Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 13 Tháng 1 2024 07:31

Con đường dẫn đến ơn gọi Kitô hữu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN ƠN GỌI KITÔ HỮU | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên, Năm B


TMĐP- Ơn gọi Kitô hữu khởi đầu từ lắng nghe lời Chúa và đến mà xem “những kỳ công Ngài đã thực hiện” (Tv 39,6), để miệng lưỡi ca tụng Ngài, vì “Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta” (Tv 39,4).

Thiên Chúa không tỏ mình một cách máy móc, vô hồn, nhưng tỏ mình một cách sống động trong chính đời sống của con người, với điều kiện con người phải sống động cộng tác bằng chính con người của mình. Điều này được làm chứng qua ơn gọi của ngôn sứ Samuen và các môn đệ đầu tiên.

Ơn gọi của câu bé Samuen bắt đầu từ một đêm kia, bên cạnh thầy cả Êli, khi “đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Samuen đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Samuen. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” (1Sm 3, 3-4). Ba lần như thế: Đức Chúa gọi, Samuen thưa, “rồi chạy lại với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con”. Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi” (1 Sm 3, 5). Đến lần thứ tư, Đức Chúa lại gọi Samuen, và cậu đã thưa với Đức Chúa như lời thầy Êli dặn: “Hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1 Sm 3, 9), và Đức Chúa đã chọn Samuen làm ngôn sứ của Ngài. Và “Samuen lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu” (1 Sm 3, 19).

Samuen đã đến với Thiên Chúa bằng lắng nghe. Nhờ thao thức lắng nghe tiếng Thiên Chúa gọi, và nhờ đón nhận với tất cả tấm lòng lời căn dặn của thầy Êli, mà Samuen đã được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ. Và con đường Samuen đến với Thiên Chúa chính là con đường lắng nghe tiếng Ngài.

Khác với Samuen, con đường các môn đệ đầu tiên đến với Đức Giêsu lại là con đường “Đến mà xem”, mà Tin Mừng Gioan đã ghi lại với tên tuổi chính xác: “Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu” (Ga, 40). “Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người…” (Ga 1, 38-39).

Cùng với hai ông còn có ông Philipphê. Ông này nói với ông Nathanaen về Đức Giêsu và bảo: “Cứ đến mà xem!” (Ga 1, 46). Và họ đã gặp và trở thành môn đệ Đức Giêsu

Nhờ “đến mà xem”, các ông đã nhận ra Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1, 29), mà Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu, và tuyên xưng như môn đệ Nathanaen: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Ítraen!” (Ga 1, 49).

Tóm lại, ơn gọi Kitô hữu khởi đầu từ lắng nghe lời Chúa và đến mà xem “những kỳ công Ngài đã thực hiện” (Tv 39,6), để miệng lưỡi ca tụng Ngài, vì “Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta” (Tv 39,4).

Đó là lý do thánh Phaolô đã cảnh giác chúng ta về sự thánh thiện của thân xác, vì chính thân xác cho chúng ta lắng nghe tiếng Chúa, đến mà xem nơi Thiên Chúa ở, việc Thiên Chúa làm, và cất lời ngợi khen, chúc tụng Chúa. Vì thế, “thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác” (1 Cr 6, 13). Do đó, thân xác là Đền Thờ của Thánh Thần, nơi Thiên Chu được tôn vinh, bởi chính khi thân xác lắng nghe lời Thiên Chúa, thân xác tìm đến mà xem Thiên Chúa, thân xác cất tiếng ngợi khen Chúa là lúc chúng ta được “kết hợp với Chúa, nên một tinh thần với Người” (1 Cr 6,17).

Ước gì mỗi người chúng ta hằng ngày sống ơn gọi làm Kitô hữu của mình một cách sống động bằng tham dự thánh lễ, ở đó chúng ta được lắng nghe Lời Chúa và chiêm ngắm Mình Máu Thánh Chúa là chính Chúa, là con đường Chúa muốn chúng ta đến với Ngài như người môn đệ, nghĩa là ở với Ngài, kết hợp với Ngài, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Jorathe Nắng Tím

Read 91 times Last modified on Thứ hai, 15 Tháng 1 2024 17:46