6.8
Lễ Chúa Giêsu Hiển Dung
Trở nên đồng hình đồng dạng
Hàng năm vào ngày 6 tháng 8, Giáo Hội mừng lễ Kính Chúa Giêsu Hiển Dung, còn được gọi là Kính Chúa Giêsu Biến Hình Trên Đỉnh Núi Taborê. Trên đỉnh núi Taborê Chúa đã cho ba môn đệ ‘thân tín’ nhất của Ngài là Phêrô, Giacôbê và Gioan ‘nếm một chút’ và ‘cảm nghiệm một phần nào’ niềm vui sướng và hoan lạc của Nước Chúa Hằng Sống. Mới ‘chỉ nếm một chút’ thôi và mới ‘cảm nghiệm một phần nào’ thôi niềm hoan lạc hạnh phúc của Nước Chúa Hằng Sống mà Phêrô đã cảm thấy ngất ngây tột đỉnh, đến nỗi đã không ngần ngại và cũng không cần phải suy nghĩ lâu gì, và đã thốt lên rằng: Lạy Thầy, ở lại trên núi luôn được không? Nếu được, con sẽ dựng ngay ba lều: một cho Thầy, một cho Môisen và một cho Êlia.
Nhưng muốn được hưởng niềm hoan lạc sung sướng của Nước Chúa, chúng ta phải ‘hiển dung’, phải ‘biến hình’, phải ‘thay đổi’ nếp sống nên tốt hơn. Đó là ý nghĩa chính yếu của Thánh Lễ Kính Chúa Giêsu Hiển Dung mà Hội Thánh kêu gọi con cái mừng kính trọng thể hàng năm.
Như một cây cảnh hay cây ăn trái chúng ta trồng chẳng hạn. Để cây có thể lớn lên, lớn lên nữa, lớn lên hơn nữa, cây đó cũng phải ‘thay hình’ và ‘đổi dạng’. Phải đau đớn nứt nẻ thân cây, và ngay cả ‘lột xác’, bỏ rơi lại dưới đất những vỏ cây khô. Có như thế, cây mới lớn lên cao, lớn lên cao mãi được. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, muốn lớn lên, lớn lên mãi trong tình nghĩa tử làm con cái của Chúa, chúng ta cũng phải như thân cây. Chúng ta phải can đảm hy sinh chấp nhận mọi đớn đau trong sự ‘biến hình’ và “đổi dạng” trút bỏ lại những cằn cỗi, già nua của những vỏ cây là hiện thân của những tham sân si, ghen ghét, hận thù, bất công, vu oan, cáo vạ...
Hơn nữa, để có thể leo lên tới đỉnh Núi Thánh của Chúa trong niềm vui hoan lạc, chúng ta cũng phải bỏ xuống khỏi đôi vai, thân xác và ra khỏi lòng chúng ta những cồng kềnh, lỉnh kỉnh của mọi điều gian trá bất nhân. Bằng không chúng ta sẽ khó lòng leo lên tới được đỉnh núi Taborê. Mà sợ còn gẫy gánh dọc đường khi chỉ mới ngang lưng sườn núi vì bị những cồng kềnh, lỉnh kỉnh đó đè bẹp chúng ta ngã quỵ.
Vào lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài đã được giới thiệu như là Người Con chí ái và là Đấng cứu độ của nhân loại. Tại nơi chịu phép rửa, Chúa Giêsu đã lãnh lấy chức vụ người Tôi Tớ đau khổ, nhưng lại được Thánh Thần hướng dẫn. Còn trong cuộc biến hình hôm nay, Ngài đã được giới thiệu trong tư cách một vị tiên tri mà mọi người phải vâng nghe.
Tiếng bởi trời đã tỏ cho các tông đồ và qua các tông đồ, cho mỗi người chúng ta nhận biết về Đức Kitô. Thế nhưng sau những giây phút bàng hoàng và sợ hãi, các tông đồ chỉ còn thấy Chúa Giêsu trở về với vóc dáng cua một con người bình thường, quang cảnh huy hoàng với Môsê và Elia đã biến mất. Đấng mà các ông vừa mới được chiêm ngưỡng sự vinh quang, Đấng mà các ông vừa mới được kêu gọi vâng phục chính là Chúa Giêsu nhưng trong điều kiện làm người của Ngài.
Chúng ta rất dễ bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi những cái ngoạn mục, những cái vượt ra ngoài ranh giới thông thường. Trong Tin Mừng chúng ta thấy ông Phêrô, sau khi được thấy mặt Thầy chiếu sáng như mặt trời và áo Thầy trở nên trắng như ánh sáng, rồi Thầy lại còn đàm đạo cùng Môsê và Elia, đã vội vàng đề nghị: Chúng con được ở đây thì tốt lắm, nếu Thầy muốn, chúng con xin làm ba lều, một thầy Thầy, một cho Môsê và một cho Elia.
