Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 23 Tháng 2 2024 06:41

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần 1 Mùa Chay

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần 1 Mùa Chay


THỨ BẢY TUẦN I MÙA CHAY


Dt 26: 16-19; Tv 118; Mt 5, 43-48


... Lời Chúa

"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

... Suy niệm

Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta. Đó là đòi hỏi của Chúa Giêsu, và điều này đã được Chúa Giêsu thực hiện trong chính cuộc khổ nạn của mình. Trước tiên, Ngài cầu nguyện xin Chúa Cha cho những người đóng đinh Ngài trên thập giá, những kẻ lên án và giết chết Ngài: “xin Cha tha cho họ vì họ không biết họ làm”. Yêu thương những người yêu thương mình là chuyện quá dễ dàng, không cần phải cố gắng. Để thực hiện những gì Chúa Giêsu đòi hỏi – yêu thương kẻ thù – cần phải mở rộng con tim và quảng đại, thực thi một lối sống xem ra đi ngược với nền văn hóa hiện đại này.

“Tôi không chỉ yêu những người yêu tôi như gia đình, bạn bè, nhóm của tôi, mà cả những người không yêu tôi, những người không biết tôi, hoặc những người ngoại quốc, và cả những người làm cho tôi đau khổ hoặc những người tôi xem là kẻ thù (x. Mt 5,44). Đây là sự khôn ngoan Kitô giáo, đây là thái độ của Chúa Giê-su. Và điểm cao nhất của sự thánh thiện là yêu kẻ thù và điều này không dễ dàng. Tất nhiên, yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù, thì rất khó – tôi phải nói rằng đó là một nghệ thuật! Nhưng đó là một nghệ thuật mà người ta có thể học hỏi và cải thiện. Tình yêu đích thực, điều giúp chúng ta trở nên phong phú và tự do, luôn luôn mở rộng và bao gồm. Tình yêu này hàn gắn, chữa lành và tạo nên điều tốt. Rất nhiều lần, một sự nhẹ nhàng thì tạo nên điều tốt hơn là các cuộc tranh luận; một sự dịu dàng tha thứ chứ không phải là những tranh luận để tự vệ. Tình yêu bao gồm thì chữa lành.

Vì vậy, tình yêu không chỉ giới hạn trong các mối quan hệ giữa hai hoặc ba người, hoặc giữa bạn bè, hoặc gia đình. Nó bao gồm các mối quan hệ dân sự và chính trị (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo [CCC], 1907-1912), bao gồm cả mối quan hệ với tự nhiên (TĐ. Laudato si’ [LS], 231). Vì chúng ta là những hữu thể xã hội và chính trị, một trong những biểu hiện cao nhất của tình yêu chính là biểu hiện xã hội và chính trị, có tính chất quyết định đối với sự phát triển của con người và để đối mặt với bất kỳ loại khủng hoảng nào (sđd, 231). Chúng ta biết rằng tình yêu thương làm cho gia đình và bạn bè trở nên phong phú, trổ sinh kết quả; nhưng thật tốt khi nhớ rằng nó cũng làm cho các mối quan hệ xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị trổ sinh kết quả, cho phép chúng ta xây dựng một “nền văn minh của tình yêu”, như thánh Phaolô VI đã thích gọi và thánh Gioan Phaolô II cũng nói theo cách thức của ngài. Không có nguồn cảm hứng này, nền văn hóa ích kỷ, vô cảm, loại bỏ sẽ thắng thế; nghĩa là loại bỏ người tôi không thích, người tôi không thể yêu thương và người đối với tôi là vô ích cho xã hội” (ĐTC Phanxicô)

Nhưng thật đáng tiếc, ngày nay các mối quan hệ của con người đã thay đổi, chúng ta sống ảo nhiều hơn. Chúng ta biết rất nhiều người, có rất nhiều bạn, nhiều người theo dõi, những người chúng ta liên lạc, tán chuyện trên mạng. Nhưng chúng ta nói gì với nhau? Nội dung của nói thường là vô tội vạ, chúng ta phán xét, ứng xử đối với người khác bằng một cú like và chúng ta sẵn sàng chỉ trích suy nghĩ và hành vi của người khác. Vậy thì đâu là tình bạn? Đâu là các mối tương quan? Người bạn tốt nhất của chúng ta giờ đây là cái điện thoại thông minh. Chúng ta là hòn đảo, mỗi người đều đóng cửa phòng mình với cái đầu chúi mũi vào điện thoại. Mọi thứ đều xảy ra trong im lặng, chúng ta không có thời gian để ở bên nhau. Chúng ta phải tỉnh thức, mau chóng bước ra khỏi lối sống này, tìm lại cuộc sống, tìm lại niềm vui bằng những giây phút chia sẻ, thiết lập mối quan hệ giữa người với người.

Hãy ngước mặt lên và hãy tìm cho mình sức mạnh là sự can đảm để “ngước nhìn” những người xung quanh, can đảm để đối diện với những khó khăn và vượt qua sợ hãi, để yêu thương, tha thứ, lôi kéo sự thánh thiện về phía chúng ta. Hãy sát cánh quanh gia đình của mình, cộng đoàn giáo xứ của mình và tái khám phá các giá trị đích thực của cuộc sống hiện tại, cuộc sống kitô giáo.

… Cầu nguyện

Lạy Chúa xin mở mắt con, để con có thể thấy Chúa nơi anh chị em con. Xin mở tai con, để con có thể nghe được những tiếng kêu của người đói rét, sợ hãi và bị áp bức. Xin mở lòng con, Lạy Chúa, để con học biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương con. Xin ban cho con Thánh Linh của Chúa, để chúng con trở nên một lòng và một linh hồn, nhân dành Chúa. Amen.

(Lời cầu nguyện của Mẹ Têrêsa Calcutta)

... Quyết tâm

Hôm nay tôi quyết tâm rời chiếc điện thoại bằng cách hạn chế hết sức có thể, để tôi có thể dành thời gian cho gia đình, con cái, anh chị em, cầu nguyện và suy gẫm về cuộc đời mình, suy nghĩ về những gì thật sự có ích cho chính mình và cho tha nhân, đặc biệt là suy nghĩ con đường nên thánh giữa đời như Chúa Giêsu mời gọi hôm nay.

G. Võ Tá Hoàng

Read 215 times Last modified on Thứ bảy, 24 Tháng 2 2024 06:49