Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 22 Tháng 8 2022 20:03

Vụ hình thức

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Vụ hình thức


23.8 Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi-Nhất Mùa Quanh Năm

St 2:1-3,14-16; Tv 96:10,11-12,13; Mt 23:23-26

Vụ Hình Thức

Chúa Giê-su lại tiếp tục nặng lời lên án những người biệt phái và luật sĩ vì họ nệ vào việc thi hành lề luật mà bỏ qua đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin. Chỉ có Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật mới thấu suốt mọi bí ẩn gian dối bên trong con người, và chỉ có Người mới lên tiếng để chấn chỉnh cách sống giả hình ấy. Người nói với họ: “các ngươi gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà”, “rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn”.

Trong chương 23 của sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Chúa Giêsu nói tới bảy lần “Khốn cho các ngươi…” (c. 13.15.16.23.27 và 29): bài Tin Mừng hôm qua ba lần, bài Tin Mừng hôm nay hai lần và bài Tin Mừng ngày mai hai lần còn lại:

Khi nói “khốn cho các người”, Chúa Giêsu có vẻ rất nặng lời, nếu chúng ta hiểu đó lời chúc dữ hay nguyền rủa, theo đó những người này, với cách hành xử như thế, sẽ chuốc lấy án phạt nặng nề hay sẽ gặp nhiều tai họa. Tuy nhiên, đó đúng hơn là những lời ta phán, có giá trị mặc khải căn bệnh người ta đang có nhưng không nhận ra; và bệnh tình tự nó đó có những hậu quả tiêu cực cho mình và cho người khác rồi. Tương tự như những “bất hạnh” mà ngôn sứ Isaia đã công bố (Is 5, 8-24 và 10, 1-11, trong những câu này, vị ngôn sứ nói “Than ơi!” đến 8 lần). Chúa Giêsu không bao giờ nguyền rủa hay chúc dữ con người; bởi lẽ sứ mạng của Người chẳng phải là cứu thoát chúng ta khỏi những lời chúc dữ đó sao? Như Người đã nói: “Thầy đến không phải kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi” (9, 13)?

Con người ban đầu có thể từ chối Chúa Giêsu, nhưng sau đó, lại hối hận, cho dù là thật trễ, và tuyên xưng: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” (c. 39); tương tự như người con thứ nhất ban đầu từ chối lời mời gọi đi làm vườn nho, trong dụ ngôn người cha có hai người con, “nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi” (Mt 21, 29). Trong lời nói của các ngôn sứ, nếu lời hứa cứu độ đã được công bố tiếp theo sau những lời đe dọa về những tai họa sẽ đến (Os 2, 8.11.16 hoặc Is 6, 13), thì cũng vậy, trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, câu cuối cùng này của chương 23: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” trồi hiện lên như là niềm hi vọng rạng ngời bao bọc toàn bộ bảy lời than trách.

Qua những lời, có thể nói, thật “đắng” như thuốc chữa bệnh, Đức Giê-su muốn mặc khải cho những người Pha-ri-sêu và những nhà thông luật, rằng lối suy nghĩ và hành động của họ, là một thứ bệnh; và vì là bệnh, giống như bệnh thể lý, phải có người khám bệnh và cho biết đó là bệnh gì; ngoài ra, như chúng ta đều biết và đôi khi có kinh nghiệm, bệnh tật, tự nó là một bất hạnh. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta có thể diễn đạt lại lời của Đức Giê-su như sau: “bất hạnh cho các người”. Nếu là như thế, ở mức độ nào đó, chúng ta cũng phải được đánh động bởi những lời này của Chúa Giêsu, và nhất là để cho mình bị đụng chạm !

Nhưng Chúa Giêsu, với tư cách là thầy thuốc, Ngài không chỉ chuẩn bệnh, nhưng con chữa bệnh nữa. Ngài chữa lành căn bệnh của chúng ta không chỉ bằng lời mặc khải, nhưng còn bằng chính cách sống của Ngài với con người và Thiên Chúa Cha. Như con rắn đồng xưa (Ds 21, 4-9), ai nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, thì sẽ được chữa lành, chữa lành khỏi (Ga 3, 17-19):

Căn bệnh ghen tị: điều tốt, là Nước Trời và là chính ngôi vị Chúa Giêsu, mình không có, thì người khác không được quyền có.

Căn bệnh coi mình, những kinh nghiệm, những quan niệm, những hệ tư tưởng, những lí thuyết, những nguyên tắc của mình là tuyệt đối.

Căn bệnh lệ luật, nghĩa là coi sự công chính của con người đến từ việc giữ luật thật chi li, thay vì đến từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Chúa Giêsu Ki-tô; lệ luật còn là coi luật trọng hơn sự sống, trong khi luật được ban là để phục vụ cho sự sống.

Căn bệnh danh lợi, nghĩa là chỉ thi những luật mang lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế, nhưng lại bỏ qua công lý và lòng nhân.

Căn bệnh hình thức, nghĩa là thi hành thật chặt chẽ những nghi thức thanh tẩy, nhưng đàng khác, trong lòng “ đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ”!

Lời Chúa dạy chúng ta chấn chỉnh lại cuộc sống đao của mình, nhất là trong thời đại này, trong xã hội nhiều giả dối này. Chúa muốn chúng ta phải giữ sao cho cuộc sống mình không thấm nhiễm tinh thần thế tục toàn những thứ giả dối. Chúa tha thiết mời gọi chúng ta chú trọng đời sống đức tin tinh tuyền, đức cậy trông vững chắc, và đức mến Chúa phải được thể hiện bằng lòng xót thương và công bình với mọi người.

Quả thực, xã hội chúng ta đang sống quá đầy đủ những tiện nghi vật chất văn minh hiện đại, nhưng lại thiếu cái quan trọng là niềm tin, tình thương và đức công bằng. Không tin vào Thiên Chúa vì ảo tưởng trần gian hạnh phúc. Không dám tin vào nhau vì quá nhiều sự giả dối. Bệnh vô cảm tràn lan vì lòng người đang hẹp lại. Bất công nhan nhãn khắp nơi, tư bề.

Không thiếu những người mang danh nghĩa công giáo sống đạo yêu thương mà lại đang sống cách vô thần, vô cảm, bất công trong nhà ngoài cửa. Không phải là vẫn đang còn những biệt phai là luật sĩ trong thời đại này, xã hội này đó sao? Lời Chúa đang thôi thúc chúng ta lội ngược dòng đời gian dối.


Huệ Minh

Read 270 times