Nhưng hiện tại vẫn phải là con đường xuống núi, tiếp tục tiến về Giêrusalem, đối diện với cái chết. Hiện tại chưa phải là lúc dừng lại trong vinh quang. Cuộc sống vẫn phải là cuộc hành trình của niềm tin, của sự gắn bó với Chúa Giêsu, dù rằng Ngài đang tiến đến thập giá. Vinh quang chỉ có thể đến ngang qua đau khổ.
Với sự kiện Chúa biến hình trên núi, các tông đồ như được thêm sức mạnh để cùng đi với Ngài trong đoạn đường còn lại. Nhiều người trong chúng ta rất dễ dàng đón nhận những lời nói của ông thánh này bà thánh nọ phán dạy qua những lần hiện ra ở chỗ này, chỗ khác, như những lời nói đáng tin cậy nhất với những việc lạ lùng kèm theo.
Thế nhưng trong chương trình của Chúa, Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta, Ngài đã giảng dạy bằng những hình ảnh hết sức bình thường và quen thuộc, chẳng hạn hình ảnh chim trời, cây vả, mẻ lưới, tiệc cưới... Chính Ngài cũng đã sống những điều ngài giảng dạy một cách thật bình thường, cho dù Ngài đủ khả năng lôi cuốn dân chúng bằng những việc lạ lùng. Chẳng hạn như sau khi làm phép lạ cho bánh hoá nhiều, thì dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua, nhưng Ngài đã dứt khoát từ khước.
Chúa Giêsu hôm nay đã tỏ mình ra là Thiên Chúa để củng cố niềm tin nơi các môn đệ. Chúa mời gọi các tông đồ xác tín niềm tin của mình để nhờ đó mà vượt qua những khó khăn để trung tín trong tình yêu. Vâng chính nhờ tin vào Chúa mà các ông đã không quản ngại gian khó để mang tin mừng yêu thương đến cho mọi người. Chính niềm tin vào Chúa mà các ông đã sống hết mình yêu thương con người.
Hôm nay Chúa vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta xác tín niềm tin vào Chúa để sống chứng nhân giữa dòng đời. Một đời sống chứng nhân mang tin yêu vào trong thế giới lắm bon chen, ích kỷ. Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng ta tỏ mình ra là con cái của Chúa khi chúng ta sống theo sự sáng không theo đường lối gian ta, khi chúng ta sống yêu thương phục vụ là dấu chỉ rõ ràng về chân dung người môn đệ của Chúa.
Hôm nay, lễ Chúa hiển dung nghĩa là Chúa tỏ hiện đúng dung nhan thật của Ngài. Một dung nhan thánh thiện rạng ngời mà bấy lâu nay nhân tính đã che phủ thiên tính của Ngài. Một dung nhan tinh tuyền của một vì Thiên Chúa là Thánh, ngàn trùng chí thánh đến nỗi cả ba môn đệ đều ngây ngất vì được chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu. Ba môn đệ đã cúi mình kính phục trước dung nhan thật của Chúa Giêsu. Đó chính là sứ điệp mà Chúa đang mời gọi chúng ta: hãy tỏ hiện dung nhan thật của chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa ra lời nói và việc làm của mình. Hãy thể hiện sự thánh thiện của hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình để anh em được chiêm ngưỡng. Hãy biểu lộ lối sống "nhân chi sơ tính bản thiện" của phẩm giá làm ngừơi để anh em được hạnh phúc khi sống với chúng ta.
Lễ Hiển Dung hôm nay mời gọi chúng ta hãy tìm lại hình ảnh ban đầu của tạo dựng. Hãy gạn đục khơi trong để hình ảnh của Chúa luôn tỏ hiện ra nơi bản thân của chúng ta. Hãy tìm lại hình ảnh tinh tuyền ban đầu của mình, một hình ảnh chưa bị lòng ham muốn danh lợi thú làm hoen ố, mới thấy phẩm giá cao đẹp của con người thật cao qúy hơn muôn loài. Có ý thức được sự cao qúy nơi phẩm giá làm người mới biết trân trọng và gìn giữ cho mình và cho anh em. Phẩm giá con người cao qúy hơn mọi danh lợi thú trần gian, thế nên đừng bao giờ vì một chút bổng lộc trần gian, một chút vui sướng mau qua mà đánh mất phẩm giá của mình và làm tổn thương đến phẩm giá của tha nhân.
Huệ Minh