Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 22 Tháng 4 2020 09:09

Ai nợ ai" và ai giúp ai?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  AI NỢ AI? VÀ AI GIÚP AI?

Những ngày qua giữa cơn khủng hoảng của đại dịch Covid-19 làm cho nhiều người điêu đứng về tài chánh, đảo lộn cuộc sống, cảm thấy sợ hãi trước căn bệnh, nhiều người đã nghèo thì nay nghèo hơn và rơi vào tình cảnh bữa đói bữa no. Bên cạnh cuộc sống bi đát ấy, thế giới người Việt lại một lần nữa chứng minh tinh thần "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm là nát...", "máu chảy ruột mềm", v.v. bằng những hành động cụ thể như chia sẻ tiền bạc giúp người nghèo, sáng kiến thiết lập những cây "ATM Gạo" khắp nơi, ra khỏi nhà đi đến những nơi gặp những người đang sống trong đói khổ để giúp đỡ, v.v.. Tuy nhiên, có những bất cập trong chuyện giúp người nghèo, trong việc chọn lựa đối tượng nghèo, trong suy nghĩ phản biện về việc thực thi bác ái, v.v.. Vì lẽ đó, người viết cũng muốn chia sẻ đôi dòng suy tư về những sự việc trên.

Theo kinh nghiệm sống và làm việc của người viết, các việc bác ái thường khá nhạy cảm và người làm việc này dễ bị tổn thương dù biết đó là việc tốt và nên làm ở mọi nơi mọi lúc vì Chúa dạy thế: "Hãy yêu như Thầy đã yêu" (Ga 13:34). Cũng không loại trừ trường hợp là có những kẻ lợi dụng việc này để trục lợi.

Nhạy cảm ở đây chính là "túi tiền". Việc gì mà đụng đến túi tiền cũng đều nhạy cảm và tế nhị, bởi vì "đồng tiền liền với khúc ruột". Người bỏ tiền ra giúp người nghèo thì có quyền được biết đồng tiền đó đã đi về đâu và dùng như thế nào. Tuy nhiên, không vì thế mà đòi hỏi quá đáng hoặc có tâm ý muốn phô trương (show-up). Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ rằng: "Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm!" (Mt 6:3) Chúa Giêsu khuyên con người hãy làm việc thiện cách kín đáo vì Chúa Cha thấu biết và trả lẽ công bằng cho những ai thực thi bác ái, thậm chí Người còn "đong đấu đủ lượng đã dằn đã lắc và đầy tràn" (Lc 6:38) mà ban cho những ai có lòng thương người. Bên cạnh đó, nếu có làm gì thì con người cũng chỉ cộng tác với Chúa để thực thi kế hoạch yêu thương của Người mà thôi (x. Lc 17:7-10)!

