01/08/13 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Th. Anphong Maria Ligôri, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 13,47-53
LÀ CÁ TỐT TRONG MẺ LƯỚI
“Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.” (Mt 13,48)
Suy niệm: Ví Nước Trời với hình ảnh lựa lọc cá tốt, cá xấu, Chúa Giêsu rõ ràng nhấn mạnh sự phân định và chọn lọc sẽ xảy ra vào thời cánh chung: người tốt được chọn, người xấu bị loại trừ! Và đây không phải là dụ ngôn duy nhất nói về sự phân định và chọn lọc cuối cùng. Các dụ ngôn khác như cỏ lùng, ngày phán xét chung… đều nêu bật sự phân định và chọn lựa này. Thật rõ, việc của tôi là quyết định mình trở nên hoặc một người tốt hoặc một người xấu, không phải tốt hay xấu theo kiểu thế gian mà là theo tiêu chuẩn của Tin Mừng. Nói cách khác, sự phân định và chọn lựa của Thiên Chúa vào hồi chung cuộc kêu gọi tôi biết phân định và chọn lựa ngay trong hiện tại này.
Mời Bạn: Trong đời sống thường ngày, chúng ta luôn cố gắng phân định và chọn lựa: chọn mục tiêu tốt nhất để theo đuổi, chọn giải pháp tốt nhất để thực hiện, v.v… Nhưng phải chăng ta cũng thường bị cám dỗ để giới hạn tầm nhìn của mình nơi những mục tiêu thực dụng trước mắt (tiền bạc, chức quyền, lạc thú…), rồi dồn tất cả năng lực, thời gian của mình vào đó, đến độ không cần biết mình đang là tốt hay xấu dưới con mắt của Thiên Chúa?
Sống Lời Chúa: Người môn đệ Đức Kitô không thể kiếm tiền, kiếm quyền lực, hưởng lạc thú… bằng mọi giá, mà luôn phải chọn lựa nghĩ và làm theo các giá trị của Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thế giới này, và ngay cõi lòng con, là chiến trường khốc liệt không ngừng giữa tinh thần của Chúa và tinh thần của Satan. Xin Chúa giúp con luôn tỉnh thức và khôn ngoan để chọn điều Chúa muốn. Amen.
02/08/13 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Th. Phêrô Giulianô Êma, linh mục
Mt 13,54-58
SỬNG SỐT VÀ TÔN VINH CHÚA
Chúa Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,54)
Suy niệm: Nhiều lần các sách Tin Mừng thuật lại dân chúng, và kể cả các môn đệ “sửng sốt” trước lời giảng dạy và các phép lạ Chúa Giêsu thực hiện. Thế nhưng phản ứng tiếp theo đó của mỗi người thì lại rất khác nhau. Có người thán phục Ngài như một “Đấng có uy quyền” (Mc 1,22; Lc 4,32), và họ tôn vinh Thiên Chúa (Mc 2,12; Lc 5,26). Nhưng cũng nhiều kẻ lại “cứng lòng” và họ “vấp ngã vì Ngài” (Mt 13,57). Họ nhận ra quyền năng siêu việt của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu nhưng trớ trêu thay, họ lại không chấp nhận được Ngài như một Thiên Chúa hạ mình, mặc lấy thân phận người thân cận với con người như thế. Chúa Giêsu xác nhận lời chứng của các ngôn sứ ứng nghiệm nơi Ngài: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, và trong gia đình mình mà thôi” (Mt 13,57).
Mời Bạn: Người Do Thái thì như thế, còn bạn thì sao? Bạn có nhận ra công trình cứu độ của Thiên Chúa nơi một Đấng Cứu Thế khiêm nhường, nghèo khó, chịu đóng đinh thập giá để rồi bạn tôn vinh Thiên Chúa không? Bạn có nhận ra Ngài nơi những người anh chị em bé mọn, nghèo hèn, bị ruồng bỏ để rồi bạn tôn vinh Thiên Chúa qua việc chia sẻ và phục vụ họ không?
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ một người anh em bé mọn đang sống gần bên bạn.
Cầu Nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Con Đức Mẹ Maria, con tin Chúa là Người như chúng con, nhưng đồng thời Ngài cũng là Chúa của chúng con. Amen.
03/08/13 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Mt 14,1-12
VỊ TIỀN HÔ CỦA CHÂN LÝ
Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả, ông đã từ cõi chết chỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, là vợ anh nhà vua. (Mt 14,1-3)
Suy niệm: Tin Mừng theo thánh Mátthêu đối lập sự xa hoa, dâm dật và gian ác của triều đình Hêrôđê với sự nghèo khó, thanh sạch, công chính, thánh thiện của Gioan Tẩy Giả. Cái chết của ông là lời tố cáo chủ trương đặt tham vọng chính trị trên thiêng liêng, coi bản năng trên những giá trị tinh thần. Gioan Tẩy Giả thật là vị Tiền Hô của Chúa Giêsu vì đã chia sẻ với Chúa vai trò và sứ mạng của người tôi tớ đau khổ của Giavê. Gioan vẫn bị trảm quyết nhưng lời chứng của ngài vẫn còn tiếp tục vang vọng nơi những tiền hô thời nay để làm chứng cho Đức Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và Sự Sống.
Mời Bạn: Trang Tin Mừng kể về cái chết của Gioan có cật vấn lương tâm thế giới ngày nay cũng như quá khứ rằng cái chết của bao con người vô tội là do thái độ im lặng đồng lõa của chúng ta hay không?
Sống Lời Chúa: Đừng sợ kẻ có thể giết chết phần xác, nhưng hãy canh chừng kẻ có thể làm cho bạn chết phần linh hồn. Hãy noi gương Gioan tẩy Giả, can đảm làm chứng cho Sự Thật và coi chừng kẻ xúi giục bạn đồng lõa với sự dữ !
Cầu nguyện: Lạy Thánh Gioan, Tiền Hô của Chúa Cứu Thế, Đấng là Sự Thật. Xin cho con biết noi gương Ngài: can đảm trong việc công bố cho tất cả mọi người biết Thánh ý của Thiên Chúa, sau đó, biết chấp nhận những hậu quả cuối cùng của việc công bố này.
04/08/13 CHÚA NHẬT TUẦN 18 TN – C
Lc 12,13-21
CỦA CẢI KHÔNG LÀ TẤT CẢ
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15)
Suy niệm: Không biết từ đâu mà giới trẻ hôm nay có được một bản tóm lược những tiêu chuẩn thành công trên đường đời: “tiền bao la, tình bát ngát.” Sự ham mê vật chất thì không có điểm dừng, lối sống phóng túng chẳng khác gì xe lao dốc không thắng. Cơn bệnh thèm tiền, thèm tình khiến nhiều người không cưỡng nổi, làm băng hoại nhân phẩm và thui chột lương tâm vốn “tính bản thiện” mà Thiên Chúa đặt để trong con người. Điều đáng tiếc là tiền và tình bị nhầm lẫn với hạnh phúc! Hậu quả tất yếu cho sự nhầm lẫn này là đang có nhiều tiếng thở dài lo âu về một xã hội ‘kinh tế đi lên tình người đi xuống’, về sự bất an hằn sâu trong lòng người. Thảm trạng này đang minh họa lời Chúa nói, “không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm.” Vì thế, cần một cuộc tự vấn nghiêm túc nơi mỗi người để thoát khỏi sự tha hóa do của cải, thói tục và trở thành người “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.”
Mời Bạn: Đâu là mục tiêu mà bạn đang nỗ lực đạt đến? Mục tiêu ấy có phù hợp với lời Chúa căn dặn bạn hôm nay không? Rất cần có một cuộc tự vấn trước mặt Chúa để bạn có được một mục tiêu như lòng Chúa mong muốn.
Chia sẻ: với nhau về câu hỏi: sống để làm gì?
Sống Lời Chúa: Ý thức của cải là phương tiện để giúp ta thực hành những lời Chúa dạy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đang sống trong một xã hội nặng tính duy vật, khiến con mất khả năng vươn lên sống thánh. Xin giúp con sống thánh.
