Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 06:37

5 Phút Mỗi Ngày Cho Lời Chúa - Tháng 12.2011 (Từ 01 đến 15)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 Lạy Chúa, bước vào Mùa Vọng, xin cho con mở lòng ra đón chờ Chúa đến và xin mở con mắt đức tin của con để con nhìn thấy những điều kỳ diệu Chúa đang thực hiện mỗi ngày trong cuộc sống quanh con.

 01/12/11 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV Mt 7,21.24-27

 

NGHE VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên Trời mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21)

Suy niệm: Chiều ngày 31/3/2011, một ngôi nhà 5 tầng thuộc quận Đống Đa, Hà Nội bỗng nhiên chuyển động và nghiêng dần khiến dân cư chung quanh hoảng sợ vội vã tránh xa. Trong thoáng chốc toàn bộ ngôi nhà cao tầng đó đã sụp đổ hoàn toàn và chỉ còn lại một đống hoang tàn. Tiếp sau sự cố ấy, báo chí phanh phui ra hàng loạt những ngôi nhà cao tầng khác ở Hà Nội và Sài Gòn cũng đang nghiêng trầm trọng và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Ai trong chúng ta biết nền móng của một ngôi nhà quan trọng như thế nào. Đối với ngôi nhà đức tin cũng thế. Ngôi nhà này được xây dựng trên nền móng là Lời Chúa. Muốn cho ngôi nhà đức tin kiên cố thì chúng phải được xây dựng trên nền móng vững chắc là việc thực thi Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Mời Bạn: Việc giữ đạo qua những thực hành như đi lễ đọc kinh là điều cần thiết nhưng chưa đủ; chúng ta còn phải thực hành Lời Chúa dạy trong những việc thuộc đời sống hằng ngày. Chính “chất” Tin Mừng thấm đậm bên trong những công việc thường nhật, là thứ bê tông chắc chắn biến đổi chúng trở nên nền tảng vững bền để xây dựng ngôi nhà đức tin, mà nếu không có chúng, đức tin sẽ chỉ là một đức tin chết.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi chọn một việc thường làm nhất trong ngày để làm một cách thật hoàn hảo theo tinh thần Phúc Âm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho chúng con luôn biết chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa và biết can đảm thực hành Lời ấy trong cuộc sống thường ngày. Amen.

 

 


02/12/11 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV Mt 9,27-31

 

SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN

Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. (Mt 9,29-30)

Suy niệm: Hẳn hai người mù này có tin vào Chúa Giêsu nên mới đi theo sau Ngài và nài van Ngài chữa lành cho họ. Nhưng Chúa Giêsu còn muốn họ công khai nói lên niềm tin đó. “Con mắt” đức tin của trái tim họ đã mở ra trước con mắt thể xác của họ. Câu trả của hai người mù xem ra đơn giản nhưng liệu con người ngày nay có dám tuyên xưng đức tin cách công khai như thế trong cuộc sống của mình không? Chúa đến để “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại và kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5); chúng ta có dám dùng đời sống và lời nói của mình để chứng thực cho điều đó không?

Mời Bạn: Có thể bạn đã biết Đức Kitô dù bạn chưa mang danh hiệu là kitô hữu; cũng có thể bạn là một kitô hữu nhưng vẫn “âm thầm” chưa sống trọn vẹn niềm tin của mình. Hôm nay, một lần nữa Chúa Giêsu hỏi bạn: “Con có tin là Ta làm được điều đó không?” Có thể bạn sẽ trả lời tin nhưng xin bạn đừng để lời đó chỉ là một lời nói suông; trái lại mời bạn mở cả trái tim ra cho Ngài và để niềm tin của bạn toả sáng trong lời tuyên xưng cũng như cả cuộc sống của bạn nữa.

Sống Lời Chúa: “Con người được nên công chính không phải vì làm những điều luật dạy nhưng là tin vào Đức Giêsu Kitô” (Gl 2,16). Mời bạn thể hiện lòng tin đó qua các việc làm: tham dự thánh lễ, cầu nguyện, hy sinh, bác ái…

Cầu nguyện: Lạy Chúa, bước vào Mùa Vọng, xin cho con mở lòng ra đón chờ Chúa đến và xin mở con mắt đức tin của con để con nhìn thấy những điều kỳ diệu Chúa đang thực hiện mỗi ngày trong cuộc sống quanh con.

