Thứ Bảy tuần 8 Thường niên năm I - Chất vấn về quyền (Mc 11,27-33)
“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy,
hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” (Mc 11,28)
TRANH LUẬN VỀ QUYỀN CỦA ĐỨC GIÊ-SU
(Mc 11,27-33)
1. Việc Đức Giê-su đánh đuổi những người buôn bán trong Đền thờ đã khiến các trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão nổi giận. Họ đến chất vấn Ngài: ”Ông lấy quyền nào mà làm sự đó”?
Đức Giê-su không tự đưa ra câu trả lời, nhưng hỏi ngược lại họ về nguồn gốc của phép rửa của Gio-an Tẩy Giả. Không phải ngài tránh né vấn đề, nhưng là cách Ngài khuyến khích họ suy nghĩ: nếu họ đừng có thành kiến nhưng biết sáng suốt nhận định thì họ sẽ thấy rõ sứ mạng của Gio-an là bởi trời, và sứ mạng cùng quyền năng của Đức Giêsu cũng bởi trời.
Nhưng vì họ muốn bám chặt vào thành kiến nên họ đã không chịu suy nghĩ. Họ hỏi Đức Giê-su không phải để tìm biết sự thật mà tin, nhưng để lập mưu tìm kế giết Chúa. Họ là hạng lòng khác miệng khác, hay đúng hơn là “khẩu phật tâm xà”.
2. Sau việc Đức Giê-su đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ, những người cầm đầu Do thái căm giận Đức Giê-su. Họ đã ra lệnh bắt Ngài. Nhưng họ chưa dám cương quyết thi hành, vì sợ dân chúng. Trong lúc chờ cơ hội, họ tìm đến mở cuộc tranh luận với Ngài.
Qua sự kiện đó, các thượng tế và kỳ lão trong đền thờ hội họp nhau lại để chất vấn Chúa. Họ hỏi Chúa hai câu: ”Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy”, “Ai đã ban quyền ấy cho ông”? Cả hai câu hỏi đó đều minh chứng họ không tin gì vào sứ mệnh thần linh của Đức Giê-su. Họ không hỏi để biết nhưng là để gài bẫy Chúa và muốn đưa Ngài vào ngõ bí.
3. Tinh thần chân thành và đối thoại là tinh thần của Phúc âm. Là con người hiếu hòa, Đức Giê-su cũng tỏ ra chân thành và thích đối thoại. Tuy nhiên, khi những người đối thoại với Ngài tỏ ra gian manh, thì Đức Giêsu lại giữ thái độ yên lặng, như khi Ngài đứng trước Cai-pha, Hê-rô-đê, hay Phi-la-tô. Nhưng trường hợp những kẻ đối thoại bắt bẻ điều gì, thì Chúa lại chứng tỏ sự trổi vượt của Ngài. Ngài cũng đáp lại bằng một phương thế khác, khi những người đối thoại muốn gây áp lực để buộc Chúa phải trả lời, như khi họ hỏi Chúa có nên nộp thuế cho hoàng đế Cê-ra không, hoặc có nên ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình không?
4. Nhưng hôm nay, đúng là “vỏ quít dầy có móng tay nhọn”, thay vì trả lời, Đức Giê-su đảo ngược thế cờ bằng cách đưa ra một câu hỏi ngược lại :”Các ông trả lời cho tôi biết :”Phép rửa của Gioan bởi đâu ? Bởi trời hay bởi người ta”?
Bây giờ đến lượt họ lúng túng. Nếu trả lời bởi trời, thì tại sao lại không tin Chúa, vì Gio-an Tiền Hô đến trước để loan báo về Đấng Cứu Thế, do Thiên Chúa sai đến và có uy quyền Thiên Chúa. Ngược lại, nếu trả lởi bởi người ta thì sẽ gặp phản ứng của dân chúng, vì họ tin Gio-an là tiên tri bởi trời đến loan báo về Đấng Cứu Thế.
Trả lời đằng nào cũng không được, nên họ cũng khôn khéo trả lời: ”Chúng tôi không biết”, đây là một lần nói dối công khai trước Chúa và mọi người. Nhưng Chúa biết và Chúa trả lời: ”Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy”.
5. Các nhà lãnh đạo Do thái luôn có thành kiến với Đức Giê-su nên họ không chịu nhận ra sứ mạng cao quí của Ngài. Thành kiến là ngục tù giam hãm con người. Thành kiến làm cho người ta phán đoán sai lệch vì “Đã thương quả ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”.
Có một nhà thiên văn nọ sáng chế được một viễn vọng kính. Đêm nọ ông bỗng phát hiện một con rồng trên mặt trăng. Ông chạy khắp thành phố mời bạn bè đến xem khám phá của ông. Mọi người đến xem tấm tắc khen ngợi tài năng của ông. Nhưng trong đám đông hiếu kỳ, có một nhà thiên văn học kỳ cựu cũng đến để tìm hiểu thực hư. Vừa đưa mắt vào viễn vọng kính, ông mỉm cười một cách bí ẩn rồi mở ống kính ra, cho mọi người thấy một con ruồi đã chết cứng trong đó. Thì ra con rồng trên mặt trăng không là gì khác hơn là con ruồi nằm trong ống kính.
Chúng ta dễ có khuynh hướng nhìn người khác qua lăng kính những thành kiến có sẵn.
6. Truyện: Gậy ông đập lưng ông.
Hẳn chúng ta đã nghe câu chuyện “Cò với Cáo”. Chuyện kể thế này: Có một dạo cáo và cò rất hay thăm viếng nhau, có vẻ như hai người bạn thân. Rồi cáo mời cò đến ăn cơm, và để chơi xỏ bạn, cáo chỉ đặt trước mặt cò một chiếc đĩa bằng.
Món này thì cáo liếm sạch dễ dàng, nhưng cò chỉ nhúng ướt đầu cái mỏ của mình trong đĩa xúp và ăn xong vẫn thấy đói. “Xin lỗi”, cáo nói: ”Món xúp này không hợp với bạn”.
“Thôi mà, đừng xin lỗi”, cò nói: ”Hy vọng rằng mình đã đến chơi với bạn thì bạn cũng ghé chơi với mình, mai kia mời bạn đến chơi ăn cơm với mình nhé”. Và đôi bạn xếp ngày cho cáo đến thăm cò. Lúc cáo đến, cả hai ngồi vào bàn ăn.
Mâm cơm hôm đó chỉ có một cái bình, cổ dài, miệng hẹp, cáo không thể nào cho mồm vào được, chỉ ngồi đó mà liếm bên ngoài bình. Cò liền nói :”Ăn như thế này mình chẳng có gì phải xin lỗi, ác giả ác báo mà”.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm