Ca dao Việt Nam có câu:
“Ơn ai một chút chớ quên,
Phiền ai một chút để bên cạnh lòng.”
Thế nên,
“Ai mà phụ nghĩa quên công,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.”
Dầu biết rằng cám ơn là việc nên làm nhưng sao ta vẫn ngại ngùng nói lời cám ơn. Nhất là những người thân trong gia đình, tuy gần nhau nhưng lại rất xa - xa đến nỗi khó mà nói được hai tiếng cám ơn. Vợ chồng ít dám cám ơn nhau. Con cái phớt lờ hai tiếng cám ơn cha mẹ. Cha mẹ thị uy lại càng ít cám ơn con cái... Ra ngoài xã hội người ta cũng có muôn ngàn lý do để khước từ hai tiếng cám ơn.
Trên một chuyến xe Buýt có một em bé đang ngồi ở hàng ghế đầu thì thấy một ông lão bước lên xe, đứa bé liền đứng dậy nhường chỗ cho ông lão. Ông lão lẳng lặng ngồi vào ghế em bé. Thình lình em bé quay lại hỏi ông lão: Thưa ông, ông vừa nói gì ạ? Ông lão trợn mắt trả lời: Không, tôi đâu có nói gì đâu! Đứa bé lễ phép nói: Vậy mà cháu tưởng ông nói “cám ơn” chứ!
Thật đắng lòng khi những người lớn lại ít làm gương cho trẻ nhỏ về hai tiếng cám ơn. Thật đáng buồn khi nhìn thấy biết bao kẻ “ăn xong chùi mép” vô tư, không chút ngượng ngùng vì “ăn quả quên người trồng cây”. Họ chỉ là loại “qua cầu rút ván”, vong ân! Nếu xã hội toàn những con người bạc nghĩa vô ơn thì thật buồn cho xã hội con người. Nếu hai chữ cám ơn ít có trên đời thì cuộc đời sẽ chẳng còn những nghĩa cử cao đẹp của lòng biết ơn, của tính vị tha.
Có thể nói một trong những tiếng được kể là đẹp nhất trong kho tàng ngôn ngữ con người, từ đông sang tây, từ bắc tới nam, đó là hai tiếng “cám ơn”. Hai tiếng thật giản đơn, nhưng lại biểu lộ được nhân cách của con người. Con người biết người biết ta. Con người biết ôn cố tri tân. Đó là con người đáng trân trọng biết bao!
Trong tương quan với Chúa, con người chỉ là tạo vật mọn hèn. Có ân huệ nào không đến từ Thiên Chúa? Con người đã được Thiên Chúa ban cho muôn vàn ơn huệ hồn xác. Nhưng có mấy ai biết khiêm tốn nhìn nhận ân ban của Thiên Chúa để dâng lời tạ ơn? Có mấy ai đã cảm nhận sự bất toàn của mình để nói lời tri ân về những gì mình đang có?
Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Ngài luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho con người. Con người được tạo dựng để hưởng dùng mọi công trình Ngài tạo dựng. Có thể nói, Ngài tạo dựng muôn loài để cho con người. Dù rằng con người có là chi, thế mà Chúa vẫn yêu thương.
Điều mà Chúa cần nơi con người chính là sự khiêm hạ trước Đấng tạo thành. Sự khiêm hạ sẽ giúp con người không chỉ biết uốn mình mà còn uốn lòng tôn thờ trước Đấng Càn Khôn. Sự khiêm hạ là dấu chỉ cho thấy con người biết mình với những giới hạn, yếu đuối, mỏng giòn nhưng Chúa đã làm biết bao kỳ công nơi con người. Sự khiêm hạ giúp con người dễ dàng sấp mình thờ lạy và tôn vinh Thiên Chúa.
Đây cũng là điều mà người phong hủi trong đoạn Tin Mừng đã làm. Lòng biết ơn của anh hôm nay không dừng lại ở việc cám ơn mà điều quan yếu là anh quay đầu lại sấp mình thờ lạy và tôn vinh Chúa. Dù rằng chín người kia đã không quay lại, nhưng số đông không là tất cả. Lương tâm và lòng khiêm hạ đã mách bảo anh quay trở lại để cảm tạ tri ân người đã cứu giúp anh. Chín người kia họ có thể ngại ngùng khi phải cảm ơn, nhưng lòng khiêm hạ nơi anh là nhịp cầu để anh đến với Chúa trong niềm tri ân.
Hoá ra trong cuộc sống lời tri ân cần có sự khiêm hạ. Không có sự khiêm hạ con người sẽ không nhìn thấy sự trợ giúp của tha nhân cũng như của Thiên Chúa để biết sống trong tâm tình tạ ơn. Sự kiêu căng khiến con người chỉ nhìn thấy tài năng của mình, chỉ nhìn thấy công lao của mình mà quên rằng “mưu sự tại nhân - thành sự tại thiên”. Nhờ sự khiêm hạ sẽ đặt con người vào đúng vị trí của loài thọ tạo biết ơn Đấng tạo thành và của con người yếu đuối biết ơn đồng loại của mình.
Có một câu ca mà một thời thơ ấu của tôi vẫn thường nghe hát: “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm.” Các thầy cô vẫn lấy đó làm ví dụ để nói lên sức mạnh của con người, nhưng thực tế đó chỉ là hoài bão vô vọng của con người. Con người qua mọi thời đại vẫn hoàn toàn bất lực nếu trời không cho “mưa thuận gió hoà”. Bàn tay con người cũng chỉ là “dã tràng xe cát Biển Đông” nếu không có sự quan phòng của Đấng Tạo Thành. Trận bão số 10 vừa qua đã càn quét miền Trung thật nặng nề. Dù đã có cả một hệ thống đê điều. Dù đã có cả một đội phòng chống lụt bão, thể nhưng con người hoàn toàn bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên. Thế nên, dù người có niềm tin hay không đều phải khiêm tốn nhìn nhận lộc trời thật cần thiết cho con người. Lời cầu “lạy trời mưa xuống” vẫn là lời cầu chân thành của con người qua mọi thời đại. Và như vậy, lời tạ ơn vẫn là lời khiêm hạ đầy chân thành của con người dâng lên Đấng Tạo Thành.
Là người Kitô chúng ta luôn nhận ra có một Thiên Chúa quyền năng quan phòng mọi sự, thế nên mọi sự đều là ân ban của Chúa, hãy biết tạ ơn Chúa. Hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự giới hạn của mình đề cám ơn về lòng tốt của Thiên Chúa vẫn dành cho chúng ta. Đôi khi chúng ta nói:
- Sức khoẻ của chúng ta do chúng ta ăn kiêng mà có, thực ra nhiều người còn ăn kiêng hơn chúng ta.
- Trí tuệ do chúng ta học hành mà có, thực ra nhiều người đã học nhiều hơn chúng ta.
- Chức vụ chúng ta do tài năng chúng ta mà có, thực ra nhiều người có tài hơn chúng ta.
Và như vậy: mọi sự chúng ta có là ân ban của Chúa. Hãy biết tạ ơn và sấp mình thờ lạy tôn vinh Đấng Tạo Thành là Chúa của lòng trí chúng ta. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền