. Còn bây giờ, Đức Kitô đã bị giết. Ngài đã chết thực sự, nhưng sau đó Ngài sống lại, ngự bên hữu Chúa Cha, hoàn tất công trình cứu độ nhân loại và đã trở thành Đấng công chính hoá loài người.

          Tiếp đến là cuộc chuẩn bị gần, như chúng ta thấy qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chính vì muốn để cho các môn đệ thân yêu giữ vững niềm tin khi thấy mình bị đau khổ và chịu chết một cách nhục nhã trên thập giá, mà Chúa Giêsu đã tỏ lộ phần nào vinh quang của Ngài trên đỉnh Tabor. Nếu lưu ý một chút, chúng ta sẽ thấy ba môn đệ được Chúa đưa lên đỉnh Tabor hôm nay cũng chính là những môn đệ mà Ngài sẽ đưa vào vườn cây dầu trong cơn hấp hối. Qua đó chúng ta thấy, mọi biến cố, dù vui hay buồn, cũng đều là những dịp Chúa gửi đến để kêu mời chúng ta tiến sâu trong tình thân với Ngài.

          Do đó, hãy biết đọc các dấu chỉ thời đại, hãy biết nhìn những sự kiện xảy ra dưới ánh sáng đức tin và trong yêu mến Chúa nồng nàn. Các môn đệ lúc đầu đã không thể hiểu ngay mọi ý nghĩa của việc Chúa biến hình. Trong đời sống thường ngày cũng vậy, đứng trước những khó khăn hay dễ dàng, gian khổ hay vui mừng, được an ủi hay bị bỏ rơi, chúng ta khó mà thấu hiểu được ý nghĩa của nó, khó mà khám phá ra được tình thương và sự công bình của Chúa.

          Thế nhưng, chúng ta hãy kiên tâm bền chí, trong kinh nguyện và trong suy niệm Lời Chúa, trong đời sống và trong hành động, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa lớn hơn con tim của chúng ta. Hãy biết tìm ra thánh ý Chúa được gởi gắm qua những sự kiện hằng ngày, nhất là nơi những đau thương, gian khổ và thập giá vì đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá là đường dẫn tới phục sinh.

Huệ Minh

Read 465 times Last modified on Chủ nhật, 20 Tháng 2 2022 07:07