Bài Giảng Trong Thánh Lễ Khai Mạc Năm Đức Tin
Posted by Ban Biên TậpNói đến “người dọn đường” chúng ta nhớ đến thánh Gioan Tiền Hô với sứ mệnh được diễn tả trong sách Is: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40. 3-5). Nhiệm vụ của người dọn đường là chuẩn bị con đường cho ngay thẳng để Chúa bước đi, và chuẩn bị tâm hồn con người có đủ điều kiện đón nhận Chúa Giêsu, nhờ đó, mọi người sẽ thấy được ơn cứu độ được biểu lộ nơi những người đón nhận như thế nào. Vấn đề mà những người môn đệ của Chúa cần lưu ý là dọn đường bằng phương pháp nào và dùng ngôn ngữ như thế nào?
Thánh Gioan Tiền Hô đã dọn đường cho Chúa bằng cách mời gọi dân chúng đón nhận Chúa Giêsu: “Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3, l6). Thánh Gioan dùng lời uy quyền của mình để dạy dỗ, răn bảo dân chúng, khi họ tuốn đến xin ông làm phép rửa: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối... Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào” (3,7-9).
Chúng ta thấy trong lời giảng dạy, Thánh Gioan dùng những lời lẽ rất nghiêm khắc, có tính cách đe doạ như “nòi rắn độc kia” và ngài trình bày Thiên Chúa như một vị thẩm phán công thẳng chỉ nhắm đến sự thống hối và những kết quả tích cực; còn nếu ngược lại thì sẽ bị loại trừ. Khuôn mặt của Thiên Chúa nhân từ, yêu thương tất cả những con người tội lỗi, yếu đuối... vắng bóng trong lời giảng dạy của thánh Gioan Tiền Hô.
Trong Lời Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi dọn đường, Người nhấn mạnh đến sự bình an mà những người sống bên Chúa có thể đem lại cho người khác: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này”. Cho dù người ta có đón nhận hay từ chối, thì sứ điệp được công bố vẫn là “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần anh em”. Những người đi dọn đường cho Chúa Giêsu nói “Triều đại Thiên Chúa sắp đến”, có nghĩa là vương quốc Thiên Chúa đang bắt đầu với sự hiện diện của Chúa Giêsu. Sự bình an chính là hoa trái của Thánh Thần ban cho những người biết lắng nghe và sống theo Lời của Chúa Giêsu. Làm thế nào có thể chia sẻ sự bình an, nếu người môn đệ không biết lắng nghe những nỗi thao thức, âu lo của những con người tiếp đón họ?
Trong hiến chế “Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay” của Công đồng Vaticanô II đã viết: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”. Chính trong thao thức đem sự bình an của Chúa đến cho con người trong mọi thời đại, mà Giáo Hội không ngừng tìm hiểu những nhu cầu thực sự của con người và tái khám phá sự phong phú của nội dung đức tin, hầu có thể trình bày về Đức Kitô cách hữu hiệu cho nỗi khát khao của con người.
Vào những năm chuẩn bị đón mừng ngàn năm thứ III. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thường đề cập đến “Tân phúc âm hoá”. Ngài mời gọi Giáo Hội suy tư để tìm ra cách thế làm mới lại việc rao giảng Tin Mừng. Cái “mới” ở đây không phải về nội dung đức tin, nhưng là mới về lòng nhiệt tình rao giảng, mới về phương pháp và mới trong lối diễn tả. Trong một thế giới đang có nhiều thay đổi tận gốc rễ, con người cân có những điểm tựa chắc chắn để tiếp tục sống niềm tin của mình. Thay đổi phương pháp rao giảng, với ngôn từ thích hợp với trình độ, tâm thức của người nghe, và bằng nhiệt tình mới mẻ, công việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay mới có thể gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Đó là lý do mà Đức Thánh Cha Bê-nê-dic-tô đang cùng với Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới họp tại Rôma đểâ tìm ra những phương thức cụ thể cho việc sống và loan báo Tin Mừng.
Trong thư mục vụ Năm Đức Tin, tôi có viết: “Tái khám phá hành trình Đức tin” sẽ giúp cho mọi thành phần trong Giáo Hội có dịp nhìn lại con đường Chúa dẫn dẫn Người bước đi, xuyên qua những thăng trầm trong lịch sử giữa bóng tối và ánh sáng, giữa ân sủng và yếu đuối, để luôn trung thành với đức tin đã được truyền lại từ các thánh Tông Đồ. Nhờ việc đào sâu đức tin trong bối cảnh xã hội hôm nay, người Kitô sẽ nhận thấy cần phải canh tân đức tin của mình một cách sống động và có nền tảng hơn, dựa vào Lời Chúa và Truyền thống của Giáo Hội. Đức Thánh Cha mời gọi: “Tái khám phá nội dung đức tin được tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện, và suy tư về chính hành động đức tin, đó là một sự quyết tâm mà mỗi tín hữu phải biến thành của mình, nhất là trong Năm Đức Tin này. (1)
Trong thư của HĐGMVN gởi cho toàn thể dân Chúa trong năm Đức Tin có viết: “Cách riêng, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, Đức Tin của người Công giáo cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái. Đức Tin và Đức mến cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau: “Chính đức tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống”. (2) Được Lời Chúa soi sáng và tình yêu Chúa thấm nhập trong suy nghĩ cũng như hành động, chúng ta sẽ trở nên những chứng tá đáng tin trong xã hội ngày nay”.
Anh chị em thân mến,
Giáo Phận chúng ta hân hoan bước vào Năm Đức Tin. Chúng ta hiểu được giá trị của niềm vui được biết Chúa Giêsu, được sống với Người và được ơn Người cứu độ. Chúng ta cũng ý thức rằng niềm vui được biết Chúa cần phải được chia sẻ với mọi người sống chúng quanh chúng ta.
Để có thể chia sẻ niềm vui này, trước hết, chúng ta cần sống đức tin một cách mạnh mẽ, bằng cách học hỏi, đào sâu đức tin, và biểu hiện đời sống đức tin của mình qua những việc làm cụ thể. Thái độ sống đức tin cách tích cực sẽ giúp chúng ta trở nên những người dọn đường cho Chúa Giêsu đến với mọi người. Giống như tiên tri Isaia, thánh Gioan Tiền Hô, các thánh Tông Đồ, chúng ta cũng phải tìm ra những phương pháp, những ngôn ngữ thích hợp để trình bày Chúa Giêsu cho anh chị em đang sống quanh chúng ta.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em và giúp cho mỗi người bước vào Năm Đức Tin với lòng nhiệt thành hăng say mới mẻ.
Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Gm. GP. BMT
Ghi chú:
1. Cửa Đức Tin, số 9
2. Cửa Đức Tin, số 14