Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 19 Tháng 8 2021 13:30

Này con xin đến

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NÀY CON XIN ĐẾN

“Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài!”.

Thomas a Kempis nói, “Vâng lời tức khắc là vâng lời thật nhất; vâng lời mà trì hoãn là không vâng lời. Ai nỗ lực để rút khỏi sự vâng lời, người ấy rút ​​khỏi ân sủng của Thiên Chúa!”; Anon thì nói, “Cái giá phải trả của sự vâng lời không là gì so với cái giá phải trả của sự không vâng lời!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài!”, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay mang ý nghĩa của một sự vâng lời sâu lắng qua một trong những câu chuyện thương đau, lãng mạn nhất thời Cựu Ước; thế nhưng, lời đáp ca này lại phản ánh phần nào sự không vâng lời “xin đến” của khách được mời dự tiệc qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, câu chuyện về một trong những đám cưới buồn nhất thời Tân Ước, khi khách mời từ chối có mặt ở một bữa tiệc trọng đại của hoàng triều.

Sách Thủ Lãnh ghi lại chiến công hiển hách của Giéphtê, người được Thần Trí Chúa ngự, khi ông tiến đánh quân Ammon. Ông đã thề với Chúa, “Nếu Chúa trao con cái Ammon vào tay con, thì khi trở về bình an từ đất Ammon, hễ người nào ra khỏi nhà để đón con trước nhất, con sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu cho Chúa!”. Thương ôi! Người chào đón ông lại là trinh nữ, con gái duy nhất của ông, “Vừa thấy cô, ông xé áo mình ra!”. Cô xin cha hai tháng để cùng bạn bè nghĩa thiết than khóc cho tuổi thanh xuân ngắn ngủi của mình trên các núi đồi; và đến hẹn, cô về nhà, hiến mình làm của lễ toàn thiêu để cha cô dâng Chúa như đã hứa. Như vậy, không chỉ một mình Giéphtê, nhưng cả quý nữ của ông, đã cùng thưa lên, “Lạy Chúa, ‘này con xin đến’ để thực thi ý Ngài!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, những người được vua mời dự tiệc cưới hoàng tử lại từ chối lời mời; ở đây, xem ra có một điều gì đó trái ngược với thái độ vâng lời của ‘hai vị thánh’ thời các Thủ Lãnh. Và đây cũng là hai mức độ từ chối Phúc Âm đang ‘hiện hữu’ trong thế giới của chúng ta ngày nay. Mức độ từ chối đầu tiên là sự thờ ơ. Một thực tế là, ngày nay, nhịp sống của con người bận rộn hơn bao giờ hết; khổ nổi, con người dễ dàng bận rộn với nhiều thứ không đâu vào đâu. Nhiều người dán mắt vào điện thoại, ipad; nhiều người dành vô số thời giờ cho ‘quái vật một mắt’ có tên là tivi; những người khác trở nên tham công tiếc việc, “nghiện việc”, “workaholic”, dành phần lớn thời gian cho công này việc nọ; để rồi, dành quá ít thời giờ cho những việc quan trọng nhất, như gia đình, cầu nguyện và phục vụ. Kết quả là, người ta rất dễ trở nên thờ ơ với các vấn đề đức tin và lãng quên việc cầu nguyện mỗi ngày; nhờ đó, có thể tìm kiếm và thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, hầu có thể thưa lên với Ngài, ‘này con xin đến!’. Sự thờ ơ này là khá nghiêm trọng!

Một sự từ chối khác trong thế giới hôm nay là sự thù địch ngày càng gia tăng đối với Giáo Hội; bằng nhiều cách, thế giới tục hoá tiếp tục cổ vũ một nền văn hoá trái ngược với Tin Mừng. Và khi các Kitô hữu lên tiếng phản đối những khuynh hướng ‘văn hoá mới’ này, họ thường bị lên án, và bị coi là thành kiến ​​hoặc ra vẻ quan toà. Những khách mời trong dụ ngôn đã lộ ra ác tâm của mình, “Họ bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”. Sự thù địch đối với Giáo Hội, đức tin và các nguyên tắc luân lý dường như cũng đang gia tăng mỗi ngày. Hình thức từ chối này còn tai hại hơn nhiều so với sự thờ ơ nói trên! Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu lên tiếng đáp lại những người thờ ơ và thù địch, “Vua sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân, và thiêu huỷ thành của chúng”.

Anh Chị em,

Thiên Chúa là Cha nhân từ, giàu lòng thương xót, Ngài không bao giờ muốn chúng ta hành động một cách đau đớn và xé lòng như Giéphtê, nhưng Ngài luôn mong chờ một sự đáp trả của chúng ta với một lòng tín thác của những người con vâng lời từ những việc rất nhỏ đến không ngờ, “Này con xin đến để thực thi ý Ngài!”. Cụ thể, mỗi người trong hoàn cảnh hiện tại của những ngày bị gò bó bởi giãn cách, chúng ta biến không gian chật hẹp của ngôi nhà mình thành bàn thờ hy lễ; biến những cuộc trò chuyện nhảm nhí thành những cuộc hàn huyên với Chúa, với những người thân trong gia đình; biến thời gian nhàn rỗi thành món quà ân phúc cho nhau… Đó chính là lời đáp trả ‘này con xin đến’ xứng đáng nhất Thiên Chúa đang mong đợi nơi chúng ta trong những ngày này.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con thờ ơ với lời mời gọi của Chúa, nhưng luôn luôn đáp lại bằng cả trái tim khi con sẵn sàng thưa lên ‘này con xin đến’ bất cứ khi nào Chúa gọi”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Read 460 times Last modified on Thứ sáu, 20 Tháng 8 2021 16:43