Suối nguồn hạnh phúc, niềm vui và sự thánh thiện
Posted by Ban Biên Tập
“Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thánh Vịnh đáp ca hôm nay nói đến sự toàn tri, toàn trí và toàn trị của Thiên Chúa, Đấng xót thương, từ nhân, cũng là Đấng mời gọi chúng ta bước theo chính lộ ngàn đời của Người, “Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời”. Chính lộ của Người là nhân từ, là xót thương; ai sống làm sao, Người trả cho như vậy. Đó cũng là chìa khoá để chúng ta hiểu được nội dung của phụng vụ Lời Chúa hôm nay.
Trong bài đọc thứ nhất, Thánh Phaolô nói, Thiên Chúa sẽ nhận biết ai sống yêu thương, ai kính mến Người, “Ai yêu mến Thiên Chúa, kẻ ấy được Thiên Chúa nhận biết”. Thiên Chúa biết rõ lòng dạ con người; chúng ta thương ai, ghét ai, thù hiềm ai… Người biết cả. Thánh Vịnh 138 hôm nay cho thấy điều đó, “Lạy Chúa, Chúa đã thăm dò và đã biết con; Ngài biết con lúc con ngồi, khi con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con từ đàng xa. Con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết; Ngài để ý tới mọi đường lối của con. Chính Ngài đã nặn ra thận tạng con, đã dệt ra con trong lòng thân mẫu”. Người biết sự giằng co giữa thánh thiện và sự dữ nơi mỗi người; lời đáp ca hôm nay là một lời cầu xin cho được nên giống Thiên Chúa thiết thực nhất, “Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời”.
Thiên Chúa toàn tri, toàn trí, toàn trị đó muốn chúng ta nên giống Người, yêu thương anh em như Người yêu thương họ; yêu cả kẻ thù như Chúa Giêsu yêu thương, “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình”. Với những lời này, Chúa Giêsu đòi hỏi một sự triệt để; bởi lẽ, ơn gọi của chúng ta là làm như Thiên Chúa làm. Chính Thiên Chúa đang thấy sự giằng co nơi mỗi người, ở đó vừa có đất, vừa có hơi thở linh thánh; vừa vật chất, vừa huyền nhiệm; vừa nặng nề, vừa cao cả. Vì thế, giữa những bách hại hay ác tâm của người khác, chúng ta tổn thương; vết thương này có thể dẫn đến giận dữ, trả đũa, thậm chí trả thù; thế nhưng, nếu đầu hàng trước những cám dỗ ấy, chúng bỗng dưng trở thành chính điều gây thương tích cho chúng ta; vì thù ghét chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
Thật là ngây thơ nếu chúng ta phủ nhận sự giằng co nội tâm này; trái lại, thành thật nhìn nhận nó và coi đây là một cơ hội nên thánh, thì với ơn Chúa, chúng ta ôm lấy nó bất chấp những đớn đau và giận dữ vốn có thể xảy ra. Thiên Chúa thấy điều đó và chúng ta càng công nghiệp trước mặt Người. Sự giằng co nội tâm này tiết lộ rằng, Thiên Chúa muốn chúng ta nhiều hơn là việc chỉ đơn giản sống một cuộc sống dựa trên cảm xúc. Tức giận hay bị tổn thương không phải là điều thú vị; thực tế, nó có thể là nguyên nhân của nhiều khốn khổ. Thế nhưng, nó không nhất thiết phải như vậy. Khi xác tín, Thiên Chúa thấy, Thiên Chúa biết, Người đang bổ sức, chúng ta sẽ làm theo điều Chúa dạy, và đây là con đường thoát khỏi khốn cùng; nếu đầu hàng, không vượt qua nổi và trở nên thù oán, chúng ta chỉ việc làm cho vết thương hoang hoác hơn, ung thối hơn và sâu hơn. Khi yêu thương, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù, chúng ta khám phá ra rằng, tình yêu thật mạnh mẽ, một tình yêu vượt xa mọi cảm xúc; một tình yêu đích thực được thanh luyện, được tặng không như một quà tặng từ Thiên Chúa, Đấng sẽ trả lại những đấu đã dằn đã lắc. Đó là chóp đỉnh của đức ái, một tình yêu ở cấp độ cao nhất vốn mang đến cho chúng ta vô vàn niềm vui. Bấy giờ, những giằng co sẽ trở thành nguồn suối của sự thánh thiện và hạnh phúc nơi những ai để cho Thiên Chúa lôi mình vào chính lộ ngàn đời, biến đổi những khổ đau của họ trở thành những khí cụ yêu thương, yêu thương cả những người làm hại mình.
Không ai đau khổ bằng Chúa Giêsu, “Thập giá Ngài gom lại tất cả khổ đau trên thế giới”. Ngài từng thốt lên, “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén này khỏi con”, nhưng Ngài đã chiến thắng; trong hơi thở cuối cùng, Ngài thì thào, “Xin Cha tha cho họ”. Nếu chúng ta lấy Chúa Giêsu làm thước đo, chuẩn mực cho mình, chúng ta cũng trở nên suối nguồn cứu độ như Ngài và đem hạnh phúc cho tha nhân; nhưng đừng quên, trước đó, chúng ta đã được hưởng nếm thiên đàng, là niềm vui thánh thiện này.
Trong lịch sử tội phạm Hoa Kỳ, Gary Ridgway được biết đến như một người đã giết 49 phụ nữ vào những năm 80-90s’; sau phiên toà, y thú nhận con số ấy là 71. Không lãnh án tử hình, vì đó là mặc cả của y với toà trong việc hợp tác tìm kiếm xác các nạn nhân. Tại phiên toà 05/9/2003, Ridgway ngồi đó với khuôn mặt đá, người nhà các nạn nhân nguyền rủa y, họ mong ước y sẽ có một cái chết tàn nhẫn kéo dài mãi đến ngày xuống địa ngục. Y thản nhiên nhận tội mà không hề mảy may sợ hãi hoặc hối lỗi. Thế nhưng, khuôn mặt đá ấy đã rạn nứt để hai dòng lệ sám hối chảy xuống bởi một liều thuốc đầy tình người khi cụ Robert Rule, cha của một cô gái là nạn nhân 16 tuổi, xuất hiện; cụ Rule nói, “Nhiều người ở đây thù ghét ông, tôi không thuộc trong số họ. Ông đã gây khó khăn khi tôi phải sống điều tôi tin, cũng là điều Chúa dạy, ‘Hãy tha thứ’, tôi tha thứ cho ông”. Mọi người sửng sốt nhìn khuôn mặt phúc hậu, mái tóc và bộ râu bạch kim của cụ Rule, khuôn mặt của một thiên thần.
Anh Chị em,
Thiên Chúa thấy những vết thương chúng ta đang mang. Những vết thương này có thể trở nên suối nguồn hạnh phúc, niềm vui và sự thánh thiện nếu chúng ta để cho Thiên Chúa biến đổi chúng; hãy để Thiên Chúa kéo mỗi người vào chính lộ ngàn đời của Người, chính lộ nhân từ và xót thương.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con được gọi để yêu thương. Xin giúp con biết trao cho Chúa bất cứ những xung năng giận ghét nào; xin thay vào đó những gì cao cả nhất của một lòng bác ái đích thực nhất”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)