 

 


 

 

03/12/11 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV Th. Phanxicô Xaviê, linh mục Mc 16,15-20

 

TIN ĐÁNG MỪNG

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

Suy niệm: Đã mang niềm vui trong lòng, ai cũng muốn đem ra chia sẻ. Tại đại hội Sea Games 26 vừa qua, nhiều vận động viên khi đạt huy chương thì việc đầu tiên họ làm là gọi điện thoại về cho những người thân yêu nhất để chia sẻ niềm vui. Một tin vui làm thay đổi số phận một cá nhân, làm nức lòng biết bao người mong đợi, làm vẻ vang cho gia đình, cho đất nước như thế ai lại không muốn loan đi thật mau, thật rộng để mọi người cùng vui? Thế thì chẳng lẽ đối với Tin Mừng cứu độ, chúng ta lại bưng bít? Niềm vui mà các môn đệ hăm hở chia sẻ chính là sự phục sinh của Thầy Giêsu. Niềm vui ấy như nước vỡ bờ. Bởi cái chết của Thầy đã làm các ông đau đớn tột độ, thì việc Ngài phục sinh càng đem lại cho các ông niềm vui vô song. Niềm vui đó không được phép đóng khung trong một nhóm khép kín mà phải được loan đi đến tận cùng thế giới.

Mời Bạn: Thánh Phanxicô Xaviê cảm nghiệm được giá trị của Tin Mừng, và đã không quản ngại khó khăn để ra đi loan báo cho người khác. Với ngài, dù được lời lãi cả thế gian cũng không vui bằng được biết Đức Kitô. Còn đối với bạn, đâu là niềm vui đích thực của bạn: Trúng số? Thành công?... Hay Đức Kitô? Bạn có cảm nghiệm được niềm vui vì được Đức Kitô, vì được cứu độ chưa?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để cảm nghiệm niềm vui được Chúa cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con chỉ có thể hăm hở loan báo Tin Mừng khi chính chúng con cảm nghiệm được niềm vui mừng trước những hồng ân Chúa ban. Xin soi lòng mở trí để chúng con nhận ra đâu là tin đáng mừng.

 

 


 

 

04/12/11 CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV – B Mc 1,1-8

 

DỌN ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN

“Hãy dọn sẵn con đường Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mc 1,3)

Suy niệm: Để xây dựng đất nước văn minh, việc phát triển hệ thống đường sá hiện đại là một yêu cầu tiên quyết. Bởi thế mà muốn biến các vùng đất hoang vu thành đô thị, khu công nghiệp, v.v… thì việc đầu tiên là phải làm đường; còn ở chính các đô thị, nếu hệ thống đường sá không kịp nâng cấp, mở rộng thì sẽ xảy ra cảnh ùn tắc giao thông làm chậm trễ mọi sinh hoạt, chưa nói tới hậu quả là tai nạn giao thông gia tăng, gây hại cho biết bao nhân mạng và tài sản. Nhưng đó là chuyện những con đường vật chất để phát triển cuộc sống ở đời này. Trong mùa Vọng, Tin Mừng mời gọi chúng ta “sửa đường” nhưng là sửa những con đường tâm linh để chuẩn bị mừng kỷ niệm việc Chúa nhập thể làm người hơn hai ngàn năm nay và đón tiếp Ngài sẽ đến với chúng ta bây giờ và trong ngày quang lâm.

Mời Bạn: Dọn đường! Bạn đừng nghĩ là chỉ đi xưng tội, trong khi con đường giao lưu giữa người với người đã bị tắc nghẽn vì giận hờn, ghen ghét… Ở bên nhau mà vẫn như nghìn trùng xa cách. Sửa đường! Bạn hãy nghĩ đến những ơ hờ lạnh nhạt đối với Chúa, gian dối với Ngài, với người khác và với chính mình, những hố sâu của tham lam, những khúc quanh của dối trá, những gồ ghề của ngang ngạnh… Chúa đang cần đi trên những con đường lòng chính trực, đơn sơ, hiền hòa, khiêm tốn đón nhận giáo huấn của Chúa, biết hy sinh chính mình để phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Xét mình xem tôi đang đi trên con đường nào, và cần sửa chữa ra sao.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi tham dự Thánh lễ, xin cho con biết dọn mình xứng đáng để rước Chúa vào lòng.

 

 


 

 

05/12/11 THỨ HAI TUẦN 2 MV Lc 5,17-26

 

LÒNG KHAO KHÁT CHÚA

Họ lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. (Lc 5,18)

Suy niệm: Mấy người khiêng anh bạn bại liệt không nói một lời, nhưng hành động của họ lại diễn tả mạnh mẽ họ khát khao gặp Chúa như thế nào. Chiếc cáng cồng kềnh, cùng với đám đông đã bít kín mọi lối dẫn họ đến với Đức Kitô; nhưng tất cả mọi chướng ngại đó đều không thể ngăn cản họ đem người bạn bại liệt đến với Chúa để được chữa lành. Họ đã tìm ra một cách không tưởng để đạt được điều họ khao khát: dỡ cả mái nhà, đưa bạn mình xuống để gặp được Ngài. Thấy lòng tin mạnh mẽ của họ, Chúa ban ơn gấp bội phần điều họ kêu xin: Ngài chữa lành bệnh phần xác lại còn tha thứ tội lỗi phần hồn. Về phần mình, anh bại liệt không chỉ đáp lại bằng một lời cám ơn, anh về nhà “vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 5,25).

Mời Bạn: Có lẽ số phận ngồi tù là một trong những hoàn cảnh bế tắc nhất của một người, thế nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản tâm hồn khao khát Chúa như ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm chứng: “Ban đêm, các tù nhân thay phiên nhau thờ lạy Chúa. Với sự hiện diện lặng lẽ, Chúa Giêsu Thánh Thể đã lam nên những việc kỳ diệu… Và thế là đêm tối của nhà tù đã trở thành ánh sáng Phục sinh… Nhà tù trở thành trường dạy giáo lý.” Với cuộc sống hiện đại dư thừa tiện nghi vật chất, người ta dửng dưng không cần đến Chúa. Phần bạn, điều gì thúc bách bạn khao khát tìm đến Chúa để được Ngài cứu độ?

Sống Lời Chúa: Trong ngày, bạn dành ít phút hồi tâm hoặc viếng Thánh Thể để khơi dậy lòng khao khát Chúa.

Cầu nguyện: Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong, hồn con luôn mong mỏi, tìm gặp Ngài, lạy Chúa.

 

 


 

 

06/12/11 THỨ BA TUẦN 2 MV Th. Nicôla, giám mục Mt 18,12-14

 

CÁCH TÍNH TOÁN CỦA CHÚA

“Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc?” (Mt 18,12)

Suy niệm: Nếu không coi con chiên lạc là quý thì người mục tử ắt hẳn đã không lặn lội đi tìm. Vả lại nếu tính toán theo giá trị kinh tế, thì người ấy ắt hẳn không chấp nhận công thức 1 > 99 để bỏ cả đàn chiên lại trên núi mà đi tìm con chiên lạc. Đối với Thiên Chúa, mỗi một con người đều có một giá trị không thể thay thế cho dù người đó là tội nhân. Bởi thế bất cứ ai lầm đường lạc lối, đều được Ngài yêu thương, và lặn lội đi tìm như thể trên thế gian này chỉ có một người ấy: “Con Người đến để tìm cứu chữa những gì hư mất” (Lc 19,10).

Mời Bạn: Nếu suy nghĩ với một đầu óc thực dụng, chúng ta sẽ không thể hiểu được tại sao “1” lại có giá trị hơn “99.” Trái lại, điều này sẽ trở nên rất dễ hiểu nếu chúng ta suy nghĩ theo lý lẽ của con tim; tựa như người mẹ lạc con, bà cũng sẽ coi mọi sự khác là không đáng kể và tất tả đi tìm đứa con bị lạc vậy.

