9.5 Thứ Ba trong tuần thứ Năm Mùa Phục Sinh
Cv 14:19-28; Tv 145:10-11,12-13,21; Ga 14:27-31
Hiệp nhất và bình an
Ai trong chúng ta cũng thấy cần được bình an yên ổn hơn cả cơm ăn, áo mặc. Bình an còn có nghĩa là một tình trạng mạnh khỏe cả xác lẫn hồn. Cho nên chúc bình an là một tình trạng mạnh khỏe cả xác lẫn hồn. Cho nên chúc bình an là chúc cho được khang an đôi phần như thế. Bình an còn có nghĩa là sự sung mãn đầy đủ như ý muốn (St 43,25. Bình an đối với dân Do thái cũng có nghĩa là yên ổn làm ăn, vì dân Do thái là dân hay giao tranh, nên bình an được coi là bổng lộc Giavê thưởng cho lòng trung tín (Lv 26,6).
Nhưng sự bình an lớn lao nhất đó là sự bình an của Chúa Thánh Thần, là sự bình an tương quan đến Thiên Chúa. Chúa Giêsu gọi những người gây bình an là con cái nước trời (Mt 5, 9). Chúa chúc bình an cho người có lòng ngay lành dưới thế (Lc 2, 14). Sau nữa sự bình an Chúa Thánh Thần mang đến là chính ơn cứu rỗi (Ga 14, 27. Cl 1 ,20. Eph 4, 14). Phúc âm hay lời Chúa cũng được gọi là “Tin Mừng bình an” (Cv 10, 36). Đấy là bình an của Chúa.
Trong quá khứ có lẽ chúng ta đã đi tìm bình an như bảo hiểm xe cộ, nhà cửa, nhân mạng. Giới ca sĩ bảo hiểm giọng hát, nghệ sĩ bảo hiểm đôi tay, cầu thủ bảo hiểm đôi chân, rồi có tiền thì gửi gắm chỗ nào chắc chắn nhất. Nhưng rồi chỗ chắc chắn nhất lại trở thành chỗ bất an nhất. Chúa không muốn ban thứ bình an tạm bợ mong manh ấy “Ta không ban như kiểu thế gian thường ban tặng” (c.27). Chúa không ban một thứ bình an để hưởng thụ, ngồi chơi xơi nước không chịu làm việc.
Bình an của Chúa là gì ? Thưa là thứ bình an bắt nguồn từ chính Ngài. Bình an trước hết là bình an với Chúa, là sống công chính trước mặt Ngài, là sống giới luật của Ngài, có Ngài trong đời sống của mình các Ngài làm chủ đời mình. Bình an đối với Chúa chính là hoà với Ngài và sống một đời sống vâng ý Ngài.
Bình an đây còn hiểu là bình an với anh em mình làm hòa với nhau. Hơn bao giờ hết người ta mong bình an, người ta kêu gọi sự hoà thuận giữa người và người mà căn bản vẫn là từ lòng mình. Mình có bình an thì mới có thể đem biếu, đem chia chác được. Sự bình an bắt đầu từ lòng mình rồi mới ra tới xã tắc nhân quần.
Như vậy liệu chúng ta đã có sự bình an như thế chưa ? Liệu chúng ta có được sự bình an của Chúa Giêsu, Đấng đã hoàn toàn tin thác vào Thiên Chúa trong giây phút hấp hối “Lạy Cha con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46) ? Liệu chúng ta có được sự bình an của cụ già Simêon trong cảnh tuổi đời gần đất xa trời vừa ẳm bế hài Nhi vừa xin “cho tôi tớ ra đi bình an”. Tv 22 nói: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì... dầu qua thung lũng âm u tôi chẳng sợ nguy hiểm vì có Chúa ở cùng tôi”
Các môn đệ ngày xưa đã được nghe Chúa Giêsu chia sẻ tâm tình của Ngài khi Ngài cùng với các ông ngồi bên cạnh nhau trong bữa tiệc ly. Chúng ta cũng đã nghe lại những lời thân thương đó mỗi khi chúng ta cùng với Ngài và với nhau dâng Thánh Lễ. Giáo Hội đặt để những lời thân thương ấy sau kinh Lạy Cha và trước khi chúng ta đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta chứng minh được bao bọc trong bình an của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhất là chúng ta đã dọn lòng mình đủ để có Chúa ngự trong lòng chúng ta.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu thực sự tin rằng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô không chấp nhất gì tội lỗi của chúng ta mà dựa trên đức tin của Giáo Hội, của cộng đoàn dân Chúa đã ban cho chúng ta, cho Giáo Hội được ơn hiệp nhất và bình an. Chắc chắn là Giáo Hội rất rõ điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng". Và chúng ta cũng phải hiểu được điều đó để hân hoan với bình an mà Chúa ban cho chúng ta. Thế gian là gì trong nhãn quan của thánh Gioan.
Thế gian là ma quỉ, là mãnh lực của ma quỉ, là thế giới của ma quỉ, là tất cả những con người và những sinh hoạt đồng lõa với ma quỉ. Bình an của thế gian này ban tặng là bình an có được do vũ lực, do đàn áp, do chiến tranh, do mưu mô xảo quyệt, do tội ác, do chiếm đoạt và đe dọa, mong manh biết bao sự bình an tạm bợ này, chỉ cần một vài thay đổi rất ư là đơn giản thì cũng đủ để cho người ta mất đi bình an và lại rơi vào hoảng sợ, vào dằn vặt.
Ma quỉ và đồng lõa của ma quỉ vốn dĩ rất quen thuộc với chiến lược trở mặt như trở bàn tay, và vì thế không ít những người trở thành nạn nhân của sự bình an do chúng tạo nên. Còn bình an của Chúa ban cho lại là sự bình an của những người được tha thứ tất cả. Bình an của một con người thấy thanh thản trong thân xác và nhẹ nhàng trong tâm hồn. Bình an của một cuộc đời có Thiên Chúa. Sự bình an bất chấp những khó khăn, bất chấp mọi thử thách. Sự bình an của một con người không thấy hổ thẹn gì khi ngước mắt nhìn lên trời, đưa mắt nhìn chung quanh và nhắm mắt lại nhìn vào chính mình.
Bình an của Chúa Giêsu mang đến không phải là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Bình an của thế gian thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thoả hiệp. Bình an của Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt đỏ: Nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả hy sinh mạng sống mình nữa. Bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt lên như Thánh Phaolô “Lương tâm tôi không trách tôi điều gì.”
Bình an mà hôm nay Chúa Giêsu trao cho các môn đệ thì hoàn toàn khác. Khác ở chỗ: Nếu muốn được bình an thực sự, trước tiên phải có đức tin. Chỉ có đức tin mới cảm nghiệm được sự bình an sâu xa trong tâm hồn. Bởi lẽ: bình an của Chúa Giêsu chính là bình an ngay trong những khổ cực đau thương, mất mát và ngay trong những hiểu lầm oán ghét, bất công... Như vậy, ơn bình an này chính là ân huệ đức tin và hệ quả của bình an chính là đem lại ơn cứu chuộc cho con người chứ không phải đem lại cho con người sự an tâm, đảm bảo phần xác.
Huệ Minh