23.1Thứ Ba trong tuần thứ Ba Mùa Quanh Năm
2 Sm 6:12-15,17-19; Tv 24:7,8,9,10; Mc 3:31-35
Ai là người thân cận của Chúa
Tương quan thân thuộc dựa trên việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa làm nên Gia Đình mới mà Chúa Giêsu rao giảng, xây dựng và trao ban chính sự sống của mình để nuôi dưỡng và làm cho hoàn tất, được mở ra cho tất cả mọi người. Dấu chỉ cho việc mở rộng đến vô hạn là chữ “chị” được Chúa Giêsu thêm vào, khi nói về Gia Đình mới: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
Trình thuật Tin mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu một cách tế nhị và khéo léo đã tôn vinh Đức Maria Mẹ người. Vì hơn ai hết, Mẹ đã vâng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa: “Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 38) Và qua tiếng xin vâng của Mẹ, chương trình cứu độ của Thiên Chúa bắt đầu thực hiện qua việc nhập thể của Ngôi Hai con Chúa – Người là trưởng tử của một đàn em đông đúc; Người đã làm người cho chúng ta được nhờ Người được làm con Chúa. Vì vậy, Chúng ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, làm người nhà của Chúa khi chúng ta thi hành ý muốn của Người.
Đức Giêsu đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”. Chúng ta có thể hình dung ra đám đông đứng chung quanh Chúa Giêsu đông đến độ, Mẹ và anh em của Ngài không thể đến gần được. Như Tin Mừng kể lại, Ngài không tạm ngưng việc giảng dạy để ra gặp Mẹ và người thân; và Chúa Giêsu không chỉ không ra gặp, nhưng còn nói những lời như muốn từ chối mẹ và anh em của mình: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
Qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người toàn thân theo ý Chúa, Mẹ đã hiểu rõ xứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi ý Chúa. Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở lên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được kết hợp với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, chị em ruột thịt.
Chúng ta hãy đi vào tâm hồn của Đức Maria: Mẹ muốn nói gì với Chúa Giêsu khi đến; và khi sau khi nghe lời của Ngài, Mẹ hiểu và cảm như thế nào? Chúng ta chỉ biết rằng, các Tin Mừng không còn nhắc đến Đức Maria nữa, cho đến khi Chúa Giêsu đi vào con đường Thập Giá (Ga 19, 25-27; và một cách gián tiếp trong Lc 23,27). Chắc chắn Mẹ đã ghi nhớ lời này của Chúa Giêsu, suy đi nghĩ lại trong lòng và đã hiểu, nên Mẹ đã đi theo Chúa Giêsu cách khiêm tốn như một người môn đệ trong tương quan mới và trong Gia Đình mới của Người, và cũng là Gia Đình mới của Mẹ nữa, vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu “cách duy nhất” đến độ, Mẹ cũng là Mẹ của mọi người môn đệ Chúa Giêsu, trong đó có chúng ta.
Chúa Giêsu không có từ chối Mẹ, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong gia đình mới mà Chúa Giêsu đang gầy dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất : Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Chúa Giêsu, vừa là mẹ Chúa Giêsu, vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời. Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu hai lần: ơn huệ này là duy nhất, chỉ một mình Mẹ có mà thôi, được làm Mẹ của Chúa Giêsu hai lần.
Người ta chỉ làm theo ý muốn của ai đó, khi người ta công nhận quyền của người ấy, khi người ta kính sợ, nể phục, tin tưởng vào người ấy, hoặc khi đó là người mà người ta yêu mến; nhưng cũng có khi người ta thực hiện ý muốn của người khác là do sợ hãi, bị lừa, bị ép… Cũng thế, sự vâng nghe, thi hành ý muốn của Thiên Chúa một cách hoàn toàn tự nguyện chỉ diễn ra khi người ta yêu mến, tin tưởng và tín thác vào Người.
