Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 31 Tháng 3 2012 22:48

5 Phút Lời Chúa Cho Mỗi Ngày - Tháng 4.2012 (Từ 01 đến 15)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 Lạy Chúa, con nhìn nhận mình yếu đuối hay phản bội ân tình Chúa. Xin Chúa gìn giữ con khỏi trở nên cứng lòng, để con biết lắng lời gọi yêu thương của Chúa, mà hối cải ăn năn trở về với Chúa. Amen.

01/04/12 CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa
Mc 14,1-15,47

THÁNH THỂ ĐIỂM HẸN TÌNH YÊU

“Thầy nhắn: ‘Căn phòng của tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu’?” (Mc 14,14)

Suy niệm: Chính vào ngày giết chiên vượt qua, Giêrusalem sôi sục bầu khí thù hận, các nhà lãnh đạo Do Thái đang tìm giết Chúa Giêsu. Trong bối cảnh đó, Chúa vẫn chuẩn bị thật chu đáo và kín cạnh. “Một người mang vò nước,” đó là ám hiệu; còn mật khẩu là “căn phòng ăn lễ Vượt Qua của Thầy.” Một căn phòng nhỏ, trên lầu đã được chuẩn bị: vừa kín đáo, vừa ấm cúng, phù hợp cho cuộc gặp gỡ quan trọng này. Ngài cần một điểm hẹn không chỉ để ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ lần cuối, mà chính là để bộc lộ trọn tình yêu của Ngài cho những người Ngài yêu mến, qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể, phương thế để hiến thân trọn vẹn cho họ, để ở lại với họ “mọi ngày cho đến tận thế.” Từ nay bất cứ ở đâu diễn ra bí tích Thánh Thể nơi đó đều trở thành điểm hẹn của Tình Yêu.
Mời Bạn: Chúa Giêsu đã sắp xếp tất cả để yêu bạn ngay trước “mũi” những kẻ đang tìm giết Ngài. Còn bạn, bạn đã làm tất cả để đến điểm hẹn là Thánh lễ, là Nhà Tạm, nơi có Thánh Thể, và nhất là điểm hẹn trong căn phòng tâm hồn bạn để gặp gỡ Đấng là Tình Yêu của bạn chưa? Việc Ngài hiến thân trên thập giá và hoá thân trong Thánh Thể cũng chỉ là một hành động để yêu bạn đến cùng. Bạn có sẵn sàng sống như Chân phước Anrê Phú Yên “lấy tình yêu đáp lại tình yêu, lấy mạng sống đáp lại mạng sống” cho Ngài chưa?
Sống Lời Chúa: Siêng năng rước lễ và chầu Thánh Thể để đáp lại tình yêu Chúa cách sâu đậm nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng về Chúa tất cả tấm thân và cuộc sống của con.


02/04/12 THỨ HAI TUẦN THÁNH Ga 12,1-11

CHO NGƯỜI NGHÈO GIÊSU

Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12,4-5)
Suy niệm: Xét theo lý, thì Giuđa Itcariốt thật là… có lý. Và ngược lại người ta có thể trách móc cô Maria về tội hoang phí vì dùng cả một cân dầu cam tùng trị giá ba trăm quan tiền chỉ để xức chân Chúa Giêsu, trong khi vẫn còn đó biết bao người nghèo khó thiếu thốn! Thực tế cho thấy những lời lẽ tốt đẹp của Giuđa trái ngược với những gì lòng anh ta mưu tính: chỉ ít ngày sau đó, anh đã bán đứng Thầy mình với giá có ba mươi đồng bạc! Trái lại, Chúa Giêsu đúng là người nghèo đích thực, bởi vì Ngài vốn giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta để nhờ đó chúng ta được trở nên giàu có (x. 2Cr 8,9). Hành động của Maria dù có quảng đại cũng không thể đáp đền cân xứng với “người nghèo Giêsu”. Chúng ta còn phải tiếp tục chia sẻ với những “người nghèo quanh ta” cũng một cách quảng đại như vậy vì nhìn thấy “người nghèo Giêsu” hiện diện nơi họ.
Mời Bạn: Lắm khi chúng ta cũng vô tình cư xử theo kiểu Giuđa, đó là khi chúng ta dùng nhiều lý lẽ rất “có lý” để “cò kè bớt một thêm hai” trong việc thờ phượng Thiên Chúa; khi nhân danh việc từ thiện bác ái để mưu tính lợi lộc danh dự; hoặc một mặt làm phúc bố thí nhưng mặt khác, trong cung cách làm ăn, lại chèn ép, loại trừ người nghèo hèn, yếu thế. Mời bạn kiểm điểm chính mình cách sâu xa để kịp thời nhận ra và loại bỏ những động lực lệch lạc ấy.
Sống Lời Chúa: Quảng đại dành thời gian cầu nguyện với Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con luôn biết quảng đại với Chúa để con có thể quảng đại với tha nhân.