05/08/13 THỨ HAI TUẦN 18 TN
Cung hiến Thánh Đường Đức Maria
Mt 14,13-21
CHẠNH LÒNG THƯƠNG NHƯ CHÚA
Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. (Mt 14,14)
Suy niệm: Vô cảm, lạnh lùng, là một trong những căn bệnh đang lây lan trong thời đại chúng ta. Khi bị nhiễm căn bệnh này, con người như vô tâm trước nỗi đau của đồng loại, lạnh lùng với sự cùng khổ của anh chị em đồng loại mình. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta biết chạnh lòng thương như Chúa Giêsu. Thấy đám đông theo Ngài trong hoang địa, Chúa thấu hiểu nỗi khổ của họ. Và Ngài không dừng lại ở tình cảm suông mà đã ra tay hành động: cho họ ăn, và chữa lành các bệnh nhân. Hành động với tấm lòng biết chạnh thương như Chúa chính là phương thuốc cho cho những trái tim và cho xã hội đang nhiễm căn bệnh vô cảm của thời đại này.
Mời Bạn: Mẫu gương “biết chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu có là nguồn cảm hứng cho cuộc sống của bạn chưa? Mời bạn tự bắt mạch xem mình có mắc chứng bệnh vô cảm của thời đại hay không? Quanh bạn, có biết bao mảnh đời lầm than, những gia đình bất hoà, những tâm hồn đang tuyệt vọng vì thất bại trong cuộc sống, v.v… Họ đang cần một tấm lòng biết chạnh thương. Bạn có nhận ra họ và đem đến cho họ niềm an ủi và hy vọng của Chúa Kitô không?
Chia sẻ: Bạn cảm nghĩ gì khi đọc tin tức trên báo chí về những “sự cố” vô cảm xảy ra đây đó trong xã hội?
Sống Lời Chúa: Huấn luyện trái tim biết chạnh lòng thương bằng cách: - dành một phút cầu nguyện cho những ai đang cần đến lòng thương xót của Chúa; - và chia sẻ gánh nặng công việc với người thân ngay trong gia đình của bạn.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
06/08/13 THỨ BA TUẦN 18 TN
Chúa Hiển Dung
Lc 9,28-36
CHÂN DUNG ĐẤNG VÔ HÌNH
Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. (Lc 9,29-31)
Suy niệm: Thiên Chúa, Đấng vô hình, trở nên hữu hình nơi dung mạo con người của Đức Kitô, để rồi, theo qui trình ngược lại, dung mạo con người nơi Đức Kitô “đổi khác”: trở nên vinh quang, giống hình ảnh của Thiên Chúa. Muốn phục hồi dung mạo con người thành “hình ảnh của Thiên Chúa”, Chúa Kitô trải qua “quá trình xử lý ảnh” của thập giá: từ một bé thơ yếu ớt nơi hang bò lừa đến hình ảnh “con chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, và cuối cùng xuất hiện thật khốn cùng dưới hình hài của một tội nhân “không còn hình tượng người ta nữa”, một người bị bỏ rơi trên thập giá, trái tim bị đâm thâu. Phải trải qua tất cả những giai đoạn đó, chân dung con người nơi Đức Ki-tô mới được “hiển dung” với trọn vẹn vinh quang của Con Thiên Chúa.
Mời Bạn: Chỉ khi nào bạn biết chiêm ngắm chân dung Đức Kitô đau khổ trên thập giá, lúc đó bạn mới có thể thấy được gương mặt vinh hiển của Đức Kitô phục sinh. Và cũng bằng cách kết hợp với Đức Kitô thập giá, bạn mới được “hiển dung” với Ngài và trong Ngài.
Sống Lời Chúa: Trong giờ cầu nguyện, bạn hãy cầm chắc lấy cây thập giá, hay tấm chân dung Đức Giê-su chịu khổ nạn, bạn hãy nhìn ngắm với tất cả niềm say mê, trìu mến và hãy thưa với Chúa: Lạy Chúa Giêsu đáng mến, con say mê chân dung Chúa. Xin Chúa dùng thập giá biến đổi con mỗi ngày một nên giống Chúa hơn. Amen.
07/08/13 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN
Th. Xíttô II giáo hoàng và các bạn tử đạo
Mt 15,21-28
NHẬN VÀ TRAO MÓN QUÀ GIÊSU
“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” (Mt 15,28)
Suy niệm: Tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 ở Rio de Janerio, Đức giáo hoàng Phanxicô nói: “Tôi không có bạc cũng không có vàng, nhưng tôi mang theo mình đồ quí giá nhất tôi từng nhận được: Chúa Giêsu Kitô!” Sứ mệnh ngàn đời của Giáo Hội là mang Chúa Giêsu đến cho trần gian. Nhưng phải có lòng tin chân thành khiêm tốn, người ta mới nhận ra Ngài là quà tặng cao quí nhất. Người đàn bà xứ Canaan kêu xin Chúa Giêsu chữa cho đứa con bị quỉ ám. Các môn đệ muốn đuổi bà về và chính Chúa cũng thử thách bà bằng những lời thật sốc: “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó.” Bất chấp tất cả, bà vẫn kiên trì khiêm tốn kêu cầu. Đức tin đã làm cho bà trở thành người con cái trên bàn tiệc ân phúc của Chúa Giêsu: con gái bà được lành bệnh.
Mời Bạn: Trong thế giới duy vật muốn loại trừ Thiên Chúa này, người kitô hữu kiên trì giữ vững niềm tin nơi Chúa Giêsu. Hãy tiếp nhận Ngài là Đấng đem lại ơn cứu rỗi và tìm mọi cách để trao món quà cao quí nhất này cho anh em.
Chia sẻ: Tôi cầu nguyện với Chúa Giêsu thế nào: chân thành và tha thiết hay chỉ hời hợt, theo nghi thức?
Sống Lời Chúa: Làm một cử chỉ biểu lộ đức tin (làm dấu Thánh giá, chẳng hạn) trước khi làm bất cứ việc gì.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa xin ban cho con đức tin vui tươi, hạnh phúc vì biết những gì đang chờ ở cuối đường, sung sướng vì biết mình được yêu thương ngay giữa những sa mù của cuộc sống. Xin cho con đức tin cứng cáp qua những cọ sát đau thương của phận người, để dù bao thăng trầm dâu bể, con cũng không để tàn lụi niềm tin vào Thiên Chúa và vào con người.”
08/08/13 THỨ NĂM TUẦN 18 TN
Th. Đaminh, linh mục
Mt 16,13-23
ĐỨC TIN, MỘT HỒNG ÂN
Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.” (Mt 13,15-16)
Suy niệm: Chúa Giêsu hỏi các môn đệ dư luận dân chúng nghĩ gì về Ngài; thế nhưng đó không phải là điều Chúa mong muốn nhất nơi các ông mà là nhận thức tự bản thân của các ông, hay nói đúng hơn là lòng tin của họ vào Ngài. Với lời tuyên tín của Phêrô, Chúa Giêsu cho các ông biết rằng sự hiểu biết đích thực về Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến không phải là kết quả tìm kiếm của con người mà là một hồng ân đến từ Thiên Chúa: “Con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” Giáo Hội cũng xác tín điều này khi dạy: “Đức tin là một hồng ân nhưng không, Thiên Chúa ban tặng cho con người” (GLHTCG 162).
Mời Bạn: Năm Thánh Đức Tin là thời gian thuận tiện để mỗi chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình, để cảm tạ Chúa và ý thức hơn về hồng ân cao trọng đó, để không chỉ “giữ” đức tin đó như một món đồ cổ quý giá trong viện bảo tàng mà có can đảm và quyết tâm làm cho đức tin ấy tăng trưởng bằng cuộc sống chứng nhân trong đời sống hàng ngày.
Chia sẻ: Bạn có thể làm một việc cá nhân hoặc tập thể nào để diễn tả đức tin của mình trong môi trường sống của bạn?
Sống Lời Chúa: Thực hiện một hành vi biểu lộ đức tin trước khi làm bất cứ việc gì trong ngày sống.
Cầu nguyện: Cám tạ Chúa đã ban cho con ơn đức tin, để con có thể tin nhận Chúa là Cha. Xin nâng đỡ đức tin còn non yếu của con, để con biết yêu Chúa nhiều hơn. Amen.
