5 Phút Lời Chúa Cho Mỗi Ngày - Tháng 01.2012 (Từ 16 đến 31)
Posted by Ban Biên Tập16/01/12 THỨ HAI TUẦN 2 TN Mc 2,18-22
ĐẠO ĐỨC VÌ AI?
Có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Mc 2,18-19)
Suy niệm: Việc ăn chay tự nó không hẳn là một việc đạo đức, vì người ta có thể có nhiều lý do để ăn chay. Có người ăn chay vì lý do sức khoẻ, như để chữa bệnh. Có người vì lý do thẩm mỹ: để giảm béo, chẳng hạn. Cũng có người ăn chay để tu luyện võ công, để rèn tập nhân cách... Chúa Giê-su nói khách dự tiệc ăn chay hay không chung qui cũng là vì chàng rể. Việc ăn chay chỉ là việc đạo đức khi người ta ăn chay: - để biểu lộ sự đồng cảm với Đức Ki-tô; - để diễn tả nỗi khao khát muốn gặp Ngài; - để dâng lời khẩn cầu tha thiết muốn được Chúa đáp lời. Nói rộng ra, không riêng gì việc ăn chay, các việc gọi là đạo đức khác chỉ trở thành việc đạo đức khi chúng ta làm vì Chúa, vì yêu Chúa. Và ngay cả những công việc đời thường của chúng ta cũng có thể biến thành việc đạo đức nếu chúng ta làm với ý thức vì yêu Chúa và để phục vụ Ngài.
Mời Bạn: Hoá ra việc nên thánh đâu có ở xa ngoài tầm tay của bạn. Chất liệu của một cuộc sống thánh thiện nằm ngay trong những công việc hằng ngày của bạn. Chỉ cần bạn làm cho chúng thấm đầy tình yêu Đức Ki-tô là đủ.
Chia sẻ: Bạn hãy đề ra một công việc chung để cùng nhau làm với ý thức giúp cả cộng đoàn nên thánh.
Sống Lời Chúa: Dành một phút cầu nguyện trước khi làm bất cứ việc gì.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin công việc con sắp làm đây. Xin Chúa giúp con hoàn thành việc này cách tốt đẹp vì yêu Chúa, và để phục vụ Chúa. Amen.
17/01/12 THỨ BA TUẦN 2 TN Th. Antôn, viện phụ
Mc 2,23-28
ĐỨC ÁI: ĐIỂM QUY KẾT MỌI SỰ
“Ngày sabát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sabát.” (Mc 2,27)
Suy niệm: Chỉ vì bảo thủ, hẹp hòi trong việc giữ luật, ngày xưa người Pharisêu vấp phải sai lầm khi lượng giá điều gì là chính yếu, cái gì là tùy phụ trong đời sống. Ngày nay mặc dù đạt được nhiều thành tựu “chóng mặt” trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, nhưng dường như có những phương diện con người chẳng tiến bộ hơn người xưa là bao! Nhan nhản những bài báo, hình ảnh, thước phim kể lại tình trạng con người dửng dưng, vô cảm trước sinh mạng của đồng loại, thậm chí còn lợi dụng tình cảnh kém may mắn của nạn nhân để trục lợi. Lời Chúa Giêsu cảnh tỉnh người Pharisêu năm xưa cũng là lời nhắc nhở chúng ta hôm nay: mọi lề luật, nghi thức sẽ trở nên trống rỗng, vô hồn, nếu không được thực hiện với quả tim yêu thương.
Mời Bạn: Gương sáng có sức thuyết phục, soi lối cho người khác nhận biết Thiên Chúa chính là thực thi bác ái huynh đệ. Khi đối xử với người lân cận có tình có nghĩa, rộng rãi khoan dung, bạn đang làm cho họ khám phá ra Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.
Chia sẻ: Bạn đã phản ứng thế nào khi chứng kiến hay đọc những bài báo nói về sự vô cảm của con người trước những đau khổ, nguy khốn của đồng loại.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi nói hay làm bất cứ việc gì, tôi sẽ tự hỏi xem lời nói hay việc làm ấy tăng thêm hay làm giảm bớt tình thương giữa tôi với người chung quanh mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Suối Nguồn Yêu Thương, xin mở cho con đôi mắt đức tin để con nhìn thấy Chúa trong tha nhân và kính trọng, yêu mến như kính trọng, yêu mến chính Chúa. Amen.
18/01/12 THỨ TƯ TUẦN 2 TN Tuần lễ cầu cho các Ki-tô hữu hiệp nhất
Mc 3,1-6
“ĐẶT CƯỢC” VÀO ĐỨC GIÊSU
“Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4)
Suy niệm: Trong bài Tin Mừng hôm nay, có hai cuộc ‘đặt cược’ nhắm vào Đức Giêsu. Người bại tay ‘đặt cược’ niềm hy vọng và lòng tin vào Đức Giêsu, mong được Ngài chữa lành. Nhóm Pharisêu ‘đặt cược’ tài xét đoán và danh tiếng của mình khi tố cáo Đức Giêsu vi phạm luật ngày sabát. Còn Đức Giêsu, Ngài cũng ‘đặt cược’ chính cuộc sống mình cho Chúa Cha và cho con người. Ngài nhập thể làm người, rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường để rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh hoạn tật nguyền cho con người. Ngài bất chấp những rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng khi can đảm phê phán thái độ vụ luật của các nhóm tôn giáo đương thời. Cũng như trong những cuộc tranh luận trước (x. Mc 2,28), Đức Giêsu luôn đề cao phẩm giá con người, coi việc tôn trọng phẩm giá ấy như yếu tố quan trọng nhất trong khi thực thi lề luật.
Mời Bạn: “Hãy luôn nhạy cảm với những ai cần sự giúp đỡ của bạn. Hãy làm như Chúa Giêsu, Ngài không bỏ rơi ai một mình với các vấn đề của người ấy, nhưng luôn đón nhận, chia sẻ các khó khăn, giúp đỡ và trao ban cho họ sức mạnh và bình an của Thiên Chúa” (Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI).
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ dám liều, dám “đặt cược” cuộc đời mình vào Chúa Giêsu khi mạnh dạn nhạy cảm trước sự đau khổ, khốn cùng của người lân cận và tìm cách chia sẻ, giúp đỡ họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tìm đến Chúa trong mọi lúc, tinh tế nhận ra tình thương Chúa trong cuộc sống, và luôn nhạy cảm trước nhu cầu của người anh chị em bên cạnh, đang cần đến sự giúp đỡ của con. Amen.
19/01/12 THỨ NĂM TUẦN 2 TN Mc 3,7-12
ĐỔ XÔ TÌM GẶP CHÚA
“Người chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.” (Mc 3,10)
Suy niệm: Năm vừa qua giá vàng lắm lúc biến động dữ dội: có ngày lên cao ngất ngưởng, có hôm lại trượt dốc thả dài. Người có chút tiền của đã đổ xô mua vàng, bán vàng, để mong thu lợi từ chênh lệch giá mua, giá bán. Tin Mừng hôm nay kể lại sự kiện người bệnh đổ xô đến với Đức Giêsu để được sờ vào Ngài cho khỏi bệnh. Họ chạy đến với Ngài khi sức khỏe bị giảm sút, mạng sống bị đe dọa. Con người chỉ chạy đôn chạy đáo đến với ai hay với cái gì vì nhắm đến lợi lộc. Với người tín hữu, Đức Giêsu phải là Đấng ta tìm gặp trước tiên và trên hết trong cuộc đời. Ta đến gặp Chúa chủ yếu không phải để xin ơn hay cầu cạnh, nhưng để được tiếp xúc, gần gũi với Đấng đã yêu thương và hiến mạng sống vì ta.
Mời Bạn: Mặc dù bạn đến với Đức Giêsu cách vô cầu, nhưng Ngài không thể nào để người môn đệ tin tưởng nơi Ngài phải thất vọng. Có thể bạn đang chịu đựng căn bệnh ngặt nghèo về thể lý, hay đau khổ dằn vặt trong tâm hồn? Mời bạn đến gặp Đức Giêsu, “sờ” vào Ngài, thổ lộ với Ngài và tin tưởng Ngài sẽ có phương cách nâng đỡ bạn.
Chia sẻ: Thế giới hôm nay còn cảnh người ta đổ xô đi tìm gặp Chúa Giêsu nữa hay không? Nếu không thì tại sao?
Sống Lời Chúa: Lặp lại lời nguyện vắn trong ngày: “Lạy Chúa! Con mong Chúa đụng chạm đến cuộc đời con.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa! Chúng con mong được “đụng chạm,” “sờ” đến Chúa mỗi ngày. Xin Chúa cho năm mới sắp tới, chúng con được thêm vững mạnh trong đức tin, để chúng con hăng hái nhập đoàn những người đổ xô tìm Chúa và được chữa lành. Amen.
