Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 03 Tháng 2 2012 19:53

Chúa Cũng Vất Vả_ Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 5 TNB

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Thay vì khóc lóc, than thở, phiền trách Chúa, phiền trách mình. Thay vì phải vất vả, ngược xuôi để tìm ơn giải thoát, thì sự giải thoát và ơn cứu độ lại có sẵn trong cuộc đời của chính mình. Điều này những tâm hồn thiện chí, những tâm hồn khao khát chân thiện mỹ đều hiểu rõ và sẵn sàng đón nhận. Ngoài ra, phần đông nhân loại vẫn là chạy trốn và khinh bỉ vất vả. Tâm lý này được tìm thấy ngay trong đời sống thường ngày. Ai cũng muốn mình có việc làm nhẹ, lương cao và được trọng dụng. Ngược lại, ai cũng cho mình là người đau khổ và bất hạnh nhất trần gian.

 Bài Hát: Phó Thác

Nhạc: Kiều Linh_ Quang Lạc

Thể Hiện: Ca Đoàn Thiên Thần

Tải  Bài Hát File Pdf

Nghe  Suy Niệm Audio

 

 

“Tôi vất vả quá! Đời tôi sao vất vả quá!” Mang thân phận con người, chúng ta ai cũng vất vả: vất vả tinh thần, vất vả thể xác. Vất vả thể xác được gọi là lao lực. Còn vất vả tinh thần được gọi là lao tâm.

Nếu so sánh giữa tinh thần và thể xác, thì sự vất vả tinh thần có tầm ảnh hưởng sâu sa và lắng đọng hơn. Nó đòi hỏi một sự chấp nhận, chịu đựng mãnh liệt hơn. Chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt này bằng cảm nghiệm của bản thân mình, hoặc do kinh nghiệm học hỏi từ người khác. Thí dụ, một người bị lo lắng dằn vặt tâm hồn lâu ngày sẽ mất ăn, mất ngủ, đôi khi đi đến tâm bệnh. Ngược lại, một người mệt mã vì công việc tay chân, đêm về được dịp nghỉ ngơi lại thấy khỏe khoắn và dễ dàng lăn ra ngủ. Dù là lao tâm hay lao lực, cả hai cũng đều đặt con người vào sự chịu đựng và thử thách. Và cả hai đều bị con người sợ hãi và trốn chạy. Hoặc nếu bất đắc dĩ mà phải chịu đựng, thì sự chịu đựng ấy đa số chỉ là miễn cưỡng. Bất đắc dĩ mà phải chịu.

Tuy nhiên, có một người mà vất vả không thể động đến được, không hề bị ảnh hưởng của vất vả chi phối. Nhưng người này lại ôm lấy vất vả, đón nhận vất vả, và làm bạn với vất vả. Cuộc đời người ấy từ lúc sinh ra đến khi nhắm mắt lìa đời được dệt bằng những vất vả triền miên. Đó là Chúa Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc nhân trần. Định mệnh của ngài là sinh ra và chịu vất vả như chính Ngài đã nói: “Con Người đến là để phục vụ chứ không hưởng thụ”.

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh ký Máccô đã cho chúng ta thấy thời khóa biểu làm việc của Chúa Giêsu dầy đặc và đầy áp những vất vả. Vừa ra khỏi hội trường là chạy lại nhà của Simon và Andrê. Đến đó rồi, thì lại lo chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon. Sau đó là đoàn lũ dân chúng đến vây quanh, người xin được chữa lành, người xin khỏi quỉ ám. Thánh ký ghi nhận: “Cả thành tụ họp trước cửa nhà” (Mc 1: 33). Bận rộn như vậy, mà mới sáng tinh sương ngài đã vào nơi thanh vắng để cầu nguyện.

Điều hiển nhiên là Chúa Giêsu tự ý chấp nhận và tự ý bận rộn. Ngài làm thế vì Ngài muốn thế chứ không phải vì bắt buộc. Thái độ chấp nhận vất vả của Ngài là điều khiến chúng ta phải nhìn lại những vất vả của chính mình và từ đó tìm cho những vất vả, đau khổ ấy một ý nghĩa.

Thật vậy, Chúa Giêsu vất vả vì các linh hồn. Ngài vất vả, vật lộn với ma quỉ, với những thử thách vì phần rỗi và vì ơn cứu độ của nhân loại. Đây là điểm mà Kitô hữu chúng ta phải rút ra từ những vất vả của cuộc sống thường ngày. Chúa vất vả vì ta và cho ta. Ta cũng phải vất vả vì chính ta và vì những người khác. Chúng ta có bao giờ tự hỏi, tại sao Thánh Kinh đã dùng nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả sự vất vả của con người, thí dụ, hình ảnh của những người làm công, hình ảnh những ngư phủ chài lưới, hình ảnh những người nông dân dầm sương dãi nắng gieo vãi, gặt hái. Nếu có thì câu trả lời là vì trong tất cả những hình ảnh tượng trưng cho sự vất vả ấy, đàng sau bao giờ cũng thấy xuất hiện hình ảnh của cứu độ, của giải thoát, và của trường sinh bất tử. Có thể nói, Chúa dùng những vất vả, những thử thách và đau khổ của cuộc sống để cho con người dễ dàng đạt được mục đích đời đời, và đạt được phần thưởng cứu độ.