Chia sẻ: Khi trong cộng đoàn có người làm điều sai lỗi, chúng ta dễ có thái độ nóng nảy kết án, tranh cãi hơn thua, từ đó, đánh mất tình bác ái huynh đệ, xúc phạm danh dự của nhau. Để tránh tình trạng đó, chúng ta phải làm gì?

Sống Lời Chúa: Để mở đường cho người tội lỗi hối cải, trước tiên bạn biết sám hối tội lỗi của mình và thường xuyên cầu nguyện cho người tội lỗi có lòng ăn năn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không muốn con đi lạc xa đường lối Chúa và Chúa cũng không muốn con cầu an thụ động khi anh em con lầm đường lạc lối. Xin cho con luôn biết dấn thân phục vụ vì vinh danh Chúa và vì lợi ích thiêng liêng cho anh chị em con. Amen.

 

 


 

 

07/12/11 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MV Th. Ambrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh Mt 11,28-30

 

HỌC VỚI THẦY GIÊSU

“Anh em hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)

Suy niệm: Các bậc võ sư công phu đã đạt tới mức thượng thừa bao giờ cũng có những ngón đòn ruột, những thế võ bí truyền mà các vị chỉ dạy cho những môn đệ thân tín nhất, những người trung thành và có khả năng kế thừa sự nghiệp của mình. Ngón bí truyền mà Thầy Giê-su dạy chúng ta “hãy học với Chúa” không phải là khả năng làm phép lạ chữa bệnh hay trừ quỉ, càng không phải là tài giảng thuyết hùng biện hấp dẫn. Đó là những đòn tuyệt chiêu đem lại chiến thắng trước kẻ thù hung hãn nhất là ma quỉ. • Đòn số Một: Hiền Lành, đòn này có thể khuất phục tất cả mọi thứ bạo lực. • Đòn số Hai: Khiêm Nhường, liên hoàn với đòn số một, có khả năng hoá giải được cả nọc độc kiêu căng của ma quỉ.

Mời Bạn: Lắm khi chúng ta tưởng lầm rằng hiền lành và khiêm nhường là dấu hiệu của sự yếu đuối, khiếp nhược hèn hạ. Xin bạn nhớ cho rằng nhờ hiền lành và khiêm nhường mà Thầy Giê-su đã tiêu diệt được tội lỗi và sự chết. Cứ chiêm ngắm cuộc đời và nhất là cuộc thương khó của Ngài thì rõ.

Chia sẻ: Cần phải có nghị lực thật mạnh mẽ và tâm hồn thật cao thượng mới có thể dùng “hiền lành và khiêm nhường” để chiến thắng bạo lực và kiêu căng. Bạn thảo luận xem có thật như thế không.

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm những biến cố trong cuộc đời Chúa Giê-su, đặc biệt trong cuộc thương khó của Ngài để thấy được đức “hiền lành và khiêm nhường” của Chúa, để mến phục, thấm nhiễm và sống như Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường vô cùng, xin dạy con biết sống như Chúa.

 

 


 

 

08/12/11 THỨ NĂM TUẦN 2 MV Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Lc 1,26-38

 

KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THể

“…Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,36-37)

Suy niệm: Con người ngày nay âu lo vì sống trong môi trường ô nhiễm: ăn rau thì lo dư lượng thuốc trừ sâu, mua trứng thì sợ trứng gà nhân tạo, thậm chí ăn chay với nước tương cũng sợ chất gây ung thư… Nạn ô nhiễm môi trường sinh học cảnh báo một sự ô nhiễm khác đang tàn phá ở tầng sâu hơn của đời sống con người, đó là sự ô nhiễm tinh thần, bị lộ diện qua tình trạng gian dối bất công tràn lan trong môi trường giáo dục, qua tính chất bạo lực và khiêu dâm trong lĩnh vực truyền thông và giải trí… Phải chăng con người bó tay trước vấn nạn nhức nhối này bởi vì biết bao nhiêu biện pháp khắc phục mà dường như không có hiệu quả? Đức Maria làm chứng và củng cố niềm hy vọng cho chúng ta bằng chính đời sống mẫu gương của Mẹ: sống vô nhiễm ở giữa môi trường ô nhiễm để thanh luyện và thánh hoá nó bởi vì ngài luôn phó thác trong niềm tin tưởng rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Mời Bạn: Bạn cũng “vô nhiễm” giống Mẹ khi bạn được tái sinh và được thánh hiến trong Bí tích Rửa Tội. Được thánh hiến như thế không phải để bạn rút lui, không “dính bén” gì với thế gian này kẻo lại bị ô nhiễm, mà trái lại, bạn được đặt để như “sen giữa lầy,” chẳng những “không hôi tanh mùi bùn” mà còn toả hương làm cho thế giới này tốt đẹp hơn nhờ đời sống thánh thiện của bạn. Mời bạn luôn học gương Đức Maria để sống vô nhiễm giữa một môi trường ô nhiễm.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa giải để sống chứng nhân thánh thiện như “sen giữa lầy.”

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin gìn giữ hồn xác con trong sạch, để như Mẹ, con luôn được có Chúa ở cùng.

 

 


 

 

09/12/11 THứ NĂM TUầN 2 MV Th. Gioan Điđacô Mt 11,16-19

 

ĐỪNG ÁP ĐẶT Ý CHÚA

“Tôi phải ví thế hệ này với ai. Họ giống như lũ trẻ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh không đấm ngực khóc than.’ ” (Mt 11,16-17)

Suy niệm: Thần thoại Hy lạp có kể câu chuyện một tên tướng cướp biệt danh là Procrustes. Hắn ta tính tình cổ quái, cướp của ai rồi, trước khi giết, hắn bắt người ấy nằm trên một cái giường; nếu người đó ngắn hơn, thì hắn kéo giãn ra cho vừa; còn nếu dài hơn, hắn chặt bỏ khúc dư. Không chỉ trong thần thoại Hy Lạp mà nơi những người đương thời với Chúa Giêsu cũng có cung cách tương tự khi Ngài sánh ví họ với đám trẻ nô đùa ngoài chợ: có những đứa bỗng dưng “nổi chướng” bắt các bạn phải khóc phải cười theo ý thích không giống ai của chúng.

Mời Bạn: Quả thật kiểu áp đặt thô bạo này vẫn có thể tồn tại ở mọi nơi và với mọi người. Lắm khi chúng ta thích lấy ý riêng mình làm khuôn mẫu bắt mọi người phải theo, và thậm chí còn áp đặt cả Thiên Chúa cũng phải nằm lên “cái giường của Procrustes” đó: đó là khi chúng ta bắt Thiên Chúa phải chiều theo lối giữ đạo “thời vụ” của mình, khi chúng ta lý luận, gia giảm, châm chước, “lách” luật Chúa cho phù hợp với nhu cầu của mình (chẳng hạn “lách” luật “giữ ngày Chúa Nhật”). Coi chừng bạn đang “tùng xẻo” cả Thiên Chúa đấy! Để có thể gạt bỏ mọi định kiến, và mọi áp đặt ý Chúa, trước tiên bạn hãy hồi tâm tìm lại sự bình an và sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa; và rồi mời bạn suy niệm Lời Chúa nói, chiêm ngắm cách Chúa làm. Lúc đó bạn sẽ thấy được ý Chúa.

Sống Lời Chúa: Trung thành với việc suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa.

 

 


 

 

10/12/11 THỨ BẢY TUẦN 2 MV Mt 17,10-13

 

NHẬN RA CHÚA KHI NGÀI ĐẾN

“Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra ông, nhưng đã đối xử với ông theo ý họ muốn.” (Mt 17,12)

