Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 22 Tháng 9 2022 06:54

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần 26 Mùa Thường Niên Năm C

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần 26 Mùa Thường Niên Năm C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 16, 19-31)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: "Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng: 'Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này'. Abraham nói lại: 'Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được'. Người đó lại nói: 'Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này'. Abraham đáp rằng: 'Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài'. Người đó thưa: 'Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải'. Nhưng Abraham bảo người ấy: 'Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu'".

 

Suy niệm

 

Khi chủ nghĩa hưởng thụ được quan tâm và đang thu hút nhiều người đi vào quỹ đạo của nó, con người phần nào đang đánh mất dần định hướng tương lai của bản thân về vấn đề sử dụng tiền bạc, của cải, đồng thời, lối sống thực dụng cũng tác động không ít vào lối sống hưởng thụ đó, tạo cho con người một góc nhìn mới về tương quan cộng đồng, đặc biệt là với những người nghèo, những người đang thiếu thốn cái ăn, cái mặc và một mái ấm che nắng mưa giữa cuộc đời. Lời Chúa trong những tuần lễ gần đây, đang gợi lại những bài giáo huấn của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, những dụ ngôn của Đức Giesu trong sứ mạng của Ngài, tất cả hướng về một mục đích là việc sử dụng vật chất, tiền của sao cho thích hợp và xứng đáng trong việc tôn trọng tình người.

 

 

Bất cứ thời đại nào, bất cứ dân tộc nào cũng có những bất công, những chênh lệch trong cuộc sống, giữa người này với người kia, giữa gia đình này với gia đình nọ, Thánh kinh luôn dẫn lời dạy của Thiên Chúa dành cho con người, hãy biết sống và sử dụng những phương tiện, những nhu cầu tiện ích sao cho công bằng, sao cho hợp lý và thắm đậm tình người. Vậy mà, ngay từ thời xa xưa, và mãi đến thời các tiên tri cũng không tránh khỏi những bất cập này, người giàu, vì sự sang giàu về vật chất, đã coi thường, đã khinh miệt người nghèo, trái lại, người nghèo luôn mong mỏi được tôn trọng, dù chỉ bằng với những con vật nuôi trong nhà. Bài đọc 1 trích từ sách tiên tri Amos, đã vẽ lại bức tranh tương phản đó, đang tồn tại giữa cộng đoàn dân riêng của Thiên Chúa: “Ðây Chúa toàn năng phán: "Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; người ta nghĩ mình như Ðavit, có những nhạc khí, dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa". Vòng tay Thiên Chúa cũng như ngôi nhà của Ngài, luôn có chỗ đứng của tất cả mọi người, chỉ có con người loại trừ nhau, chỉ có con người phân chia tha nhân ra nhiều thái cực, để rồi chính những người giàu, tự mình đánh mất chổ đứng trong vòng tay và ngôi nhà của Thiên Chúa.

 

Trước một xã hội nhiễu nhương, những giá trị tinh thần bị đảo lộn, giá trị con người bị đánh giá thấp hơn những giá trị vật chất, thánh Phaolo đã nhắc nhở người học trò của mình, trước hết là hãy ý thức mình là người của Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa, vì thế, cần phải đặt những giá trị tinh thần trên tất cả những giá trị thuộc về thế gian. Lời nhắc đó được Mẹ Giáo hội nhắc lại trong bài đọc 2 hôm nay, và cũng là lời mời của Mẹ Giáo hội gởi về cho con cái đang sống trong một xã hội thiên về vật chất và hưởng thụ: “Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng”. Để có thể vượt qua những cám dỗ, những lời mời gọi đường mật của vật chất, con người cần đối diện với một chọn lựa, một bên là hưởng thục phút giây hiện tại, một bên là hạnh phúc trong tương lai và ngày sau hết. Nếu biết can đảm vượt qua những thách đố lớn đó, người môn đệ của Thiên Chúa sẽ được trọng thưởng trong ngày sau hết của cuộc đời.

 

Hình ảnh người giàu, người nghèo trong bài tin mừng tuần lễ này, cũng đang tồn tại trong xã hội hôm nay, và có thể nói là rất nhiều, bởi con người tự mình đặt ra những giá trị cho các phương tiện, cho những đồ vật và những nhu cầu cuộc sống, cao hơn giá trị của một con người, do đó, sự chênh lệch giàu nghèo, thái độ dửng dưng người giàu dành cho người nghèo ngày càng rõ nét và khắc đậm trong suy nghĩ của con người. Người giàu có và anh chành Lazaro trong câu chuyện sau, đại diện cho hai giai tầng trong xã hội: người giàu và người nghèo: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: "Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho”. Khi còn sống, khoảng cách về địa lý giữa hai người rất gần, có thể nói là bên cạnh nhau, nhưng thái độ dửng dưng và chênh lệch về giá trị vật chất, đã ngăn cách hai người đến với nhau trong sự trân trọng và ấm áp tình người. Người nghèo chỉ ao ước được ăn những mảnh vụn rơi xuống từ bàn ăn của người giàu, giá trị của người nghèo chưa bằng giá trị của một con chó trong gia đình người giàu. Dù biết khoảng cách giàu nghèo giữa gia đình mình với người nghèo là vậy, nhưng ông nhà giàu vẫn dửng dưng, vẫn vô cảm, để rồi sau đó, ông hối hận không kịp cho phần phúc cuộc đời.

