Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 27 Tháng 1 2012 18:47

Giảng Dạy Bằng Quyền Năng_ Suy Niệm Chúa Nhật IV Thường Niên Năm B

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Nhưng nếu quyền năng ấy làm cho quỷ thần phải khiếp đảm, vâng phục, và căm thù, thì ngược lại, quyền năng ấy lại là sự giải thoát và cứu độ của con người khỏi sự thống trị của tội lỗi, của quỷ thần, và khỏi sự chết. Đối với quỷ thần thì đây là quyền năng khiến chúng phải kinh hoàng và làm chúng hoảng sợ. Nhưng đối với con người, thì đây là sự biểu lộ tình yêu vô biên của Ngài.

 

Bài Hát: Sồng Cho Chúa

Nhạc: Hòang Phương

Nghe Suy Niệm

Thế là Chúa Giêsu đã chính thức khai mạc sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Ngài. Ngài bắt đầu công việc này sau khi đã tuyển mộ xong những môn đệ của mình. Điều làm ngạc nhiên những người nghe Ngài, không những về giáo lý mới mẻ, về chính con người của Ngài, dĩ nhiên, phải kể đến khả năng chinh phục và thu hút của Ngài. Thánh ký ghi nhận: “Liền sau đó, các ngài đến Capernamum và vào ngày nghỉ lễ, Ngài vào hội trường và bắt đầu giảng dậy. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Ngài, bởi Ngài giảng dậy với quyền năng không như bọn luật sỹ” (Mc 1:21-22).

“Ngài giảng dậy với quyền năng” Thánh ký đã ghi nhận một cách rất rõ ràng về cách thức và hành động giảng dậy của Ngài, đó là Ngài giảng dậy “bằng quyền năng”. Khi nói như vậy, Thánh ký cũng có ý nói rằng bọn luật sỹ xưa rầy chỉ dậy những điều kinh điển như một con vẹt. Đọc đi, đọc lại. Nhai đi, nhai lại mà không biết chính mình phải làm gì, hay ngược lại, đã không làm những gì mình hiểu và giảng dậy. Và đó là điều làm cho Chúa Giêsu trở thành một nhà hùng biện, một nhà rao giảng, một bậc thầy thu hút và chinh phục những kẻ đến với Ngài.

Quyền năng mà Chúa Giêsu dùng để giảng dậy, thật ra không những vượt trên mọi khả năng thuyết phục, mọi tài hùng biện, và mọi lý lẽ chinh phục lòng người. Đó là một thứ quyền năng đến từ trên cao. Quyền năng này chắc chắn bọn luật sỹ, ký lục, bọn thượng tế và Pharisiêu cũng muốn biết, muốn có nhưng rất tiếc là nó vượt xa khỏi tầm mức của những con người này. Thánh ký Máccô ghi nhận quyền bính ấy như sau: “Ở đó trong hội trường có một người bị thần ô uế nhập đã la lên: “Hỡi Giêsu Nagiareth, có truyện gì giữa chúng tôi và ông, tại sao ông đến để trừ diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai – Đấng Thánh của Thiên Chúa! Chúa Giêsu liền ra lệnh cho y: “Hãy im đi! Và ra khỏi người này!” Lập tức thần ô uế vật ngã người ấy xuống đất thét lên một tiếng rồi ra khỏi y” (Mc 1:23-26).

Tại sao Thánh ký đang nói về việc Chúa Giêsu rao giảng, đang nói về khả năng chinh phục của Ngài, lại kể thêm về việc Ngài trừ quỷ ô uế cho một người? Câu trả lời được tìm thấy trong mẩu đối thoại giữa thần ô uế và Chúa Giêsu: “Hỡi Giêsu Nagiareth, có truyện gì giữa chúng tôi và ông, tại sao ông đến để trừ diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai – Đấng Thánh của Thiên Chúa! Chúa Giêsu liền ra lệnh cho y: “Hãy im đi! Và ra khỏi người này!”. Quả là một uy quyền rất lớn, vượt trên mọi sự con người có thể tưởng tượng. Với quyền năng ấy, sau này Ngài còn cho kẻ chết sống lại, què đi được, điếc nghe được, mù lòa xem thấy, phong cùi được lành. Và vượt ra khỏi thế giới nhân sinh, nó còn vươn tới vũ trụ quanh ta, như Ngài đã có lần truyền cho sóng biển phải im lặng. Tóm lại, dù là thiên nhiên, dù là con người, và ngay cả đến quỷ thần cũng đều phải vâng phục quyền năng của Ngài.

Nhưng nếu quyền năng ấy làm cho quỷ thần phải khiếp đảm, vâng phục, và căm thù, thì ngược lại, quyền năng ấy lại là sự giải thoát và cứu độ của con người khỏi sự thống trị của tội lỗi, của quỷ thần, và khỏi sự chết. Đối với quỷ thần thì đây là quyền năng khiến chúng phải kinh hoàng và làm chúng hoảng sợ. Nhưng đối với con người, thì đây là sự biểu lộ tình yêu vô biên của Ngài.

Quyền năng của Thiên Chúa là một sức mạnh dùng để thống trị Satan và bè lũ chúng. Quyền năng này làm chúng khiếp sợ và căm thù. Nó cũng là một hình phạt vô cùng lớn lao đối với những ai cố chấp theo con đường lầm lạc, mà không mảy may thống hối quay về với chân lý. Nhưng quyền năng ấy lại là một yên ủi vô biên, một sự đỡ nâng và khích lệ cho những tâm hồn thiện chí biết sống trong ân tình của Ngài. Trong trái tim nhân lành của Thiên Chúa, tội nhân và những tâm hồn biết thống hối, thiện chí tìm được chỗ tựa nương, an ủi và đỡ nâng: “Hãy ở trong tình yêu thầy” (Gioan 15:9). Chúa không nói những lời này với Satan và bọn ngụy thần của hắn. Chúa cũng không nói những lời này với những kẻ phủ nhận tình yêu và quyền năng của Ngài. Nhưng Ngài đã nói với chúng ta, những kẻ bé mọn và hèn yếu.

Còn gì an ủi và sung sướng hơn cho chúng ta là những lữ khách đang lang thang trên hành trình cuộc sống. Ngày đêm vất vả với những lo toan cuộc sống, tranh đấu với những mưu gian, chước quỷ luôn tìm cách làm hại chúng ta, khiến tâm hồn chúng ta và thân xác chúng ta phải héo hắt, khổ sầu. Trong những cảnh huống ấy mà được nghe Chúa bảo hãy cứ ở yên trong tình yêu của Ngài, hãy để cho quyền năng lời Ngài thay đổi, chinh phục, và bao bọc thì còn gì sung sướng và hạnh phúc hơn.

Quyền năng ấy còn có một đặc tính khác nữa là luôn luôn sẵn có và luôn luôn ở bên chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào! Chỉ cần chúng ta mở rộng tầm nhìn vào thế giới chung quanh. Mở lỗ tai để nghe những lời thì thầm yêu thương ấy. Và mở lòng chúng ta để đón nhận lời Ngài lập tức chúng có ngay. Vì Thiên Chúa không ở đâu xa, mà ở ngay trong lòng chúng ta và ngay trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Vậy điều quan trọng là chúng ta có muốn để cho quyền năng ấy chinh phục, và thu hút chúng ta hay không? Chúng ta tin theo và đón nhận những lời giảng dậy quyền năng của Ngài hay không? Hay chúng ta vẫn để cho những gánh nặng của cuộc đời, những quyến rũ và đam mê ghì chặt chúng ta xuống, và làm chùn bước chúng ta. Hoặc chúng ta vẫn cứ để lòng mình bị lôi cuốn bằng những lời phỉnh gạt của Satan, của thế gian, và vật chất.

Ngài giảng dậy bằng quyền năng. Quyền năng ấy đi liền với lời giảng dậy của Ngài có sức chinh phục, cải hóa, và làm sống lại những tâm hồn chai đá, lạc loài. Quyền năng ban cho chúng ta sự sống, và đem lại cho chúng ta quyền làm con Thiên Chúa. Và đối với những tâm hồn đang trong vòng thống trị của tội lỗi, của Satan thì quyền năng của lời Ngài sẽ ban cho họ sự sống đời đời, biến đổi họ thành những tâm hồn mới, những con người mới. Giải thoát họ khỏi những hận thù, chia rẽ, độc ác, tham lam, và dục vọng.

Ngài giảng dậy bằng quyền năng. Đó cũng là lời mời gọi tất cả chúng ta hãy siêng năng, say mê, và tìm đọc lời Ngài trong Tin Mừng – Tin Mừng Sự Sống. Nhất là sống với lời Ngài, để quyền năng của lời Ngài biến đổi, và giải thoát chúng ta.

T.s. Trần Quang Huy Khanh

Read 1300 times Last modified on Thứ ba, 30 Tháng 10 2012 13:20