 

03/04/12 THỨ BA TUẦN THÁNH Ga 13,21-33.36-38

NGƯỜI PHẢN BỘI “Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy.” (Ga 13,21)
Suy niệm: Sự phản bội bao giờ cũng đáng ghét. Người càng được yêu mà lại quay lưng phản bội chính người yêu mình thì sự phản bội càng tồi tệ, nhất nữa là lợi dụng chính sự tín nhiệm mình có qua tình yêu đó để phản bội. Và còn điều gì phũ phàng hơn khi người bị phản bội lại biết rõ những toan tính của y. Lời Chúa tiết lộ người phản bội ngay trong bữa Tiệc Ly chẳng khác nào tiếng sét đánh ngang tai. Đáng lẽ ra kẻ phản bội phải tỉnh ngộ, hay ít ra cũng đề cao cảnh giác vì thấy âm mưu của mình đã bị bại lộ. Thế nhưng Giu-đa đã quá cứng lòng. Lòng ham mê tiền bạc đã làm anh ra mù quáng. Anh nhắm mắt ăn tấm bánh chính tay Chúa trao, rồi ra đi, ra đi trong đêm tối.
Mời Bạn: Mỗi lần phạm tội, là một lần bạn bỏ Chúa mà đi. Bạn thử nhớ lại những lần đó, bạn có nghe tiếng Chúa trong lương tâm cảnh báo, ngăn cản, khuyên lơn bạn dừng lại đừng bước vào hố thẳm của tội lỗi? Điều gì đã khiến bạn không thể dừng lại? Lòng tham? Đam mê dục vọng? Tự ái? Càng từ chối làm theo tiếng nói của lương tâm, người ta càng khó nghe được tiếng nói đó, cho đến một ngày nào đó, lương tâm sẽ trở nên “cứng cỏi” giống như Giu-đa.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình, xét mình hằng ngày sẽ giúp bạn nhạy bén trước tiếng nói của lương tâm và mau chóng phát hiện những lỗi lầm trước khi mọi sự trở thành quá muộn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con nhìn nhận mình yếu đuối hay phản bội ân tình Chúa. Xin Chúa gìn giữ con khỏi trở nên cứng lòng, để con biết lắng lời gọi yêu thương của Chúa, mà hối cải ăn năn trở về với Chúa. Amen.


 

