Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 09 Tháng 1 2023 07:02

Ý thức và sống phép Rửa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ý thức và sống phép Rửa


9.1 Thứ Hai Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Ý thức và sống phép Rửa

Biến cố Đức Giêsu xuất hiện, đã được Giáo Hội nhìn như một biến cố đặc biệt mà Cựu Ước đã loan báo như chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao; Hỡi kẻ loan tin mừng cho Yêrusalem, hãy cất tiếng lên cho thật lớn … kìa Thiên Chúa các ngươi đang tới”. Nơi Đức Giêsu, người ta thấy vinh quang của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến cách đặc biệt nơi Đức Giêsu.

Biến cố Chúa Giêsu cũng đã chi phối và biến đổi đời sống của những người tin Ngài một cách dứt khoát. Đời sống của Kitô hữu phải dọi theo đời sống của chính Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu luôn chọn ý Thiên Chúa trên tất cả, Ngài luôn yêu thương anh chị em mình. Ngài yêu họ đến độ dám hy sinh chính mạng sống mình cho họ, nói cho họ biết Thiên Chúa yêu thương họ đến cùng khi cho Con Ngài nhập thể, cho dù khi nói như vậy Ngài bị người ta hiểu lầm và giết Ngài. Đức Giêsu là người đã đến sống cho tình yêu và chết cho tình yêu. Xin cho mỗi người chúng ta sống theo gương Ngài, yêu thương và khiêm tốn, để đem hạnh phúc cho những người chúng ta gặp gỡ và sống với.

Tham dự phụng vụ hôm nay, Thánh sử Luca mời gọi chúng ta hướng nhìn về Chúa Giêsu, để chúng ta sống giống như Chúa Con, “đẹp Lòng Chúa Cha”. Đầu tiên, chúng ta thấy Chúa Giêsu sống khiêm nhường, sống giống mọi người. Trước khi dìm mình trong nước để nhận lãnh phép rửa từ tay thánh Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã nhập đoàn dân chúng giống y như mọi người, khiêm tốn và chia sẻ với mọi người nhu cầu sám hối và thanh tẩy. Con đường của Chúa Giêsu đi cũng là con đường của tất cả mọi người chúng ta. Chúa Giêsu trở thành người và sống như mọi người, sống giữa mọi người.

Kế đến, Chúa Giêsu cho thấy việc thanh tẩy là hình bóng của bí tích rửa tội mà chúng ta lãnh nhận. Tuy nhiên, nghi lễ thanh tẩy của Gioan chỉ là việc tỏ lòng sám hối. Lời Gioan Tẩy Giả cho thấy bản chất của bí tích Rửa tội mà Chúa Giêsu trao ban cho con người gồm hết mọi lễ nghi thanh tẩy của Cựu Ước, bởi vì Chúa Giêsu sẽ thanh tẩy con người với Chúa Thánh Thần và lửa. Bí tích Rửa tội mà Chúa Giêsu hiện thực là lửa đốt cháy sự dữ. Nó như lửa luyện lọc và thanh tẩy lòng con người như lời tiên tri đã báo trước. Nó như nước tẩy rửa mọi vết nhơ trong tâm hồn con người, trao ban phong phú và sự sống. Và điểm đặc thù nổi bật nhất trong bí tích Rửa tội Kitô giáo, là sự hiện diện củ

Tin Mừng vừa nghe cho chúng ta thấy Chúa Giêsu xuất hiện như là vị cứu tinh của thời đại mới. Gioan lúc này đang làm phép rửa thống hối. Dân chúng đã từng thắc mắc về ông và tự hỏi: Ông có thể là vị cứu tinh của dân tộc, là Đấng Messia từng được mong đợi hay không? Nhưng chính Gion đã trả lời thắc mắc của dân chúng bằng cách giới thiệu Chúa Giêsu trong chính sứ vụ của Người. Đang khi ông chỉ là người làm phép rửa trong nước, thì Chúa Giêsu lại là người làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần và trong lửa. Lời giới thiệu của Gioan cho chúng ta thấy là thời đại cũ, thời chuẩn bị, thời tìm đường đã chấm dứt và thời mới, thời chính yếu đang đến.

