Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 22 Tháng 10 2023 07:01

Ðiều Chỉnh Hướng Ði

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ðiều Chỉnh Hướng Ði

 

 

23.10 Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm

Rm 4:20-25; Lc 1:69-70,71-72,73,75; Lc 12:13-21

Ðiều Chỉnh Hướng Ði

          Chúa Giêsu lấy khởi điểm để giáo huấn là một vụ kiện về vấn đề chia gia tài. Rất có thể đây là một người em trong gia đình không đồng ý với cách quản lý và thụ hưởng chung gia tài, nên muốn có phần của mình để dùng theo cách độc lập. Trong những vụ tranh cãi như thế, người ta thường đến gặp các kinh sư để xin soi sáng vấn đề. Chúa Giêsu dứt khoát từ chối can thiệp. Yêu cầu của người ấy và yêu cầu của Chúa Giêsu ở trên hai bình diện khác nhau. Người ấy thì muốn có một phần sở hữu độc lập, Chúa Giêsu thì dựa vào đó để nói về tương quan của con người với của cải. Chính các tranh chấp về gia tài thường đưa ra ánh sáng một liên hệ chặt chẽ với sở hữu và thường đưa đến những mối thù nghịch kéo dài suốt đời.

          Điều này có lẽ khiến chúng ta hiểu vì sao ở đây Chúa Giêsu khuyến cáo chống lại lòng tham lam mạnh mẽ đến thế. Của cải sở hữu không phải là giá trị cao nhất, khiến ta phải hy sinh mọi sự để có cho bằng được. Chúa Giêsu sẽ minh họa điểm này bằng dụ ngôn tiếp theo.

          Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giầu có là ngu dại. Cái ngu dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông tự xây cất để giam hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem theo được của cải nào sau khi chết hay không?

          Kẻ ngu dại nói chung là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu là ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống làm cùng đích đời người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ tiếng lương tâm để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng, quyền bính.

          Tin Mừng thuật lại, một người trong đám đông xin Chúa Giêsu can thiệp vào vụ tranh chấp tài sản (x. Lc 12,13-15). Tuy nhiên, Chúa Giêsu từ chối can thiệp và Người cảnh báo đừng thu tích của cải cho mình, vì nó không phải là cái có giá trị cao nhất. Tiếp đến, Chúa Giêsu minh họa điều này bằng dụ ngôn Người phú hộ (x. Lc 12,16-20).

          Dụ ngôn này được coi như một bài bình luận cho câu nói của Chúa Giêsu: “Phải giữ mình tránh mọi thứ tham lam” (Lc 12,15). Cái chết đột ngột sẽ ập vào cuộc đời con người, sẽ làm đảo lộn những gì đã thu tích được, cũng như những dự phóng xem ra hợp lý nhất, nhưng tất cả sẽ trở thành vô giá trị.

Chúa Giêsu đã dạy để được sống đời đời, chúng ta cần sống bằng tình yêu đối với Chúa và với tha nhân (x. Lc 10,25-37). Đây mới chính là người giàu có trước nhan Thiên Chúa và được Ngài đưa đến chỗ viên mãn, đó là sự sống đời đời.

          Chúa Giêsu không quan tâm đến những điểm tranh luận phụ thuộc; Người chỉ cứu xét những câu hỏi lớn liên quan đến sự sống: đâu là điều quan trọng nhất? Ta có thể tín nhiệm vào điều gì? Điều gì ta phải tìm cách đạt cho được? Ta phải sử dụng cuộc sống và dấn thân thế nào để đạt được mục tiêu cuộc đời? Chúa Giêsu nói rõ ràng các của cải vật chất không thể đảm bảo cho cuộc sống, còn sự sung túc, thoải mái, không thể là nội dung của cuộc sống được. Sự thành toàn chỉ được một mình Thiên Chúa ban cho mà thôi. Vậy trong cuộc sống này, chúng ta có thể và phải tính sổ với Thiên Chúa. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình trước mặt Ngài.

          Cuộc sống hiện tại có thể là một cạm bẫy. Những giành giựt mưu sinh có thể biến chúng ta thành kẻ ngu dại, chỉ nhìn thấy chén cơm manh áo mà quên đi ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. "Cái khó không những bó cái khôn", mà còn trói buộc lòng quảng đại của chúng ta.

          Trong ánh sáng của dụ ngôn hôm nay, được “giàu có  trước mặt Thiên Chúa” có thể là: nhìn của cải trong cái nhìn về nhu cầu của người khác; không chỉ tự mình quyết định điều thiện hảo; nhận thức sáng suốt điều Chúa muốn trước khi tôi hành động; nghĩ đến cái giá mà người khác phải trả vì quyết định của tôi; không đặt tin tưởng nơi những thứ chóng qua; xem trọng sự giàu có mà mình có nơi những tương quan với tha nhân và việc họ bị ảnh hưởng thế  nào vì quyết định của tôi.

          Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có niềm tin phải là hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích của cuộc đời. Giữa chợ đời tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mát mát, khờ dại, nhưng điều người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan, là luận lý của Thiên Chúa.

          Xin Chúa giúp chúng ta ý thức rằng, mình đã có bao nhiêu tài sản nơi trần gian, đó chỉ là điều thứ yếu. Nhưng điều quan trọng nhất là mỗi khi tham dự thánh lễ là dự tiệc Thánh Thể, vì chúng ta đói khát Thiên Chúa và đường lối của Ngài. Nhờ đó, chúng ta biết ơn Chúa vì những ân huệ Ngài đã ban cho như là việc đủ ăn và thành quả lao động; đồng thời, chúng ta còn biết ơn vì đức tin mang lại cái nhìn tỏ tường, giúp chúng ta biết mình phải làm gì để nên giàu có trong Nước Trời.

Huệ Minh

Read 126 times Last modified on Thứ hai, 23 Tháng 10 2023 07:03