04/04/12 THỨ TƯ TUẦN THÁNH Mt 26,14-25

CẦN CÚI MÌNH ĐẤM NGỰC Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó.” (Mt 26,25)
Suy niệm: Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét xã hội Việt Nam hôm nay như sau: “Căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối.” (“Cần một cuộc tự vấn,” Tuổi Trẻ số 1-2012, ngày 01/01/ 2012: 12). Sự giả dối tràn lan khiến nhiều người tự hỏi, sống chân thật để làm gì? Căn bệnh giả dối này từng gây cho Giu-đa mất khả năng nhìn nhận sự thật hoặc chỉ dám nhìn một nửa sự thật. Ông đã dám đối diện với Chúa để hỏi Chúa về chính mình như các môn đệ khác, nhưng ông lại không dám nhìn “mưu tính bán Chúa” bên trong mình. Sự giả dối nơi ông tinh vi đến độ, ngoại trừ Chúa Giê-su, không một ai trong các môn đệ biết những toan tính hạ cấp đó của ông, bởi sự gần gũi trong cử chỉ và lời nói của ông với Thầy Giê-su vẫn không khác gì với các môn đệ khác.
Mời Bạn: Sống chân thật không chỉ nhìn về Chúa, mà còn nhìn vào chính bản thân khi đối diện với Chúa và đón nhận ơn hoán cải. Có quá nhiều lần chúng ta nhìn lên Chúa, ca tụng Chúa, cầu nguyện với Chúa; nhưng lại quá ít lần chúng mình nhìn nhận sự thật đang nhầy nhụa nơi bản thân để sám hối, trở về với Chúa. Thi sĩ Péguy từng nói: người ta đã thấy ân sủng xuyên qua một tâm hồn đồi bại và đã thấy cái bị hư mất nay được cứu thoát. Nhưng khó mà xuyên qua cái “không thẩm thấu” được.
Chia sẻ: Những giả dối trong đời sống xã hội phát xuất từ đâu?
Sống Lời Chúa: Hãy sám hối, vì tội ta phạm đang đóng đinh Chúa lần nữa.
Cầu nguyện: Hát: “Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình, con đớn đau nhìn vũ trụ tự hối…”


 

05/04/12 THỨ NĂM TUẦN THÁNH Ga 13,1-15

NOI GƯƠNG ĐỨC KITÔ PHỤC VỤ “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14)
Suy niệm: Trong thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh có một nghi thức độc đáo mà chỉ hôm nay mới có: Sau bài giảng là nghi thức diễn lại việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly. Dù chỉ là nghi thức mang tính minh hoạ nhưng những người được chọn trong vai các tông đồ cũng cảm thấy được đánh động sâu xa vì bài học đầy ấn tượng này khi chính vị chủ tế quì xuống rửa chân cho mình. Chỉ là nghi thức mà đã thế, huống chi là các tông đồ hẳn đã ngỡ ngàng biết bao khi Chúa Giêsu làm thật như vậy! Bài học khiêm nhường phục vụ mà Chúa Giêsu dạy qua việc rửa chân quá rõ ràng không thể nào nhầm lẫn. Mẫu gương sống động như thế, lẽ nào các môn đệ không làm theo như chính Ngài đã căn dặn: “Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”?
Mời Bạn: Khi tham dự và suy niệm cử hành của ngày hôm nay, chúng ta được mời gọi sống như Chúa Giêsu đã sống và nêu gương cho chúng ta. Với Chúa Kitô, yêu thương đồng nghĩa với hiến thân phục vụ anh chị em mình cách khiêm tốn. Bạn đã làm gì để biến bài học yêu thương này trở thành những việc phục vụ cụ thể, trước tiên cho những người thân trong gia đình mình, và tiếp đến cho những người thân cận mà mình tiếp xúc mỗi ngày?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc phục vụ và làm lễ vật dâng Chúa khi tham dự thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, cho con luôn sẵn lòng phục vụ tha nhân trong tinh thần vui tươi và khiêm tốn.


 

06/04/12 THỨ SÁU TUẦN THÁNH Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Ga 18,1-19,42

