Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 3, 14-21)
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa".
Suy niệm
Chúa nhật thứ 4 mùa chay được gọi là Chúa nhật của niềm vui, của tình yêu. Phụng vụ Lời Chúa trong ngày Chúa nhật này mời mọi người hãy bắt đầu từ khái niệm tình yêu, một tình yêu tự hiến, để cùng đọc và suy niệm, cùng sống và chiêm ngắm Đấng đã chết vì tình yêu để cứu độ con người. Nhắc đến tình yêu, chưa có một giai đoạn nào của lịch sử con người mà khái niệm này được nhắc đến cách rõ ràng trọn vẹn được, bởi tình yêu đến từ trái tim và khối óc, đến từ lòng mến và sự hy sinh đến tận cùng.
Đọc lại câu chuyện hồi hương của dân Do thái sau bao nhiêu ngày tháng lưu lạc nơi đất khách quê người, ai cũng thấy đó là một niềm vui, nhưng niềm vui đó được hiểu theo khái niệm của tình yêu. Một ông vua không quen biết gì Thiên Chúa, thế nhưng, sau khi chiến thắng đế quốc Ba-by-lon, đã ra chiếu chỉ cho dân Do thái được hồi hương, được tái thiết lại đền thờ, lại còn cho thêm kinh phí để trang trải. Tất cả được nhìn dưới góc nhìn tình yêu, một tình yêu đến từ bàn tay của Thiên Chúa: “Năm thứ nhất triều đại Cy-rô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: "Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên". Có phải vì ghét bỏ khi thấy dân riêng phạm tội mà Thiên Chúa đã trừng phạt, cho đi lưu đày nơi đất khách, hay vì yêu thương họ, muốn họ thay đổi, nên Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi môi trường tội lỗi, để thanh luyện, để sám hối, để thay đổi niềm tin và thái độ sống. Nay được trở về, còn niềm vui nào lớn cho bằng, còn hạnh phúc nào ngập tràn cho bằng được trở về quê hương.
Ngụp lặn trong niềm hạnh phúc được chọn và được gọi làm Tông đồ cho anh em dân ngoại, thánh Phaolo cảm nghiệm phần nào chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, vì thế, ngài đã nhắc nhở cho con cái các giáo đoàn, hãy ý thức rằng ơn cứu độ của mình không đến từ công trạng con người, nhưng tất cả là do tình yêu Chúa Cha dành cho con người. Cộng đoàn Ê-Phê-sô đã đón nhận lá thư mục vụ của thánh nhân, đã thay đổi từng ngày, từ niềm tin cho đến thái độ sống và mối tương quan tình Trời và tình người: “Bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành”. Khởi đi từ tình yêu, Thiên Chúa Cha đã gởi con người đến thế giới này, để làm chứng cho một tình yêu tự hiến, một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Từ đây, đời sống người tín hữu Kito, là một lời chứng cho tình yêu, khởi đi từ sự tha thứ, đón nhận, chia sẻ và nhìn nhận sự hiện hữu của tha nhân như là anh chị em của mình.
Là một nhà thông thái, ông Ni-cô-đê-mô chưa thể hiểu hết chiều sâu của tình yêu, đặc biệt là tình yêu tự hiến đến từ Thiên Chúa, vì thế, trong một cuộc gặp gỡ, Đức Giesu đã phần nào vén bức màn về khái niệm tình yêu đó cho ông, để ông cảm nghiệm được phần nào chiều sâu của tình yêu tự hiến: “Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”. Thiên Chúa cứu độ con người không phải nhờ cây khổ giá, nhưng đến từ tình yêu tự hiến, khổ giá chỉ là một biểu tượng đến từ một hình phạt của con người, trên khổ giá, các tội nhân phải đền bù vì lầm lỗi của mình, thế thì Con Thiên Chúa đã làm gì nên tội để phải chịu cảnh trần truồng trên khổ giá kia. Trên đồi Can vê có tới ba khổ giá nhưng chỉ có một cây thánh giá thôi. Tôi được cứu là nhờ cây khổ giá hay nhờ vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha, chắc cần phải định hình lại niềm tin của mình về ơn cứu độ, để sống đúng với chiều sâu của tình yêu tự hiến.