09/08/13 thứ sáu tuần 18 tn
Mt 16,24-28
mạng sống là vô giá
“Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống?” (Mt 16,26)
Suy niệm: Vào ngày thứ Năm Tuần Thánh năm 2012, Hugo Chavéz, tổng thống Venezuela, một Kitô hữu từ lâu đã lơ là trong việc đạo đức, bất ngờ xuất hiện trước truyền hình quốc gia. Trong Thánh lễ đồng tế, ông đứng trước công chúng, vừa khóc, vừa nói: “Lạy Chúa xin cho con cuộc sống, thậm chí là một cuộc sống bị thiêu đốt, hoặc đau đớn đi nữa cũng không quan trọng... Lạy Chúa Kitô, xin cho con thánh giá của Chúa, một trăm thánh giá đi nữa con cũng chịu vác, nhưng xin cho con cuộc sống bởi vì còn có nhiều thứ con chưa làm xong... đừng bắt con đi bây giờ.” Hugo Chavéz nói những lời trên khi ông đang chống chọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ông muốn đổi tất cả để lấy mạng sống, nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng. Căn bệnh đã cướp đi mạng sống của ông vào ngày 05/3/2013, sau 4 lần giải phẫu. Quả thực “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” Nếu sự sống đời này mà không gì có thể đổi được, thì sự sống đời đời càng phải khó hơn!
Mời Bạn: Không gì có thể đổi được mạng sống –cho dù là cả thế giới; chỉ có một cách để giữ được nó, là hãy liều mất mạng sống vì Chúa Kitô (c. 25).
Chia sẻ: Với điều kiện của bạn hiện nay, bạn có thể làm được gì để ‘giữ mạng sống’ của mình?
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái vì lòng yêu mến Chúa Kitô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, biết rằng không thể giữ mạng sống của mình, nhưng con lại chưa dám hy sinh. Xin ban thêm cho con can đảm, để dám vác thập giá theo Chúa mỗi ngày. Amen.
10/08/13 THỨ BẢY TUẦN 18 TN
Th. Lôrenxô, phó tế, tử đạo
Ga 12,24-26
DÁM ĐÁNH ĐỔI
“Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được cho sự sống đời đời.” (Ga 12,25)
Suy niệm: Ba giáo sư thuộc đại học Oxford (Anh) đã quyết định bỏ ra số tiền không hề nhỏ, khoảng từ 50.000 USD, để ướp đông xác của họ sau khi chết, với hy vọng khoảng 100 năm sau, khoa học tiến bộ sẽ đủ trình độ để cho họ sống lại (Tuổi Trẻ, 13/6/2013). Cuộc sống con người quá vắn vỏi, vỏn vẹn bất quá một trăm năm rồi chết; thế là hết. Vì thế người ta tìm đủ mọi cách để kéo dài nó dù chỉ với hy vọng mong manh. Nhưng đức tin cho biết, ngoài sự sống ở đời tạm này, còn có một cuộc sống mới vinh quang và vĩnh cửu đời sau. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải dám đánh đổi cái tạm thời là cuộc sống đời này để đạt được vĩnh cửu là cuộc sống đời sau.
Mời Bạn: “Ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được cho sự sống đời đời” là một định luật được chứng minh qua sự hy sinh của thánh Lôrenxô, phó tế, tử đạo. Vẫn biết mạng sống đời này là quý, nhưng cái quý hơn chính là sự sống đời đời, mà không có sự sống nào có thể so sánh, nên thánh nhân đã vui mừng đánh đổi: Hạt lúa có chịu vùi lấp và chết đi thì mới mọc lên và sinh nhiều bông hạt. Chọn lựa của thánh Lôrenxô là mẫu gương và là lời khích lệ cho những ai muốn chọn sống đời đời bên Thầy Giêsu.
Sống Lời Chúa: Dám chết đi cho con người cũ bằng cách chừa bỏ hẳn một thói xấu lưu cữu nơi tôi nhiều năm qua.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vạch ra con đường sự sống thật và thánh Lôrenxô đã đi tới đích. Xin cho chúng con dám can đảm noi gương thánh nhân thí mạng sống mình ở đời này, để giữ được sự sống đời đời. Amen.
11/08/13 CHÚA NHẬT TUẦN 19 TN – C
Lc 12,32-48
NHƯ NGƯỜI TÔI TỚ TRUNG TÍN
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12,35-36)
Suy niệm: Một triết gia nọ nói rằng “Con người sinh ra để chết”. Chúng ta không nghĩ như ông, vì con người sinh ra ở đời để sống, cái chết chỉ là một khoảnh khắc chấm dứt sự sống, chứ không phải là cùng đích của kiếp người. Cái chết chắc chắn sẽ đến với từng người, nhưng lại đến cách bất ngờ, rất bất ngờ. Trong cuộc sống, để tránh những điều bất ngờ, chúng ta thường có sự chuẩn bị trước: binh lính tập trận, lính cứu hỏa thực tập chữa cháy… Trong bài Tin Mừng, để giúp ta chuẩn bị trước bất ngờ của sự chết, để khi sự chết đến, ta khỏi bất ngờ, Chúa làm như một người chủ đi vắng. Ta hãy có tư thế sẵn sàng như người đầy tớ ban đêm đợi chủ trở về, không phải với tâm trạng sợ sệt, nhưng tin tưởng và hy vọng. Chủ về bất cứ giờ nào cũng hài lòng vì thấy người tôi trung đang chu toàn nhiệm vụ.
Mời Bạn: Đừng chia cuộc sống thành những giây phút có Chúa hiện diện và Chúa đi xa. Bạn lúc nào cũng đang sống, đang làm việc dưới cái nhìn yêu thương chăm sóc của Chúa.
Sống Lời Chúa: Dù học hành tại trường, lao động tại xí nghiệp, buôn bán giữa chợ đời, thư giãn nơi giải trí, nghỉ ngơi tại gia đình, hãy luôn nhớ rằng mình đang hoạt động trong Chúa, theo tinh thần của con cái trung tín với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con trưởng thành như những con người tự do thật sự, vì thế, Chúa ẩn mình mặc dù vẫn hiện diện bên chúng con. Xin cho chúng con luôn trung tín và sẵn sàng theo tinh thần của Chúa. Amen.
12/08/13 THỨ HAI TUẦN 19 TN
Th. Gioana Phanxica Săngtan, nữ tu
Mt 17,22-27
VỊ CỨU CHÚA DỊU HIỀN
Chúa Giêsu nói với ông Phêrô: “Để khỏi làm gai mắt họ, con ra biển thả câu… lấy đồng tiền bốn quan để nộp thuế cho họ.” (Mt 17,27)
Suy niệm: Đây là phép lạ “lạ” nhất trong các sách Tin Mừng, vì lần đầu tiên Đức Giêsu làm một phép lạ đem lại ích lợi riêng cho bản thân Ngài và các môn đệ. Đọc Tin Mừng, ta có cảm tưởng ông Phêrô đi ra biển, thả câu và liền câu con cá đặc biệt có ngậm đồng tiền bốn quan để nộp thuế. Thật khoẻ re! Không phải lao nhọc vất vả gì mà vẫn có đủ tiền nộp thuế. Theo ông thầy Giêsu này sướng thật! Chúng ta có nên nghĩ vậy không?
Ta nên nhớ rằng người Do Thái quen dùng những kiểu nói bóng bẩy sống động (giống như ta nói nhà văn kiếm đủ tiền ở đầu cây viết…). Qua kiểu nói ấy, Đức Giêsu bảo ông Phêrô ra biển câu cá (câu cá là nghề của ông mà!), và sau môt ngày lao nhọc, ông sẽ kiếm đủ tiền nộp thuế cho Đền thờ.
Mời Bạn: Nhớ rằng Chúa đã ban cho bạn khối óc, đôi tay để suy nghĩ, để lao động. Chúa không làm thay cho bạn những gì bạn có thể làm.
Chia sẻ: Bạn có nhận ra phép lạ của Chúa qua công việc hằng ngày không?