Ở đây Chúa Giêsu đã không chỉ được giới thiệu bởi Gioan mà còn bởi chính Thiên Chúa Cha qua sự kiện siêu phàm: Trời mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống và tiếng phán từ trời. Người ta quan niệm rằng sau khi con người phạm tội thì trời và đất như đóng kín lại với nhau. Thiên Chúa Chúa không còn đi lại gần gũi với dân của Ngài như ngày xưa nữa. Nay với Chúa Giêsu, thì trời không còn khép kín, nhưng đã được mở ra như một điều kiện dọn đường cho Thánh Thần ngự xuống. Hình ảnh gợi lên cho chúng ta lòng mơ ước của dân Chúa vào thời cứu chuộc, thời Thiên Chúa sẽ xé trời mà xuống.

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa gợi nhớ về Bí tích Rửa Tội của chúng ta. Vì tình thương, Chúa Giêsu đã lập nên Bí tích Rửa Tội để tha tội cho chúng ta. Đây là Bí tích cần nhất. Bởi vì, chỉ có người đã lãnh nhận Bí tích này mới có thể lãnh nhận các Bí tích khác. Vì vậy, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo gọi Bí tích Rửa tội là “lối dẫn vào các bí tích khác”(x. số 1213). Thật vậy, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta mới có thể lãnh nhận Bí tích Giao Hoà, Bí tích Thánh Thể, Bí tích Xức dầu…

Nhờ Bí tích Rửa Tội chúng ta không những được tha tội nguyên tổ và tất cả các tội lỗi của bản thân, mà còn được sinh ra trong sự sống mới, nhờ đó chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha, là chi thể của Chúa Kitô, là đền thờ Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, người lãnh nhận Bí tích Rửa Tội được nhập vào Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô, và được tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô(x. GLHTCG số 1279). Vì vậy, Thánh Grêgôriô Naz gọi “Bí tích Rửa Tội là hồng ân đẹp nhất và tuyệt nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa”.

Nhưng quyền lợi đi đôi với bổn phận. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Giáo Hội mời gọi chúng ta: Từ bỏ tà thần, tuyên xưng Đức Tin. Từ bỏ tà thần tức là từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những quyến rũ bất chính và từ bỏ ma quỷ. Chúng ta thường gọi là: ma quỷ, thế gian và xác thịt. Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta tuyên xưng đức tin, đó là những điều chúng ta đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Nhưng Đức Tin không chỉ tuyên xưng ngoài môi miệng mà còn phải thể hiện bằng những hành động cụ thể, vì như Thánh Giacôbê nói “Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết”(Gc 2,17).

Như thế, phép rửa của Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta ý thức được ơn gọi cao trọng làm con cái Chúa của mình, ơn gọi mà chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Ơn gọi đó đồng thời cũng bao gồm sứ mệnh làm chứng cho Chúa giữa lòng thế giới này. Và chúng ta chỉ có thể hiện thực được nó khi biết cố gắng sống theo mẫu gương của Chúa Giêsu sống đẹp lòng Chúa Cha mà thôi.

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Giáo Hội còn trao cho chúng ta chiếc áo trắng và ngọn nến sáng: chiếc áo trắng là tượng trưng cho sự trong sạch tâm hồn; ngọn nến sáng là tượng trưng cho Đức Kitô, Đấng là nguồn mạch ánh sáng. Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy gìn giữ tâm hồn trong sạch, hãy gìn giữ ngọn lửa Đức Tin luôn luôn chiếu sáng cho tới khi ra trước toà Chúa Kitô để chúng ta được sống muôn đời.
Huệ Minh

Read 211 times Last modified on Thứ ba, 10 Tháng 1 2023 08:00