Thứ Ba tuần 20 Thường niên năm I (Mt 19,23-30)
“Người giàu có khó vào Nước Trời”. (Mt 19:23)
(Mt 19,23-30)
- Sau câu chuyện người thanh niên buồn rầu bỏ đi, Chúa Giêsu tiếp tục nói chuyện với các môn đệ. Ngài phán: “Người giàu khó mà vào Nước trời”. Câu tuyên bố này làm các môn đệ hết sức bỡ ngỡ nên đã nói: “Vậy thì ai mới có thể được cứu độ ?” Nhưng Chúa Giêsu an ủi: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”.
Sau đó Chúa hứa phần thưởng cho các môn đệ đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài: họ sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nên lưu ý: người thanh niên giàu có cũng muốn được sự sống đời đời, nhưng vì anh không chịu từ bỏ, nên Chúa không hứa gì với anh. Bây giờ các môn đệ đã từ bỏ mọi sự, nên Chúa hứa ban cho họ sự sống đời đời.
- Bài Tin mừng hôm nay tiếp nối trình thuật hôm qua về chuyện một thanh niên đến xin Chúa Giêsu chỉ giáo làm sao đạt được sự sống đời đời. Vì thế, Chúa Giêsu đã bảo anh ta về bán tất cả của cải để bố thí cho kẻ khó nghèo, thì sẽ được sự sống đời đời như anh mong muốn. Tuy nhiên anh ta đã buồn rầu bỏ đi, vì lòng anh đã bị đồng tiền che lấp mục đích đời đời.
Khi thấy như thế, Chúa Giêsu quay sang các môn đệ và dạy cho các ông một bài học về tác hại của đồng tiền nếu coi nó là mục đích, là ông chủ, Ngài nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước trời”.
Thực ra, Chúa Giêsu dùng kiểu nói ngoa ngữ, phóng đại để cho người nghe thấy được sự nguy hiểm của tiền bạc nếu làm sai mục đích.
- “Con lạc đà chui qua lỗ kim...”
Hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim là một kiểu nói mạnh theo lối Do thái; nhưng rất điển hình để diễn tả điều Chúa muốn nói: tin là ơn siêu nhiên Thiên Chúa ban (Ga 6,40): việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm là tin vào Đấng Người đã sai đến; chỉ ai sẵn sàng nên khó nghèo về bản thân và của cải vật chất mới biết đón nhận ơn đó.
Người ham hố của cải vật chất cũng như tinh thần, làm ngăn cản lòng tin tưởng, trông cậy và yêu mến Chúa, vì thế rất khó được vào Nước trời. Người tông đồ không được dính bén về sự ham hố của cải vật chất, kẻo làm ngăn cản cho ý hướng, tâm tình và công việc tông đồ (Lm. Trần Hữu Thành).
- Sống trên đời ai cũng muốn mình được giàu có, để cuộc sống được đầy đủ và nâng cao. Thế nhưng, tại sao Chúa Giêsu lại nói: “Người giàu khó vào Nước trời”.
Người giàu ở đây không chỉ nói giầu về của cải vật chất, mà còn là giàu về địa vị, tài năng, kiến thức... Thật ra, tất cả những thứ ấy không phải là điều xấu, nhưng nó trở nên xấu khi con người biến những thứ ấy thành cứu cánh của đời mình và không còn xem trọng các giá trị của Nước trời. Khi đó, họ luôn sống trong tình trạng đầy đủ, không cần đến ai giúp, cũng như không muốn giúp ai. Do đó, họ chỉ biết sống cho riêng mình và làm theo ý riêng, dù nó đi ngược với thánh ý của Chúa. Và như vậy, họ khó có thể vào Nước trời.
- Được cứu rỗi là ưu tiên hàng đầu và chính đáng của bất cứ ai biết quan tâm đến số phận đời mình, đặc biệt là các môn đệ của Chúa Giêsu. Thế nhưng, một cản trở rất lớn cho ơn cứu rỗi ấy là lòng ham muốn của cải trần thế quá mức khiến ta quay lưng với các đòi hỏi của Tin mừng: lòng nhân nghĩa, sự công bằng và tinh thần phó thác. Không phải hễ giàu là xuống hỏa ngục, nhưng chỉ những người giàu ích kỷ như ông phú hộ đối với anh Lazarô trong Lc 16,19-31 mới bị trừng phạt. Còn giàu có như thánh nữ Elizabeth nước Hungari, dùng của cải giúp người nghèo, sống như người nghèo, lại có cơ hội không thể tốt hơn để được vào Nước Thiên Chúa (5 phút Lời Chúa).
- Phần thưởng cho những người từ bỏ
Khi nói hai chữ “từ bỏ” tức là không còn, hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Tâm lý con người thường không chịu thua thiệt, luôn luôn đòi hỏi sự cân xứng, hoặc “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Thánh Phêrô đã hỏi thay cho chúng ta: Từ bỏ mọi sự, theo Ngài chúng con sẽ được gì ? Nhìn chung khi bất cứ làm việc gì có thể là tốt, có thể là xấu điều đầu tiên mà ai cũng nhằm đến, đó là phải có lợi, có lời.
Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa... Chúa Giêsu khẳng định sẽ trọng thưởng gấp bội nhất là được sự sống đời đời mai ngày. Phần thưởng gấp bội ở đây phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần. Phần thưởng sự sống đời đời mai sau là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của sự sống hạnh phúc đời sau.
- Truyện: Hãy tránh sự tham lam
Người kia mua mảnh đất của người láng giềng. Khi đào đất để đổ nền nhà, anh tìm được hũ vàng. Vốn là người lương thiện và thành thật, anh mang hũ vàng qua nhà người láng giềng và nói: “Đây là hũ vàng tôi tìm thấy trong mảnh đất ông đã bán. Tôi mua đất chứ không mua hũ vàng. Vậy tôi xin trả lại hũ vàng cho ông”. Người láng giềng cũng lương thiện không kém. Ông không nhận hũ vàng và giải thích như sau: “Khi bán miếng đất, tôi đã có ý định bán tất cả những gì chứa trong đó. Vậy hũ vàng là của anh”. Hai bên cứ nhường nhau mãi cho đến tối, mà không ai chịu nhận hũ vàng. Rốt cuộc cả hai đồng ý tạm ngưng tranh luận, hẹn hôm sau sẽ bàn tiếp.
Nhưng qua một đêm trằn trọc suy nghĩ, họ đã bị con quỷ tham lam nhập vào lúc nào không hay. Sáng hôm sau hai người gặp lại. Người mua đất liền nói: “Tôi đã suy nghĩ kỹ lại thì thấy lời ông nói hôm qua quả là chí lý: Tôi đã mua đất của ông, tất nhiên mọi sự trong mảnh đất ấy đều thuộc về tôi”. Người láng giềng cãi: “Không phải thế. Hôm nay tôi đã xét kỹ thì thấy lời hôm qua rất xác đáng: anh không thể nào mua món đồ nào mà chính anh không có ý định mua. Anh chỉ mua đất chứ không mua vàng, anh hãy trả lại hũ vàng cho tôi”.
Hai người cãi nhau dữ dội. Từ đó họ không còn là láng giềng tốt của nhau mà trở thành thù địch của nhau.
(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)