Suy niệm: Có người chơi chữ nên giải thích theo nguyên ngữ La Tinh rằng “Mùa Vọng” (adventus) là mùa “phiêu lưu” (adventurus), –cả hai từ đều chung một gốc advenire, có nghĩa là “đến”– mùa “phiêu lưu” của Chúa! Quả thật Thiên Chúa đã làm một cuộc phiêu lưu khi thực hiện cuộc giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Để làm điều đó, chưa kể đến cuộc chuẩn bị kéo dài miên viễn, mà “khi thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4,4) Con của Ngài sinh xuống làm người, cuộc giải cứu đã có nguy cơ bị bóp vỡ từ trong trứng nước. Nhưng bi đát nhất là chính những con người mà Ngài đến để giải cứu lại không nhận ra Ngài. Sở dĩ ta chưa nhận ra Ngài vì ta thường ép nặn một Thiên Chúa cho vừa cái khuôn theo ý riêng mình, lấy đường lối của mình thay thế đường lối của Thiên Chúa và bắt Ngài phải đi theo con đường của mình. Cho nên khi Chúa sinh ra trong hang đá nghèo hèn, sống khó nghèo với người nghèo, chết chôn nhờ mồ người khác, thì con người không thể nhận ra Ngài. Thật đáng tiếc thay!

Mời Bạn: Có thể bạn đã quen với hình ảnh một Hài Nhi “được vấn tã đặt nằm trong máng cỏ;” thế nhưng khi Chúa đến theo đường lối khiêm hạ, nghèo hèn giữa muôn người nghèo để có thể sống với và sống cho người nghèo, bạn có bị che khuất không nhận ra Ngài không?

Chia sẻ kinh nghiệm về việc nhận ra một lần Chúa đến trong đời bạn.

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng đón nhận và giúp đỡ những người nghèo hèn, bất hạnh vì Chúa đến trong những người đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ ý riêng và có tâm hồn rộng mở để có thể nhận ra Chúa đang đến với con.

 

 


 

 

11/12/11 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – B Ga 1,5-8.19-28

 

LÀM CHỨNG VỚI LỜI NÓI “KHÔNG”

Và đây là lời chứng của ông Gioan…: “Tôi không phải là Đấng Kitô.” (Ga 1,6-7)

Suy niệm: Đại hội Sea Games 26 đã khép lại nhưng trong lòng người hâm mộ Việt Nam vẫn còn một nỗi buồn trĩu nặng, không phải vì đội tuyển bóng đá thân yêu để vuột mất giấc mơ vàng, mà chính vì nghi vấn các cầu thủ đã bán độ: Phải chăng họ đã không thể nói “không” trước cơn cám dỗ của bạc tiền?

Có thể nói Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ biết nói “không.” Quả thực Gioan đã nói “không” ngay từ lúc ngài khước từ một cuộc sống an nhàn bình lặng–và chắc chắn được nể trọng–trong chức vụ tư tế thừa hưởng từ cha mình là Dacaria. Ngài đã nói “không” đối với chính mình khi chọn một cuộc sống khổ hạnh để thực thi sứ mạng giới thiệu Đấng Cứu Thế. Ngài nói “Tôi không phải là Đức Kitô” để Đức Kitô đích thực được nhận biết, được tin theo và được yêu mến.

Mời Bạn: Mọi hình thức tham lam – tham danh hám lợi, đam mê dục vọng, ham hố địa vị quyền lực – đều nhằm thoả mãn cái tôi ích kỷ, muốn hưởng thụ và thống trị. Chẳng chóng thì chầy, cái tôi đó sẽ tiến tới chỗ loại bỏ Thiên Chúa để đặt mình làm chúa tể. Bạn được mời gọi làm chứng bằng cách dám nói “không” trước mọi thứ tham lam đó, để cái tôi ích kỷ “phải lu mờ đi” và để Đức Kitô “nổi bật lên” (Ga 3,30).

Chia sẻ: Bạn đang làm những việc tự bản chất hết sức tốt đẹp, nhưng biết đâu bạn đang bị thúc đẩy bởi những động lực tiềm ẩn của cái tôi ích kỷ. Làm thế nào để khám phá và điều chỉnh chúng?

Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình để nhận biết và loại bỏ những động lực ích kỷ trong các hoạt động.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp con xoá bỏ cái tôi ích kỷ nơi con để Chúa được nhận biết và tin yêu nơi tha nhân.