Sống Lời Chúa: Cảm tạ Chúa đã ban cho bạn có được những khả năng tinh thần cũng như thể lý. Bạn hứa với Chúa sẽ cố gắng tối đa trong công việc học hành, lao động để nuôi sống, phát triển bản thân và gia đình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, 33 năm trần thế, Chúa chưa bao giờ làm một phép lạ nào cho bản thân mình. Chúa muốn dùng đôi tay, khối óc để sinh sống như chúng con. Xin cho chúng con biết nhận ra giá trị của lao động và nỗ lực làm việc như một món quà cho những người thân chúng con. Amen.
13/08/13 THỨ BA TUẦN 19 TN
Th. Ponxianô, giáo hoàng và Híppôlitô, linh mục tử đạo
Mt 18,1-5.10.12-14
TÂM TÌNH MỤC TỬ
“Anh em nghĩ sao? Ai có 100 con chiên mà có một con đi lạc, lại không để 99 con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó hơn là vì 99 con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,12-14)
Suy niệm: Do địa hình miền núi phức tạp, người Do thái thời Chúa Giêsu thường chăn chiên chung với nhau. Mỗi đoàn vật thường gồm của nhiều chủ gộp lại chăn chung để tiết kiệm đồng cỏ, tránh tối đa nguy cơ chiên lạc bầy và bị thú dữ ăn thịt. Vì thế, khi một con chiên đi lạc, chủ chiên sẵn sàng giao đoàn chiên của mình cho những mục tử bạn để đi tìm. Chúng ta có thể hình dung tất cả dân làng lo lắng thế nào khi những người chăn trở về lại thiếu một người đang phải lang thang ngoài núi để tìm kiếm. Và niềm vui càng lớn lao biết mấy khi thấy anh ta vác chiên trên vai trở về bình an vô sự. Chúa Giêsu thích dùng hình ảnh này để diễn tả Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.
Mời Bạn: Bạn có “cảm” được tình yêu đến độ “vô lý” của Thiên Chúa? Một tình yêu coi một mình bạn cũng có giá trị ngang bằng một số đông (1=99). Tình yêu của Đấng Tạo Hoá vô biên dám hy sinh chính mình để cứu một thụ tạo hư vô khỏi hư mất ().
Chia sẻ về một lần bạn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho bạn cho dù bạn không xứng.
Sống Lời Chúa: Chỉ có một cách đáp lại tình yêu Thiên Chúa đó là… - bạn biết rồi - “lấy tình yêu đáp đền tình yêu”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin lấy tình yêu của con để đền đáp tình Chúa hiến thân vì con.
14/08/13 THỨ TƯ TUẦN 19 TN
Th. Mắcximilianô Maria Kônbê, linh mục, tử đạo
Mt 18,15-20
NẾU ANH EM CON PHẠM TỘI…
“Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” (Mt 18,15b)
Suy niệm: Con phải tha đến mấy lần nếu người anh em của con phạm tội? Câu hỏi của Phêrô đặt ra vấn nạn tôi phải chịu đựng lỗi lầm của anh em đến mức nào. Ông bà ta có câu “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Loài vật sống theo bản năng còn có liên đới với nhau như thế, huống chi là con người sao lại không có trách nhiệm liên đới với nhau hơn? Ta không chỉ chịu trách nhiệm về thể lý, tâm lý của người anh em mà còn cả về số phận thiêng liêng của họ nữa. Chúa Giêsu khi sinh xuống làm người đền tội cho nhân loại đã cho chúng ta biết rằng mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm trong tội lỗi của anh em. Vì thế Thầy Giêsu dạy chúng ta phải thật tế nhị và nhẫn nại khi sửa lỗi cho anh em. Lần thứ nhất thì chỉ hai người biết, nếu không nghe mới “rủ” thêm người khuyên bảo, lần thứ ba thì mới đưa ra cộng đoàn.
Mời Bạn: Thiên Chúa không muốn một ai trong các con cái được Ngài dựng nên phải hư mất vì tội lỗi. Chỉ có yêu thương theo cung cách của Thầy Giê-su để tận tâm đồng hành với người bạn đang chao đảo vì tội lỗi, thì người anh em “đã mất nay mới được tìm thấy”
Chia sẻ: Sửa lỗi cho anh em cần tế nhị, và nhẫn nại. Bạn đã có những phẩm chất ấy chưa?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm không nói điều xấu của anh chị em mình với người khác mà tôi tình cờ biết được.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con phải tế nhị và nhẫn nại khi sửa lỗi cho anh chị em mình. Xin cho chúng con năng nghe bớt nói, và nhất là năng cầu nguyện với Chúa về những bất toàn của chính con và của anh chị em con. Amen.
15/08/13 THỨ NĂM TUẦN 19 TN
Đức Mẹ Lên Trời
Lc 1,39-56
LÒNG MẸ VẪN CHƯA YÊN
“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả… Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường…” (Lc 1,49.52)
Suy niệm: Chúa đưa Đức Maria về trời cả hồn và xác, không chỉ vì muốn thưởng công Mẹ, không chỉ là đặc ân dành riêng cho Mẹ, nhưng còn vì Mẹ là người đầu tiên xứng đáng lãnh nhận tròn đầy hiệu quả tất yếu của Ơn Cứu Độ. Về trời “đoàn tụ” với Chúa Giêsu Con Mẹ, nhưng lòng Mẹ vẫn chưa yên, vì dưới chân Thánh Giá, Mẹ đã sinh ra Hội Thánh khi nhận Thánh Gioan làm con. Đoàn con này vẫn còn đang trên đường lữ hành, không ngừng réo gọi Mẹ. Càng hưởng vinh quang hạnh phúc cõi trời bên cạnh Chúa Giêsu, Mẹ càng nôn nao thao thức kêu gọi con cái kẻo chúng lạc đường. Đây phải chăng là mục đích của những lần Mẹ hiện ra đây đó, để thức tỉnh đoàn con. Muốn theo gót Mẹ về quê trời, chúng ta phải tiếp bước Mẹ trên đường dương thế. Bước đi khiêm tốn đầy tâm tình tạ ơn.
Mời Bạn: Trên đường lữ hành, Bạn có biết: Mình đang đi đâu, về đâu? Ai là bạn đồng hành? Ai là người hướng đạo? Bạn đang ở vị trí nào và có đi đúng hướng không?
Chia sẻ: Khi Bạn tiếp tay làm đẹp thế giới này, đừng bao giờ quên rằng Thiên Chúa còn chuẩn bị cho Bạn một chỗ đẹp hơn. Hãy tỏ ra xứng đáng với Ơn Ngài.
Sống Lời Chúa: Cuộc sống này có thật đẹp, thật vui, cũng là để chuẩn bị cho một thế giới đẹp hơn mà chúng ta đang hướng về. Xin Mẹ cùng đồng hành.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ vinh quang, đầy tình Mẫu Tử Thần Thiêng, xin dẫn dắt chúng con trên con đường Mẹ đã đi qua, để chúng con cũng đạt tới cõi vĩnh hằng cùng với Mẹ, để ca tụng vinh quang Thiên Chúa cho đến muôn thuở muôn đời.
16/08/13 THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Th. Têphanô Hungari
Mt 19,3-12
KHIẾT TỊNH VÌ NƯỚC TRỜI
“Có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.” (Mt 19,12)
Suy niệm: Nền văn hóa hưởng thụ hôm nay không chỉ khuyến khích tiêu xài và lệ thuộc vào vật chất, mà còn cám dỗ người thời đại quan niệm đơn giản tình dục như một thứ trò chơi, một món hàng thuận mua vừa bán! Trào lưu tôn thờ bản năng tính dục cùng với sự thờ ơ nơi mỗi người đang làm đảo lộn giá trị đạo đức của nhiều cá nhân và gia đình, gây nên mọi thứ vi phạm luân lý và khinh thường đời sống độc thân. Trong bối cảnh này, đời sống độc thân của các linh mục tu sĩ thật quý giá, vì đời sống đó minh chứng họ muốn bước theo sát Chúa Kitô và cho thấy trước cuộc sống mai sau. Như Đức Giêsu Kitô, Đấng tự nguyện sống đời độc thân để trọn vẹn cho sứ mạng loan báo Tin Mừng giữa một xã hội xem đời sống độc thân, son sẻ là đáng hổ thẹn, các linh mục tu sĩ cũng tự nguyện sống độc thân để nên giống Thầy mình dành trọn cuộc đời mình phục vụ Tin Mừng. Trong cuộc sống mai sau người ta sẽ không lấy vợ lấy chồng (Mc 12,25), những người sống đời thánh hiến đã tiên báo cho cuộc sống mai sau đó bằng đời sống độc thân ngay ở đời này. Một cuộc sống như thế không phải dễ hiểu, nhưng chỉ dành cho những ai được ơn để hiểu.