YÊU CHO ĐẾN CÙNG “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống mà trao Thần Khí. (Ga 19,30)
Suy niệm: Đây là giờ Chúa phải nói lời từ biệt với những người thân thương nhất của Chúa – Mẹ Maria và Gioan – Chúa đã ban tặng hai người cho nhau. Còn Chúa, Chúa ở đây một mình để hiến thân làm của lễ dâng Cha và để cho lửa của Thần Khí thiêu đốt. Từ nay, trời và đất đã giao hòa; giao ước mới đã ký kết, được niêm ấn bằng máu của Đấng chịu đóng đinh. Chúa kêu lên một tiếng cuối cùng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, sao người bỏ con?” Nhưng ngay giây phút tuyệt đỉnh này, Chúa Cha vẫn ở đấy, Người hiện diện.
Chúa gục đầu xuống và thiếp đi trong tay Người. Lúc Chúa đi vào cõi chết, thì đấy cũng là lúc, đấy cũng là giờ mà Chúa thức dậy cạnh Cha. (Đức Hồng Y Godfried).
Mời Bạn ý thức cái chết của Chúa Giêsu không phải chỉ liên quan đến một người, hay một dân tộc nhưng mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm trước cái chết của Chúa. Thật vậy, chúng ta đừng ngồi đó nguyền rủa xã hội sa đọa, thế giới hỗn loạn, mà phải đấm ngực chính tội lỗi chúng ta đã đóng đinh Chúa hằng ngày.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy kín múc dòng ân sủng MÁU và NƯỚC chảy ra từ cạnh sườn Chúa. Đó là các bí tích Hòa Giải, Thánh Thể,... cách xứng đáng và sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cái chết của Chúa không phải là “một kết thúc” nhưng là “một hoàn tất”. Chúa đã chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó cách tuyệt hảo. Xin cho chúng con cũng biết chu toàn bổn phận của người Kitô hữu, dám hy sinh và hành động theo những đòi hỏi của Chúa cho dù phải đi vào con đường Thập Giá. Amen.


 

07/04/12 THỨ BẢY TUẦN THÁNH Canh thức Vượt Qua Mc 16,1-8

TIẾP NHẬN ĐỜI SỐNG MỚI “Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.” (Mc 16,6)
Suy niệm: Sau ba tháng tập luyện ở trường bơi Bolles danh tiếng ở Florida (Mỹ) chuẩn bị cho thế vận hội sắp tới, đội tuyển bơi lội Việt Nam nay phải rời trường đi lang thang và thầy trò ta tập tành với nhau trong các hồ bơi hạng xoàng tại xứ người. Kinh phí tập huấn hàng tỉ đồng đem đổ biển cũng vì các huấn luyện viên nội cứ đeo bám học trò cũ của mình và can thiệp sâu vào chuyên môn của chuyên gia nước ngoài. Ta chưa học được bài từ bỏ nên phải “trả giá cho sự lạc hậu”! (x. Tuổi Trẻ 19.3.2012, tr. 14).
Khi ngôi mộ đã an táng Chúa Giêsu trở thành ngôi mộ trống cũng là lúc các môn đệ Chúa Giêsu phải làm trống rỗng tâm hồn mình để tiếp nhận và sống với sự kiện Chúa đã sống lại. Nếu họ cứ cố thủ với những ý nghĩ về Chúa của họ trước đây, họ sẽ trở thành người lạc hậu và mầu nhiệm phục sinh không còn ý nghĩa gì với họ.
Mời Bạn: Chúa phục sinh muốn chiếm hữu trọn vẹn con người bất toàn tội lỗi, lo sợ của ta để biến đổi nên những con người mới. Ngài muốn ban cho ta ánh sáng chân lý, niềm hạnh phúc và tự do trong Thánh Thần. Chúng ta có sẵn sàng để từ bỏ con người cũ, ích kỷ nhỏ nhen để mặc lấy người mới không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi làm một vài hy sinh trong lời nói, trong việc ăn uống… để sống tinh thần con người mới.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin phó dâng trọn thân con cho Chúa. Con muốn lắng nghe lời Chúa để tiếp nhận sự khôn ngoan của Chúa. Xin Chúa đổ vào tim con tràn đầy tình yêu Chúa để từng ngày con được biến đổi nên giống Chúa và luôn bước đi trong đường lối của Ngài. Amen.