Đau khổ không đến từ Thiên Chúa, vả lại, Thiên Chúa không lấy đau khổ để cứu độ con người, Chúa Cha đã gởi người Con của mình đến cứu con người, tất cả đến từ tình yêu. Tình yêu Chúa Cha đã phục hồi vị thế con người, đưa con người trở về với mái nhà ban đầu, cho con người tháp nhập vào thân thế người Con của Ngài là Đức Giesu Kito phục sinh. Con Thiên Chúa đã chấp nhận khổ hình, chấp nhận bị kết án, chấp nhận bị treo lên và bị đâm vào cạnh sườn, tất cả như diễn đạt chiều sâu của tình yêu tự hiến, hy sinh tất cả vì người mình yêu. Tình yêu thế gian luôn đi kèm với điều kiện, luôn có những yếu tố ích kỷ đi bên cạnh, vì thế, chiều sâu của tình yêu thế gian là thứ tình yêu vị kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình, còn ngược lại, tinh yêu đến từ Thiên Chúa là tình yêu vị tha, luôn hướng về tha nhân, dành cho tha nhân và mong cho tha nhân được sống và hạnh phúc mỗi ngày.
Trên thập giá, Đức Giesu chưa trăn trối Mẹ mình cho môn đệ khi thấy mình đã yếu, cũng không cầu xin cho các học trò được bình an, nhưng lời đầu tiên Ngài cầu xin đó là xin Cha tha thứ cho những người đã làm hại đến mình vì họ không biết, họ không biết Đấng họ đã đóng đinh, họ không biết Đấng họ đã đâm thâu cạnh sườn. Lời cầu xin đó phần nào hé mở cho con người biết được sự sống đời đời của mình không đến từ khổ giá, nhưng đến từ tình yêu tự hiến của Thiên Chúa Cha, Đấng được gọi là Thiên Chúa tình yêu. Sau lời cầu xin cho kẻ đã giết mình, Con Thiên Chúa tiếp tục cầu xin cho người tội lỗi biết sám hối, cầu mong cho anh được về chốn bình an là Thiên Đàng. Sự quan tâm đặc biệt của Thiên Chúa là những tội nhân, là những nạn nhân của tội lỗi, của sự chết, tình yêu của Thiên Chúa luôn phủ đầy cuộc đời của những ai thành tâm sám hối, biết thân phận là một tội nhân, sẵn sàng trở về với Thiên Chúa. Đó mới là chiều sâu đích thực của tình yêu tự hiến, một tình yêu cho đi mà không tính toán.
Thiên Chúa gởi con người vào thế giới này, đến với từng môi trường và hoàn cảnh, sống theo từng ơn gọi riêng của mỗi người, để giới thiệu một khuôn mặt mới của tình yêu đến từ Thiên Chúa. Tình yêu đó là chấp nhận đau khổ, chấp nhận hy sinh, vượt qua những yếu tố đó, tình yêu mới thực sự thăng hoa, mới thực sự là màu hồng và bình an, còn thứ tình yêu không có đau khổ, không có hy sinh, chỉ là một thứ tình yêu ảo tưởng như hoa sớm nở chiều tàn thôi. Đau khổ và tình yêu luôn đi đôi với nhau, có đau khổ tình yêu mới thực sự là đẹp và có giá trị linh thiêng của nó, ngược lại, có tình yêu, con người mới có động lực để đón nhận đau khổ, để hy sinh và chấp nhận đi vào quỹ đạo của tình yêu, của khổ đau. Thiên Chúa đã giới thiệu cho con người con đường về trời ngang qua đau khổ, con đường có tên gọi là Giesu, ai mong về trời hãy chọn con đường đó để được ngụp lặn trong hạnh phúc và bình an của Nước Trời.
Lạy Chúa, mầu nhiệm thập giá mở ra cho con người con đường về trời, con đường đó ngang qua đau khổ, xin giúp chúng con hiểu được giá trị của đau khổ, để được bình an trong tình yêu cứu độ đến từ Thiên Chúa, Chúa đã mở ra cho chúng con một cánh cửa để chúng con hiểu được chiều sâu của tình yêu, đó là cho đi, là trao ban, là hy sinh, xin giúp chúng con họa lại bức tranh tình yêu đó trong cuộc đời mỗi người, để chúng con trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình yêu, một tình tự hiến, một tình yêu vị tha và một tình yêu cứu độ. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh