Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi.
Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương ...
Đó là những tâm tình mà nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm trải lòng tâm sự.
Vâng ! Cũng dễ hiểu chứ chẳng có gì khó. Rất thực tế, khi mình yêu ai mình thường hay gọi tên người đó. Đơn giản là người đó có thể không là gì với thế giới, với đám đông nhưng người đó vô cùng ý nghĩa với người yêu để rồi người yêu nhớ và gọi tên. Vậy thôi !
Trong trình thuật Phục Sinh, ta bắt gặp khung cảnh cực đẹp khi Thầy hiện ra với bà Maria Mađalêna. Cùng với 2 thiên thần, Chúa Giêsu xuất hiện như kiểu cách của người làm vườn. Và hẳn nhiên bà Maria không thể nào nhận ra Thầy. Cũng đúng vì làm sao bà tin được Thầy sống lại từ cõi chết vì từ xưa đến giờ bà chưa nghe ai sống lại sau khi đã vào trong mồ cả. Tảng đá lấp mồ thì to và nặng để rồi 1 người không bao giờ lăn ra được.
Từ từ ta cứ chiếu chậm lại cảnh Thầy trò gặp nhau. Thật sự vì ngỡ là người làm vườn nên bà còn đứng trước huyệt mộ chứ nếu là Thầy chắc có lẽ bà chạy mất dép.
Thánh Gioan nói rất rõ khi bà ngỡ Thầy là người làm vườn nên rất chân thành: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”
Thương thế thôi chứ còn đòi gì nữa và khởi đi từ lòng thương mến xuất phát tự con tim của bà. Thương nhớ nên nếu ai đem xác đi thì tôi sẽ đem xác Thầy về mà ! Thế nhưng mà ngay bà suy nghĩ đó, bà lại nghe tiếng gọi rất thân thương : "Maria !" Chắc có lẽ giọng quen thuộc và với cung rất trìu mến nên khi đó chắc chắc không còn là người làm vườn nữa mà là Thầy của mình thôi, không ai ngoài Thầy nữa, cái giọng nghe quen lắm để rồi "Rapbuni".
Từ tiếng gọi, qua tiếng gọi và với tiếng gọi, Maria nhận ra Thầy và dĩ nhiên Thầy đã nhận ra Maria từ trước. Chúa yêu bà lắm nên rồi gọi thôi ! Phải nói cực đẹp với khung cảnh của gọi tên với giọng rất quen.
Ai nào đó hơn một lần cảm nghiệm được lâu lắm rồi hay đi xa lắm rồi mà được nghe giọng của người quen mà người quen gọi chính tên mình thì hạnh phúc vô cùng.
Và, nhìn lại cuộc đời của ta, ta cũng như Maria, ta cũng được Chúa yêu thương chọn và gọi ta từ khi ta chưa lọt lòng Mẹ. Thế nhưng rồi, điều đáng tiếc xảy đến với đời ta là ta không tìm kiếm Thầy như Maria tìm kiếm, ta không thương Thầy như Maria đã thương. Nhiều lần nhiều lúc ta vì quá ồn ào náo nhiệt để không còn đủ thinh lặng, không còn đủ yêu thương để nghe tiếng của Chúa nữa.
Rất tự nhiên trong đời thường, khi ta yêu, ta thương, ta nhớ ai đó ta thường hay gọi tên người đó.
Ai trong chúng ta cũng hơn một lần cảm nhận được : "Anh ... ơi ! Em ... ơi !"
Hỏi ra có gì không thì bên kia nói : "Ờ ! Nhớ thì gọi chứ có gì đâu nè!" Đúng là "vô duyên" thật ! Nhớ cái đi gọi tên người ta !
Và ta, ngược lại, khi ta nhớ, ta yêu ai đó ta cũng hay gọi tên người đó. Xem ra là điều tự nhiên và dễ hiểu.
Chúa thì Chúa vẫn yêu thương ta và Chúa gọi tên ta hằng ngày, Chúa yêu thương ta từng phút từng giây trong cuộc đời. Chúa yêu ta từ khi ta mới hoài thai trong dạ mẹ. Và rồi nếu như ta yêu Chúa thật lòng như Maria thì ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra tiếng của Thầy :
Gọi người yêu dấu muôn đời.
Nghẹn ngào không nói thành lời.
Tình yêu xưa ngày tháng phai phôi biết bao giờ nguôi...
Vâng ! Tình yêu thương mà Chúa dành cho ta mãi mãi không bao giờ nguôi. Có chăng ta quay lưng ngoảnh mặt đi khi tình yêu Thầy luôn tuôn đổ tràn ngập trên đời ta.
Trong tâm tình lắng đọng của mùa Phục Sinh đặc biệt này, ta hãy xin Chúa cho ta tĩnh lặng đủ để cảm nhận tình yêu của Chúa dành cho ta và ta như Maria lắng nghe tiếng gọi ấy.
Điều quan trọng nhất mà Maria đã làm sau khi gặp và được gọi tên đó là lên đường loan Tin Mừng Phục Sinh. Phần ta, ta cũng hãy lên đường loan tin vui Chúa đã phục sinh cho người đồng loại.
Người Giồng Trôm