Nhiều năm trước, khi mới là chú Tập Sinh, khá bỡ ngỡ với cái chuyện mừng ngày 25 hàng tháng. Sau này mới hiểu và mới thấm tại sao mừng cái ngày 25 hàng tháng.
Chuyện là Cha Thánh Anphongsô luôn luôn chiêm ngắm Chúa Giêsu Hài Đồng và Thánh Giá trong suốt cả cuộc đời của Ngài để rồi những ai bước theo chân Cha Thánh Anphongsô đều được mời gọi chiêm ngắm như thế. Tâm tình mà Cha Thánh Anphongsô mời gọi tu sĩ dòng Ngài đó chính là khiêm hạ.
Nghe đâu những năm tháng trước "ngày ấy", hàng tuần các Tập Sinh còn phải đánh tội cũng như làm những chuyện hay nói những câu chân nhận mình là kẻ chả là gì. Có lẽ với những hình thức như vậy luôn nhắc nhớ con đường đi của học trò Thánh Anphongsô đi cũng chính là con đường thập giá.
Quả thế, ngày 25 hàng tháng, khi chiêm ngắm Hài Đồng Giêsu, chúng tôi được dạy, được học và được sống mầu nhiệm khiêm hạ như trẻ bé Hài Nhi. Và, điều mà ai ai cũng biết là trẻ thơ thì chả có gì để mà bám víu, chả có gì mà tự cao tự đại cả. Tất cả cuộc đời của bé đều tín thác vào vòng tay yêu thương của Cha Mẹ. Đứa trẻ nào cũng như đứa trẻ ấy, ngang qua Hài Nhi Giêsu, ta thấy đều đưa đôi tay ra để tín thác.
Tiếp đến, tập sinh được mời gọi nhìn lên Thập Giá để chiêm ngắm tình yêu tự hiến, tình yêu tự hủy. Kèm theo đó chính là hình ảnh của Thầy Giêsu quỳ xuống để rửa chân cho các môn đệ.
Một người là Chủ, là Thầy chắc có lẽ không bao giờ làm việc đó. Đơn giản là việc rửa chân là việc dành cho đầy tớ, cho những người giúp việc. Qua hình ảnh Thầy Giêsu, ta học được bài học khiêm hạ đến tận cùng.
Cả đời Thầy Giêsu, ta bắt gặp bài học sâu lắng nhất mà Thầy gửi cho đồ đệ chính là khiêm hạ. Đơn giản vì là con người chìm trong tội lụy là do con người kiêu ngạo. Từ thuở khai thiên lập địa, con người đã kiêu ngạo và cho đến ngày hôm nay vẫn kiêu ngạo.
Nói chuyện với một nữ tu, nữ tu ấy rất thật : "Cha ơi ! Dù biết là mình chẳng là gì nhưng con vẫn hay kiêu ngạo. Con vẫn nghĩ rằng mình làm được việc này việc và con nghĩ con hay hơn người khác". Xem ra tâm tình ấy rất bình thường và đơn sơ chứ chả có gì là xấu cả. Đơn giản vì là con người mà. Khó có thể nói được rằng không có sự kiêu ngạo trong mình.
Thế nhưng rồi, trong sâu lắng của cuộc đời, ta nhìn nhận rằng cuộc đời của ta từ đâu mà có và ta có mang theo gì vào trong cuộc đời này không ? Đơn giản nhất là ngay cái mạng sống của ta, Thiên Chúa cũng trao ban cho ta như quà tặng từ cung lòng của Cha Mẹ. Ta có mặt trên đời này là do tình yêu của Cha Mẹ và hơn cả là hồng ân của Thiên Chúa. Giản đơn nhất là ngay không khí ta thở hàng ngày có phải là của ta hay không ? Chúa chỉ cần lấy đi sinh khí, lấy đi hơi thở thì ta còn gì đó để mà kiêu ngạo.
Nhìn vào hình ảnh, hành động của Chúa Giêsu khi Chúa cúi xuống rửa châ môn đệ phải chăng là hình ảnh mà ta phải sống, phải hành động như Chúa từng ngày trong cuộc đời của chúng ta. Thật khó nhưng nếu ta cố gắng và nhờ ơn Chúa thì ta vẫn làm được như một số vị chứng nhân trong cuộc đời đã làm. Chuyện quan trọng là ta có làm hay không mà thôi.
Thực tế, khi ta thấy trong cộng đoàn hay trong gia đình, Chúa rất công bằng và Chúa chả để ai hơn ai và ai thua ai. Mỗi người mỗi khả năng và mỗi người một việc : "Xay lúa thì khỏi bồng em". Đơn giản là vậy nhưng đôi khi vì con người ích kỷ, hơn thua, toan tính để rồi luôn luôn so đo tính toán mà bi đát nhất là tính toán ngay trong nhà mình, ngay trong cộng đoàn của ta.
Những gì ta đang có và để ta được sống hàng ngày, phải chăng một mình ta là có tất cả. Nếu như không có người nông phu, người quét rác, người dọn đường, người công nhân liệu rằng ta sống được hay không ? Thế nhưng nhiều lần nhiều lúc ta tự cao tự đại và tự cho mình là nhất.
Trong đời thường, khi và chỉ khi ta phục vụ trong khiêm hạ thì ta cảm thấy bình an và hạnh phúc. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai ?
Trong buổi chiều tối Tiệc Ly - Tiệc Tình Yêu, sau khi tham dự Thánh Lễ qua phương tiện truyền thông, mỗi người chúng ta được mời gọi chiêm ngắm tình yêu khiêm hạ của Thầy Chí Thánh Giêsu. "Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em ... anh em hãy rửa chân cho nhau".
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta luôn luôn mặc lấy tâm tình khiêm hạ và nhất là tâm tình phục vụ.
Kẻ làm chồng hãy phục vụ vợ.
Người làm vợ hãy phục vụ chồng.
Con cái hãy phục vụ Cha Mẹ như những ngày còn nhỏ Cha Mẹ đã bồng ẵm nâng niu.
Anh chị em hãy phục vụ nhau như Chúa đã phục vụ ta.
Phục vụ là quên mình, phục vụ là cho không ... để sau khi phục vụ với tâm tình khiêm hạ, ta trở thành người môn đệ Chúa yêu.
Người Giồng Trôm