Mời Bạn: Trong xã hội đề cao hưởng thụ này, bạn có cảm nghiệm được lời chứng của các linh mục tu sĩ khi họ sống độc thân để theo sát Chúa và tự do phục vụ Tin Mừng không? Bạn có cầu nguyện cho họ không?
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện và khích lệ các tu sĩ mỗi khi có dịp gặp gỡ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho các linh mục, tu sĩ của Chúa ơn trung thành trong đời thánh hiến.
17/08/13 THỨ BẢY TUẦN 19 TN
Mt 19,13-15
ĐỂ TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA
Chúa Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mt 19,14)
Suy niệm: Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su nói Nước Trời thuộc về những người hiền lành, nghèo khó, trong sạch… nhưng lại không nói rõ đó là những ai, thuộc lứa tuổi nào. Còn ở đây Chúa cho biết rõ: “Nước Trời thuộc về những người giống như các trẻ nhỏ”. Do đó, để trở nên như trẻ nhỏ trước mắt Thiên Chúa, phải có những tiêu chuẩn của Tám Mối Phúc Thật. Quả thật, trẻ nhỏ bất luận là da trắng, da vàng hay da đen đều dễ thương vì những nét hiền lành, trong sách nhân ái… Tiếc thay, những nét dễ thương ấy lắm khi đã sớm biến mất trên những khuôn mặt còn măng sữa, bởi vì biết bao người đang ngăn cản chúng đến với Chúa bằng bạo lực, dâm ô, gian dối tham lam, ích kỷ… Chúa nói những người làm như thế đáng phải cột cối đá vào cổ mà quăng xuống biển để khỏi làm gương xấu cho trẻ nhỏ nữa.
Mời Bạn: Kiểm điểm và thanh lọc những gì có thể gây gương xấu: - nơi bạn: lời nói, hành động, tác phong; - nơi gia đình bạn: sách báo, hình ảnh, những chương trình TV xen lẫn những cảnh bạo lực dâm ô… Và bạn hãy hướng dẫn con em biết cách tự bảo vệ trước những gương xấu ngoài xã hội.
Nói riêng với các thiếu nhi: Các em cương quyết bảo vệ sự đơn sơ trong trắng của mình bằng cách luôn luôn nói “không” với điều xấu. Nhớ lời thánh trẻ Đa-minh Xa-vi-ô: “Thà chết chứ không phạm tội”.
Sống Lời Chúa: Nỗ lực đấu tranh để xoá bỏ những gương xấu cho trẻ nhỏ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù tuổi đời con là bao đi nữa, xin cho con luôn sống tinh thần trẻ thơ trước nhan Chúa.
18/08/13 CHÚA NHẬT TUẦN 20 TN – C
Lc 12,49-53
VUI HƯỞNG BÌNH AN CỦA CHÚA
“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” (Lc 12,51)
Suy niệm: Ta cảm thấy hơi sốc khi nghe Thầy Giêsu, vị Hoàng Tử Bình An, nói rằng Ngài đem chia rẽ cho trái đất! Thật ra, trong bài Tin Mừng, Ngài tiên báo ba thách đố mà môn đệ Ngài phải vượt qua như Thầy mình: (1) để cho ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa thiêu đốt quả tim; (2) chịu dìm vào trong đau khổ của cuộc Khổ Nạn; và (3) cảm nếm bình an thật sự đạt được qua thập giá. Quả thật, Ngài đến để đem bình an và hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, khi chọn lựa đi theo Ngài, sống theo những giá trị của Tin Mừng qua Tám Mối Phúc Thật, các môn đệ Ngài sẽ bị chống đối do chính những người thân trong gia đình, gia tộc mình.
Mời Bạn: Khi con tim bạn được thiêu đốt do lửa tình yêu của Thiên Chúa, bạn làm cho thế giới quanh bạn được ấm áp hơn, bớt đi sự dửng dưng, lãnh đạm với Chúa và với nhau. Muốn vậy, bạn cũng phải dìm sâu mình vào những hy sinh, đau khổ như Thầy mình trong cuộc Khổ Nạn. Bạn cảm nhận được sự chia rẽ không chỉ bên ngoài mà ngay trong chính tâm hồn bạn: Bạn phải chọn lựa bước theo Thầy Giêsu và thực thi những giá trị Tin Mừng hay để cho những cảm tính tự nhiên điều khiển bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi không chán nản mỗi khi gặp những chống đối, gièm pha do việc đi theo Đức Giêsu và cố gắng sống theo những giá trị của Tin Mừng (khó nghèo, khiêm tốn, hiền lành...).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho lửa tình yêu của Chúa bùng lên trong trái tim chúng con, để chúng con hăng hái thực hiện ước mơ của Chúa: làm cho thế giới được ấm áp tình thương Chúa.
19/08/13 THỨ HAI TUẦN 20 TN
Th. Gioan Ơđơ, linh mục
Mt 19,16-22
HOÀN THIỆN LÀ THEO ĐỨC KITÔ
“Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng ở trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19,21)
Suy niệm: Chàng trai giàu có này thật dễ mến. Thay vì nghĩ đến gầy dựng cơ nghiệp, xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình như bao thanh niên khác, anh lại quan tâm đến sự sống đời đời. Anh còn có đời sống thật gương mẫu: “không trộm cắp, không làm chứng gian, thờ cha kính mẹ...” Thật không chê vào đâu được! Tuy nhiên, nghe lời Chúa Giêsu, anh buồn rầu bỏ đi. Thế mới hay, lý tưởng hoàn thiện Kitô giáo không dừng lại ở cấp độ “ăn ngay ở lành,” tuân giữ các giới răn, mà là “đi theo Đức Giêsu,” Đấng đòi hỏi ta đặt Ngài lên trên bản thân và của cải mình. Điều này trái với mong đợi của anh.
Mời Bạn: Bạn ngưỡng mộ chàng trai giàu có chăm lo giữ luật, nhưng tiếc nuối cho thái độ từ khước của anh. Tựa như chàng trai ấy, lắm lúc lòng bạn đầy thiện chí, nhưng không đủ can đảm dứt khoát với chính bản thân. Mỗi khi coi trọng của cải mình hơn con người, đặt nặng bản thân mà quên lợi ích của người khác, bạn cũng sẽ buồn rầu quay lưng trước lời mời gọi của Đức Giêsu.
Chia sẻ: Trước lập luận “đạo nào cũng tốt,” vậy đâu nhất thiết phải theo “Đạo Kitô,” bạn sẽ trả lời thế nào?
Sống Lời Chúa: Lặp lại cách xác tín: “Lạy Chúa, con theo Chúa, vì chỉ Chúa mới ban cho con sự sống đời đời.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa là Đấng có lời đem lại sự sống đời đời. Tuy nhiên, nhiều lần trong cuộc đời, chúng con cũng “buồn rầu bỏ đi” lánh mặt Chúa. Xin cho con vững tin đi theo Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn cuộc đời. Amen.
20/08/13 THỨ BA TUẦN 20 TN
Th. Bênađô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 19,23-30
BỎ ÍT ĐƯỢC NHIỀU
“Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” (Mt 19,29)
Suy niệm: Ở tuổi 22, hiệp sĩ Bênađô đã có một sự nghiệp “hái ra vàng” trong triều đình, nơi quân ngũ và trong tòa án. Nhưng nghe tiếng Chúa gọi, anh quyết định từ bỏ tất cả, gia nhập dòng Xitô, trở thành một tu sĩ nghèo để phục vụ Tin Mừng Nước Trời. Viện phụ Bênađô cũng như những người tận hiến cho Chúa biết rằng những điều mình từ bỏ thì ít, còn những gì mình nhận được thì gấp bội: từ bỏ tương quan gia đình hạn hẹp để đón nhận tương quan gia đình rộng lớn của Hội Thánh, từ bỏ của cải vật chất để nhận lãnh của cải tinh thần, từ bỏ cuộc sống chóng qua để nhận lãnh sự sống đời đời.
Mời Bạn: Trong cuộc sống hôm nay, quyền hành, tiền bạc, danh vọng, dục vọng… dễ trở thành những thứ trói buộc bạn, làm bạn không còn tự do để sống Lời Chúa và đi theo Ngài. Bạn hãy nhớ rằng bạn đang ở trong thế gian, song không thuộc về thế gian, nhưng thuộc Thiên Chúa. Vậy, càng từ bỏ lối sống theo kiểu thế gian, bạn càng thuộc về Chúa trọn vẹn hơn. Khi từ bỏ, bạn không bị mất đi, nhưng được lại nhiều gấp bội, vì “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”
Sống Lời Chúa: Tôi tập tinh thần từ bỏ bằng cách hãm dẹp một thói hư tật xấu hay nhịn một chút chi tiêu, bỏ thùng tiết kiệm dành cho người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con can đảm bước theo con đường Chúa đi: là từ bỏ để mặc lấy tâm tình của Chúa mà phục vụ Chúa và tha nhân. Amen.
21/08/13 THỨ TƯ TUẦN 20 TN
Th. Piô X, giáo hoàng
Mt 20,1-16a
CÔNG BẰNG VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
“Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,15)
Suy niệm: Những người thợ làm vườn nho được ông chủ trả tiền công theo giá đã thỏa thuận từ trước. Ông chủ không làm gì bóc lột hay lỗi đức công bằng với họ cả. Thế nhưng họ lại ghen tức trước việc ông đối xử tốt bụng với người đến làm giờ sau cùng. Đúng lý ra lòng thương xót giúp duy trì sự công bình, và sự công bình là bước đầu để chứng tỏ lòng thương xót. Nhưng trong dụ ngôn này lại xảy ra việc xung đột về quyền lợi, sự cố đáng tiếc ấy do lòng ghen tị của những người thợ đến trước, không muốn thấy ai hơn mình. Đó cũng là thói xấu cố hữu của chúng ta: quyền lợi thì tranh đấu cho bằng được, còn bổn phận thì thoái thác.
Mời Bạn: Chúng ta thường đòi hỏi công bằng, nhưng xử sự công bằng quá mức “một một, hai hai” có thể dẫn đến thái độ lỗi đức bác ái. Vì bác ái, lắm khi ta phải “chín bỏ làm mười.” Nếu ông chủ chia tỷ lệ tiền theo số giờ mà người đến sau phải nhận thì anh ta có gì mang nuôi gia đình ngày hôm ấy, buộc lòng ông chủ phải đối xử với anh bằng lòng thương xót. Ông đâu có gì sai trái ở điểm này.
Chia sẻ: Không phải chúng ta thường xin lòng thương xót của Thiên Chúa nhiều hơn là xin Ngài xử sự công bình với ta đó sao?
Sống Lời Chúa: Tôi ngắm nhìn tấm lòng thương xót của Thiên Chúa và tập vui với người vui, chứ không ganh tị, ghen ghét với người hơn mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi, vì nếu Chúa cứ xử sự công bình với chúng con thì nào ai đứng vững trước tôn nhan Ngài! Amen.
22/08/13 THỨ NĂM TUẦN 20 TN
Đức Maria Trinh Nữ Vương
Lc 1,26-38
CÙNG SỐNG, CÙNG CHẾT, CÙNG VINH QUANG
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả, và được gọi là Con Đấng Tối Cao.” (Lc 1,30-32)
Suy niệm: Ta có thể nói như cha Cantalamessa rằng: “Không ai cùng chịu đau khổ với Chúa Giêsu đến mức như Đức Maria, cũng như không ai được tôn vinh bên Chúa Giêsu bằng Đức Maria”. Quả vậy, từ khi nhập thể, Đức Giêsu gắn bó với Mẹ Maria như hình với bóng: từ lúc còn trong lòng Mẹ, Mẹ đi đâu, Con đi theo đấy; khi Con trưởng thành, Con ở đâu, Mẹ cũng có mặt ở đó: Con dự tiệc cưới Cana, cũng có mặt Mẹ, Con đi rao giảng Tin Mừng, có thấp thoáng bóng Mẹ, Con chịu đóng đinh, Mẹ có mặt dưới chân thập giá. Thì nay Con bước vào vinh quang Thiên quốc, thì Mẹ được cất lên làm Nữ Vương vũ hoàn.
Mời Bạn: Nhớ rằng ngoài người mẹ trần gian, bạn còn có một người mẹ trên trời là Đức Maria. Bạn hãy siêng năng đến cầu nguyện với Đức Mẹ, và nhớ lấy ngài làm “gương soi” cho mình.
Chia sẻ: Tôi thích đức tính nào nơi Đức Maria hơn cả? Tôi đã làm gì để tập đức tính đó?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày trước khi đi ngủ, tôi nhớ ít nhất đọc 3 kinh Kính mừng và cầu nguyện với Đức Mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, khi đọc sách Tin Mừng, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. Mẹ đi giúp bà Isave, Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới Cana. Và cuối cùng, Mẹ đã theo Ngài đến tận núi Sọ. Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng mời gọi mới của Chúa. Amen. (Rabbouni)
23/08/13 THỨ SÁU TUẦN 20 TN
Th. Rôsa Lima, trinh nữ
Mt 22,34-40
YÊU NHƯ CHÚA YÊU
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37-39)
Suy niệm: Có người nói rằng có thể dùng từ “yêu mến” để giải thích tất cả giáo lý Công giáo. Bốn Phúc Âm, nói rộng hơn, cả bộ Tân ước và thâm chí toàn bộ Thánh Kinh đều có thể tóm tắt trong một từ đó. Bài học duy nhất mà Đức Giêsu muốn dạy cho chúng ta, những học trò của Ngài tại trường Giêsu cũng là bài học yêu mến. Bí quyết làm nên cuộc đời Giêsu, một cuộc đời hiếu trung với Chúa Cha và phục vụ con người không mệt mỏi, cũng là yêu mến. Yêu mến theo Đức Giêsu không phải là thứ tình cảm bồng bột, nhưng là quyết định gắn bó với hoàn toàn với Chúa, để Ngài toàn quyền chi phối cuộc đời mình.
Mời Bạn: Ý thức yêu mến là điều quan trọng số một trong cuộc đời bạn. Muốn biết cuộc đời bạn thành công hay thất bại, bạn chỉ có một tiêu chuẩn để phân định, đó là bạn đã sống yêu mến chưa?
Chia sẻ: Tôi đã yêu mến Chúa chưa? Dấu hiệu để nhận biết là tôi có để Ngài có quyền trên cuộc đời tôi không?
Sống Lời Chúa: Tôi tập sống yêu mến Chúa qua việc yêu mến anh em, mà cụ thể là quan tâm đến những nhu cầu của người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi, là mẫu mực tình yêu tinh ròng, xin cho các Kitô hữu chúng con biết yêu nhau như Chúa yêu chúng con để chúng con trở thành trái tim cho thế giới đang khô cằn vì thiếu tình yêu. Xin cho chúng con biết sống với tha nhân và cho tha nhân bằng cách quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Amen.
