Bài Hát: Mẹ Truyền Tin
Nhạc: Lm Cao Thăng
Thể Hiện: Mai Hậu
Nghe Suy Niệm Audio
Ngày lễ hôm nay, Giáo Hội mừng kính mầu nhiệm Nhập Thể và ơn gọi của Đức Maria. Chính lời fiat của Mẹ, sự trung thành đáp ứng với sứ điệp của sứ thần, đã khởi đầu công trình cứu độ.
Trong các lịch phụng vụ cổ xưa, lễ này được coi là lễ Chúa. Tuy nhiên, các bản văn lại đặc biệt qui hướng về Đức Mẹ. Trong những thế kỷ gần đây, lễ này được coi là lễ Đức Mẹ. Theo truyền thống, Giáo Hội tin có một mối liên hệ gần gũi giữa bà Evà, nguyên tổ của nhân loại, và Đức Maria, Evà Mới, mẹ của nhân loại được cứu độ.
Bối cảnh của ngày lễ hôm nay, ngày 25 tháng Ba, tương ứng với lễ Giáng Sinh. Ngoài ra, có một truyền tụng cổ xưa cho rằng công cuộc sáng tạo trời đất, việc khởi sự và kết thúc công trình cứu chuộc đều trùng vào thời điểm xuân phân.
28.1 Thiên Chúa thật và Người thật.
Khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến, sinh bởi một người nữ.1
Thiên Chúa đã sai Con Một đến nhập thể để cứu độ chúng ta khỏi tội lỗi. Đó là chứng cứ lớn lao nhất về tình yêu của Người dành cho chúng ta. Như thế, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta phẩm giá được làm con cái Thiên Chúa. Thời điểm Người đến đánh dấu thời gian viên mãn. Thánh Phaolô đã nói Chúa Giêsu được sinh ra bởi một người nữ.2 Chúa Giêsu không đến như một thiên thần. Chúa thực sự là người, như mọi người chúng ta. Chúa đã tiếp nhận bản tính nhân loại nơi cung lòng của Đức Maria. Ngày lễ hôm nay thực sự là để tôn vinh Chúa Giêsu và Đức Maria. Vì thế cha Luis de Granada đã nói: Thật hợp lý khi xét đến, trước hết và trên hết, sự thanh sạch và thánh thiện của Người Nữ mà Thiên Chúa từ đời đời đã tuyển chọn để cho Người bản tính nhân loại.
Khi quyết định tạo dựng người nam đầu tiên, Thiên Chúa đã quan tâm tạo lập một môi trường xứng hợp cho ông, tức là vườn Địa Đàng. Vì thế, điều hợp lẽ là khi sai Con Người là Đức Kitô xuống thế, Thiên Chúa cũng chuẩn bị một môi trường xứng đáng cho Con Người, đó là thân xác và linh hồn của Đức Trinh Nữ.3
Khi suy về ý nghĩa ngày đại lễ này, chúng ta thấy Chúa Giêsu hợp nhất thật mật thiết với Đức Maria. Khi Đức Trinh Nữ tự nguyện thưa lời xin vâng trước những chương trình Đấng Tạo Hóa đã tỏ ra cho Mẹ, Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại: một linh hồn và một thân xác được tạo thành trong cung lòng thanh khiết của Đức Maria. Bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại được hợp nhất trong một ngôi vị duy nhất: đó là Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và Người thật; Con Một hằng hữu của Thiên Chúa Cha, và từ giây phút ấy, cũng là con người, con thật của Đức Trinh Nữ Maria. Vì thế, Đức Maria là Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, Ngôi Hai của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng đã hợp nhất bản tính nhân loại của chúng ta với Người mãi mãi, mà không có sự lẫn lộn giữa hai bản tính. Lời chúc tụng cao sang nhất chúng ta có thể dâng lên Đức Trinh Nữ là tung hô danh hiệu đặc biệt nói lên phẩm chức cao trọng nhất của Mẹ: Mẹ Thiên Chúa.4 Biết bao lần chúng ta đã lặp đi lặp lại những lời ngọt ngào này: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…! Bao nhiêu lần chúng ta đã suy niệm về điều này, mầu nhiệm thứ nhất mùa Vui trong chuỗi Mân Côi!
