Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 06 Tháng 9 2023 06:22

Quyền năng giải thoát

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Quyền năng giải thoát

 

 

7.9 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Hai Mùa Quanh Năm

Cl 1:9-14; Tv 98:2-3,3-4,5-6; Lc 5:1-11

Quyền năng giải thoát

          Phêrô và các môn đệ theo lệnh Chúa, ra khơi thả lưới… lưới đầy cá… Phêrô đã sụp xuống và sợ hãi khi chứng kiến phép lạ tỏ tường, ông thưa: “Lạy Chúa xin hãy xa tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi” (Lc 5:8) và Chúa đã kéo ông ra khỏi sự mặc cảm: “Đừng sợ, các con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (Lc 5:10). Đức Giêsu đã đánh dấu một khúc quanh quyết định cho cuộc đời của ông, trở nên thuyền trưởng cho sứ vụ “chài lưới người”. Các tông đồ ra khơi trong sứ mạng chài lưới người như Đức Kitô đã nói. Ra khơi, các ông đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài để mang những con người tội lỗi về cho Chúa Kitô

          Thật thế, các môn đệ mệt mỏi vật lộn với biển khơi thả lưới với một đêm thức trắng, nhưng thất bại chua cay không một con cá. Tâm trạng các ông thất vọng và chán nản. Chúa Giêsu lại bảo các ông hãy ra khơi một lần nữa. Ra khơi, đi vào biển lúc này với các ông là cả một sự cực hình vì vừa sống trong kinh nghiệm thất bại dù đã làm việc và thả lưới suốt đêm, nhưng vâng lời thầy, các ông vẫn ra khơi đi thả lưới.

          Tin Mừng hôm nay mang nhiều nghĩa sâu sắc về sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong cuộc sống của con người. Dân Do thái tin rằng biển cả là nơi cư ngụ của Satan và quỷ thần chống đối Thiên Chúa, và họ tin rằng chỉ có Đấng Cứu độ được Thiên Chúa sai đến mới có đủ uy quyền để chế ngự biển cả và giải thoát tất cả những ai đang bị chôn vùi trong đó.

          Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy quyền năng giải thoát của Ngài qua hình ảnh chiếc lưới được thả vào lòng biển khơi để vớt hàng sa số cá lên, đó là công cuộc cứu thoát nhân loại mà Ngài đang thực hiện. Ngài đến là để lôi kéo con người khỏi vực sâu của tội lỗi và sự dữ. Cùng trong ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu dùng câu nói "đánh lưới người" để trao phó sứ mệnh cho các môn đệ và Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập, tham dự vào công trình cứu rỗi nhân loại của Ngài.

          Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng tự sức họ, họ không thể làm được gì. Thánh Phêrô đã ý thức được điều đó: "Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả". Thánh Phêrô không chỉ nói lên cái giới hạn bất toàn của con người, mà còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: "Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi". Ý thức về thân phận ấy và sống cho đến cùng thân phận ấy là cả một cuộc chiến đấu cam go. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã cảm nghiệm được sự yếu đuối mỏng giòn của con người khi chối Thầy.

          Lời Phêrô đã thốt lên khi thấy phép lạ Chúa Giêsu thực hiện quá nhiệm mầu. Phêrô và mọi người vừa sung sướng, vừa kinh ngạc trước mẻ cá lạ lùng ấy. Ông thấy con người mình thấp hèn và giới hạn, không thể xứng với tình thương của vị Thiên Chúa quyền phép. Nhưng, Đức Giêsu hiền từ an ủi: “Đừng sợ, từ nay con sẽ thành kẻ lưới người”. Thiên Chúa không chê bỏ sự thấp hèn của con người. Ngài luôn tin tưởng, kêu gọi con người công tác với Chúa, trở thành những môn đệ chân chính của Ngài.

          Chúa gọi các mộn đệ ra khơi, tìm chỗ sâu thả lưới, tức là phiêu lưu đi vào nơi sóng gió. Ngài muốn người môn đệ phải liều lĩnh đối diện với hiểm nguy. Đó là sẵn sàng ra đi như Chúa Giêsu ví như chiên con vào giữa hang sói (x. Lc 10,3). Ra đi cho cuộc sống mới, cho một sứ mạng mới.

          Ra khơi, bỏ lại đất liền nơi có nhiều mối quen biết, an toàn, bao bọc, để mạo hiểm lênh đênh trên biển cả. Lên đường ra khơi là bỏ lại tất cả: Gia đình, thuyền bè, chài lưới. Bỏ cả nghề nghiệp cũ đã thành thạo để bắt tay vào nghề mới còn chập chững. Bỏ nghề chài lưới cá để thành kẻ chài người.

          Ra khơi là ra khỏi chính mình, ra khỏi những mặc cảm, khiếm khuyết bất toàn, để sống con người mới cho sứ mạng mới...

          Đức Kitô hôm nay vẫn đi dọc theo bờ biển của cuộc đời chúng ta, Ngài nói với tôi và bạn, những người đang lắng nghe lời Ngài giảng dạy: “Hãy ra khơi”, ra khơi tiến vào biển cả, đối diện với phong ba bão tố. Ra khơi với tinh thần như các môn đệ năm xưa: “Bỏ lại mọi sự, họ đã theo Chúa” (Lc 5:11).

          Ra khơi vào biển cả cuộc đời, nơi có bão tố gian nan mà con người phải đối diện, chúng ta mang những tâm tình cam đảm vượt khó với niềm tin vào Thầy như Theodore Roosevelt chia sẻ: “Chịu xây xát với nước mắt và mồ hôi, dũng cảm đấu tranh, lầm lỗi và gặp những trắc trở, biết hăng hái nhiệt tình, mạnh mẽ tin tưởng vào sự thành công của công việc nhưng lại bị thất bại”. Như thế, chỗ đứng của họ không chung với những tâm hồn cô đơn và nhút nhát, nhưng với những tâm hồn biết cảm nghiệm được thất bại và chiến thắng. Như Phêrô cọ xát với thất bại trong đêm trường thả lưới dù với tất cả sự cố gắng, nhưng chiến thắng trong ban ngày thả lưới, lưới đầy cá vì ông đã làm theo ý Thầy: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5:5).

          Càng thấy mình yếu hèn, con người càng sống gắn bó với Chúa; càng thấy mình vô dụng, con người càng trở nên hữu hiệu trong quyền năng của Ngài. Thiên Chúa mời gọi chúng ta tin tưởng nhìn vào tác động của Ngài qua Giáo Hội. Chúa Giê Su vẫn hiện diện trước đầu tàu của con thuyền Giáo Hội, và ngoài mọi suy nghĩ, tính toán của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thực hiện những điều huyền diệu ngay cả những lúc Giáo Hội lâm vào các cơn khủng hoảng tột cùng kiệt quệ, tưởng bó tay không thoát ra được phong ba và bảo táp.

 Huệ Minh

Read 186 times Last modified on Thứ năm, 07 Tháng 9 2023 06:29