Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 25 Tháng 5 2013 14:53

Ba Ngôi Thiên Chúa Cộng Đồng Tình Yêu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Như vậy, khi nói về Chúa Ba Ngôi, nhất là sự hiện hữu của Ngài trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, thì ngoài tầm hiểu biết của mỗi người, việc cảm nhận được điều ấy mới thật sự là điều khó khăn và cần thiết. Tri thức con người có thể giúp ta hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng cảm nhận được Ngài và yêu mến Ngài là việc làm của con tim tức lòng mến.

 







Nghe Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi Năm C



“Ba Ngôi Thiên Chúa là một cộng đồng Tình Yêu”. Tư tưởng này đã được Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giám Phận Orange, California trình bày qua buổi phát thanh trên Chương Trình Tin Mừng Sự Sống vào dịp Lễ Chúa Ba Ngôi năm 2006.

Cộng Đồng Tình Yêu là một cách thức diễn tả đầy đủ và trung thực về sinh hoạt nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Gioan đã viết về sinh hoạt này như một định nghĩa về Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:8). Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa chính là một cộng đoàn tình yêu gồm Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần. Và sự kết hợp giữa Ba Ngôi là Tình Yêu.

CỘNG ĐỒNG TÌNH YÊU

Từ Cộng Đồng Tình Yêu này phát sinh sức sống và thông ban sức sống ấy cho các loài thụ tạo, mà cao cả nhất, rõ ràng nhất chính là tình yêu được thông ban cho con người. Tình yêu, do đó, đã trở thành nhu cầu và sức sống của con người. Tất cả chúng ta ai cũng muốn được yêu và yêu. Tình yêu này được thể hiện qua những tiến trình sau:

Tạo dựng: Thiên Chúa tình yêu. Tình yêu nội tại và thâm sâu này không thể chỉ để cho một mình, những đã được thể hiện qua việc Thiên Chúa san sẻ tình yêu ấy cho mọi loài qua hành động tạo dựng. Ngài tạo nên thiên thần và con nguời. Con người kém thiên thần một chút vì còn lệ thuộc vào xác thể. Ngài còn tạo dựng nên muôn loài, muôn vật trong vũ trụ mà cốt yếu là để cho con người có thể nhìn thấy, khám phá thấy và cảm nhận được tình yêu của Ngài. Sách Sáng Thế Ký đã cho biết, tất cả những công trình sáng tạo trên trời, dưới đất, dưới lòng đất là chỉ để dành cho con người. Nó thuộc quyền con người quản lý với chỉ duy một mục đích là để con người nhận ra và yêu mến Thiên Chúa.

Mặc dù công trình tạo dựng vẫn được dành riêng cho Thiên Chúa Cha, nhưng trong tình yêu Thiên Chúa đã có Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần, và vì thế, nó cũng được coi là công trình tạo dựng của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Một cộng đồng tình yêu.

Cứu chuộc: Cũng trong Sáng Thế Ký và qua Thánh Kinh, chúng ta biết rằng thiên thần và loài người sau khi được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, đã tự cho mình tốt lành và muốn tự nhận mình là Thiên Chúa. Ý thức và ước muốn tự do ấy đã đẩy một số thiên thần xa rời tình thương Thiên Chúa. Thủ lãnh các thiên thần sa ngã ấy là Lucifex sáng láng nay trở thành Satan tối tăm. Nguyên Tổ con người là Adong và Evà đẹp đẽ trước mặt Thiên Chúa sau khi sa ngã cũng đã trở nên trần truồng, hổ ngươi và lẩn trốn Ngài.

Vì Lucifex và các thần dữ không bị lệ thuộc vào xác phàm, nên hành động bội phản của chúng đã khiến chúng vĩnh viễn trở thành thù địch Thiên Chúa. Riêng con người được Ngài cho một cơ hội mới, đó là ơn Cứu Chuộc sẽ đến để hòa giải và ban cho con người ơn tha thứ.

Ngôi Con đã lãnh trách nhiệm này. Ngài đã nhập thể và đến với gia đình nhân loại qua thân phận con người: “Và Ngài đã làm người và ở cùng chúng tôi”. Niềm xác tín này đem con người về với tình thương vô biên của Thiên Chúa, nhất nữa, khi thấy Chúa Con chấp nhận cái chết trên thập tự để hòa giải con người với Thiên Chúa.

Một lần nữa, công trình cứu chuộc là việc làm của Ngôi Con, nhưng cũng chính là việc làm của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì yêu thương công trình tạo dựng của mình mà Ngôi Cha không đành lòng bỏ rơi con người. Vì yêu thương con người mà Ngôi Con đã chấp nhận xuống thế. Và cũng vì yêu thương con người, mà Ngôi Thánh Thần đã không ngừng hoạt động để khơi lên một tình mến bao la nơi tâm hồn con người, và để khai sáng tâm hồn họ nhận ra tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thánh hóa: “Thánh Thần khấn xin ngự đến”. Trong Ca Tiếp Liên ngày Lễ Hiện Xuống, Giáo Hội đã cầu xin với Chúa Thánh Thần để ngài ngự xuống trên Giáo Hội và với mỗi tâm hồn các tín hữu. Ngài đến để thánh hóa các tạo vật mới đã được cứu chuộc bởi cuộc khổ nạn của Chúa Con. Và Ngài đến để canh tân bộ mặt trái đất, biến nó thành nơi mà ánh sáng lời Chúa và ơn Cứu Độ được chiếu sáng và đơm bông nở hoa. Tất cả công trình sáng tạo, cứu chuộc của Thiên Chúa giờ đây lại được kiện toàn nơi Chúa Thánh Thần bằng tình yêu và ngọn lửa sốt mến.