 

08/04/12 CHÚA NHẬT PHỤC SINH Ga 20,1-9

TÌNH YÊU BIẾN ĐỔI Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (Ga 20,1)
Suy niệm: Bà Maria Mácđala chỉ chờ vừa hết ngày Sabát, mới sáng sớm, “lúc trời còn tối” là đã tất tả đi mua dầu thơm, chạy ra mộ để “ướp xác Chúa” (Mc 16,1). Thế mà, thật bàng hoàng, ngôi mộ trống hoang, xác Thầy đã biến đâu mất. Bà chỉ còn biết khóc. Chỉ có động lực tình yêu mãnh liệt mới lý giải được những việc làm và tâm trạng của bà Maria trong lúc này. Tình yêu Chúa đã giật bà ra khỏi bàn tay của “bảy quỉ” (Lc 8,2) và biến đổi bà khiến bà từ đấy chỉ sống vì tình yêu: vì yêu, bà đã đi theo Thầy Giêsu trong suốt con đường khổ nạn cách kiên trung đến tận dưới chân thập giá; và cũng nhờ tình yêu đó, bà đã được Chúa cho gặp Ngài ngay trong những giờ phút đầu tiên Ngài sống lại, và là người đầu tiên được Chúa sai đi loan tin mừng Ngài đã phục sinh.
Mời Bạn: Người môn đệ đích thực của Chúa Kitô là người gắn bó với Ngài bằng một tình yêu nồng nàn và nhờ đó xác tín chắc chắn rằng Ngài “đã chịu chết nhưng nay Ngài đang sống” (x. Cv 2,32; 25,19) như thế mới có đủ tư cách để làm chứng cho người khác rằng: “Tôi đã thấy Chúa.” Mời bạn tự vấn: Tôi cần làm gì để được Chúa biến đổi, trở nên người môn đệ đích thực của Ngài?
Chia sẻ: Bạn có thói quen hay cung cách sống sống nào làm lời chứng về Chúa Kitô Phục Sinh bị lu mờ không?
Sống Lời Chúa: Mạnh dạn sống theo những giá trị của Tin Mừng Làm chứng niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh.
Cầu nguyện: Xin Ánh sáng Phục Sinh của Chúa bao phủ cuộc đời con và chiếu soi vào những chỗ tăm tối trong tâm hồn, để con được biến đổi mỗi ngày.


 

09/04/12 THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS Mt 28,8-15

NHỎ MÀ KHÔNG NHỎ “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
Suy niệm: Đức Kitô Phục Sinh –một Tin Mừng trọng đại, thế mà chỉ được loan báo cho một nhóm nhỏ các phụ nữ. Cũng vậy, Đấng Cứu Thế sinh ra, một Niềm Vui cho toàn dân, vậy mà tin vui ấy chỉ được loan báo cho một nhóm nhỏ các mục đồng (x. Lc 2,8-14). ‘Nhóm nhỏ’ –Thánh Kinh gọi là ‘người nghèo của Thiên Chúa’ (anawim)– đó là cách hành động của Thiên Chúa. Quả thật Ngài thích thực hiện những công trình vĩ đại bắt đầu từ những gì bé nhỏ, nghèo hèn. Nước Trời như hạt cải bé nhỏ nhưng mọc lên thành cây lớn, chim trời có thể nương náu. Đức Kitô cũng đã sinh ra làm người nghèo khó và chọn con đường thập giá để cứu độ nhân loại. Đó là niềm xác tín mà thánh Phaolô chia sẻ: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27).
Mời Bạn: Bạn có sợ không, khi thấy sứ mạng loan báo Tin Mừng thì cao cả, thế giới thì bao la mà mình thì quá bé nhỏ, yếu đuối? Sứ mạng cao cả đâu có phải vì bạn nhưng vì chính Đấng mà bạn được gọi để loan báo. Chúa trấn an các phụ nữ: “Chị em đừng sợ!” Bạn cũng thế, đừng sợ nhưng hãy vững tin và làm chứng với niềm xác tín của mình.
Chia sẻ: Điều gì giúp bạn xác tín rằng Chúa Kitô thực sự đã phục sinh?
Sống Lời Chúa: Trung thành suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để luôn xác tín vào Chúa Kitô Phục Sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa hành động trên nhóm nhỏ, nhưng sứ mạng của họ không hề nhỏ, vì họ phải đem Tin Mừng đến với toàn dân và mang ơn cứu độ đến tận cùng thế giới. Xin chọn con vào nhóm nhỏ của Chúa.


