Ngày 22 tháng 12: Lời kinh Magnificat (Lc 1,46-56)
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng,
vì Thiên Chúa,
Đấng cứu độ tôi”.
(Lc 1,46-47)
Bài ca Magnificat (Lc 1,46-56)
- Nghe lời ca ngợi của bà Elizabeth, Đức Maria vô cùng xúc động vì ơn cao trọng Chúa ban, nên dâng lên Chúa lời cảm tạ ngợi khen như sau:
Chúa là đấng toàn năng cao cả đã thương Mẹ là phận hèn tớ nữ, vì muôn đời Chúa hằng thương xót kẻ khiêm nhường, nghèo khó; còn hạng kiêu căng, giàu có ỷ thế thì Chúa lật đổ xuống. Chúa luôn luôn giữ đúng lời hứa. Người đã cứu dân Người như đã phán hứa cùng các tổ phụ xưa.
Mẹ Maria muốn nói với chúng ta: Thiên Chúa làm được mọi việc trọng đại lạ lùng cho chúng ta, với điều kiện chúng ta biết nhận mình hèn mọn, kém cỏi, thiếu sót tất cả; hoàn toàn trông cậy, tin tưởng, phó thác cho Chúa.
- Trong bài ca Magnificat (Lc 1,46-55), Đức Maria ca tụng kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện ở nơi mình, đó là mầu nhiệm Nhập thể. Đồng thời, bài ca này tuyên dương Thiên Chúa là Đấng“Toàn năng”, “Lân tuất”. Người lưu tâm đến những kẻ khó nghèo khiêm tốn. Đức Maria không những chỉ cảm tạ Thiên Chúa vì những đặc ân dành cho bản thân mình, nhưng còn chúc tụng Người vì tấm lòng trung tín và quảng đại dành cho dân Israel và toàn thể nhân loại. Đối lại, bài ca này mở màn cho những lời chúc tụng mà Hội thánh dâng lên Đức Maria, kẻ có phúc vì đã tin.
- Bài ca Magnificat là bài ca tụng những kỳ công lạ lùng của Chúa đã làm để cứu chuộc nhân loại. Những sự lạ lùng của thời Cựu ước là: việc tạo dựng, phép lạ xuất hành, việc ban hành Lề luật. Nhưng nơi Đức Maria, Chúa đã làm những điều cao cả hơn: Ngài đã cho Đấng Cứu Thế sinh ra làm người.
Chúng ta cần nhạy cảm khám phá ra những kỳ công lạ lùng của Chúa nơi vũ trụ vạn vật, nơi xã hội và con người, nơi Hội thánh và những Kitô hữu, nơi chính bản thân mình để ca tụng quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
- Mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi để không ngừng hát lên và sống bài ca Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở trong Đấng cứu độ tôi”. Đó phải là bài ca trong từng giây phút cuộc đời chúng ta. Không vui sao được khi biết rằng: mình được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc bằng chính máu của Con Một Ngài; không vui sao được khi biết rằng: trong Người Con Một ấy chúng ta tìm được ánh sáng, chân lý, bình an và hy vọng; không vui sao được khi biết rằng: trong hành trình về nhà Cha, có biết bao người tiến bước với ta (Mỗi ngày một tin vui).
- Chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi của thánh Ambrôsiô khi giải thích bài ca Magnificat của Mẹ Maria, như sau:
“Ước chi linh hồn của Mẹ Maria hiện diện trong mỗi tín hữu để ngợi khen Thiên Chúa; ước chi thần trí của Mẹ Maria hiện diện nơi mỗi tín hữu để nhảy mừng trong Thiên Chúa; trên bình diện thể xác, chỉ có một người là Mẹ của Chúa Kitô, nhưng trong bình diện đức tin, tất cả mọi linh hồn đều “sinh ra” Đấng Kitô. Thật vậy, mỗi tín hữu đón nhận trong tâm hồn Ngôi Lời Thiên Chúa... Linh hồn Mẹ Maria chúc tụng Thiên Chúa, và Thần trí Mẹ nhảy mừng trong Thiên Chúa, bởi vì, được tận hiến hoàn toàn linh hồn và thần trí cho Chúa Cha và Chúa Con, Mẹ Maria, với hết tấm lòng yêu mến, tôn thờ một Vị Thiên Chúa Duy Nhất, nguồn mạch của mọi sự, tôn thờ một Thiên Chúa mà từ đó mọi sự được hiện hữu”.
- Chúng ta hãy học gương Mẹ Maria sống tâm tình biết ơn và cảm tạ.
Biết ơn là bổn phận của thụ tạo đối với Đấng Tạo Hoá, biết ơn còn là sự chân nhận mình bé nhỏ không làm được gì, không có cái gì mà tất cả luôn luôn nhận ơn ban từ Chúa. Nhưng biết ơn không chỉ dừng lại nơi nhận thức và công nhận điều mình được mà còn đòi hỏi sự đáp trả. Mẹ Maria là gương mẫu tuyệt hảo về tấm lòng biết ơn. Qua bài ca tuyệt diệu này, chúng ta thấy tâm hồn Mẹ đã tràn đầy lòng biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa. Chính vì lòng biết ơn đó đã làm Mẹ hướng tâm trí lên Thiên Chúa và trải rộng ra tới tha nhân.
- Truyện: Con người phải biết cám ơn
Có hai người bộ hành đi trong một khu rừng rậm. Đó là hai ông cháu. Trời nóng và oi bức. Họ khát nước. Cuối cùng, ông cụ và đứa cháu cũng tìm đến một con suối nhỏ. Hai người cúi xuống uống nước. Uống xong ông cụ nói: “Cảm ơn dòng suối nhỏ nhé”.
Đứa cháu thấy vậy thì cười. Ông cụ liền hỏi: “Sao cháu lại cười ?” Đứa cháu trả lời: “Có gì mà ông phải cám ơn dòng suối chứ ? Nó có phải là người đâu ? Nó không nghe được lời ông nói, nó không hiểu được lời cám ơn của ông”.
Ông cụ tỏ vẻ suy nghĩ. Dòng suối vẫn chảy róc rách. Chim vẫn hót vang trong cánh rừng. Sau một hồi lâu im lặng, ông bảo với đứa cháu: “Thế đấy, dòng suối có nghe thấy gì đâu. Nếu như có một con sói đến uống nước, có thể nó không biết ơn dòng suối. Nhưng chúng ta không phải là chó sói, mà là con người. Đừng quên điều đó cháu ạ. Cháu có biết con người nói hai tiếng cám ơn là để làm gì không ?”
Đứa bé trầm ngâm. Nó chưa bao giờ suy nghĩ về điều đó. Cụ già chậm rãi bảo cháu: “Cháu ơi, con người nói lên hai tiếng cám ơn chính là để không bao giờ trở thành chó sói”.
(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)