Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 30 Tháng 9 2023 04:45

Hoán cải

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Hoán cải

 

 

1.10 Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Sáu Mùa Quanh Năm

Ed 18:25-28; Tv 25:4-5,6-7,8-9; Pl 2:1-11; Pl 2:1-5; Mt 21:28-32

Hoán cải

          Tin Mừng sáng hôm nay đặt chúng ta trước một người cha hiền lành và nhân hậu truyền bảo hai người con của mình đi làm vườn nho. Thực vậy, hình ảnh người cha này chính là hình ảnh Thiên Chúa của Đức Kitô, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh Thiên Chúa mà các thượng tế đã giới thiệu cho người Do Thái.

          Đúng thế, người ta thường hay vẽ ra một Thiên Chúa thích trừng phạt và áp đặt những mệnh lệnh độc đoán, khác hẳn với hình ảnh Thiên Chúa do Đức Kitô mạc khải, là một người cha nhân từ và tha thứ. Ngay cả lệnh truyền của Ngài cũng chỉ là một lời mời gọi: Hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha.

          Thái độ của hai người con cũng trái ngược nhau một cách đặc biệt. Hình ảnh hai người con có lẽ đã diễn tả được tính chất mâu thuẫn của hai quan niệm biết Chúa và sống đạo.

          Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay chúng ta thấy Thiên Chúa đã trao ban cho con người sự tự do. Và với sự tự do này, con người có thể bước theo Chúa nhưng cũng có thể quay lưng chống lại Ngài. Con người có thể vâng theo thánh ý Chúa nhưng cũng có thể từ khước đường nẻo của Ngài. Thế nhưng điều quan trọng hơn đó là Thiên Chúa sẽ xử sự với chúng ta tuỳ theo việc chúng ta có hay không thực thi thánh ý Ngài, chứ không tuỳ thuộc vào lời nói của chúng ta.

          Trong hai người con, người được coi là đã thực thi ý định của cha không phải là người đã mau mắn trả lời vâng trước lệnh truyền của cha, nhưng trong hành động thì lại không làm. Mà chính là người tuy đã trả lời không, nhưng trong thực tế lại đi làm điều người cha truyền dạy.

          Trong xã hội thời Chúa Giêsu cũng như thời nay, vẫn có những hạng người tỏ ra ngoan đạo, công chính, siêng năng với các việc đạo đức, kinh hạt, nhà thờ nhà thánh. Lời nói thì đầy vẻ thuần phục đối với các giáo huấn của Chúa, nhưng trong hành động lại chẳng có chút vẻ gì là ưng thuận đối với điều Chúa truyền dạy. Những người bề ngoài xem ra dễ bảo, nhưng thực chất lại là người khó dạy. Họ đã có thể đánh lừa được dư luận vì cái mau mắn bên ngoài của họ.

          Trong xã hội thời Chúa Giêsu, những người này tượng trưng nơi hàng tư tế, đầu mục, nhóm biệt phái và thông luật. Tuy đánh lừa được dư luận, nhưng thực ra, họ đã đánh mất chỗ của họ trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Thế vào chỗ của họ lại là những người thu thuế, những gái điếm, những người mà ai cũng biết là đang vị phạm ý Chúa, được bày tỏ trong lề luật và trong giới răn của Ngài. Họ là những người qua lối sống của mình, đã nói không trước lệnh truyền của Chúa. Nhưng một lúc nào đó, những người này đã nhận ra sự sai trái của mình, đã biết hối cải và đi làm điều Chúa truyền dạy. Họ là những người đã được giáo huấn và những việc làm của Ngài lay động, làm thức tỉnh, thay đổi hẳn cuộc sống. Họ là người đàn bà xứ Samaria, đã gặp Chúa bên giếng nước; là ông Giakêu, được Chúa viếng thăm; là bà Maria, đã xức dầu cho Chúa; là tên trộm cướp bị đóng đinh bên cạnh Chúa; là tất cả những kẻ tội lỗi biết hối cải. Vấn đề chính yếu là làm theo ý Chúa.

          Thế nhưng, người ta lại thường hay tự mãn với một nhãn hiệu, một dấu chỉ bên ngoài nào đó. Chẳng hạn vốn tự hào là người công giáo ngoan đạo, chúng ta khó mà nghĩ đến việc trở lại, mở rộng cửa tâm hồn đón nhận cái mới, cái bất ngờ, cái chưa được nghe biết bao giờ.

          Dụ ngôn cho chúng ta thấy trở ngại lớn nhất trên đường vào Nước Trời không phải là tội lỗi mà là sự ngủ mê giữa những tiêu chuẩn đạo đức được chúng ta dựng nên, sự sợ hãi phải đặt lại vấn đề những cái đã là chúng ta đã xác tín. Tuy nhiên, có đặt lại vấn đề như thế, chúng ta mới nhận biết được thánh ý Chúa và mới đi đúng con đường Chúa muốn chúng ta đi.

          Khi thuật lại dụ ngôn này cho cộng đoàn, thánh sử Mt muốn biện hộ cho một Giáo Hội mở rộng vòng tay đón tiếp những người thu thuế, gái điếm đã hoán cải Ngài cảnh giác các Kitô hữu, xưa cũng như nay, chống lại một thứ tôn giáo bề mặt chỉ biết lải nhãi: “Lạy Chúa, lạy Chúa” nhưng không bao giờ “thi hành ý Cha”.Ngược lại, những người mà Do Thái giáo chính thức coi là đáng khinh bỉ và vô phương cứu chữa, những “người thu thuế” và “đĩ điếm”, những người tội lỗi công khai xem ra rất xa đường “công chính”, lại đón nhận lời rao giảng của Đức Giêsu cũng như họ đã đón nhận lời rao giảng của Gioan Tẩy giả: họ đã “hối cải và tin vào lời Ngài”.

          Thật là tuyệt vời nếu chúng ta nói rằng: “Con sẽ làm hay con cố gắng làm” và rồi thực tế là đã cố gắng làm việc đó.Có một người con như thế thật đẹp lòng Chúa biết bao. Thiên Chúa không chỉ cần ta hành động trong cuộc sống, mà Ngài con muốn mỗi người chúng ta vừa biết vâng lời như đứa con thứ hai, vừa biết thực hành như đứa con thứ nhất.

Huệ Minh

Read 152 times Last modified on Chủ nhật, 01 Tháng 10 2023 06:46