Thăm viếng chia sẻ thể hiện Lòng Chúa Thương Xót
Posted by Ban Biên Tập
21.12 Thứ Tư trong tuần thứ Tư Mùa Vọng
St 2:8-14; Xp 3:14-18; Tv 33:2-3,11-12,20-21; Lc 1:39-45
THĂM VIẾNG CHIA SẺ THỂ HIỆN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và Bà Elisabeth, tác giả Luca cho thấy kinh nghiệm của một người phàm lần đầu tiên hiểu ra điều gì đã xảy ra cho Đức Maria và phản ứng khi hiểu được điều ấy. Ở tại trung tâm, có Thiên Chúa và hoạt động của Người đối với Đức Maria, nơi Mẹ mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã được thực hiện.
Sau khi được sứ thần cho biết bà chị họ là Êlisabét đã có thai, Đức Maria đã vội vã lên đường thăm viếng. Cuộc viếng thăm của Maria vừa đem lại niềm vui cho gia đình Dacaria, vừa nói lên đức bác ái cụ thể của Đức Maria đối với bà chị họ, khi bà sắp tới ngày sinh con. Cuộc gặp gỡ cũng đem lại ơn cứu độ của Đấng Mêsia cho thai nhi Gioan, thể hiện qua sự kiện nhảy mừng trong lòng mẹ. Nhờ được Thánh Thần soi sáng, bà Êlisabét đã nhận ra cô em Maria chính là Mẹ của Đấng Thiên Sai và bà đã ca tụng Maria diễm phúc vì đã tin vào Lời Chúa.
Đức Maria vội vã lên đường : Sự vội vã của Đức Maria nhằm diễn tả lòng yêu mến, muốn đi thăm viếng để chúc mừng bà chị họ và cũng chia vui với chị ơn được làm mẹ như một ơn Chúa ban đang khi bà không còn chút hy vọng có con. Ngòai ra, Mẹ còn muốn giúp đỡ bà chị họ “nay đã có thai được sáu tháng” qua việc “ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng”. Ở lại để giúp đỡ bà cho đến khi đứa con chào đời. + Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét: Người Do thái có nhiều cách chào: Thần dân chào vua chúa thì xuống ngựa và đến sấp mình trước mặt nhà vua (1 Sm 20,41; 25,23); Nếu hai bên là thân thuộc nghĩa thiết hay có quan hệ thầy trò thì sẽ chào hỏi bằng cách ôm hôn nhau (1 V 19,20; Lc 22,47). Lời chào thông thường là “Shalom”, nghĩa là chúc “Bình an ở với anh” hay “Giavê ở cùng anh” (x.Ga 20,19). Trong Tin Mừng hôm nay sứ thần Gáprien đã chào Đức Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Do việc chào hỏi dài dòng mất nhiều thời gian, nên Đức Giêsu đã chỉ thị môn đệ đừng chào hỏi ai dọc đường khi đi làm công tác truyền giáo ( Lc 10,4).
Đứa con trong bụng nhảy lên: Có lẽ thai nhi Gioan chỉ co đạp liên hồi trong bụng khiến bà Êlisabét tưởng như em đang nhảy mừng hân hoan khi gặp thai nhi Mêsia (Lc 1,14), giống như vua Đa-vít nhảy mừng trước Hòm Bia Giao ước (x 2 Sm 6,14). + Và Bà được đầy Thánh Thần: Nhờ được ơn Thánh Thần soi sáng, bà Êlisabét đã nhận biết bào thai cô em họ đang cưu mang chính là Đấng Thiên Sai. + Em được chúc phúc: Bà Êlisabét ca tụng Đức Maria là người có phúc hơn mọi phụ nữ, vì đã cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người.
Thân mẫu Chúa tôi: Trong Thánh kinh, danh hiệu “Chúa tôi” thường dành riêng cho Đức Chúa, tuy nhiên cũng có lần danh hiệu này được gán cho Đấng Thiên Sai. Danh xưng “Thân Mẫu Chúa tôi” về sau trở thành nền tảng để Hội Thánh tôn vinh Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa“ (Theotokos), và hình thành phần thứ hai của Kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”. Về danh xưng này, khi hiện ra với các mục đồng ở Belem vào ngày Chúa Giáng Sinh, sứ thần đã nói như sau: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít. Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2, 11). Trong Tin mừng Luca, danh xưng Đức Chúa của Đức Giêsu được nói đến 40 lần. + Em thật có phúc vì đã tin: Tin Mừng Luca đã quy tụ hai ơn phúc của Đức Maria vào trong lời chúc tụng của bà Êlisabét: một là phúc được “làm Mẹ Đấng Cứu Thế” và hai là phúc “đã tin những lời Chúa phán” (Lc 1, 42-45).
Về sau trong lúc Chúa Giêsu giảng đạo, một phụ nữ cũng ca ngợi thân mẫu của Ngừơi: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” và Chúa Giêsu liền bổ túc thêm: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 27-28). Nơi Đức Maria hai phúc này liên kết thành một: ngay khi tin mọi lời Thiên Chúa phán sẽ được thực hiện, Đức Maria lập tức trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế. Có thể khi nói câu này, bà Êlisabét đã liên tưởng đến sự nghi ngờ cứng tin của ông Giacaria chồng bà trước đó (Lc 1, 20.45).
Mùa Giáng Sinh này, mỗi người chúng ta hãy dành ra một số tiền để chia sẻ các trẻ em bụi đời, các người già cả neo đơn, các bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc thang chữa trị, các người mù què câm điếc bất hạnh… noi gương Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi thương xót như lời Thánh vịnh: “Chúa là Đấng Từ Bi và Nhân Hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương” (Tv 103,8).
Chính hành động thăm viếng chia sẻ cụ thể và phục vụ “Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi” nơi những người bệnh tật nghèo hèn, sẽ giúp họ dễ dàng nhận biết và tôn vinh “Thiên Chúa là Tình Thương” (1 Ga 4,8), và nhận được niềm vui ơn cứu độ của Chúa như lời Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Trong những ngày này, xin cho con biết mở rộng lòng để chia sẻ trao tặng cho tha nhân những món quà vật chất cũng như tinh thần. Xin cho con biết nghĩ tới những bệnh nhân liệt giường lâu ngày không tiền thuốc thang chữa trị, chia sẻ những món quà cho những cụ già không người thân thích trong các trại dưỡng lão, những trẻ em lang thang sống tạm bợ dưới những cầu đường vì không có một mái ấm để đi về... Xin cho chúng con biết chia sẻ tình thương và niềm vui ơn cứu độ của Chúa Giáng Sinh đến cho họ.
Huệ Minh