Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 22 Tháng 10 2022 10:06

Khiêm nhường

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  KHIÊM NHƯỜNG


23/10 Chúa Nhật XXX TNChúa Nhật thứ Ba Mươi Mùa Quanh Năm

Hc 35:12-14,16-18; Tv 34:2-3,17-18,19-23; 2 Tm 4:6-8,16-18; Lc 18:9-14

Khiêm nhường

Dụ ngôn người Biệt phái và Thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện cho thấy sự tương phản giữa hai thái độ của con người trước tình yêu thương bao la của Thiên Chúa.

Người Biệt phái là nhân vật được xã hội đương thời kính trọng, vì thuộc thành phần nhiệt tâm giữ luật, thực thi đức ái hơn nguời khác. Người thu thuế, kẻ bị xã hội mạt sát, khinh chê.

Hai mẫu người đối lập cùng bước vào Đền thờ và làm cùng một công việc là cầu nguyện. Tại đây, sự tương phản giữa hai con người trở nên rõ nét khi tâm tính và thái độ sâu kín được bộc bạch trước nhan Thiên Chúa. Ông Pharisêu đứng thẳng ngước cao vỗ ngực kể công và chê bai người khác. Người thu thuế đấm ngực và nguyện thầm: “Xin thương xót vì con đầy tội lỗi!”.

Người thu thuế biết rõ về chính mình, về những bất xứng và tội lỗi anh ta đã gây ra. Từ chỗ biết mình, anh đã can đảm đi ra khỏi cái tôi để quy hướng về Thiên Chúa. Ngược lại, người biệt phái quá kiêu ngạo, tưởng rằng biết rõ về bản thân, nhưng thực sự thì không. Ông chỉ biết quy về mình. Ông trưng ra những thành tích đạo đức để khoe mẽ mà không biết rằng những việc tốt mà ông có thể làm, tất cả là do ơn của Chúa chứ không phải do công lao của ông. Ông đến đền thờ cầu nguyện tựa như đi tham dự một hội nghị biểu dương ‘Người tốt việc tốt’, giống như xã hội hôm nay vẫn hay tổ chức. Một người đứng lên giữa đám đông kể ra những ‘thành tích xuất sắc’ của mình để nhận bằng khen hay giấy khen, nhiều khi rất lố bịch và giả tạo. Nhiều người đi tham dự hội nghị còn đeo đầy huy chương để khoe cho mọi người biết tôi là người có công với đất nước.

Người Pharisiêu trong dụ ngôn hôm nay cũng thế. Ông ta trưng ra những thành tích đạo đức để mong Chúa ban cho ông một tấm bằng khen. Chúa biết rõ tâm hồn mỗi người, từ những gì sâu kín nhất tận bên trong. Điều Chúa mong muốn nhất, chính là sự khiêm hạ và thành tâm sám hối. Khi chúng ta đến trình diện trước mặt Chúa, Chúa không thích ngắm những bộ huy chương chúng ta đeo trên ngực hay nhìn những bằng khen chúng ta trưng ra để khoe khoang. Ngài chỉ thích mân mê sờ nắn những vết sẹo nơi tâm hồn chúng ta, là dấu chứng tội lỗi chúng ta phạm nhưng đã được Thiên Chúa yêu thương và chữa lành. Câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay khẳng quyết điều ấy.

Nhận biết mình chẳng đạo đức, lỗi đức công bằng, cũng chẳng giữ luật, người thu thuế không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực, khiêm tốn ăn năn, sám hối. Chỉ khi nào hạ mình xuống, chân thành nhìn vào tâm can, thẳng thắn xét mình, mới có thể nhận biết rõ ràng những vết nhơ trong đời. Dẫu tiền bạc rủng rỉnh, cơ ngơi bề thế, kẻ ăn người ở, đầy tớ phục dịch, người thu thuế vẫn cảm thấy mình đê tiện, nghèo hèn, bất xứng trước Thánh Nhan.

Qua dụ ngôn này, chắc hẳn Chúa rất muốn nói với chính chúng ta, cả những mục tử và từng Kitô hữu trong Hội Thánh. Thiên Chúa, Đấng Cao Cả, Chí Thánh; đến trước Ngài, chúng ta trần trụi, ô nhơ nên thái độ khiêm nhường và đấm ngực xưng thú tội lỗi phải là thái độ của mỗi Kitô hữu. Trong cầu nguyện hay nơi cuộc sống, người công chính thật thì chẳng bao giờ khoe khoang, nâng mình lên và chê bai người khác.

Người thánh thiện thật thì mọi cử chỉ, lời nói, hành động đều mang đậm nét khiêm tốn, tôn trọng và nâng người khác lên. Trái lại, trong đời sống cộng đoàn giáo xứ, chúng ta thường thấy có những người mãi không lọt tai lời khiển trách nặng nề của Chúa với người Pharisiêu. Họ phô trương ngay cả những thực hành đạo đức như dâng lễ, cầu nguyện, ăn chay, bố thí… trước mặt thiên hạ. Họ chê bai người khác như để đạp lên người cho mình cao hơn.

“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Ước mong sao Lời Chúa hôm nay thấm đẫm trong mỗi chúng ta. Xin Tình yêu và ân sủng Chúa biến đổi chúng ta trở nên khiêm nhường, giúp chúng ta thật lòng thống hối về tất cả những lỗi phạm, kiêu căng tự phụ trong đời sống đạo, để rồi ta biết sống khiêm hạ trước Chúa và anh chị em. Có như thế, ta mới trở nên con cái của Cha và ngày càng nên giống Cha chúng ta là Đấng hoàn thiện.

Nhằm dạy bài học khiêm nhường, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Trong đó người Pharisêu đã kiêu ngạo khi cầu nguyện chỉ trích tha nhân và tự đề cao bản thân. Đang khi người thu thuế khiêm tốn xin Chúa tha tội và chỉ biết cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Cuối cùng Đức Giêsu kết luận: người Pharisêu kiêu căng sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống, còn người thu thuế khiêm hạ sẽ được Thiên Chúa tôn vinh.

Biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi là thái độ khiêm nhu chân thành sâu sắc của người tử tế, tự trọng, quân tử, nhất là con chiên của Chúa. “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.” Người thu thuế biết mình hèn nhát, hư đốn, yếu đuối, khó cưỡng nổi lòng tham, khó yêu thương đồng bào, khó tuân giữ Lề Luật, nên hết lòng khấn xin, hoàn toàn trông cậy vào Lòng Thương Xót cứu vớt, giải thoát khỏi tội lỗi. Lời kêu xin đó không tự dưng biến người thu thuế trở nên công chính, nhưng được Chúa chạnh lòng đoái thương, công chính hoá. “Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không.”

Huệ Minh

Read 209 times Last modified on Thứ hai, 24 Tháng 10 2022 12:29