 

10/04/12 THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS Ga 20,11-18

CHA CỦA THẦY CŨNG LÀ CHA CỦA ANH EM “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.” (Ga 20,17)
Suy niệm: Thập giá và cái chết của Chúa Giêsu không phải là một sự mất mát trong tuyệt vọng. Ngay khi chỗi dậy và ra khỏi mồ, thân xác phục sinh của Ngài không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa, ngay lập tức Ngài đã loan báo cho chúng ta tin vui mừng là “Ngài lên cùng Cha của Ngài.” Tin đó không chỉ vui cho riêng Ngài mà còn cho mỗi một người chúng ta, vì từ nay qua Ngài chúng ta được qui tụ trong Ngài bằng một mối tương quan mới: “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em.” Tin vui này đồng nghĩa với một niềm hy vọng không thế lực nào dập tắt được rằng chúng ta Chúa Giêsu Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và một ngày kia chúng ta cũng được về đoàn tụ với Ngài.
Mời Bạn: Sống ở trần gian này là chúng ta đang hành trình trở về xum họp trong nhà Cha trên trời. Cuộc hành trình này tất yếu phải đi xuyên qua chông gai và thập giá. Chúa Giêsu, người Anh Cả của chúng ta đã đi qua con đường đó; tất nhiên một khi chúng ta muốn đi theo Ngài, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường mà Ngài đã đi qua.
Sống Lời Chúa: Tập đón nhận chông gai thập giá bằng cách nung nấu niềm hy vọng vào sự phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là đường dẫn chúng con về nhà Cha. Xin giúp chúng con vững niềm tin vào Chúa phục sinh, để chúng con vui tươi và dũng cảm vác thập giá hằng ngày để xứng đáng tới ngày được hợp hoan với Chúa.


 

11/04/12 THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS Lc 24,13-35

ĐIỀU CHẮC CHẮN HƠN
“Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.” (Lc 24,31)
Suy niệm: Đối với hai môn đệ Emmau, việc Chúa chịu đóng đinh, chịu chết và được an táng, đó mới là chuyện chắc chắn mà mắt họ chứng kiến. Còn việc xác Ngài biến mất khỏi mồ rồi dựa vào đó mà truyền tai nhau rằng Chúa đã sống lại chẳng qua chỉ là tin đồn mà thôi. Giữa cái chắc chắn và tin đồn, hai môn đệ đã chọn cái họ cho là chắc chắn, một cái chắc chắn đưa họ đến thất vọng và trở về quê cũ. Chúa Kitô đã hiện đến đồng hành và chia sẻ nỗi lòng với họ, đã dùng lời Kinh Thánh soi sáng và nhất là dùng dấu chứng của Thánh Thể để kéo họ ra khỏi vũng lầy thất vọng. Mắt họ mở ra và họ nhận ra Chúa Phục Sinh, đó là điều chắc chắn hơn và họ nhanh nhẹn quay trở lại Giêrusalem hô to Tin Mừng Phục Sinh.
Mời Bạn: Có những cảnh sống mà ngày mai chỉ thấy tăm tối; có những gia đình mà nhìn quanh chỉ có đổ vỡ thay cho yêu thương; có những cuộc đời bị trói buộc trong bệnh hoạn tật nguyền; những điều đó đeo đẳng quay quắt trong cuộc sống hằng ngày khiến bạn tưởng rằng điều chắc chắn bạn phải đối đầu là những ngõ cụt của bất ổn, bất hoà, bất hạnh. Bạn hãy nhớ rằng có một điều chắc chắn hơn, đó là Đức Kitô đã phục sinh đem lại cho bạn niềm hy vọng cuộc sống hạnh phúc bất diệt.
Sống Lời Chúa: Kết hiệp với Chúa qua việc suy niệm Lời Chúa và rước Thánh Thể là bạn chọn lựa điều chắc chắn nhất; bạn sẽ không bao giờ thất vọng.

Cầu nguyện: Chúa vẫn hiện diện với chúng con trong bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con biết đến đồng bàn với Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể, để ngày sau chúng con cũng được đồng bàn với Ngài trong nhà Cha muôn đời. Amen.


