Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 23 Tháng 2 2023 22:13

Ăn chay

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ăn Chay


24.2 Thứ Sáu Thứ Sáu sau Thứ Tư Lễ Tro

Ăn chay !

Ta thấy Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình”. Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.

Giáo hội mời gọi chúng ta ăn chay suốt cả mùa chay. Nói đúng nghĩa ăn chay là nhịn ăn uống. Người ta có thể tưởng rằng Giáo hội có lý nhắc nhở một điều quan trọng cho chúng ta cần ăn chay vì ăn quá nhiều như ở Mỹ làm mình phì nộn và nhồi tọng đủ thứ trong khi bao nhiêu người trên thế giới thiếu ăn mỗi ngày. Nhưng không phải vì những lý do đó mà Giáo hội khuyến khích ăn chay. Giáo hội có nhiều lý do khác.

Giáo hội đánh giá rằng ăn chay là cách tốt nhất để chúng ta mở lòng hướng về Thiên Chúa và tiếp rước Ngài. Giáo hội tin tưởng rằng trong khi thiếu ăn uống, tự nhiên chúng ta thấy mình là tạo vật yếu đuối cần phải nương tựa vào Đấng gìn giữ, bảo đảm sự hiện hữu của muôn loài. Ăn chay nhất thiết làm cho chúng ta cảm nghiệm ngay trong xác thịt mình thấy rằng đời sống chúng ta và bản chất chúng ta đều bởi Thiên Chúa ban.

Giáo hội khuyến khích ăn chay vì lý do thứ hai: ăn chay là phương thế tốt nhất để chuẩn bị chúng ta mong đợi Đức Ki-tô lại đến. Tất cả chúng ta đều biết tại sao nhiều người ăn mất ngon khi gặp cơn bối rối hay gặp cảnh chia ly. Sau một cơn cãi lộn, người ta không còn muốn ăn uống. Khi mất chồng, vợ bỏ ăn nhiều ngày. Ăn chay còn biểu lộ chúng ta hoàn toàn liên kết với Đức Ki-tô mà chúng ta yêu mến. Chúng ta ăn chay như thể là tưởng nhớ Đức Ki-tô và ra sức trông mong Người.

Ăn chay là để chờ đón Chúa đến, nhưng Ngài đang ở giữa họ thì không có lý do gì để ăn chay nữa. Nếu ăn chay lúc này là mâu thuẫn, chẳng khác gì vải mới vá áo cũ, hay rượu mới đổ vào bầu da cũ vậy!

Ý nghĩa chính yếu của việc giữ chay chính là đền tội, hãm dẹp những khuynh hướng xấu xa, đê tiện, tội lỗi, từ bỏ cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, sống liên đới, yêu thương, tha thứ, giúp đỡ người nghèo..., nhất là tin vào Tin Mừng.

Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.

Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.

Những ngày thứ sáu trong mùa Chay là những ngày mà chúng ta đặc biệt được mời gọi để kết hợp chính chúng ta với sự hy sinh của Chúa Giê-su, một cách tự nguyện và tự do. Sự hy sinh của Chúa Giêsu đòi hỏi nơi Ngài lòng vị tha tuyệt đối và từ bỏ chính mình. Những hành động nhỏ như an chay, kiêng khem và những hình thức bỏ mình mà chúng ta lựa chọn, nhằm loại bỏ những ý muốn của chúng ta để kết hợp với thánh ý của Chúa và kết hợp hoàn toàn hơn chính con người chúng ta với Chúa Kitô để đón nhận được nhiều ân sủng của ơn cứu

độ.

Mỗi thứ Sáu trong Mùa Chay là ngày buộc phải kiêng thịt. Vì vậy, hôm nay chúng ta hãy hiểu rõ sự hy sinh nhỏ bé này trong sự hợp nhất với toàn thể Giáo hội. Thật có phúc khi chúng ta dâng sự hy sinh trọn vẹn cho toàn thể Giáo hội.

Những ngày thứ sáu trong mùa Chay (thực ra là suốt cả năm) cũng là những ngày mà Giáo hội yêu cầu chúng ta thực hiện một số hình thức sám hối. Kiêng thịt chắc chắn rơi vào trong những hình thức đó, trừ phi chúng ta không thích thịt và thích cá. Những quy định này cũng không nhiều cho một sự hy sinh. Điều quan trọng nhất để hiểu những ngày thứ sáu trong mùa Chay đó là ngày dành cho sự hy sinh. Chúa Giê-su đã hiến dâng sự hy sinh cuối cùng trong ngày thứ sáu và chịu đựng nỗi đau đớn tột cùng vì chuộc tội cho chúng ta. Chúng ta không nên do dự dâng sự hy sinh của chính mình và cố gắng kết hợp sự hy sinh của chúng ta với sự hy sinh của Chúa.

Đó là ý nghĩa của lời Chúa trong Tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu đã ở với chúng ta, nhưng chúng ta không hoàn toàn kết hợp với Người. Người đã đến giữa chúng ta, nhưng một ngày kia, Người lại đến trong vinh quang. Trong khi ăn chay, chúng ta tỏ hết lòng thiện chí được thấy Người lại đến để chúng ta hợp nhất với Người trọn vẹn cho đến muôn đời.
Huệ Minh

Read 1102 times Last modified on Thứ sáu, 24 Tháng 2 2023 06:43