Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 23 Tháng 12 2020 20:02

Phận người đau khổ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  PHẬN NGƯỜI ĐAU KHỔ !


Chiều cuối ngày của mùa Vọng, chúng tôi hy vọng để cử hành Thánh Lễ cũng như nghi thức tiễn biệt cho người chị em mới qua đời cũng như tin tưởng bà chị sẽ có một chỗ trong cung lòng của Thiên Chúa. Chị chỉ có một thân một mình và tá túc ở cái chòi đúng hơn là nhà hay phòng.

Được một cái, nghĩa tình quá lớn để rồi gia đình hàng xóm cho bà "tá túc" nơi trang trọng nhất của gia đình như một người thân. Láng giềng cũng thế, tình thương mến thương nên đến cầu nguyện cho Bà Maria như bày tỏ tình đồng loại.

Sáng sớm, sau Thánh Lễ, Cha xứ vừa về đến nhà chưa kịp dùng sáng thì được tin bà về với Chúa.

Chưa bao giờ đụng đến hoàn cảnh này nên Cha Xứ loay hoay mãi. Cuối cùng, Cha và những người kề cận quyết định tìm đến nơi bán áo quán với giá rẻ để lo hậu sự cho bà.

Quãng đường từ nơi bán áo quan về "nơi xa lắm" thật sự khá xa và đường xấu. Chính vì thề, "người ta" quyết định lấy luôn 3 cái. Nào ngờ khi giao đến thì không chỉ là 3 mà là 5 (kèm theo 2 cái nhỏ cho con nít).

Vì là lần đầu tiên nên còn bỡ ngỡ. 15 giờ 00 là nghi thức nhập quan và Thánh Lễ như định trước. Thế nhưng 14 g 00 thì cha con xúm lại với nhau hàn bộ ngưa. Mỗi người một tay như cỗ máy nhịp nhàng để rồi hoàn thành bộ ngựa trong vòng 45 phút.

Sau khi chuẩn bị bộ ngựa cũng như những gì cần thiết thì nhóm lên đường. May mắn là có phần bánh để mừng Đại Lễ Giáng Sinh được giao sớm nên cho luôn lên xe cho tiện.

Xe lăn bánh và chiếc xe bất đắc dĩ chở áo quan đến nơi cần đến. Mọi người dường như đã chuẩn bị sẵn sàng chờ Cha đến. Sau khi thấy Cha xuất hiện, mỗi người một tay không ai bảo ai xúm vào lo cho bà cụ.

Một nghi thức và Thánh Lễ dường như hiếm có bởi được cử hành trong một không gian không thể nào xoay chuyển. Căn nhà dường như chật quá, hẹp quá ! Có muốn xoay người dường như cũng khó chứ đừng nói xoay chiếc quan tài con.

Như bao Thánh Lễ khác, đến phần trao bình an thì từng người một tuần tự đến chào từ biệt bà Maria. Phải chăng đây là nét đẹp hiếm thấy khó tìm vì lẽ ai ai cũng bận trăm công nghìn việc.

Xong mọi sự cần thiết để lo phần cuối cho một phận người, chúng tôi ra về với lòng hân hoan phấn khởi.

Như lời Cha Sở, bà Maria như là người mở hàng cho chương trình áo quan không đồng của giáo xứ. Cha còn chọc sau Thánh Lễ với bà con là ở nhà xứ còn có đến 2 cái chờ sẵn cho những người nghèo.

Trên đường về nhà và cả đến bây giờ đang ngồi gõ phím, cuộc đời bà Maria cứ loanh quanh luẩn quẩn ở trong đầu. Sinh ra đã khổ, lớn lên cô độc và chết cô đơn lạnh lẽo.

Thế đó ! Cần phải đi ra khỏi nhà của mình, ra khỏi nơi êm ấm của mình để thấy rõ hơn về tình Chúa thương ta. Khi ta chỉ cố thủ trong bốn bức tường sang trọng và ấm cúng giữa trời giá rét hay mát lạnh của khí trời oi bức thì ta không bao giờ cảm được cái đói, cái nghèo, cái khát của những phận đời đau khổ.

Ở đời! Nhiều người xem chừng ra ăn sung mặc sướng nhưng dường như họ cảm thấy không đủ cũng như lúc nào cũng thiếu. Có lẽ phải ra đi hay đi ra khỏi nhà mình thì mới thấy được những phận đời đau khổ.

Ban đầu, cứ ngỡ căn nhà được cử hành nghi thức nhập quan và Thánh Lễ là của bà vì được nghe là bà ghèo lắm. Thế nhưng rồi hoàn toàn bỡ ngỡ khi căn nhà nghèo ấy cũng chưa phải là của bà mà là của hàng xóm. Có chăng bà chỉ ở trong một túp lều nhỏ ở phía dưới ngôi nhà ấy.

Bà Maria cả đời sống trong đau khổ, thiếu thốn và Bà cũng như bao Kitô hữu khác ước mong cũng như hy vọng có một chỗ trong nhà Chúa. Với niềm tin và hy vọng, chúng tôi - chúng ta tin rằng ở trong Thiên Quốc, bà sẽ có một chỗ nghỉ ngơi tươm tất vì lẽ chuỗi ngày dài ở trần gian bà đã quá nhiều đau khổ. Một niềm hy vọng hay đúng hơn là niềm tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ cho bà có một chỗ trong Nhà của Chúa bởi lẽ ở trần gian bà đã thiệt thòi và thiếu thốn so với mọi người quanh đó.

Người Giồng Trôm

Read 225 times