Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 14 Tháng 9 2022 11:29

Sầu nhưng không bi

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sầu nhưng không bi


15.9 Đức Mẹ Sầu Bi

1 Cr 15:1-11; Tv 118:1-2,16-17,28; Lc 7:36-50

Sầu nhưng không bi

Tước hiệu "Đức Mẹ Sầu Bi" tập trung vào các nỗi thống khổ của Đức Maria trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, luôn luôn kết hợp Đức Mẹ với Người Con đau khổ của Mẹ. Lễ này được cử hành như kết thúc tuần bát nhật mừng sinh nhật Đức Mẹ mùng 8 tháng 9.

Như thế, ít nhất kể từ thế kỷ thứ mười hai, người Công giáo đã nhận ra bảy sự kiện trong cuộc đời của Đức Maria đã gây ra nỗi đau buồn lớn cho Mẹ. Đó là lý do tại sao hình ảnh Đức Mẹ Maria với tư cách là Đức Mẹ Sầu Bi thường cho thấy Mẹ với bảy thanh gươm xuyên thủng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Đôi khi Mẹ cũng được biểu trưng bằng một trái tim có cánh bị đâm bằng bảy thanh kiếm. Những thanh kiếm tượng trưng cho những nỗi đau buồn của Mẹ.

Bảy nỗi đau buồn của Mẹ Maria:

1. Lời tiên tri của Simêon (Luca 2: 25-35)

2. Trốn sang Ai Cập (Mátthêu 2: 13-15)

3. Lạc mất Hài Nhi Giêsu trong ba ngày (Luca 2: 41-50)

4. Mẹ Maria gặp Chúa Giêsu trên đường lên đồi Canvê (Luca 23: 27-31; Gioan 19:17)

5. Cuộc đóng đinh và cái chết của Chúa Giêsu (Gioan 19: 25-30)

6. Tháo xác Chúa Giêsu khỏi Thập giá (Thánh vịnh 130; Luca 23: 50-54; Gioan 19: 31-37)

7. Táng xác Chúa Giêsu (Isaia 53: 8; Luca 23: 50-56; Gioan 19: 38-42; Máccô 15: 40-47)

Ngày lễ này được dành để tôn vinh cuộc tử đạo thiêng liêng của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và sự thông phần của Mẹ với những đau khổ của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Con của Mẹ. Trong sự đau khổ của mình, Mẹ nhắc nhở chúng ta về sự xấu xa khủng khiếp của tội lỗi và chỉ cho chúng ta con đường hoán cải thật.

Sự đau buồn lớn lao của Mẹ là chứng kiến Con Yêu dấu của Mẹ chết trên thập giá và không thể chết thay cho Ngài. Nhưng nỗi đau khổ lớn nhất của Đức Mẹ là sự vô ơn của con người đối với sự hy sinh và cái chết lớn lao của Chúa Kitô. Chỉ mình Mẹ biết và hiểu hoàn toàn những gì Chúa Kitô đã chịu đựng để cứu rỗi chúng ta. Chỉ một mình Mẹ nhận ra và thấu hiểu nỗi kinh hoàng của tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng nhân từ, là tình yêu và lòng thương xót vô hạn. Chỉ một mình Mẹ hoàn toàn hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự tốt lành; con người được tạo ra từ hư không, không thể tự mình làm điều tốt lành. Tất cả những gì chúng ta làm, tất cả ân sủng chúng ta sở hữu, đều đến từ Thiên Chúa. Để ân sủng đó hoạt động trong chúng ta, chúng ta phải hợp tác với ân sủng.

Sống ở đời này, ai trong chúng ta cũng phải kinh qua đau khổ. Ta không đau khổ vì điều này thì sẽ đau khổ vì điều khác. Đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì bất công, vì thiên tai, vì nhân tai. Đau khổ vì bị tù đầy, bị kỳ thị, bị khinh khi, miệt thị. Và đau khổ lớn nhất của thân phận nhân loại chúng ta đó là vì sự chết chóc đau thương. Nhưng đứng trước mọi nỗi đau khổ, Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hay đón Đức Mẹ về nhà mình, đón Mẹ về với tâm hồn mình để Mẹ dạy cho ta con đường tin yêu, hy vọng ngay trong nỗi đau khổ tột cùng.

Trái tim của Mẹ Maria nên một với Trái tim của Người Con Thần Linh của Mẹ. Nỗi đau buồn của Mẹ không phải vì những gì Mẹ phải chịu, mà vì những gì mà Người Con Thần Linh của Mẹ phải gánh chịu. Tình yêu không bao giờ nghĩ đến bản thân. Nếu Chúa Giêsu thuộc về tội nhân, thì Mẹ cũng thuộc về tội nhân như vậy.

Khi xưa, Mẹ Maria đã không có thể chạy trốn hoặc có thể làm giảm đi nổi đau khổ của mình khi Mẹ đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu. Và đó là điểm mà chúng ta được mời gọi để suy tư. Đức Mẹ đã không cố gắng chối bỏ và không chịu chấp nhận những giây phút đau đớn của sự mất con. Ngược lại Mẹ đã chấp nhận “thập giá” của mình nơi núi sọ; với niềm tin tưởng rằng bằng cách nào đó Thiên Chúa sẽ mang sự cứu rỗi cho nhân loại qua cái chết đau thương của đứa con trai của mình.

Bằng cách này Mẹ Maria cho chúng ta thấy Mẹ đã đón nhận ý của Thiên Chúa như thế nào, cho dù điều đó sẽ làm cho mẹ không vui. Qua việc làm này Mẹ Maria cho chúng ta thấy được ân sủng của Thiên Chúa làm việc như thế nào trong những lúc sầu khổ.

Với Mẹ Maria, dù phải đứng dưới chân thập giá và phải chứng kiến cái chết thảm thương của con Mẹ là Đức Giêsu, nhưng lòng mẹ vẫn ngập tràn niềm tín thác vào quyền năng và tình thương của Đấng Tối Cao. Về mặt xác thịt con người, chắc chắn lòng mẹ không khỏi tan nát, buồn đau, nhưng trong lòng tin, Mẹ vẫn có được niềm hy vọng hướng về tương lai tươi sáng của sự phục sinh vinh hiển của con Mẹ. Vì lẽ đó, hôm nay chúng ta mừng lễ với Mẹ: Vui mừng với Mẹ, vì khi gặp nỗi khổ đau tột cùng là phải chứng kiến cái chết thê thảm của con Mẹ, Mẹ vẫn không để nỗi khổ đau ấy bóp chết con tim yêu mến và ngập tràn hy vọng của Mẹ.
Huệ Minh

Read 247 times Last modified on Thứ năm, 15 Tháng 9 2022 19:35