Giáo xứ và nhất là cộng đoàn tu trì, hay rất cụ thể, tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, chính là hình ảnh gia đình mới của Đức Giê-su : chúng ta không phải là ruột thịt, nhưng bởi việc lắng nghe và sống Lời Chúa, qua đó chúng ta đón nhận Ngôi-Lời vào trong cuộc đời của chúng ta (bởi vì Lời Chúa và Ngôi Vị của Chúa là một), như Đức Maria, chúng ta trở thành anh chị em của Chúa Giêsu, và như thế trở thành con của cùng một Mẹ, là Mẹ Maria. Sự qui tụ đang lớn dần ở trong Giáo Hội và nhất là trong mỗi xứ đạo hay trong Hội Dòng của chúng ta là một hình ảnh rất đẹp và cụ thể, nói lên gia đình mới của Đức Giê-su.
Vậy, nếu chúng ta xây dựng gia đình mới, xây dựng nhóm, cộng đoàn của chúng ta trên một điều gì khác với Lời Chúa, thì có thể nói, chúng ta đang xây nhà trên cát (Mt 7, 24-27).
Thánh ý Chúa được tỏ lộ trong mặc khải Kinh thánh, qua các giới răn của Người, cách đặc biệt giới răn yêu thương trong Tin mừng qua lời dạy của Đức Giê-su Ki-tô; thánh ý Chúa còn được tỏ lộ qua tiếng nói của lương tâm nhắc nhở làm lành lánh dữ; qua những giáo huấn của Hội Thánh; qua những biến cố cuộc đời. Người Ki-tô hữu yêu mến và sống niềm tin vào Thiên Chúa sẽ giữ đạo, giữ luật Chúa một cách hết sức nhẹ nhàng tự nhiên như một người con hiếu thảo thực hành ý muốn của Cha mình trong ý hướng muốn làm đẹp lòng Cha vì tin tưởng, biết Cha luôn muốn điều tốt lành cho mình, như Đức Giêsu Kitô: “Lương thực ta dùng là thi hành ý muốn của Cha ta.” (x. Ga 4, 34) Vì vậy mà Ngài là “Con rất yêu dấu của Cha, đẹp lòng Cha mọi đàng” (x. Mt 3,17; Mc 1, 11). Nếu không yêu mến và tin kính Chúa, Người Ki-tô hữu sẽ dễ dàng rơi vào tình tràng giữ đạo hình thức, nệ luật, né luật hoặc giữ luật vì sợ hãi (sợ tội, sợ Chúa phạt, sợ dư luận cộng đồng…)
Thiên Chúa là cha yêu thương, Người đã tạo dựng chúng ta giống hình ảnh của Người để chúng ta được hiệp thông trong sự sống tình yêu của Người hầu được hạnh phúc. Khi sống yêu thương là chúng ta thi hành ý muốn của Thiên Chúa; khi chấp nhận mọi nghịch cảnh, mọi thử thách và hy sinh để xây dựng và làm cho cuộc sống tốt đẹp là chúng ta đang làm theo thánh ý của Người.
Ai không muốn làm người nhà của Thiên Chúa; Ai lại không muốn làm người thân thuộc của Người. Chúng ta phải biết sống tâm tình cảm tạ, tri ân và mau mắn làm theo ý Chúa để đáp trả hồng ân lớn lao Chúa ban tặng cho chúng ta và mời gọi chúng ta lãnh nhận là được làm con Chúa, được thừa hưởng gia nghiệp nước trời Chúa dành cho những ai thực hiện ý muốn của Người. Đồng thời mỗi người chúng ta cũng có trách nhiệm và bổn phận giúp cho tha nhân cũng được trở nên người nhà của Thiên Chúa qua việc nhận biết và thi hành thánh ý của Người.
Nghe và sống Lời Chúa không chỉ là điều kiện, nhưng còn có nguồn sự sống làm cho chúng ta tái sinh, bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới trong Gia Đình mới của Thiên Chúa.
Lời Chúa, Mình và Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ của Chúa, tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình mới của Chúa. Những ơn huệ này Chúa vẫn ban cho chúng ta cách quảng đại nơi Thánh Lễ, để tái sinh chúng ta mỗi ngày cho Chúa và cho những người thân yêu của Chúa, trong đó Đức Maria, Mẹ của chúng ta.
Huệ Minh