 

 


 

 

12/12/11 THỨ HAI TUẦN 3 MV Đức Mẹ Guađalupê Mt 21,23-27

 

QUYỀN BÍNH VÌ SỨ MẠNG

Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” (Mt 21,23)

Suy niệm: Chúa Giê-su từng phân tích hai lối dùng quyền bính, một của thói đời và một của những người theo Ngài. Theo thói đời, những người nắm giữ quyền bính thường dùng mọi phương tiện để thống trị dân (Lc 22,25). Chính vì tham vọng thống trị, nên họ thường tìm mọi cách tiêu diệt những ai bất phục họ. Thái độ của các thượng tế và kỳ mục đối với Chúa Giêsu trong câu Tin Mừng trên là một bằng chứng. Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài rằng quyền bính là để phục vụ cho sứ mạng. Chúa Giê-su đã sống như thế. Chúa Cha đã ban cho Người mọi quyền bính trên trời dưới đất (Mt 28,18), nhưng Ngài không bày tỏ quyền uy để thống trị, mà cốt để ý muốn Chúa Cha thể hiện dưới đất. Thậm chí, Ngài còn hiến mạng sống cho sứ vụ. Nói cách khác, quyền bính Ngài không uy hiếp bất cứ ai; trái lại, để đưa dẫn con người vượt thắng uy lực của sự dữ và cứu độ con người.

Mời Bạn: Nhìn ngắm mẫu gương Chúa Giêsu sử dụng quyền bính để kiểm điểm bạn đang sử dụng quyền bính thế nào: Bạn thấy mình phải sửa đổi điều gì?

Chia sẻ: Vì sao quyền bính trần thế thường gây xung đột với quyền bính của Giáo Hội?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày có một hành động phục vụ người thuộc quyền mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết cảm tạ Chúa về những vai trò Chúa giao phó cho con, cho con biết sử dụng quyền Chúa ban để giúp anh chị em con đến gần Chúa, sống tín thác vào Chúa hơn. Xin cho con nhận thức rằng, Chúa muốn con làm theo gương Chúa.

 

 


 

 

13/12/11 THỨ BA TUẦN 3 MV Th. Luxia, trinh nữ, tử đạo Mt 21,28-32

 

ĐỨC TIN KHÔNG TỰ MÃN

“Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21,31)

Suy niệm: Hoán cải, thay đổi đời sống là bằng chứng cụ thể của người tin. Những người thu thuế và các cô gái điếm, bị xem là những người tội lỗi, nhưng lại xứng đáng với Nước Thiên Chúa vì đã biết hoán cải nhờ tin vào lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả. Nhờ lòng tin này, họ được vào Nước Thiên Chúa trước các thượng tế và kỳ mục, những người tự mãn cho mình là thanh sạch và xứng đáng hơn. Chúa Giêsu đã tuyên bố điều này để cảnh cáo thái độ tự mãn của các thính giả của Ngài dẫn đến chỗ cứng lòng không tin và không chịu hoán cải.

Mời Bạn: Muốn được cứu độ nhất thiết có đức tin. Tuy nhiên, tự mãn trong đức tin là điều rất nguy hiểm. Nó làm cho con người ù lì, cứng lòng, không chịu hoán cải và tệ hại hơn cả là lấy mình làm tiêu chuẩn đánh giá người khác. Trước mặt Chúa, chẳng ai trong chúng ta là người hoàn hảo, nắm trọn chân lý đức tin. Vì vậy, mỗi một người đều cần phải biết hoán cải, làm mới bản thân mỗi ngày để biết ngày càng sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng hơn.

Chia sẻ: Bạn tin vào Chúa, tất nhiên, nhưng bạn có những cách thế nào để làm chứng cho niềm tin đó?

Sống Lời Chúa: Nhắc lại Lời Chúa “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26) để cố gắng thăng tiến đức tin mỗi ngày bằng hành động cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhờ đức tin chúng con được hưởng ơn Cứu độ. Nhưng xin Chúa giúp cho chúng con biết sống niềm tin vào Chúa bằng việc hoán cải và canh tân đời sống mỗi ngày theo những đòi hỏi cấp thiết của Lời Ngài. Amen.

