Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 04 Tháng 5 2024 08:29

Anh em là bạn hữu của thầy

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  “ANH EM LÀ BẠN HỮU CỦA THẦY” | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, Năm B

 

Chắc chắn khi nghe Đức Giêsu nói : “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,14), các Tông Đồ đã giật mình ngạc nhiên, vì ít có sư phụ nào dám liều lĩnh coi môn sinh mình là bạn hữu, và tuyệt nhiên chẳng có thần thánh, hay thiên chúa nào, ngoài Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã nâng con người hèn mọn lên hàng bạn hữu tâm giao: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).

Quả thế, Đức Giêsu đã ghìm lòng đợi cho đến ngày cuối cùng trước khi lên đường đi Giêrusalem, ở đó Ngài sẽ bị kết án, đánh đòn, đóng đinh, và chết tang thương trên Thánh Giá, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại x. Mt Mt 16,21), mới trút hết nỗi lòng yêu thương dành cho các môn đệ, mà cao điểm là trăn trối cho các ông giới luật mới của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình, và anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện điều Thầy truyền dạy” (Ga 15,12-14).

Những lời trăn trối của Đức Giêsu qúa rõ ràng, chính xác, không chút mập mờ khó hiểu, hay xa xôi, ẩn dụ đòi suy đoán.

Rõ ràng là ai giữ giới luật “yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương” sẽ được gọi là bạn hữu tri âm tri kỷ của Ngài; chính xác là Ngài yêu các bạn hữu của Ngài bằng một tình yêu cao cả là chết cho họ khi nói với họ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Do đó, “ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Yêu thương đây là yêu tha nhân, thương mọi người đang cùng sống, và kết luận mang tính quyết định sẽ là: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).

Tóm lại, tất cả giáo lý, điều răn, lệnh truyền hệ tại ở Tình Yêu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, không được Thiên Chúa sinh ra, không được sống sự sống của Thiên Chúa, không được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, không được ở lại trong Thiên Chúa, không được Thiên Chúa ở cùng, và phải sống trong sợ hãi hình phạt (x 1 Ga 4,7.8.12.13.14.16.18).

Nhưng thế nào là bạn hữu của Đức Giêsu và thế nào là sống yêu thương anh em mình?

Bạn hữu với Đức Giêsu như chính Ngài tình nguyện làm bạn với chúng ta bằng cho chúng ta biết “tất cả những gì Ngài nghe được nơi Chúa Cha”, nghĩa là mặc khải cho chúng ta tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, mà không giấu chúng ta điều gì, nên đòi hỏi thứ nhất chúng ta phải thực hiện để được là bạn hữu đích thực của Đức Giêsu là chia sẻ với Ngài tất cả những gì chúng ta là, nhưng gì chúng ta có, dù tầm thường, nhơ nhớp, hèn mọn đến đâu, dù tồi tệ, đáng buồn, đáng trách cỡ nào, mà không bao biện, ngụy tạo, giấu diếm, bởi đó là biểu chứng của tình bạn đích thực: Nói được với nhau tất cả.

Không giấu diếm Ngài bất cứ điều gì chính là sống thân tình nghĩa thiết với Ngài để không sự gì, hay thế lực nào có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Ngài, như thánh Phaolô viết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của ức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn kgổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? … Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin rằng: cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35-39).

Có gắn bó với Đức Giêsu như thế, chúng ta mới đáp ứng được đòi hỏi thứ hai của tình bạn với Đức Giêsu là chết cho người mình yêu, như Ngài đã chết cho chúng ta là bạn hữu thương mến của Ngài.

Và một khi đã được sống tình bạn nghĩa thiết, trung tín, chân thành với Đức Giêsu, chúng ta sẽ sống được ơn gọi làm bạn hữu của mọi người bằng tôn trọng, yêu thương bạn mà không so đo tính toán; có mặt bên bạn lúc vui lúc buồn mà không tự đắc vênh vang; bênh vực, giúp đỡ bạn mà không nóng giận, nặng lời xét đoán, lên án, nhưng luôn như người bạn hiền, tử tế, nhân hậu, “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).

Jorathe Nắng Tím

Read 38 times Last modified on Chủ nhật, 05 Tháng 5 2024 08:06