24/08/13 THỨ BẢY TUẦN 20 TN
Th. Batôlômêô, tông đồ
Ga 1,45-51
ƯỚC MƠ BAY CAO
Đức Giêsu nói: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” (Ga 1,50)
Suy niệm: Người Việt Nam dùng hình ảnh cây trúc để làm biểu tượng cho người quân tử, hoa sen để biểu trưng cho sự thanh cao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Còn đối với người Do Thái, cây vả tượng trưng cho sự an bình. Cây vả có nhiều cành lá um tùm nên người ta thường ngồi dưới bóng của nó để trầm tư mặc niệm. Hình ảnh Nathanaen hay còn gọi là Batôlômêô ngồi “dưới cây vả” nói lên rằng ông là một con người của suy niệm những mầu nhiệm cao siêu. Đức Giêsu nói cho ông biết rằng chẳng những Ngài nhìn thấu suốt tâm hồn con người, Ngài còn là chiếc thang đưa dẫn con người lên trời. Ông đã giật mình kinh ngạc và thán phục Đấng đọc được những suy nghĩ, những ước mơ đang ngự trị nơi sâu thẳm nhất của trái tim ông. Được Chúa Giêsu thu phục và hứa cho thấy những sự cao cả hơn nữa, ông dành cho Ngài trọn quyền làm chủ vận mạng đời ông.
Mời Bạn: Dâng lên Chúa những ước mơ, những khao khát của bạn, và Chúa thấu suốt những ước mơ, khao khát ấy. Ước mơ lớn nhất, khát khao nóng bỏng nhất phải là đi theo Đức Giêsu để một ngày kia được cùng Ngài lên trời.
Sống Lời Chúa: Quan tâm cầu nguyện cho một người bạn lương dân của bạn, và tìm dịp thuận tiện dẫn đưa người ấy đến với Đức Giêsu là con đường, là chiếc thang dẫn lên trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường chỉ có những ước mơ tốt đẹp cho mình, mà quên cho người khác. Xin Chúa cho tất cả chúng con biết hằng ngày bước theo Chúa trên con đường về quê trời. Amen.
25/08/13 CHÚA NHẬT TUẦN 21 TN – C
Lc 13,22-30
CHIẾN ĐẤU QUA ĐƯỢC CỬA HẸP
“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào... vì có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13,24)
Suy niệm: Sinh viên không vào đại học cách thong thả như bước vào công viên, vận động viên không bước lên bục cao lãnh huy chương như dạo chơi trên bãi biển. Để đạt những mục tiêu ấy, vô vàn mồ hôi, nước mắt và cả những giọt máu đã đổ ra. Trong cuộc đời, không có mục tiêu đỉnh cao nào không đòi hy sinh. Nói theo ngôn ngữ của Tin Mừng, là phải chiến đấu để qua được cửa hẹp. Tuy nhiên, không phải Nước Trời có cửa hẹp, mà chính trái tim ta. Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu và Vương Quốc của Ngài không thể đi vào trái tim ta vì sự hẹp hòi do bản chất ích kỷ của ta. Để đón nhận Thiên Chúa tình yêu, ta phải từ bỏ những lớp vỏ coi mình là trung tâm, lột bỏ đi những vỏ bọc tự mãn, tự kiêu, dẹp bỏ mọi tự ái đối kháng với tình thương. Đó là lý do tại sao Nước Trời luôn đòi nỗ lực và hy sinh.
Mời Bạn: Vượt qua cửa hẹp của trái tim ấy qua muôn vàn hy sinh “rướm máu” hằng ngày để sống đời ơn gọi tu trì trung thành, đời gia đình hạnh phúc, nghề nghiệp lương thiện hay những nghĩa cử anh hùng âm thầm nhằm phục vụ người khác, dấn thân cho thiện ích chung, cho Tin Mừng được loan báo. Bạn có sẵn lòng thực hiện không?
Sống Lời Chúa: Tôi tập chiến đấu để qua được cửa hẹp bằng cách sẵn sàng thực hiện những hành vi anh hùng âm thầm hầu phục vụ người thân, cho giới hay hội đoàn, hội dòng của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã nâng đỡ chúng con trên hành trình Nước Trời. Xin cho chúng con quyết tâm đi qua cửa hẹp mà đón nhận Nước Trời, qua việc chiến đấu liên lỉ với con người ích kỷ của mình. Amen.
26/08/13 THỨ HAI TUẦN 21 TN
Mt 23,13-22
ĐỪNG ĐỂ VÀNG THAU LẪN LỘN
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình!” (Mt 23,13)
Suy niệm: Đọc các sách Tin Mừng chưa thấy Chúa Giêsu gay gắt với ai nặng lời như khi Ngài trách móc những kinh sư và Pharisêu và “rủa” họ là “đồ khốn”, là những kẻ giả hình. Theo văn mạch của đoạn Tin Mừng, cái khốn của những kẻ đạo đức giả là: 1/ không để ai vào Nước Trời, kể cả chính họ (c. 13). 2/ làm cho người khác phạm tội, “đáng xuống hỏa ngục gấp đôi” (c. 15). 3/ Lấy cái phụ làm cái chính yếu (c. 17). Nói tóm lại người giả hình là người không thật lòng, không thật với Chúa, không thật với chính mình, không muốn cho ai nên tốt, nhất là nên tốt hơn họ.
Mời Bạn: Trong cuộc sống – đời lẫn đạo – chúng ta có ít nhiều như thế không? Thật ra người đạo đức giả thì thời nào cũng có, nhưng “kinh sư và Pharisêu đạo đức giả” thời nay là những người nào, đó mới là chuyện cần bàn, cần phải phân định, để vàng thau không lẫn lộn. Giả là không thật hay chỉ có cái vỏ thật bên ngoài để che đậy cái giả dối bên trong. Thật trong lòng mới quí, và giả trong tim mới đáng sợ, sợ đến nỗi Chúa Giêsu phải gọi là đồ “khốn.” Điều đáng sợ là không ai thích đồ giả, người giả, nhưng lại bị chiều theo những gì là giả dối. Điều này kéo theo một chuỗi những hệ lụy làm cho mình lầm lạc và nhiều người lầm lạc theo.
Sống Lời Chúa: Để khỏi bị Chúa gọi là “đồ khốn”, “đồ giả hình”, mời bạn tránh xa lối sống Pharisêu; trái lại hãy hồi tâm, sống trung thực với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tâm niệm điều mà Chúa đã dạy: có thì nói có, không thì nói không, kẻo sự giả dối cũng sẽ khiến con trở thành kẻ giả hình, giả bộ.
27/08/13 THỨ BA TUẦN 21 TN
Th. Mônica
Mt 23,23-26
ĐIỀU CỐT YẾU BỊ LÃNG QUÊN
“Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ quên những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín.” (Mt 23,23)
Suy niệm: Luật Môsê qui định nộp thuế thập phân các sản phẩm từ hoa màu ruộng đất (Lv 27,30; Đnl 14,22-23), nhưng các luật sĩ, kinh sư đã “áp thuế” này lên mọi thứ rau cỏ chi li như “bạc hà, thì là, rau húng”, còn “điều quan trọng nhất trong lề luật” lại bị lãng quên. Chúa Giêsu nghiêm khắc bác bỏ lối sống đạo của các kinh sư và người thuộc phái Pharisêu vì họ quan tâm thái quá đến những chuyện nhỏ nhặt chỉ nhằm mục đích phô trương và do đó, rơi vào thói vụ hình thức mù quáng, lấy điều phụ tuỳ làm quan trọng và lãng quên điều cốt yếu. Công bình, bác ái là ngọn đuốc chiếu sáng và sưởi ấm. Đừng để ngọn đuốc ấy bị lụi tàn bởi lối sống vụ hình thức mà thiếu tấm lòng.
Mời Bạn: Mỗi người chúng ta đều được gọi để trở nên sứ giả của hoà bình. Mời bạn sống Tin Mừng không phải bằng những công việc phô trương nhưng trước hết bằng cả tấm lòng: - tấm lòng với Chúa qua việc dành cho Ngài những tâm tình cầu nguyện thân mật riêng tư; tấm lòng với tha nhân bằng lối sống công bằng bác ái.
Chia sẻ: Tình trạng câu nệ luật lệ chi li mà thiếu tấm lòng nhân ái có đang tồn tại trong cộng đoàn/gia đình của bạn không?
Sống Lời Chúa: Trong giờ cầu nguyện, bạn cầu xin Chúa cho một người đang cần đến lòng thương xót Chúa nhất và bạn làm một việc thể hiện sự quan tâm chia sẻ với người ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sống trong sự thật, công bằng, nhân ái và khoan dung với mọi người.