 

 


 

 

14/12/11 THỨ TƯ TUẦN 3 MV Lc 7,16-23

 

DẤU HIỆU ĐỂ NHẬN RA CHÚA

“Ngài là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Đấng nào khác?” (Lc 7,19)

Suy niệm: Dân Do Thái thao thức trông đợi Đấng Cứu Tinh sẽ đến như lời Thiên Chúa đã hứa; thế mà khi Chúa Giêsu đến và ở giữa họ, họ lại không nhận biết. Họ đã mong đợi một Đấng Cứu Thế theo lối suy nghĩ của họ chứ không phải theo đường lối của Thiên Chúa. Chính vì mang cùng một lối suy nghĩ đó mà các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã rơi vào tâm trạng hoang mang về Chúa Giêsu: Ngài được giới thiệu là Chiên Thiên Chúa, nhưng liệu Ngài có phải là Đấng phải đến hay không? Chúa Giêsu đưa ra cho họ dấu hiệu để phân định bằng cách nhắc lại lời ngôn sứ Isaia: “…người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Mời Bạn: Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế để giải thoát con người ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi; nhưng con người lại mong chờ một cuộc giải phóng bằng quyền lực để thoả mãn những nhu cầu của họ ở trần thế này. Họ muốn thoả mãn khát vọng thống trị bằng tiền của và quyền lực. Con Thiên Chúa làm người trong khó nghèo, khiêm tốn để đem lại tình yêu, an bình và sự sống. Phải loại bỏ cái nhìn thế tục thì con người mới có thể nhận ra Con Thiên Chúa nhập thể trong thế gian.

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm: Trong cách sống của tôi có điều gì đi ngược với tinh thần khiêm nhu, nghèo khó của Tin Mừng không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở mắt đức tin cho con, để con nhận ra Chúa đang đến với con trong mỗi việc con làm, và trong từng người con gặp gỡ.

 

 


 

 

15/12/11 THỨ NĂM TUẦN 3 MV Lc 7,24-30

 

NGÔN SỨ BẰNG CẢ CUỘC SỐNG

“Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ ư? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.” (Lc 7,26)

Suy niệm: Ngôn sứ không phải chỉ là một cái tên, một chức vụ, nhưng là cả một đời sống: ngôn sứ là người nói Lời Thiên Chúa, là người thi hành sứ mạng Thiên Chúa giao phó. Gioan Tẩy Giả không phải là con người dễ dãi, ba phải như cây sậy trước gió, cũng không phải là người đi tìm cuộc sống xa hoa trong cung điện nhưng là người dám chấp nhận lối sống đạm bạc, đơn sơ khó nghèo, ăn châu chấu, uống mật ong và hơn thế nữa, chấp nhận tù đày và mất mạng khi dám nói lên sự thật, lên án lối sống vô luân của vua Hêrôđê. Chính vì thế, Chúa Giêsu xác nhận Gioan là ngôn sứ và “còn hơn cả ngôn sứ nữa.”

Mời Bạn: Nếu chỉ để phổ biến một thông tin thì Gioan hà tất phải sống như thế và phải chết như thế. Tự bản chất, Kitô hữu là một ngôn sứ. Tôi đã sống như một ngôn sứ của Chúa chưa? Hay chỉ là Kitô hữu trên chức danh mà thôi? Tôi có hành xử cách xuê xoa, “linh động” đến nỗi nhu nhược, thoả hiệp với sự xấu, không dám nói lời Thiên Chúa?

Chia sẻ: Thảo luận cách thực thi chức vụ ngôn sứ trong nhóm, đoàn thể của bạn. Thử đề nghị vài việc cụ thể: chia sẻ Lời Chúa trong nhóm, nhắc nhau sống đạo, rủ nhau làm việc tông đồ, v.v…

Sống Lời Chúa: Trong giờ kinh của gia đình và nhóm của bạn, cầu nguyện cho một người anh em lương dân và tìm nhiều cách giới thiệu Chúa cho người đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã thông truyền cho con chức vụ Ngôn sứ cao cả của Chúa trong bí tích Rửa tội. Xin Chúa cho con luôn ý thức mỗi ngày và cố gắng chu toàn sứ mạng đó trong từng phút giây của đời sống.

 

Nguồn: http://giaophanvinh.net

 

Read 1487 times Last modified on Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 07:05