TMĐP- Đức Giêsu sai các môn đệ ra đi với những lời căn dặn rất cần thiết và chi tiết
Tin Mừng chúa nhật trước, Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ trái tim tự do để tin yêu và đi theo Ngài. Tin Mừng chúa nhật này, Ngài sai họ ra đi với những lời căn dặn rất cần thiết và chi tiết:
1/ Sứ vụ của người được sai đi là “gặt lúa về cho chủ“:
Ngay từ đầu, Đức Giêsu đã cho các môn đệ biết rõ nhu cầu cấp bách của Nước Trời, đó là “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10, 2), và các ông được sai đi “gặt lúa về”.
Nói điều này, Ngài muốn các ông hiểu rằng đồng lúa không thuộc về các ông, nhưng thuộc về Thiên Chúa; cây lúa mọc lên, chín vàng, nặng trĩu hạt cũng không tự tay các ông gieo vãi, làm lớn lên và cho trổ bông, sinh hạt, nhưng do Thiên Chúa, như tông đồ Phaolô đã qủang diễn: “Tôi trồng, anh Aplôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Nói cách khác, tất cả đều là hồng ân: từ những hạt lúa làm thành đồng lúa chín vàng, đến việc các ông được tuyển chọn và sai đi gặt lúa về, nên thái độ cần phải có của người được sai đi loan báo Tin Mừng là khiêm tốn, quảng đại “cho đi nhưng không vì đã nhận nhưng không” (x. Mt 10, 8) của người đầy tớ được chủ sai đi thi hành sứ vụ, mà không kiêu căng tìm kiếm vinh quang bản thân, qua những thành qủa bên ngoài, trái lại chỉ nuôi dưỡng và giữ mãi trong tim một niềm vui vì tên mình đã được ghi trên trời như lời hứa của chủ đồng lúa là Đức Giêsu: “Anh em chớ mừng vì qủy thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).
2/ Sứ vụ loan báo Tin Mừng là sứ vụ nguy hiểm, nhiều thử thách:
Nguy hiểm vì “ngược dòng đời”, trái ý thế gian, và hình ảnh “chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3) là thực tế người được sai đi phải sống từng ngày, khi làm chứng Tin Mừng giữa lòng thế giới.
Ngoài những nguy hiểm đến từ bầy sói dữ, người được sai đi còn phải đương đầu với nhiều thử thách phát sinh từ chính sứ vụ, nếu sứ vụ không được thực hiện theo đúng ý Đấng đã sai đi. Đó là thử thách trước cám dỗ của vật chất, và đời sống an nhàn, tiện nghi; thử thách trước cám dỗ quyền lực, uy thế, ảnh hưởng. Chính vì thế, Đức Giêsu đã cảnh báo các môn đệ nguy cơ rơi vào cạm bẫy “vinh thân phì gia” khi dặn các ông: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, dầy dép” (Lc 10, 4); đồng thời cảnh giác các ông đừng vấp ngã vì hầm chông “quyền lực, ảnh hưởng, phe cánh” khi nhắc nhở “đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10,4).
3/Sứ vụ đầu tiên của người loan báo Tin Mừng là trao ban Bình An của Lòng Thương Xót:
Đức Giêsu lập trình sẵn cho các môn đệ khi sai họ đi, mà việc thứ nhất, sứ vụ đầu tiên phải thực hiện là “đến tận nơi người ta ở và ban bình an của Đức Giêsu phục sinh cho họ” (x. Lc 10, 5), sau đó mới đến sứ vụ chữa lành những người đau yếu và loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần (x. Lc 10, 9).
Nhưng Bình An phục sinh không tự nhiên mà có, cũng như Đức Giêsu đã chỉ ban Bình An cho các môn đệ sau khi đã chết và sống lại (x. Ga 20, 19.21.26), nên người được sai đi cũng phải chia sẻ cuộc Thương Khó và Tử Nạn với Đức Giêsu mới mong nhận được ơn Bình An phục sinh của Đấng chịu đóng đinh để trao lại cho mọi người.
Thánh Tông Đồ Dân Ngoại xác tín sứ vụ của mình khi viết: “Tôi chẳng hãnh diện điều gì, ngoài thập gía Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian…” (Gl 6,14). Điều ngài viết có nghĩa: niềm vui duy nhất của người được sai đi chính là loan báo Đức Giêsu chịu đóng đinh, và việc loan báo ấy đòi người loan báo phải sống thập giá Đức Giêsu, nghĩa là cùng đau khổ và chết với Ngài. Bởi chỉ khi được đóng đinh vào thập giá với Đức Giêsu, người môn đệ được sai đi mới thực sự làm chứng Thiên Chúa giàu lòng thương xót, và nhận được “ơn bình an và lòng thương xót của Người” (Gl 6,15) để có thể trao ban bình an và lòng thương xót của Đấng phục sinh cho những người mình được sai đến rao giảng, loan báo.
Vì thế, người được sai đi đừng qúa tự tin cho rằng lời chúc bình an của mình lúc nào cũng có giá và hiệu nghiệm, mà bất cần đòi hỏi “trở nên một thụ tạo mới” nhờ mang trên mình những dấu tích thập giá Thương Xót của Đức Giêsu (x. Gl 6,15.17), là điều kiện để kín múc ơn bình an phục sinh của Đức Giêsu cho mình và cho người khác.
4/ Thiên Chúa an ủi, nâng đỡ người được sai đi:
Ngôn sứ Isaia tuyên sấm hạnh phúc có Chúa của những người bị ghét bỏ và trục xuất vì danh Đức Chúa (x. Is 66,5). Họ sẽ được “Thiên Chúa tuôn đổ ơn bình an tựa dòng sông cả”, “được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm trên hông, nâng niu trên đầu gối” (Is 66,12). Và Thiên Chúa phán với họ: “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,13).
Quả thực, niềm vui lớn của người được sai đi loan báo Tin Mừng chính là “được ban” và “trao ban” cho mọi người ơn Bình An của lòng Thương Xót Chúa và niềm hy vọng ở hạnh phúc thiên đàng.
Cùng với Giáo Hội, chúng ta nài xin Chúa ban Thánh Thần Tình Yêu và Hoan Lạc trên các người Chúa sai đi loan báo Tin Mừng, và xin Chúa đừng để các vị sao lãng tìm gặp Thiên Chúa bằng chiêm ngưỡng Đức Giêsu, Đấng được bao phủ bằng “quyền năng thương xót“ của Thiên Chúa, vì đã luôn từ chối “quyền lực thống trị“ khi được sai đến trong thế gian công bố Triều Đại Nước Thiên Chúa.
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/duoc-sai-di-loan-bao-tin-mung-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-xiv-thuong-nien-nam-c/