Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 01 Tháng 7 2024 10:31

Chúa chữa người bất toại Featured

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
CHÚA CHỮA NGƯỜI BẤT TOẠI

Thứ Năm tuần 13 Thường niên

Thánh Êlisabeth Bồ Đào Nha

CHÚA CHỮA NGƯỜI BẤT TOẠI

(Mt 9,1-8)

1. Thánh Mát-thêu thuật lại việc Chúa Giê-su chữa lành cho người bất toại. Qua câu chuyện này, Chúa Giê-su chứng tỏ Ngài chính là vị Thẩm phán Tối cao sẽ nắm quyền xét xử nhân loại. Người dùng quyền đó để tha tội cho người ta. Bất cứ ai tin vào Chúa đều được hưởng nhờ lòng nhân hậu và tình yêu của Người. Như anh bất toại hôm nay, cũng như những người đã khiêng anh, vì đã tin vào Chúa Giê-su, không những được Người chữa lành bệnh phần xác mà cả tâm hồn anh cũng được trong sạch. Điều đó cho chúng ta thấy, tin vào Chúa Giêsu làm cho con người được lành mạnh và biến đổi.

2. Qua câu chuyện Chúa chữa người bất toại này, chúng ta thấy Chúa Giê-su là Đấng có quyền tha tội:

– Quyền này thuộc về một mình Thiên Chúa, người đời không ai có quyền tha tội. Bởi thế khi Chúa Giê-su nói tha tội thì các luật sĩ bảo Ngài là phạm thượng.

– Muốn được tha tội thì điều kiện là phải có lòng tin: ”Thấy họ có đức tin, Chúa Giê-su nói với người bất toại rằng: ”Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi”.

– Không những đức tin là của cá nhân, nhưng cũng có đức tin tập thể như trong trường hợp này (của những người khiêng người bất toại): ”Thấy họ có lòng tin, Chúa Giê-su nói…”.

– Còn một điều đáng lưu ý nữa là Chúa Giê-su tha tội trước khi chữa bệnh. Nghĩa là Ngài coi tội còn nguy hại hơn bệnh tật phần xác.

3. Bệnh tật bởi đâu mà ra? Trong trường hợp người bất toại này, có lẽ đã có sự liên hệ giữa tội lỗi và bệnh tật của anh ta, nên trước khi làm phép lạ chữa bệnh cho anh, Chúa đã tuyên bố tha tội cho anh. Bởi vì người Do thái cho bệnh tật là do tội lỗi, là hình phạt của tội lỗi, thì nếu muốn khỏi bệnh, trước hết phải khỏi tội đã. Vậy Chúa tha tội cho người bất toại là Chúa cất căn cớ đi, thì bệnh tật là hình phạt cũng sẽ hết. Chúa Giê-su hành động như vậy là rất hợp lý.

Người Do thái tuy cũng nghĩ như thế và công nhận như thế, nhưng họ lại cho là Chúa nói phạm thượng. Theo họ, tội phạm đến Chúa, thì ngoài Chúa ra, không ai có quyền tha tội. Họ suy luận đúng, nhưng họ không công nhận Chúa có quyền tha tội, vì nếu công nhận như thế tức là công nhận Ngài là Thiên Chúa rồi. Bởi đó, đối với họ, không bao giờ có thể chấp nhận được.

Vì thế, để minh chứng cho biết Ngài có quyền tha tội, Chúa Giê-su đã chữa lành cho người bất toại. Như vậy, Chúa đã dùng việc làm để trả lời cho họ biết: Ngài đã làm cho người bất toại tức khắc khỏi bệnh, điều đó chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, mà nếu là Thiên Chúa, thì Ngài có quyền tha tội.

4. Qua bài Tin Mừng hôm nay ta thấy một phép lạ xẩy ra nhờ ảnh hưởng của tập thể. Một người bất tại được khiêng đến cho Chúa Giê-su. Tất cả sự việc diễn ra không kèm theo một câu nói hay một lời van xin nào, thế nhưng, hành vi của họ đã đủ diễn đạt tấm lòng của họ. Chúa Giê-su thấy lòng tin của họ, tức lòng tin của những người khiêng người bất toại, Ngài đã chữa lành bệnh nhân.

Hình ảnh những người thân khiêng người bất toại đến với Chúa, mong được Chúa chú ý đến sự khốn khổ của họ, cho thấy niềm tin vào quyền năng của Chúa Giê-su và lòng yêu thương  dành cho người anh em đang phải khốn khổ vì bệnh tật. Lòng tin của họ đã được Chúa Giê-su không chỉ thấy sự đau khổ của người bất toại, mà còn thấy lòng tin của những người khiêng anh ta đến. Tin Mừng nói rõ ràng, thấy lòng tin của “họ” như vậy, Người đã chữa lành… Đó là một sự khích lệ lớn cho chúng ta cầu xin cho một ai đó, khi chúng ta trở thành trung gian nối dài tính trung gian của Đức Ki-tô đem Chúa đến cho họ.

5. Con người là con vật xã hội. Xã hội không dành riêng phần đất cho những người tự đóng kín vào mình. Vừa mở mắt chào đời, con người đã phải đón nhận sự nâng đỡ của người khác, rồi trong suốt cuộc đời, không ai có thể tự hào mình không cần nhờ vả đến ai. Sống là một luân lưu của những trao đổi và cảm thông. Tôi phải nhờ đến người khác, và cũng có bổn phận  để người khác nhờ đến tôi.

6. Truyện: Biết chia sẻ cho nhau.

Tại một thị trấn nọ có một gia đình nghèo. Cha mẹ làm việc vất vả cả ngày ở nhà máy, các con còn nhỏ ở nhà một mình.

Một hôm, có một người hành khất đến xin bố thí. Một em bé ra mở cửa đăm đăm nhìn người ăn xin rồi chạy vào nhà. Một lúc sau, em trở ra nhỏ nhẹ thưa:

– Chú ơi, chúng cháu rất muốn tặng chú cái gì đó, thế nhưng nhà cháu cũng chẳng có gì để ăn hôm nay, chúng cháu đang đói lắm chú ạ! Chúng cháu rất áy náy phải từ chối chú vậy, chú đừng buồn nhé.

Người hành khất lặng lẽ bỏ đi. Đến xập tối thì ông ta quay lại gõ cửa. Em bé lại ái ngại từ chối như ban sáng. Người ăn xin lúc đó mới nói:

– Các cháu dễ thương của chú, chú không xin các cháu bố thí nữa đâu, nhưng chú lại có cái này để tặng các cháu,

Nói đoạn, người ấy mở chiếc bị đeo bên hông ra, đưa cho mấy đứa bé một vài khúc bánh mì nhỏ và một vài đồng bạc. Ông ta dặn dò:

– Các cháu hãy lấy bánh chia nhau ăn đi kẻo đói lắm rồi, còn tiền thì đợi ba mẹ về, bảo là chú biếu. Chú chỉ là một người ăn xin tàn tật, nhưng chú sẵn sàng chia sẻ với gia đình các cháu, bởi vì các cháu dễ thương và tốt bụng quá.

                                                                             Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

Read 24 times