Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 10 Tháng 5 2023 05:49

Giữ giới răn tình yêu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  GIỮ GIỚI RĂN TÌNH YÊU

11.5 Thứ Năm trong tuần thứ Năm Mùa Phục Sinh

Cv 15:7-21; Tv 96:1-2,2-3,10; Ga 15:9-11

Giữ giới răn tình yêu

          Hôm nay,  Chúa Giêsu biết mình sắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha, nên trong tình nghĩa thầy trò và nhất là vì sứ vụ chuyển trao, nên  Chúa Giêsu đã có những lời trăn trối với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy”. Tiếp theo, Ngài căn dặn các ông: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.

          Đến đây, chúng ta liên tưởng đến những lời truyền dạy của  Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

          Có ba điểm ý nghĩa mà chúng ta có thể rút ra từ đoạn văn này.

          Thứ nhất, tình yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Con hoàn hảo về mọi mặt. Tình yêu đó vô điều kiện và trọn vẹn. Đó là tình yêu hoàn toàn vị tha. Khi nhận được tình yêu Chúa Cha, Chúa Giêsu nhận được tất cả những gì cần thiết cho Ngài.

          Thứ hai, tình yêu mà Chúa Giêsu nhận được từ Chúa Cha không thể kiềm nén lại. Tình yêu đó không thể được giữ cho chính mình. Tình yêu của Chúa Cha tràn đầy từ trái tim Chúa Giêsu. Chính tình yêu tràn đầy này tuôn tràn từ Chúa Giêsu đến chúng ta.

          Thứ ba, điều quan trọng để suy ngẫm về tình yêu tràn đầy này là một khi tình yêu này được trao cho chúng ta thì nó cũng không được giữ lại trong con người chúng ta. Tình yêu đó phải tuôn tràn từ trái tim của chúng ta đến người khác. Do đó, nếu chúng ta là những người thực sự lãnh nhận được tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, đến lượt chúng ta cũng phải để tình yêu đó tuôn tràn đến người khác một cách vô điều kiện và không giới hạn.

          Hãy suy nghĩ về điều này. Không giới hạn. Không có điều kiện. Điều này có thể được không? Thưa có, nó chỉ có thể xảy ra nếu tình yêu mà chúng ta nói đến bắt nguồn từ trái tim của Chúa Cha, được trao cho Chúa Con, và sau đó tuôn đổ cho chúng ta để chia sẻ một cách tự do.

          Hôm nay chúng ta hãy suy ngẫm dựa trên tình yêu mà chúng ta được mời gọi chia sẻ với người khác bắt nguồn từ Trái tim của Cha trên Trời. Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc học cách yêu với Trái tim Chúa Cha là mở lòng ra cho Chúa Cha yêu chúng ta. Điều này có thể rất khó để làm. Có thể khó để cho Chúa yêu chúng ta, có thể khó để nhận được tình yêu đó và để nó ảnh hưởng sâu sắc đến chúng ta. Nhưng nếu chúng ta không ngừng để Chúa yêu thương chúng ta bằng tình yêu hoàn hảo của Ngài, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng tình yêu này tự động tuôn tràn từ chúng ta như thể đó là một dòng sông tràn đầy ân sủng và lòng thương xót.

            Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình thương của Ngài: Ngài yêu thương chúng ta bằng chính tình yêu mà Chúa Cha đã yêu Ngài. Tất cả những gì  Chúa Giêsu lãnh nhận từ nơi Cha, Ngài đã trao ban cho chúng ta, không giữ lại gì cho mình.  Chúa Giêsu dạy chúng ta biết chia sẻ tình thương với anh em. Chính nhờ sống yêu thương mà chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.

          Theo kinh nghiệm, hễ đã yêu thương ai, hẳn chúng ta muốn sống bên cạnh người ấy, để chia sẻ và lấy sở thích của người ấy làm của mình. Tình yêu giữa con người với nhau còn như thế, huống nữa là tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.  Chúa Giêsu đã rất mực yêu thương các môn đệ, Ngài muốn họ luôn ở với Ngài cũng như Ngài hằng ở với Thiên Chúa; Ngài muốn họ thực hành Lời Ngài cũng như Ngài luôn vâng phục lệnh truyền của Cha Ngài. Đó là điều được ghi lại trong bài Tin mừng hôm nay.

          Ở lại trong tình yêu là luôn hướng về nhau: Nghĩa là dù phải “xa mặt nhưng không cách lòng”, không gian địa lý hay thời gian cách biệt cũng không thể tách rời hai con tim đang hướng về nhau. Cũng thế, khi Kitô hữu yêu mến Đức Kitô thì luôn luôn nhớ và kết hiệp với Người mọi nơi mọi lúc trong mọi sinh hoạt của cuộc sống.

          Ở lại trong tình yêu là giữ lời nhau: Khi yêu nhau thật lòng người ta không quản ngại thực hiện những gì đòi hỏi phải có dành cho nhau; cam kết những ràng buộc trong tình yêu.

          Chúa Cha rất hài lòng về Chúa Con khi phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các con hãy vâng nghe lời Người”. Kitô hữu không thể nói yêu Chúa mà không giữ giới răn của Chúa. Kitô hữu yêu Chúa là làm theo ý Chúa và giữ điều răn Chúa. Bởi vì như  Chúa Giêsu đã nói rõ điều kiện: “Nếu các con giữ điều răn của Thầy, các con ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15, 10).

          Trong bữa Tiệc ly,  Chúa Giêsu biết rằng mình chẳng còn ở lại một cách hữu hình với các môn đệ được bao lâu nữa, do đó, để tránh cho các môn đệ cảnh xa mặt cách lòng,  Chúa Giêsu mời gọi và truyền dạy các ông một phương cách mới để duy trì tình yêu đối với Ngài, đó là tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, như Ngài đã tuân giữ các lệnh truyền của Chúa Cha và luôn kết hợp với Ngài.  Chúa Giêsu chia sẻ cho các môn đệ kinh nghiệm sống của Ngài với Chúa Cha và lấy đó làm lý tưởng cho cuộc sống đức tin của các môn đệ trong thời gian sau biến cố Phục sinh, thời gian của sự dấn thân làm chứng cho Ngài. Người làm chứng cho Chúa phải sống kết hợp với Chúa, tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, và quan trọng nhất là lệnh truyền: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

          Như  Chúa Giêsu đã mời gọi: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, đó là cội nguồn của tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua  Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại: Tất cả những gì Đức Giêsu lãnh nhận từ nơi Cha. Ngài đã trao ban cho chúng ta, không giữ lại gì cho mình. Và nhân loại cũng phải trao cho nhau như  Chúa Giêsu đã truyền: Biết chia sẻ tình thương với anh em. Chính nhờ sống yêu thương mà chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.

 Huệ Minh

Read 230 times Last modified on Thứ năm, 11 Tháng 5 2023 06:14