 

Thiên Chúa không dạy con người chỉ làm việc đủ sống, đủ ăn, nhưng Ngài còn động viên họ hãy ra công làm việc, có của cải thật nhiều, rồi hãy dùng nó như một phương tiện để kết nối tình huynh đệ cộng đoàn bằng việc chia sẻ, giúp đỡ và đồng hành với tha nhân. Của cải trong tay của người giàu đến từ lao động và công sức của họ, không ai phủ nhận, nhưng nếu họ biết dùng của cải đó đúng với tinh thần của tin mừng, đúng với giá trị của chúng là phương tiện, ắt họ sẽ dùng vào việc phúc đức, dùng vào việc chia sẻ và giúp đỡ những người khó khăn và thiếu thốn, những người đang gặp hoạn nạn do bệnh tật, thiên tai và tuổi già. Câu chuyện người giàu sống bên cạnh kẻ nghèo trên, hướng con người đến chỗ biết nhận định những giá trị trong cuộc sống hiện tại. Đâu là giá trị tinh thần có thể đem lại cho bản thân lợi ích mai sau, đâu là giá trị tinh thần đem lại lợi ích hiện tại cho cá nhân, cho gia đình với những hình thức bên ngoài như khen thưởng, như tính công phúc trước mặt người đời. Con người còn được mời gọi biện phân những giá trị cao hơn, đó là giá trị của con người, một tạo vật manh họa ảnh Thiên Chúa và hơi thở của Ngài, ắt sẽ cao hơn giá trị của một con vật vô tri giác, của một đồ vật hạ đẳng giữa thế giới này.

 

Khi con người biết nhận định, biết biện phân, biết chọn lựa và biết sử dụng của cải, vật chất như Thiên Chúa hướng dẫn, ắt họ sẽ thấy bình an trong tâm hồn, sẽ thấy hạnh phúc khi được chia sẻ với tha nhân đang gặp khó khăn, sẽ thấy ấm áp tình huynh đệ cộng đoàn với mọi người gần xa, dù sự chia sẻ đó chỉ là một tấm chăn, một chiếc áo ấm áp mùa đông, một vài ký gạo cho những gia đình đang gặp thiên tai, hạn hán. Chia sẻ khó khăn với những người thiếu thốn không bao giờ là công việc có hồi kết, nhưng luôn có và luôn đón mời, nếu giữ được ngọn lửa tin mừng trong mọi hành vi sống đạo, người tín hữu Kito luôn thao thức được thực hiện công việc thiện nguyện đó, dù đó chỉ là một con người bình thường, một gia đình chỉ đủ ăn đủ mặc và đủ sống mà thôi. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo hôm nay rất gần, rất sát bên cạnh, nhưng trong ngày sau hết, khoảng cách đó rất xa và xa vời vợi, như một vực thẳm, đến nỗi bên này muốn sang bên kia không được, ai có thể giúp người giàu có được hạnh phúc mai sau, nếu không phải là người nghèo, ai sẽ giúp người giàu được vào ngôi nhà hạnh phúc trên trời, nếu không phải là những người sống bên cạnh mình, đang thiếu thốn, đang đau khổ và đang bất hạnh giữa dòng đời. Thiên Chúa chỉ gợi nhắc bởi Ngài luôn tôn trọng sự tự do của con người. Hãy biết chọn lựa và hành động, kẻo không còn cợ hội vàng như thế nữa, để mai sau tất cả cùng chung bàn tiệc trên Nước Trời.

 

Lạy Chúa Giesu, để lời dạy của Chúa trở nên mạnh mẽ và là động lực cho con người, Chúa đã đến và ở với người nghèo, xin dạy chúng con biết bắt chước thái độ sống khiêm tốn, biết cúi xuống trong tình hiệp thông, để chia sẻ, để cảm thông và để đồng hành với tha nhân. Chúa nhập thể và muốn cứu độ mọi người, xin nhắc chúng con luôn ý thức rằng mọi người đều là con cái Thiên Chúa, đều được hưởng ơn cứu độ của Ngài, đều được thừa kế gia sản lớn lao là Nước Trời, để chúng con biết trân trọng nhau, biết đón nhận nhau và biết giúp đỡ nhau trong từng ngày sống chúng con. Amen.

Lm Phêrô Trần Bảo Ninh

Read 521 times Last modified on Chủ nhật, 25 Tháng 9 2022 07:09