Cũng như công trình tạo dựng và cứu chuộc, công trình thánh hóa và bảo vệ được dành riêng cho Chúa Thánh Thần, ngọn lửa tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính với ngọn lửa yêu mến này mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người, và đã cứu chuộc con người. Và như vậy, thánh hóa con người sau khi được cứu chuộc cũng chính là việc làm của chung Ba Ngôi Thiên Chúa, một công đồng tình yêu.

NGỌN LỬA TÌNH YÊU

Tình yêu Thiên Chúa là sức sống nội tại của Ba Ngôi. Sức mạnh tình yêu ví như ngọn lửa rực sáng và nóng bỏng mà Ngài đã thông ban cho nhân loại, đặc biệt trong ngày Thánh Thần Hiện Xuống.

Lửa tình yêu ấy cũng được cảm nhận qua 3 đặc tính căn bản: Sáng, nóng, và thiêu hủy.

Ánh sáng tình yêu: Ánh sáng ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa được chiếu tỏa rạng ngời qua công trình sáng tạo của Ngài. Ba Ngôi Thiên Chúa được mọi loài, mọi vật trên trời, dưới đất nhận biết qua những công trình vỹ đại và diệu kỳ của Ngài. Ở đâu và bất cứ nơi nào bàn tay hóa công cũng dễ dàng được nhận biết. Đặc biệt, công trình sáng tạo kỳ diệu và vỹ đại nhất của thế giới hữu hình là con người. Chỉ cần nhìn vào con người là ta có thể nhận ra sự khôn ngoan, tài năng tuyệt đối, và tình yêu vô biên của Ngài. Bởi thế, thân xác con người được gọi là: “Đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần”. Và con người được gọi là “con Thiên Chúa”. Đức Kitô đã dậy cho con người biết điều này khi truyền dậy chúng ta cầu xin với Chúa Cha trên trời: “Lậy Cha chúng con ở trên trời”.

Ánh sáng tình yêu, và vinh quang Thiên Chúa không chỉ dành để cho một người, mà cho mọi tạo vật, cho tất cả chúng ta. Và đây cũng là lý do mà chúng ta phải làm vinh danh Ngài: “Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến dưới đất cũng như trên trời”.

Khả năng thiêu hủy: Đặc tính thứ hai của lửa là phá hủy và thiêu đốt. Chính ngọn lửa tình yêu của Ba Ngôi trong Ngôi Con đã thiêu đốt mọi tội lỗi nhân loại và tội riêng của mỗi người. Đã làm cho thân xác của Chúa Con trở nên bánh thơm ngon, và máu của Chúa Con trở nên rượu thơm ngon nuôi sống linh hồn mỗi người.

Sức phá hủy và tận diệt ấy còn giúp con người vì yêu mến Thiên Chúa biết hãm dẹp xác thịt và cầm hãm nổi ngũ quan trước muôn cám dỗ. Và cũng như Chúa Con, nhiều tín hữu đã can đảm chấp nhận lấy máu đào và mạng sống mình để làm chứng nhân cho sự hiện diện và tình yêu Ba Ngôi trong cuộc đời. Đó là những cái chết của các vị tử đạo, cũng như của mỗi Kitô hữu chúng ta hằng ngày trên hành trình đức tin tiến về quê hương vĩnh cửu.

Sức nóng cháy của tình yêu: Sức nóng cháy và đổi mới chính là hành động riêng biệt của Thánh Thần trong sứ mạng thánh hóa và đổi mới tâm hồn, cuộc đời các tín hữu. Bẩy ơn của Chúa Thánh Thần như những chất xúc tác làm chuyển hóa tâm hồn và đời sống con người, khiến chúng ta được sốt nóng lên ngọn lửa yêu mến.

“Không có Chúa thì còn chi thanh khiết”. Không có ngọn lửa nóng bỏng này, các tín hữu làm sao có thể giữ được tình mến của mình đối với Chúa, và tình yêu của Chúa đối với mỗi người.

CON ĐƯỜNG TỪ ÓC XUỐNG TRÁI TIM

Đức Giám Mục Mai Thanh Lương trong khi dẫn giải khả năng cảm nhận tình yêu Thiên Chúa đã cho rằng con đường từ óc xuống trái tim là con đường dài nhất và khó đi nhất của con người.

Nhiều khi chúng ta biết, chúng ta tri thức được Thiên Chúa, được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống, nhưng cảm nhận và bị thu hút bởi cái biết cũng như sự hiện diện của Ngài lại là một điều hết sức khó khăn. Nhiều người đã mất cả cuộc đời mình mới cảm nhận được điều mình biết. Có những người phải mất nửa cuộc đời mới cảm nhận được. Và may mắn hơn, một số ít cảm nhận được điều ấy một cách sớm sửa.

Như vậy, khi nói về Chúa Ba Ngôi, nhất là sự hiện hữu của Ngài trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, thì ngoài tầm hiểu biết của mỗi người, việc cảm nhận được điều ấy mới thật sự là điều khó khăn và cần thiết. Tri thức con người có thể giúp ta hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng cảm nhận được Ngài và yêu mến Ngài là việc làm của con tim tức lòng mến. Và ở đây ngọn lửa tình yêu chính là ánh sáng, sức thiêu hủy và nóng cháy giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:8), và Tình Yêu ấy luôn luôn sống động nơi Ba Ngôi Thiên Chúa và được thể hiện qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.

T.s. Trần Quang Huy Khanh

Read 1339 times