 

12/04/12 THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS Lc 24,35-48

BÌNH AN CHO ANH EM Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo : ‘Bình an cho anh em!’... Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này.” (Lc 24, 36.47-48)
Suy niệm: Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh gửi tới các môn đệ là lời : “Bình an cho anh em!” Các môn đệ đang trải qua cơn khủng hoảng. Vì thế, lúc này là lúc các ông rất cần có bình an. Bình an là khát vọng thâm sâu của mọi người, mọi nơi mọi lúc. Không có bình an, không có hạnh phuc! Trong Thánh Lễ, lúc sắp rước Thánh Thể, chủ tế cầu xin cho cộng đoàn được bình an của Chúa và mọi người chúc bình an cho nhau. Có điều, bình an của Chúa không giống với bình an của thế gian. Đó là chính sự hiện diện của Chúa trong thâm sâu tâm hồn người môn đệ, sự bình an luôn kèm theo sứ mạng rao giảng cho muôn dân sám hối, làm chứng cho họ về Đức Ki-tô Phục Sinh. Sự bình an của Chúa kèm theo sứ mạng này không chước miễn, mà gắn liền với những gian khổ, thử thách, ngục tù, chết chóc... như bao cuộc đời của các môn đệ Chúa suốt hai ngàn năm nay.
Mời Bạn: Tôi tìm kiếm bình an của Chúa hay bằng lòng với sự bình an của thế gian? Để cảm nếm được bình an của Chúa, chúng ta không được phép dừng lại với sự bình an của thế gian.
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy có một cử chỉ ‘đi ra khỏi sự ổn định’ của mình, chẳng hạn dành thời giờ, tiền bạc chia sẻ cho ai đó cần – như một hành vi rao giảng Tin Mừng cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ở lại với con và ban cho con bình an của Chúa. Amen.


 

13/04/12 THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS Ga 21,1-14

VIỆC TO KHÔNG BỎ, VIỆC NHỎ KHÔNG QUÊN “Này các chú, không có gì ăn ư?” (Ga 21,5)
Suy niệm: Chúa Giêsu hiện đến với họ với dáng dấp thật đơn sơ: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các môn đệ chưa từng quen với tình huống mới mẻ này; bởi vì gặp một con người đã chết nay hiện đến hoàn toàn như một người đang sống là một việc từ xưa đến nay chưa từng có. Thế nhưng qua lời nói mà họ đã từng nghe: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền,” và trước kết quả là “lưới đầy cá,” các môn đệ nhận ra đúng là Ngài: con người mà họ đã gặp bên Biển Hồ Tibêria, đã chung sống suốt ba năm qua mà họ tưởng là đã chết với con người này chỉ là một, vẫn gần gũi, thân mật quan tâm chu đáo như thuở ban đầu. Thật là một Thiên Chúa mà việc lớn không bỏ, việc nhỏ không quên! Điều đáng nói nữa là người mau mắn nhận ra điều đó chính là “người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến”.
Mời Bạn: Đức Kitô Phục Sinh luôn có mặt trong đời bạn: trong bữa cơm thanh đạm của gia đình bạn. Ngài hiện diện nơi sở làm, trên nương rẫy, trong lớp học,… và nơi mọi sinh hoạt thầm lặng không tên của bạn. Để nhận ra sự hiện diện ẩn mình của Ngài, chỉ cần bạn có con mắt đức tin và tình yêu.
Sống Lời Chúa: Với một lời nguyện tắt bạn dâng Chúa công việc mình sắp làm để nhắc mình nhớ Ngài vẫn luôn có mặt và cùng làm với bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xưa kia khi các môn đệ đang chìm trong tuyệt vọng thì Chúa đã đến bên họ ân cần quan tâm đến cả những nhu cầu trong đời sống thường ngày của họ. Xin cho con luôn xác tín rằng trong mọi sinh hoạt cuộc sống đời thường của con, Chúa chẳng bao giờ lìa xa con.


 

14/04/12 THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS Mc 16,9-15

CHIA SẺ TIN MỪNG PHỤC SINH

Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người chỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,14-15)
Suy niệm: Những người được diễm phúc thấy Đức Giêsu phục sinh thuộc ba nhóm khác nhau: Maria Mácđala và các phụ nữ theo Chúa, hai môn đệ thuộc nhóm 72 môn đệ và nhóm 12 tông đồ.
Nhưng họ cũng có một điểm chung: tất cả đã theo Chúa, đã ở với Ngài, đã nghe lời Ngài giảng, thấy các việc kỳ diệu Ngài làm, đặt nhiều hy vọng nơi Ngài cũng như đã từng thất vọng trước cái chết của Ngài. Chúa Kitô phục sinh hiện đến để cho họ thấy Đấng phục sinh hôm nay cũng chính là vị Thầy của họ hôm qua, Ngài không phải là một Đức Kitô khác, nhưng là một Đức Kitô đã đổi khác.
Mời Bạn: Hãy nhớ lời căn dặn của Đức Kitô phục sinh: rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bạn hãy làm như những người được gặp Đức Kitô phục sinh: loan đi, kể lại cho người khác niềm vui này, như chị Maria Mácđala, như hai môn đệ Emmau … Niềm vui phục sinh không thể là niềm vui riêng của bạn.
Sống Lời Chúa: Bạn sẵn sàng chia sẻ một đồ dùng, một món tiền với người đang gặp cảnh khó khăn, chia sẻ một niềm vui với một người đang ưu sầu. Tiếp đến bạn sẽ có thể chia sẻ niềm vui được có Chúa Phục sinh trong đời bạn với những ai thành tâm thiện chí.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Kitô phục sinh, xin cho con hiểu rằng chúng con không được ích kỷ giữ Tin Mừng Phục sinh riêng cho mình, nhưng phải loan báo, chia sẻ niềm vui ấy cho người chung quanh.


 

15/04/12 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – B Kính Lòng Chúa Thương Xót Ga 20,19-31

VÌ TIN NÊN THẤY Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,28-29)
Suy niệm: Ta hay nói: cứng lòng tin như Tôma. Thật là oan cho ông Tôma! Bởi vì các tông đồ khác cũng chẳng hơn gì: Các ông cũng được xem tay và cạnh sườn Chúa (x. Ga 20,20) mà có ông còn sợ tưởng mình thấy ma (x. Lc 24,37). Trái lại, phải cám ơn Tôma, vì nhờ ông mà ta hiểu rằng tin vào Đức Kitô phục sinh không phải là điều dễ dàng chút nào. Ít ra cũng có người tỉnh táo như ông: đòi mắt phải thấy, tay phải đụng chạm vào các lỗ đinh của Đức Giêsu thì mới chịu tin. Nhờ đó, ta thấy niềm tin vào sự kiện Chúa phục sinh là có cơ sở, đáng tin cậy bởi vì chính cá nhân ông đã kiểm chứng. Thế mà niềm tin của ta lại dựa vào những chứng nhân như ông.
Mời Bạn củng cố niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, niềm tin quan trọng nhất của cuộc đời người Kitô hữu. Tôma đòi thấy mới tin, còn bạn, vì tin nên thấy: vì tin Đức Giêsu phục sinh nên thấy Người đang sống giữa nhân loại, đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, đang hiện thân nơi những người anh em, chị em chung quanh.
Sống Lời Chúa: 1. Ý thức Chúa Kitô phục sinh đang sống với tôi, đang yêu mến nhìn tôi và giúp tôi sống Tin mừng Phục sinh trong đời thường của mình. 2. Mỗi ngày làm một nghĩa cử bác ái như một hành động loan báo Tin Mừng Phục sinh cho một người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nói với chúng con: “Phúc thay những ai không thấy mà tin”. Xin cho chúng con tin, dù không thấy Chúa, và vì tin, nên nhìn thấy Chúa đang hiện diện, đang thi ân giáng phúc cho chúng con. Amen.

Nguồn: http://giaophanvinh.net

Read 1714 times Last modified on Thứ bảy, 31 Tháng 3 2012 22:57