Tổn thương ở chỗ người thực thi bác ái bị cho là làm chuyện "bao đồng", làm chuyện mờ ám, bị hiểu lầm ăn bớt và muốn thể hiện mình, v.v.. Nếu thực thi bác ái không khéo, người nhận cũng bị tổn thương, bị khinh thường, bị nghi ngờ... Cho nên, người Việt thường nói "của cho không bằng cách cho", hoặc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Thực tế, người thực thi bác ái là người có tấm lòng yêu thương rộng lớn, là người sống Lời Chúa bằng hành động cụ thể, là người biết liên đới với người nghèo khổ và với những số phận hẩm hiu, là người cảm nhận sâu sa lòng thương xót Chúa đã dành cho họ để rồi họ sẵn sàng san sẻ lòng thương xót ấy lại cho người khác. Hơn thế nữa, dù có đức tin hay không, mọi người đều biết rằng "không ai là hòn đảo", con người hiện hữu trong tương quan, "người nghèo nuôi người giàu", người giàu giúp người nghèo. Vì thế, mọi người cùng sống, làm việc và tương tác với nhau trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Trong cuộc sống dấn thân phục vụ sứ mạng Chúa, người viết vẫn gặp thấy những con người không thích "mang nợ người khác", không thích "ôm thêm việc", không muốn bận tâm tới những lời cầu cứu của ai, cũng chẳng quan tâm tới những sự kiện biến cố diễn ra trong xã hội và cộng đồng. Họ chỉ thích an phận, thích làm công việc của riêng mình cho tốt, chỉ quan tâm đến bản thân, gia đình và những ai đã và đang giúp đỡ họ. Đó là điều nghịch lý. Không ai là hòn đảo. "Tôi không cần ai giúp tôi và tôi cũng chẳng nợ ai", có thật không? Để từ chối và không muốn bận tâm tới nhu cầu của người khác, họ chỉ cần trả lời: "Tôi không biết làm việc này. Tôi không quen làm việc đó!" Vâng, chẳng ai quen việc gì cả nếu không bắt tay và xoắn tay áo tập làm, vì "trăm hay không bằng tay quen". Chẳng ai muốn mắc nợ người nào, chẳng ai muốn ôm việc hoặc gánh thêm việc, chẳng ai muốn bận tâm tới ai hoặc tới việc gì. Ai cũng muốn mình nhàn hạ, hưởng an bình thư thái, v.v.. Thế nhưng, đâu là hy sinh, đâu là yêu thương, đâu là thực thi Lời Chúa, đâu là sống tinh thần đại đồng, đâu là ý nghĩa của danh xưng "Kitô hữu", đâu là ý nghĩa của đời sống "dấn thân phục vụ"? Chúa Giêsu nói: "Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy" (Mt 25:45). Vì thế, khi người Kitô hữu làm việc tốt là đang thực thi Lời Chúa cách sống động, khi giúp người nghèo khổ là đang giúp Chúa và đang cộng tác với Chúa để cứu lấy bản thân mình, khi gánh thêm việc là đang phụ Chúa vác thập giá để cùng chia sẻ vinh quang với Người.

Người viết thường hay chia sẻ với bạn bè rằng chẳng ai có quyền bố thí cho ai, vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng có quyền bố thí vì mọi sự trên đời này là của Người. Vì thế, nên hiểu hạn từ "bố thí" trong Tin Mừng Mátthêu chương 6 là "thực thi bác ái". Người giàu có là người được Chúa giao cho tài sản để quản lý, để san sẻ, để làm công cụ phục vụ Chúa cách khôn ngoan và sinh lời cho bản thân. Thế thôi. Vâng, con người chẳng ai nợ ai, chỉ nợ Chúa mà thôi. Con người có giúp đỡ ai thì chính là đang phụng sự Chúa đó thôi: "Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước" (Mt 25:35).

Tóm lại, càng dấn thân phục vụ thì càng cảm nghiệm sâu xa Chúa là ai và như thế nào, càng kinh nghiệm Chúa cách thiết thực, càng cảm nhận sâu xa sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống hàng ngày, càng thấy Chúa thương xót mình và yêu thương mình rất nhiều, càng phải đối diện với những lời dị nghị, gièm pha, hiểu lầm và bị "ném đá" cách oan khiên như hình ảnh thánh Stêphanô hiên ngang làm chứng cho Chúa và bị dân chúng ném đá đến chết, càng trở nên giống Chúa hơn, càng sống hạnh phúc và bình an hơn, càng dễ dàng cảm nếm niềm vui thiên đàng ngay tại trần thế này, càng sống có ý nghĩa hơn và có ân nghĩa với Thiên Chúa và loài người hơn. Nếu ai cũng không muốn mắc nợ ai, không muốn giúp ai, thì lúc đó trái đất này sẽ có hàng tỷ hòn đảo vắng bóng người. Chúa Giêsu chẳng mắc nợ con người, nhưng Ngài đã tự nguyện ôm lấy cục nợ của con người, sẵn sàng dùng cả tính mạng để trả hết cục nợ ấy.

--
"How beautiful are the feet of the messenger of Good News!" (Rom 10:15)

Lm Giuse CDB

Read 643 times Last modified on Thứ năm, 23 Tháng 4 2020 14:47