28.2 Biểu hiện tối chung của tình yêu Thiên Chúa.
Ngôi Lời đã trở thành người phàm, và ngự giữa chúng ta.5
Theo dòng thời gian các thế kỷ, các thánh và nhiều nhà thần học đã cố sức tìm hiểu ý định của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể. Con Thiên Chúa không nhất thiết phải làm người mới có thể thực hiện công trình cứu độ. Thánh Thomas Aquinas đã nhận định: Thiên Chúa có thể phục hồi bản tính nhân loại bằng bất cứ cách nào cũng được.6 Mầu nhiệm Nhập Thể là biểu hiện tối chung của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Nguyên nhân của việc Nhập Thể chính là tình yêu bao la của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến độ đã ban Con Một Người…7 Qua việc tự hạ như thế, Thiên Chúa đã làm cho nhân loại dễ dàng tiếp xúc với Người hơn. Toàn bộ lịch sử cứu độ nói lên việc Thiên Chúa đến với thụ tạo yêu dấu của Người. Đức tin Công Giáo mặc khải cho nhân loại tất cả sự tốt lành, nhân hậu, và yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.
Ngay từ ban đầu, Thiên Chúa đã mời gọi nhân loại đến với Người. Mầu nhiệm Nhập Thể là đỉnh điểm của sứ điệp này. Ngày hôm nay kỷ niệm giây phút lịch sử khi Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, trở thành phàm nhân thực sự. Từ giây phút ấy về sau, Con Một Thiên Chúa trở thành một con người ở giữa chúng ta. Và Thiên Chúa sẽ là con người mãi mãi. Nhập thể không phải là một tình trạng tạm thời, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, là Thiên Chúa hoàn hảo và cũng là một con người hoàn hảo cho đến muôn đời. Đây là mầu nhiệm vĩ đại khiến chúng ta phải choáng ngợp: Thiên Chúa trong tình yêu vô biên của Người đã mặc lấy thân phận con người. Vì tình yêu vô biên ấy, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một cơ hội để đáp ứng với Chúa Kitô, một thành viên trọn vẹn giữa cộng đồng nhân loại. Hãy nhớ rằng ‘Ngôi Lời đã làm người,’ tức là Con Thiên Chúa đã làm phàm nhân, chúng ta phải ý thức mỗi người, nhờ mầu nhiệm này, nhờ việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, đã được trở nên phi thường biết bao! Chúa Kitô thực sự đã được dựng thai trong lòng Đức Maria và đã làm người để mặc khải tình yêu muôn đời của Đấng Tạo Hóa, Cha chúng ta, và để tỏ ra phẩm giá của từng người chúng ta.8
Vì có nhiều cuộc tranh luận suốt bao thế kỷ, nên Giáo Hội đã tìm cách định tín nhiều chân lý liên quan đến mầu nhiệm Nhập Thể. Giáo Hội rất nhiệt thành trong vấn đề này, bởi vì bảo vệ chân lý về Chúa Kitô tức là bảo vệ chân lý về con người. Chúa Kitô là ‘hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’ (Cl 1:15), chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu Ađam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm cho sai lệch. Bởi vì nơi Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, do đó chính nơi chúng ta nữa, bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó, đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng trái tim con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.9 Lạy Chúa, tình thương yêu của Chúa không ai hiểu thấu, để cứu đầy tớ, Chúa đã nộp chính Con Yêu. Ôi cần thiết thay tội Ađam, tội đã được tẩy xóa chính nhờ sự chết Chúa Kitô. Ôi tội hồng phúc, vì cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc rất cao sang!10 Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân lớn lao kỳ diệu trong ngày lễ hôm nay. Chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria mà tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì Mẹ là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc ban bản tính nhân loại cho Con hằng hữu của Người, là khí cụ liên kết Chúa Giêsu với toàn thể nhân loại.11
28.3 Ảnh hưởng của mầu nhiệm Nhập Thể trên chúng ta.