28/08/13 THỨ TƯ TUẦN 21 TN
Th. Âutinh, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 23,27-32
HÃY TRAU CHUỐT BÊN TRONG
“Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27)
Suy niệm: Nhờ sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ làm hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi. Chưa bao giờ người tiêu dùng nơm nớp lo sợ vì mua phải hàng dỏm như hiện nay: nhìn bên ngoài thì giống hệt như hàng thật, hàng chính hãng, nhưng mua về xài chưa được mấy bữa thì đã rơi vào cảnh ‘bỏ thì thương, vương thì tội’. Tình trạng đó cũng song hành trong đời sống đạo. Một khi chuộng cái mã bên ngoài hơn là trau chuốt nét đẹp bên trong, người ta sẽ tạo cho mình một vỏ bọc đạo đức và tự hài lòng về vỏ bọc ấy. Lúc đó, “chất” Tin Mừng chỉ đọng lại ở những việc đạo đức hình thức chứ không thấm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Như thế phải chăng tình trạng giả dối trong xã hội vừa nói trên đây không phải là hậu quả tất yếu của sự giả dối trong đời sống tâm linh, đời sống đức tin hay sao?
Mời Bạn: Chúng ta thường chuẩn bị một bộ cánh tươm tất cho những ngày đại lễ: quần áo, giầy dép! Và cả những nghi lễ hoành tráng! Nhưng kết quả sau đó là gì? Cuộc sống chẳng khá hơn, con người vẫn cứ cũ mèm! Mời bạn đổi mới con người cũ bằng cách loại bỏ tính hư tật xấu là những thứ “ô uế” bên trong, và “chuốt” lại tâm hồn mình bằng một cuộc sống thánh thiện thực sự.
Sống Lời Chúa: Chọn một nhân đức của vị thánh mình yêu thích để bắt chước.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con sống như thế nào. Xin thêm sức để con có thể canh tân cuộc sống của chính mình cho hợp với thánh ý Chúa. Amen.
29/08/13 THỨ NĂM TUẦN 21 TN
Th. Gioan Tẩy giả bị trảm quyết
Mc 6,17-29
MỘT TIẾN TRÌNH PHẠM TỘI
“Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô…” (Mc 6,26)
Suy niệm: Vua Hêrôđê là điển hình của kẻ phóng túng (lấy vợ anh mình), lạm quyền (tống ngục Gioan để dập tắt tiếng nói của sự thật). Một chút lương tâm còn leo lắt đã giúp ông biết dừng lại ở việc bỏ tù Gioan chứ không đi xa đến mức giết vị ngôn sứ. Nhưng cuối cùng ông đã xuống tay làm điều tệ hại ấy, chỉ vì một lời hứa điên rồ khi ham vui quá độ, vì sĩ diện hão phải giữ lời hứa, và còn vì có sự giật dây tinh quái của bà Hêrôđia. Giữa tiếng nói của một lương tâm yếu ớt với sự tắt lịm hoàn toàn của nó là một khoảng cách rất mong manh. Tà lực đến từ bên trong lẫn bên ngoài; chúng phối hợp tấn công nhuần nhuyễn và ta bị ‘nốc ao’ nhiều khi rất nhanh chóng và dễ dàng!
Mời Bạn: Nhìn lại tội của Hêrôđê và nhận ra nó trong các tiến trình phạm tội của chính mình. Người ta có thể phạm tội vì phóng túng, vì lạm quyền, vì bốc đồng điên rồ, vì sĩ diện hão, vv… Người ta càng dễ phạm tội vì “đòn phối hợp” chặt chẽ giữa các thế lực ấy. Một khi tiến trình đã bắt đầu, ta rất khó chặn đứng nó (người ta cần sự dối trá thứ hai để che đậy sự dối trá thứ nhất, chẳng hạn!). Vì thế, phương cách an toàn là ngăn chặn tiến trình ấy trước khi nó bắt đầu. Và đã lỡ để nó bắt đầu, ta hãy vận dụng tất cả lòng chân thành và khiêm tốn nhìn nhận mình sai lạc và quay về với Chúa. Muốn thế, ta cần một lương tâm thực sự nhạy bén và lành mạnh (đừng xem thường các “tội nhẹ”, chẳng hạn).
Sống Lời Chúa: Tôi luôn nghe tiếng nói của lương tâm, quyết không nhượng bộ mọi sự dụ dỗ của tà thần.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.
30/08/13 THỨ SÁU TUẦN 21 TN
Mt 25,1-13
DẠI VÀ KHÔN THEO ĐỨC KITÔ
“Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang dầu theo”. (Mt 25,1-4)
Suy niệm: Tìm kiếm sự khôn ngoan là mối bận tâm của tất cả mọi người. Nhưng khám phá ra đâu là dại, đâu là khôn thì không phải là chuyện dễ dàng. Nhà thơ Trần Tế Xương đã “triết lý” về cái lẽ “dại khôn” ấy rằng:
“Thiên hạ đua nhau nói dại khôn.
Biết là ai dại biết ai khôn.”
Chúa Giêsu kể dụ ngôn mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể để dạy chúng ta biết phân định sự khôn ngoan không phải theo quan niệm của đời này mà là theo chuẩn mực của Tin Mừng. Sự khôn ngoan ấy hệ tại tinh thần tỉnh thức, sẵn sàng cho những đòi hỏi của Nước Trời. Hình ảnh chiếc đèn luôn đầy dầu nói lên sự chuyên chú, trung kiên sống theo những giá trị của Tin Mừng mọi lúc trong cuộc sống cho đến lúc kết hợp trọn vẹn với Chúa trên Nước Trời.
Mời Bạn: Đâu là khôn, đâu là dại theo Đức Kitô? Thánh Phaolô xác quyết: Thập giá Đức Kitô là sự vấp phạm, sự điên rồ đối với thế gian, nhưng đó là đường cứu rỗi, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,17-25). Chân lý này không được mạc khải cho những kẻ hiền triết khôn ngoan, mà cho những ai bé mọn, những người “khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16).
Sống Lời Chúa: Suy niệm mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô để sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy dạy con: … chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…” (Kinh Hoà Bình)
31/08/13 THỨ BẢY TUẦN 21 TN
Mt 25,14-30
KHÔNG CHỈ CHO CHÚNG CON...
“Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,14)
Suy niệm: Số vốn được giao cho các đầy tớ không phải là nhỏ. Một nén tương đương hơn 20 năm tiền lương của một người làm công suốt cả ngày. Thế nhưng, trong khi hai đầy tớ được năm nén và hai nén tích cực sinh lời theo ý chủ, người đầy tớ được một nén lại có cái nhìn hẹp hòi và tiêu cực về chủ mình: ông ấy là người keo kiệt, “gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát”! Đó cũng có thể là cái nhìn của ta về Chúa mỗi khi so sánh với những kẻ có nhiều ưu điểm hơn mình. Ta bất mãn với Chúa, không bằng lòng với những gì mình có, dù Chúa đã ban cho ta rất nhiều. Cái nhìn so bì đó khiến ta ganh tị với người khác; cái nhìn tiêu cực bi quan làm ta không tích cực phát triển vốn liếng khả năng Chúa ban, và chỉ dùng để phục vụ bản thân cách ích kỷ.
Mời Bạn: Vấn đề không phải ở chỗ Chúa ban cho bạn nhiều hay ít, nhưng nơi cung cách bạn sử dụng: phụng sự Chúa và mưu ích cho phần rỗi, hay chỉ để hưởng thụ ích kỷ? Nhìn lại đời mình, bạn thấy đang sử dụng những tặng phẩm Chúa ban (giáo dục, sức khoẻ, trí khôn, của cải...) cho mục tiêu gì?
Sống Lời Chúa: Tôi tập không so sánh, phân bì với những người chung quanh, nhưng bằng lòng và cảm tạ Chúa về những gì mình có, và nỗ lực sinh lợi qua việc sử dụng để phụng sự Chúa và xây dựng Nước Trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã tin tưởng giao nhiều vốn liếng khả năng cho chúng con. Xin cho chúng con sử dụng xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa: không chỉ dành cho bản thân và gia đình, nhưng cho việc xây dựng Nước Trời. Amen.
Nguồn: http://www.kinhthanhvn.org