Vậy nếu Chúa Giêsu, Đấng không hề bao giờ cần đến sự vất vả, lại chấp nhận vất vả cho đến chết vì ta, thì đến lượt chúng ta, liệu có thể trốn tránh hoặc coi thường vất vả. Cái mầu nhiệm của vất vả nằm ngay trong ý nghĩa và hành động của Chúa Giêsu. Qua sự chấp nhận, Ngài đã ban cho vất vả một ý nghĩa và giá trị cứu độ. Ngài đã không cứu độ và giải thoát con người bằng những hành động cao cả, và những việc làm phi thường nhưng bằng những vất vả và cực khổ của kiếp người. Và đến lượt con người, thì con người đâu cần phải tìm gì xa xôi để được giải thoát và cứu độ. Hành động cứu độ và giải thoát nằm ngay trong bản chất của cuộc sống, và nằm ngay trong ý nghĩa cuộc đời. Và đó là điều yên ủi, khích lệ chúng ta.

Thay vì khóc lóc, than thở, phiền trách Chúa, phiền trách mình. Thay vì phải vất vả, ngược xuôi để tìm ơn giải thoát, thì sự giải thoát và ơn cứu độ lại có sẵn trong cuộc đời của chính mình. Điều này những tâm hồn thiện chí, những tâm hồn khao khát chân thiện mỹ đều hiểu rõ và sẵn sàng đón nhận. Ngoài ra, phần đông nhân loại vẫn là chạy trốn và khinh bỉ vất vả. Tâm lý này được tìm thấy ngay trong đời sống thường ngày. Ai cũng muốn mình có việc làm nhẹ, lương cao và được trọng dụng. Ngược lại, ai cũng cho mình là người đau khổ và bất hạnh nhất trần gian.

Nhưng khi nhìn vào sự vất vả và chịu đựng của Chúa Giêsu, Kitô hữu chúng ta mới chợt nhận ra rằng, chúng ta đã trốn chạy một điều không bao giờ có thể trốn chạy được, đó là sự vất vả và chịu khó. Ngược lại, khi trốn chạy đau khổ và vất vả, chúng ta đã bỏ lại sau lưng bao nhiêu kho tàng quí giá có khả năng đem lại hạnh phúc và phần rỗi cho chính mình cũng như những người khác. Đó là chúng ta đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để chấp nhận và thánh hóa những vất vả của mình theo gương Chúa Giêsu.

Theo gương Chúa Giêsu. Vâng! Chỉ khi nào con người biết nhìn lên Chúa Giêsu để bằng lòng với cuộc sống của mình, thánh hóa nó và cho nó một giá trị cứu độ, thì lúc đó con người mới nhận được giá trị và yêu mến những vất vả của mình. Và lạ lùng thay, chính khi con người biết nhận ra những vất vả của mình, thì cũng là lúc những vất vả ấy biến thành niềm vui và hạnh phúc. Vì nó đã được thánh hoá và ban cho một giá trị cứu độ nhờ vào những vất vả của Chúa Giêsu.

Và cũng để theo gương Chúa Giêsu, chúng ta phải kết hợp với Ngài bằng kinh nguyện, bằng học hỏi Lời ngài trong Thánh Kinh và bằng tham dự các Bí Tích, đặc biệt là Thánh Lễ Misa. Thánh Máccô ghi nhận trong ngày Chúa mệt nhọc và vất vả với con người, nhưng sáng sớm ngài đã tìm vào thanh vắng để kết hợp với Chúa Cha.

Vất vả, lầm than và đau khổ. Vất vả thể xác. Vất vả tâm hồn. Cuộc sống con người là một chuỗi dài nối tiếp những vất vả. Nhưng trong chuỗi vất vả ấy chính là chuỗi hạnh phúc, chuỗi giải thoát. Vì chỉ cần chúng ta khám phá ra giá trị của nó, lập tức những vất vả kia sẽ là niềm vui và hạnh phúc. Chúa Giêsu đã vất vả để chúng ta được hạnh phúc. Ngài chấp nhận vất vả vì chúng ta và cho chúng ta. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải đón nhận những vất vả của mình cho phần rỗi mình và phần rỗi nhân loại. Và cùng với Chúa Giêsu, chúng ta cùng nhau vất vả.
T.s. Trần Quang Huy Khanh

Read 1373 times Last modified on Thứ ba, 30 Tháng 10 2012 13:17