20/01/12 THỨ SÁU TUẦN 2 TN Th. Phabianô, giáo hoàng tử đạo
Mc 3,13-19
Ở VỚI CHÚA VÀ ĐƯỢC SAI ĐI
Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3,14)
Suy niệm: Làm môn đệ Đức Giêsu bao hàm hai nhịp liên hoàn: ở với Người và được Người sai đi. 1/ Đầu tiên, phải sống thân mật với Chúa đã, để kinh nghiệm về Người và để thấm đượm tinh thần của Người. Muốn biết Chúa bằng cái đầu, có thể qua sách vở, chữ nghĩa, qua nghiên cứu; song để biết Chúa bằng trái tim, nhất thiết phải sống với Người ... 2/ Rồi mới có thể ra đi làm chứng nhân cho Người, rao giảng về Người bằng tất cả nhiệt tình và xác tín – là điều kiện để có được lời chứng thuyết phục, nhất là đối với con người thời đại hôm nay...
Mời Bạn: Có một sự cải thiện trong đời sống cầu nguyện, phụng vụ và bí tích, trong việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa. Một khi bạn thực sự yêu Chúa, thì cả cuộc sống bạn là một lời chứng sáng tỏ, hùng hồn, đầy mãnh lực cuốn hút người ta. Bạn sẽ không phải quá băn khoăn về việc nói gì và nói cách nào để rao giảng về Chúa ...
Sống Lời Chúa: Thường xuyên kết hợp với Chúa bằng những lời nguyện tắt – chẳng hạn: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” – trước mỗi khi bắt đầu một công việc hay một cuộc tiếp xúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong công cuộc xây dựng Nước Trời, Chúa đã cần đến sự cộng tác của các môn đệ. Chúa đã mời gọi các môn đệ đến ở với Chúa trước khi sai các ông đi rao giảng. Ngày nay, Chúa cũng chờ đợi sự cộng tác của chúng con. Xin cho chúng con biết trân trọng đời sống cầu nguyện, biết gặp gỡ Chúa thực sự qua phụng vụ và bí tích – để được Chúa biến đổi. Và chúng con sẽ thành muối men âm thầm thấm đượm vào thế giới này. Amen.
21/01/12 THỨ BẢY TUẦN 2 TN Th. Anê, trinh nữ, tử đạo
Mc 3,20-21
BI KỊCH CỦA XÃ HỘI
Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc 3,21)
Suy niệm: Lý do để thân nhân Chúa “đi bắt Chúa” xem ra buồn cười và không chính đáng: “vì đám đông kéo đến” để nghe Người! Chẳng ai nghe một người mất trí, có chăng là để xem qua vài phút. Có lẽ họ sợ hãi khi nhận ra dân chúng theo Người ngày càng đông như lời giới lãnh đạo Do Thái từng “nhắc nhở” họ. Cho Ngài mất trí chỉ là cái cớ họ tạo ra để có thể đi bắt Ngài. Như thế chẳng biết ai khùng hơn ai! Tìm một lý do không chính đáng để bắt tội một người công chính phải chăng đã và đang là bi kịch của xã hội? Mỉa mai thay kẻ đi bắt lại là “thân nhân” của Chúa, những người đáng lý ra phải hiểu biết Ngài hơn ai hết!
Mời Bạn: Thảm họa cho con người không chỉ là hoả ngục mà còn là những hành động dẫn đến hoả ngục. Cố tình hiểu sai, hành động vì sợ hãi và áp lực, chà đạp lẽ phải, tìm lợi lộc cho riêng mình… tất cả đang hình thành một bi kịch của xã hội ta đang sống. Bạn có cảm nhận điều đó không?
Chia sẻ: Vậy ta nên làm gì? Trước tiên đừng vội tin những điều được số đông ủng hộ. Thứ đến là nên tham vấn người khôn ngoan, dùng Lời Chúa để tìm ra thái độ ứng xử xứng hợp.
Sống Lời Chúa: Lời này của Chúa sẽ giúp ta an tâm và cảm nhận vì sao có nhiều người “mất trí” đến như vậy: “Thầy đến… là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau…” (Lc 12,52).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã bị thân nhân coi là “mất trí.” Phần con, xin Chúa ban cho ơn biết nhận ra Chúa là Đấng “toàn tri” và đem cả đời mình để phụng sự Chúa. Amen.
