Thứ Hai tuần 21 Thường niên năm I - Chúa Giêsu khiển trách sự giả hình (Mt 23, 13-22)
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư
và người Pharisêu giả hình!” (Mt 23, 13)
(Mt 23,13-22)
- Bài Tin mừng hôm nay nghe thật nặng nề, vì lời lẽ Chúa Giêsu nặng lời lên án những người thuộc nhóm biệt phái sống giả hình. Thế nhưng, suy rộng ra cách sống của họ không là cá biệt, mà nó phản ánh chính cuộc sống của không ít chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta cũng nhìn lại và suy gẫm về chính cuộc đời mỗi chúng ta lần lượt qua từng câu trong đoạn Tin mừng hôm nay.
- Hôm nay chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ lên án những tội của luật sĩ và biệt phái: giải thích lề luật một cách tỉ mỉ khiến không ai có thể giữ được; chất gánh nặng trên vai người khác, mà chính mình không muốn giơ ngón tay lay thử; làm bộ đọc kinh cho nhiều, nhưng lại toan tính nuốt cả tài sản người khác; tìm hư danh ngay cả trong việc truyền đạo; cắt nghĩa lời thề bằng những giải thích hoàn toàn có lợi cho mình, nhưng đó chỉ là cách giải thích tùy tiện theo ý loài người, chứ không tuân giữ lời Chúa.
- Ta có thể nhận thấy Chúa Giêsu lên án 5 cung cách đạo đức giả nơi người luật sĩ như sau: một là không muốn ai tiếp cận chân lý (c.13); hai là biến các tân tòng thành con cái hỏa ngục, qui về mình hơn là về Chúa (c.15); ba là an tâm tự tại với một số đồ dâng cúng, mà bỏ qua những điều cần phải tuân giữ cho đẹp lòng Chúa (cc 16-19); bốn là nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua những điều quan trọng hơn là công lý, lòng nhân lành và thành tín (cc.23-24); năm là chú trọng nghi thức thanh tẩy bên ngoài, mà bên trong đầy chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ (cc.25-26).
Sở dĩ các luật sĩ có những cung cách đạo đức giả đáng ghét này, vì họ muốn trục lợi vật chất, thích phô trương thanh thế, tôn thờ mình thay vì thật sự thờ phượng Chúa. Họ biết thế, nhưng họ không muốn làm theo điều mình lẽ ra phải làm, mà vẫn khư khư ôm chặt cái lợi về minh, nên bị Chúa quở trách là giả hình, giả hiệu (5 phút Lời Chúa).
- Các nhà sinh vật học đã tìm ra một loài bướm có đôi cánh rất lạ. Khi chúng bay, cánh có màu sắc rất sặc sỡ, nhưng khi chúng đậu, cánh lại có màu giống như chiếc lá khô. Nhờ sự thay đổi màu sắc ấy, loài bướm này dễ dàng đánh lừa kẻ thù và ít bị tấn công.
Trong thế giới tự nhiên có những loài vật biết ngụy trang và thay đổi bề ngoài để đánh lừa loài khác. Trong thế giới con người, cũng có những kẻ giả hình để lừa gạt người khác như vậy.
Đức Giêsu lên án gay gắt những kẻ giả hình. Họ là những người đứng đầu, lãnh đạo và đại diện cho dân, nhưng lại bị Ngài lên án vì lối sống giả tạo của họ. Sau lời chúc dữ, Đức Giêsu vạch trần lối sống giả hình của họ. Qua đó, Ngài muốn thức tỉnh họ, cũng như chúng ta hôm nay, hãy biết thay đổi mà sống chân thật với mình, và với Chúa (Học viện Đa Minh).
- Nói chung, các luật sĩ và biệt phái kiêu căng, háo danh, giả hình, ưa chuộng hình thức bên ngoài mà tâm hồn rỗng tuếch, nói và làm không đi đôi với nhau, như tục ngữ Việt Nam nói: “Khẩu Phật tâm xà” hay “Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm” để diễn tả những người mang mặt nạ giả danh đạo đức tốt lành bên ngoài với dụng ý che giấu lòng dạ hiểm độc bên trong: “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.
- Chúng ta hãy sống với Chúa như con đối với cha, đừng quá chú trọng đến lề luật. Mỗi khi làm một điều gì, câu hỏi trước tiên của chúng ta phải là: “Tôi làm như thế có đẹp lòng Chúa không?”, chứ không phải là: “Tôi làm như thế có đúng luật không?” Luật lệ chỉ là thước giữ cho con người khỏi đi quá trớn, chứ không phải để đo mức thánh thiện đạo đức của con người.
Xin Chúa cho chúng ta biết sống chân thành với Chúa, với tha nhân, với chính bản thân, để cuộc sống chúng ta thực sự phản ánh tình yêu Chúa qua những hành vi yêu thương phục vụ của chúng ta.
- Truyện: Nhà tu hành bất đắc dĩ
Trong kho tàng truyện cổ của Ấn độ, có câu chuyện này: Một nhà phú hộ kia có một hồ cá rất lớn. Ông cho thả rất nhiều cá ở đó. Một đêm kia có một tên ngư phủ nghèo lén vào trong hồ cá của ông, để thả lưới tính bắt trộm cá. Thế nhưng, chưa kịp kéo lưới thì người giàu đã phát hiện ra có người đang tính bắt trộm cá của ông. Ông cho gia nhân của ông bổ đi khắp nơi, quanh cái hồ mênh mông của minh, để tìm cho bằng được tên trộm.
Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả. Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó, y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ. Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm đâu, mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình suy tư và cầu nguyện.
Chỉ một ngày hôm sau, tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng: có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ. Thế là thiện nam tín nữ từ các ngả đường đổ xô đến gốc cây, để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Không mấy chốc mà quà cáp đổ tràn lan chung quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.
Nhà tu hành mới nhủ thầm trong bụng: thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì. Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai tu hành, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.
Người đánh cá bất đắc dĩ phải trở thành vị tu hành trên đây cũng có thể là một hình ảnh không xa lạ bao nhiêu đối với chúng ta. Một cách nào đó, có khi chúng ta cũng tự sơn vẽ cho mình một chiếc áo đạo đức, để đánh lừa bà con và đánh lừa chính mình.
(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)