Mầu nhiệm Nhập Thể có một ảnh hưởng rõ rệt và mãnh liệt trên đời sống chúng ta. Biến cố này là tâm điểm của lịch sử nhân loại. Không có Chúa Kitô, cuộc sống không còn ý nghĩa. Chúa Kitô, Đấng Cứu Thể, ‘đã mặc khải chính Người hoàn toàn cho nhân loại.’12 Nhờ Chúa Kitô, chúng ta mới hiểu được bản thân chúng ta và tất cả những gì can hệ nhất đối với chúng ta: giá trị ẩn giấu của đau khổ và nhiệm vụ được chu toàn tử tế, sự bình an chân thật và niềm vui vượt trên cảm giác tự nhiên cùng sự bấp bênh của cuộc sống, viễn ảnh hân hoan của phần thưởng siêu nhiên trên quê hương muôn đời của chúng ta. Không ngừng chiêm ngắm toàn bộ mầu nhiệm về Chúa Kitô, với tất cả sự xác thực của đức tin, Giáo Hội biết rằng công trình cứu độ đã được thực hiện nhờ thập giá đã phục hồi phẩm giá trọn vẹn cho nhân loại, và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống trần gian, một ý nghĩa đã bị hủy hoại trầm trọng vì tội lỗi.13
Chứng từ của Con Thiên Chúa dạy cho chúng ta biết rằng mọi thực tại trần thế phải được coi trọng và hiến dâng lên trời cao. Chúa Kitô đã biến thảm trạng của nhân loại thành một con đường đến cùng Thiên Chúa. Như vậy, cuộc chiến đấu nên trọn lành của người tín hữu mang một đặc tính tích cực sâu xa. Cuộc chiến đấu này không phải là hủy diệt nhân tính của chúng ta, nhưng là để cho sức mạnh Thiên Chúa được rạng sáng. Sự thánh thiện không nhất thiết phải tách rời các công việc trần thế. Bản tính nhân loại không đối nghịch với thánh ý Thiên Chúa, chính tội lỗi và những hậu quả của nguyên tội đã làm tổn hại thê thảm cho linh hồn chúng ta. Cuộc chiến đấu để nên giống Chúa Kitô chính là cuộc chiến trường kỳ chống lại những gì làm mất phẩm giá con người: ích kỷ, ghen tương, nhục dục, chỉ trích… Cuộc chiến đấu đích thực để nên thánh liên quan đến mọi phương diện để phát triển con người toàn diện: công việc chuyên môn, các nhân đức nhân bản, các nhân đức xã hội, lòng quí trọng tất cả những gì là nhân loại…
Tương tự, Nhân Tính Chúa Kitô không bị Thần Tính của Người hủy diệt, vì nhờ mầu nhiệm Nhập Thể mà tình trạng nhân loại giữ được sự nguyên tuyền và tìm được cứu cánh của nó. ‘Et ego, si exaltatus fuero a terra, omnia traham ad meipsum’ – Còn Ta, khi được nhấc lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta.14 Qua mầu nhiệm Nhập Thể, qua cuộc sống lao động tại Nazareth và Galilê, qua cái chết trên thập giá và cuộc phục sinh, Chúa Kitô chính là tâm điểm của vũ trụ, là trưởng tử, và là Chúa của muôn loài vạn vật.
Bổn phận của chúng ta, những Kitô hữu, là phải công bố vương quyền Chúa Kitô, công bố bằng lời nói và việc làm của chúng ta. Thiên Chúa muốn mọi người, nam cũng như nữ, đều thuộc về Người trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Thiên Chúa gọi một số người ra khỏi xã hội, đòi họ từ bỏ mọi dính bén với trần gian, để qua tấm gương của họ, nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa vẫn đang hiện hữu. Thiên Chúa cũng mời gọi một số người để ủy thác sứ vụ linh mục. Nhưng Thiên Chúa muốn đại đa số hãy cứ sống giữa trần gian, trong mọi ngành nghề họ đang làm tại các nhà máy, các phòng thí nghiệm, những nông trại, những doanh nghiệp, những đại lộ của các thành phố lớn, những đường mòn miền núi.15 Đó là bối cảnh ơn gọi của chúng ta.
Chúng ta hãy đúc kết bài suy niệm hôm nay bằng cách hãy đến với Mẹ Chúa Giêsu cũng là Mẹ chúng ta. Ôi Maria! Hôm nay, qua việc chịu thai, Mẹ đã đem Đấng Cứu Độ đến cho nhân loại… Ôi Maria, Mẹ có phúc hơn mọi người nữ… Hôm nay, Thiên Chúa đã nên một với chúng con nhờ mối liên kết vững bền không gì có thể tách rời – dù sự vô ơn của chúng con, dù chính cái chết cũng không thể.16 Mẹ thật diễm phúc!
Lm Fernandez