22/01/12 CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – B Mc 1,14-20
THEO CHÚA
“Họ bỏ mọi sự và đi theo Người.” (Mc 1,20)
Suy niệm: Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ cứu thế bằng việc rao giảng Tin Mừng và chiêu mộ môn đệ. Bốn người đầu tiên, ngay khi được kêu gọi, đã từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa. Điều này cho thấy Chúa Giêsu có sức thu hút mãnh liệt, lạ kỳ. Đồng thời, bốn môn đệ đầu tiên cũng đã đáp lại bằng việc mau mắn dứt khoát theo Chúa. Để Tin Mừng cứu độ của Chúa đạt hiệu quả, con người phải cảm nhận cách sâu sắc tiếng mời gọi của Chúa, và đặt niềm tin mến hoàn toàn vào Người, đến nỗi dám khước từ mọi sự để đi theo Chúa. Tin và yêu là hai động thái không thể thiếu trong mọi hành trình tôn giáo.
Mời Bạn: Chân phước Foucauld, sau khi hoán cải, đã viết : “Ngay khi tôi biết được có Thiên Chúa, tôi hiểu rằng tôi chỉ có thể sống vì một mình Thiên Chúa mà thôi.” Cha đã từ bỏ mọi sự, sống ẩn tu khắc khổ để hoàn toàn thuộc về Chúa. Gương của ngài mời gọi bạn xét lại niềm tin mến của bạn vào Chúa.
Chia sẻ: Phải chăng bạn tin Chúa là Đấng cứu độ duy nhất của lòng mình, để rồi mến Chúa thiết tha, đến nỗi không gì cản ngăn bạn theo Chúa suốt đời?
Sống Lời Chúa: Hôm nay khi không biết chọn lựa hay hành động thế nào trước một người, một sự kiện, bạn hãy chọn Chúa, dù cảm thấy thiệt thòi, vì tin rằng “Tôi coi mọi sự là thua thiệt, trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô và được thuộc về Người” (Pl 3,8).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi con dám từ bỏ điều ít ỏi con đang “có” để theo Chúa, chẳng những con không mất gì, mà lại được nhiều hơn, vì có Chúa là có tất cả. Xin đừng để một lý do nào, một người nào làm con mất Chúa, vì mất Chúa là con mất tất cả. Amen.
23/01/12 THỨ HAI TUẦN 3 TN Mồng Một Tết Nhâm Thìn
Mt 6,25-34
CHÚA QUAN PHÒNG
“Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt 6,26)
Suy niệm: Vào ngày đầu năm mới, Lời Chúa nhắc các tín hữu đừng quá lo lắng cho đời sống vật chất. Điều này không có nghĩa là cứ buông xuôi, chẳng cần lo lắng gì nữa, nhưng là biết đặt thứ tự ưu tiên trong đời sống. Đời sống tâm linh cần được quan tâm hơn việc chỉ nghĩ đến những nhu cầu vật chất như chuyện ăn, chuyện mặc. Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm chăm sóc con cái Ngài. Lời Chúa mời gọi người tín hữu hãy sống công chính, phó thác, luôn tin tưởng và đi theo đường lối của Ngài. Mọi sự Ngài sẽ ban thêm cho.
Mời Bạn: Phó thác không có nghĩa là không làm gì cả, nhưng là làm với hết mọi khả năng, mà lại phó thác mọi kết quả trong tay Chúa. Nhờ đó, ta dễ dàng đón nhận mọi kết quả, dù vừa ý hay không, như là quà tặng từ Thiên Chúa: thất bại không nản chí, thành công không kiêu căng, nhất là dễ dàng chia sẻ những gì mình có cho người khác, nhờ ý thức về ơn ban của Thiên Chúa.
Chia sẻ: Khi thành công bạn tạ ơn Chúa thế nào? Khi thất bại bạn tạ ơn Chúa ra sao?
Sống Lời Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, những nỗi bận tâm về đời sống thường nhật dễ làm con quên mất mục đích đời sống mai hậu. Xin giúp con luôn biết tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Chúa, để trong Năm Mới Nhâm Thìn này, con biết sống đẹp lòng Chúa hơn và yêu thương anh chị em của con hơn. Amen.
24/01/12 THỨ BA TUẦN 3 TN Mồng Hai Tết. Kính nhớ ông bà tổ tiên
Mt 15,1-6
THỜ CHA KÍNH MẸ
“Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử.” (Mt 15,4)
Suy niệm: Dân Việt Nam từ ngàn xưa, ngay từ khi chưa nghe biết Tin Mừng đã ân cần tuân giữ điều răn “Thảo kính cha mẹ” rồi:
Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Câu ca dao ấy, người Việt Nam chúng ta già trẻ lớn bé ai mà không biết, bởi vì đạo hiếu đã ăn sâu trong tâm thức chúng ta từ bao đời nay rồi. Trong những ngày tết, đạo hiếu càng được nhấn mạnh với bầu khí gia đình thân mật ấm cúng: anh em họ hàng đoàn tụ; con cháu chúc tuổi ông bà, tưởng nhớ tổ tiên; ông bà dạy bảo con cháu giữ gìn nề nếp gia phong… Đạo hiếu thật là phù hợp với luật tự nhiên ghi khắc trong lương tâm mỗi người. Hơn nữa, Chúa Giê-su còn tiếp tục bảo vệ đạo hiếu bằng những lời răn đe nghiêm khắc: “Thiên Chúa dạy: ngươi phải thờ cha kính mẹ.” Thật khủng khiếp, Lời Chúa nói với ta hôm nay: “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử.”
Mời Bạn: Bạn có nhận thấy tinh thần đạo hiếu nơi người trẻ ngày nay có phần bị phai nhạt do tác động của những chuyển biến xã hội không? Trong bối cảnh đó, khi chu toàn giới răn “Thảo kính cha mẹ,” bạn cũng đồng thời chấn hưng những giá trị truyền thống của dân tộc mình và dọn đường cho Tin Mừng đến với anh chị em đồng bào.
Chia sẻ: Bạn sẽ làm gì để xoá đi sự hiểu lầm nơi anh chị em lương dân rằng “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”?
Sống Lời Chúa: Bạn bố trí lại bàn thờ tổ tiên theo tinh thần dân tộc và phù hợp với đức tin. Trong ngày giỗ, bạn mời cả những người họ hàng bên lương tham dự thánh lễ cầu cho ông bà.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
25/01/12 THỨ TƯ TUẦN 3 TN Mồng Ba Tết, Th.Phaolô Tông Đồ trở lại
Mc 16,15-18
LOAN BÁO NIỀM VUI TIN MỪNG
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Luồng sáng từ trời không chỉ làm Phaolô ngã ngựa xuống đất, nhưng sâu xa hơn, giúp “mở mắt” Phaolô để ông “ngộ” ra một điều: ơn cứu độ không do nỗ lực bản thân trong việc tuân giữ tỉ mỉ các lề luật và truyền thống, nhưng do tin vào tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Phaolô trở lại theo nghĩa không còn cậy dựa vào bản thân mình, nhưng dựa vào Thiên Chúa. Từ ngày trở lại, nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho mình qua Đức Kitô, cuộc đời ông chỉ biết một hướng đi tới: loan báo Tin Mừng yêu thương này. Ông không thể không làm hết mọi cách để người khác cũng biết, tin và yêu Ngài như ông, hay có thể còn hơn ông nữa.
Mời Bạn: “Nghề đẹp nhất chính là nghề hợp nhất con người lại” (St Exupéry). Bạn có thể loan báo Tin Mừng Chúa Kitô hằng ngày trong môi trường nghề nghiệp của mình, khi nỗ lực làm việc với lương tâm của người môn đệ Chúa, giúp người khác cảm thấy gần gũi, liên đới với nhau hơn.
Sống Lời Chúa: Năm mới tôi sẽ quan tâm hơn đến cung cách làm việc của mình, để biến môi trường lao động trở thành cánh đồng cho việc giới thiệu những giá trị Tin Mừng Nước Trời như tình yêu thương, khó nghèo, xây dựng hòa bình, lòng thương xót, khiêm tốn…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được biết và đón nhận Tin Mừng yêu thương của Chúa. Xin Chúa cho chúng con không giữ Tin Mừng ấy cho riêng mình, nhưng tìm mọi cách, mọi phương thế loan báo Tin Mừng vui tươi cho mọi người trong khả năng của mình. Amen.
26/01/12 THỨ NĂM TUẦN 3 TN Th. Timôthêô và Titô, giám mục
Lc 10,1-9
NƯỚC CHÚA Ở ĐÂU? CÁCH NÀO?
“Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” (Lc 10,9)
Suy niệm: Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu căn dặn các ông hãy loan báo: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Nước ấy “đã đến gần” thì phải đi tìm nước ấy ở đâu và như thế nào? Tin Mừng hôm nay trả lời cho chúng ta câu hỏi ấy: 1/ Nước Thiên Chúa đã và đang đến trong lời rao giảng của các môn đệ, khi các môn đệ vào từng “thành” từng “nhà” với lời chúc bình an. 2/ Tìm Nước Thiên Chúa bằng cách đón nhận những sứ giả Tin Mừng cùng với lời loan báo bình an: “Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.”
Mời Bạn: Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, bạn không còn có thể sống trong một giáo xứ “toàn tòng.” Có khi nhà bạn đang đơn độc giữa bao nóc nhà không cùng tôn giáo, quan điểm với bạn. Dù vẫn biết rằng việc loan báo là rất khó khăn, vì sẽ có những “nhà” từ khước lời rao giảng, nhưng nói thực, bạn đã bắt đầu rao giảng chưa? Và bạn đã làm gì để rao giảng? Bạn nhớ Nước Thiên Chúa bắt đầu hiện diện khi bạn trở thành dấu chỉ của sự bình an, và bạn thực sự rao giảng Nước Thiên Chúa mỗi khi vào nhà nào mà bạn đem “bình an đến cho nhà này!”
Sống Lời Chúa: Kinh nghiệm cho biết kinh nguyện+Lời Chúa sớm hôm tại gia sẽ cung cấp sức mạnh cho việc sống đức tin và loan Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh. Mời bạn thực hiện điều đó trong gia đình, cộng đoàn của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con thành khí cụ bình an của Chúa để đem Tin Mừng đến với mọi người chúng con gặp gỡ.
27/01/2012 THỨ SÁU TUẦN 3 TN Th. Angêla Mêrica, trinh nữ
Mc 4,26-34
TRUYỀN ĐẠT TIỆM TIÊN
Chúa Giêsu dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà nói với họ, tùy theo mức họ có thể nghe. (Mc 4,33)
Suy niệm: Cách giảng dạy đầy hấp dẫn của Chúa Giêsu cách đây hơn hai ngàn năm cũng chính những điều mà các nhà tâm lý sư phạm ngày nay đánh giá là phương pháp giáo dục hiện đại và hiệu quả. Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh cụ thể gần gũi dễ hiểu để chuyển tải những sứ điệp mầu nhiệm của Ngài đến với con người. Từ những chuyện đời thường, Ngài chuyển thành những câu chuyện dụ ngôn để giúp con người hiểu mầu nhiệm Nước Trời: Nước Trời giống như người gieo hạt và hạt giống tăng trưởng cho đến ngày gặt hái; Nước Trời giống như hạt cải nhỏ bé lớn dần thành cây và chim trời có thể đến đậu được… Hơn nữa, Chúa còn truyền đạt sứ điệp của Ngài tùy đối tượng, tùy theo mức độ họ có thể đón nhận: với dân chúng thì Ngài giảng bằng dụ ngôn, “nhưng khi chỉ có Thầy trò với nhau thì Ngài giải nghĩa hết.”
Mời Bạn: Có những lúc bạn không biết được đường lối Chúa đi, không hiểu được việc Chúa làm hay ý Chúa muốn. Lúc đó bạn hãy nhớ rằng Ngài cũng muốn tỏ những điều đó ra cho chúng ta nhưng bạn không có sức chịu nổi (x. Ga 13,7; 16,12). Bạn hãy kiên nhẫn để nhận ra Nước Trời đang triển nở tiệm tiến và để Lời Ngài hướng dẫn để đời của bạn được thăng hoa mỗi ngày.
Sống Lời Chúa: Ngoài việc suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, mời bạn dành thời giờ thích hợp (mỗi tuần/mỗi tháng) để học hỏi về Thánh Kinh để bạn ngày càng thấm nhuần Lời Chúa hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin soi lòng mở trí cho con, để con mỗi ngày một thấu hiểu hơn mầu nhiệm Nước Trời hầu xứng đáng hưởng ơn cứu độ.
28/01/12 THỨ BẢY TUẦN 3 TN Th. Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh Mc 4,35-41
SỨC MẠNH CỦA LỜI CHÚA
“Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4,41)
Suy niệm: Có người nói: “Thiên Chúa nói thì thầm với bạn chí thiết, Ngài nói đủ nghe trong tâm hồn bình an, nhưng Ngài la lớn trong cơn đau khổ của chúng ta.” Con Thiên Chúa làm người để nói cho con người biết sứ điệp yêu thương của Chúa Cha nhưng con người lắm khi chỉ nghe bằng đôi tai lơ đễnh vô tình nên không thể nghe được những lời nói thì thầm đầy yêu thương của Ngài. Người xưa nói “khốn nhi tri chi,” chỉ đến khi lâm cơn khốn cùng người ta mới biết Chúa vẫn đồng hành với họ để cứu độ họ. Ngay các tông đồ cũng thế: ở bên cạnh Đức Giêsu bấy lâu nay, được Chúa “đồng hội, đồng thuyền” với mình vậy mà họ tưởng Ngài ngủ quên, để mặc họ bị vùi dập với con thuyền trong cơn sóng gió. Mãi đến khi Ngài quát nạt truyền sóng im biển lặng, họ mới ngỡ ngàng kinh ngạc: “Ngài là ai mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?”
Mời Bạn: Bạn và tôi đều đã từng trải qua những cơn sóng gió cam go của biển đời. Đừng nghĩ Chúa ‘ngủ quên’ bạn nhé. Bạn cứ ‘đánh thức’ Ngài đi, và Ngài sẽ lên tiếng mạnh mẽ để cứu bạn. Nhưng bạn đừng để đến lúc ngặt nghèo mới chạy đến kêu cầu Ngài. Trái lại, hãy dành ra những khoảng lặng trong ngày sống của bạn, để chăm chú lắng nghe tiếng Chúa cùng với cả tấm lòng tha thiết muốn ở bên Ngài, lúc đó bạn sẽ nghe được tiếng thì thầm đầy yêu thương của Ngài. Như thế, khi bạn kêu lên chắc chắn Ngài sẽ đáp lời.
Sống Lời Chúa: Dành ít là 5 phút mỗi ngày để suy niệm Lời Chúa.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, lâm cảnh ngặt nghèo, con kêu lên Chúa, vì Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin.” (Tv 86,5.7)
29/01/12 CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – B Mc 1,21-28
UY QUYỀN CỦA CHÚA
“Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” (Mc 1,24)
Suy niệm: Thần ô uế không còn tự tung tự tác được nữa, quyền lực của chúng bị đe dọa khi đối diện với Chúa Giêsu. Chúng kịp biết rằng “có chuyện chẳng lành” khi đứng trước uy quyền của Ngài: “Hỡi ông Giêsu, chuyện chúng tôi can gì đến ông?” Lời Chúa đầy uy quyền đã khiến dân chúng kinh ngạc, vì Chúa giảng dạy “không như các luật sĩ,” và uy quyền đó càng biểu lộ rõ hơn khi Chúa dùng Lời truyền cho quỷ xuất khỏi người bệnh. Ngay trong sách Sáng Thế, Ngài được mệnh danh là Lời tạo tác muôn loài. Hằng ngày Lời đang hiện diện, tuy rất âm thầm kín đáo nhưng vô cùng hiệu lực, để dẫn đưa chúng ta về cuộc sống viên mãn.
Mời Bạn: Ngược lại với thần ô uế, chúng ta với Chúa: Lạy Chúa, đúng là có chuyện liên quan giữa chúng con với Chúa: Chúa đến thế gian này không phải để lên án mà để sống với chúng con, đồng hành để cứu chúng con. Uy quyền của Chúa không những không xâm phạm tự do của chúng con, mà còn hơn vậy nữa: khi nhận quyền của Chúa, chúng con phục hồi được tự do đã mất.
Chia sẻ: Có bao giờ bạn thấy hai sức mạnh giao tranh nhau nơi bạn không? Bạn làm gì để Lời Chúa chiến thắng tà thần trên cuộc đời của bạn.
Sống Lời Chúa: Có chuyện gì giữa bạn và người khác không? Chuyện tốt đẹp hay “lấn cấn”? Tìm một người mà bạn đang “có chuyện lấn cấn” để giải hòa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đời chúng con được thay đổi nhiều khi biết Chúa, xin tiếp tục cho chúng con biết vâng theo Uy Quyền cứu rỗi của Chúa để Chúa hành động trên đời mình và luôn biết thi hành Lời Chúa dạy.
30/01/12 THỨ HAI TUẦN 4 TN Mc 5,1-20
LÀM CHỨNG LÒNG THƯƠNG XÓT
(Kẻ trước kia đã bị quỷ ám) ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. (Mc 5,20)
Suy niệm: “Kẻ trước kia bị quỷ ám” được Chúa sai đi về với thân quyến để rao truyền những việc Chúa làm cho anh. Anh không che dấu sự kiện trước đây mình bị quỷ ám. Bị thống trị bởi cả một đạo binh quỷ có sức xô trọn một đàn heo trên hai ngàn con xuống Biển Hồ Galilê chỉ trong nháy mắt, tình cảnh của anh thật khốn cực: anh sống mà như chết, đi lang thang trong đám mồ mả; anh bị quỷ đày đoạ đến độ mất cả tính người: suốt ngày anh “tru tréo và lấy đá đập vào mình”. Trước tình cảnh đáng thương của anh, Chúa đã chạnh lòng thương ra tay cứu giúp và việc Chúa làm cho anh thật lạ lùng: quỷ bị trục xuất khỏi con người anh, anh được phục hồi trọn vẹn phẩm giá con người. Hơn nữa anh được Chúa đặt làm tông đồ (=được sai đi) để loan báo việc Chúa làm: Anh trở thành chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa.
Mời Bạn: Chúa không sai anh ta đi đâu xa mà đơn giản sai anh trở về với thân quyến để làm chứng cho lòng thương xót của Chúa. Cũng thế, Chúa không “cất” chúng ta khỏi thế gian; Ngài muốn ta loan truyền quyền năng và lòng thương xót của Ngài ngay tại nơi mình đang sống. Chỉ những ai cảm nghiệm sâu sắc ơn giải thoát, chữa lành của Chúa đối với bản thân, mới có thể “làm chứng” sống động cho Chúa và góp sức thu hẹp ảnh hưởng của sự dữ và tội lỗi.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian hồi tâm để xét mình và lãnh nhận Bí tích Hòa giải một cách sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con biết dùng cả cuộc đời làm chứng cho quyền năng và lòng thương xót Chúa.
31/01/12 THỨ BA TUẦN 3 TN Th. Gioan Boscô, linh mục
Mc 5,21-43
NĂNG LỰC TỪ NƠI CHÚA GIÊSU
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an…” (Mc 5,34)
Suy niệm: Tạp chí Time đã chọn nhân vật của năm 2011 là người biểu tình trên khắp thế giới. Những cuộc biểu tình năm qua đã đem lại chiến thắng cho nền dân chủ, thúc đẩy những đổi mới và hứa hẹn cuộc sống tự do, an vui hơn cho người dân. Đã có một cuộc chiến thắng khác, tuy vĩ đại nhưng âm thầm, đang diễn ra từ hơn hai ngàn năm nay khắp nơi trên thế giới. Chúng ta muốn nói đến cuộc chiến thắng của Đức Kitô mà tiêu biểu là chiến thắng trên bệnh tật và sự chết như bài Tin Mừng hôm nay trình bày. Nơi Đức Giêsu phát ra một sức mạnh, một nguồn sinh lực có khả năng chữa lành, đem lại sự sống cho người nào tiếp cận với Ngài với lòng tin, như người phụ nữ bị bệnh băng huyết hay em bé con ông Gia-ia.
Mời Bạn: Ngày nay chiến thắng của Đức Kitô trên sự dữ vẫn đang diễn ra. Khi gặp gỡ, tiếp xúc với Ngài trong niềm tin tưởng, bạn sẽ nhận được thần lực kỳ diệu từ Ngài. Thần lực ấy giúp bạn vượt qua sự thất vọng, tính ích kỷ, nỗi đau buồn hay các thói hư… Nhờ năng tiếp xúc với Ngài, cuối cùng, cái chết sẽ trở thành giấc ngủ với bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thường xuyên gặp gỡ, “đụng chạm” đến Chúa Giêsu qua việc cầu nguyện, đọc Lời Chúa mỗi ngày. Tôi sẽ tâm sự với Ngài về những niềm vui, nỗi khổ, ưu phiền hay các thao thức trong đời sống… Tôi tin chắc Ngài sẽ ban năng lực giúp tôi vượt qua.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa ban thần lực cho những ai “đụng chạm” đến Chúa như người phụ nữ bị bệnh băng huyết hay em bé con ông Gia-ia. Xin cho chúng con năng gặp gỡ, “đụng chạm” đến Chúa qua cầu nguyện, đọc Lời Chúa và lãnh các bí tích. Amen.
Nguồn: http://www.giaophanvinh.net