Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 17 Tháng 10 2021 10:09

Không biết mình xin gì

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  KHÔNG BIẾT MÌNH XIN GÌ

“Các con không biết các con xin gì!”.

Ở những đất nước mà “trí tuệ” luôn đứng sau “hậu duệ” và “tiền tệ”, thì “quan hệ” đóng một vai trò quan trọng đối với những người chạy chức, chạy quyền và cả chạy việc! Ở Tàu, người ta thường nói đến “guanxi”; đọc trại một chút ra tiếng Việt, “quan hệ”, đúng với ngữ nghĩa của nó!

Kính thưa Anh Chị em,

Thật bất ngờ! Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tiết lộ việc hai tông đồ nòng cốt của Giáo Hội, Giacôbê và Gioan, đang tận dụng “guanxi” để cầu cạnh Thầy mình; và bất ngờ hơn, câu trả lời của Chúa Giêsu, “Các con không biết các con xin gì!”. ‘Không biết mình xin gì’, chủ đề chúng ta sẽ suy nghĩ!

Đến với Chúa Giêsu, Giacôbê và Gioan bất chợt ngỏ nhỏ với Thầy, “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy!”. Sở dĩ, hai người mạnh dạn đến thế, vì lẽ, họ đã nghe Chúa Giêsu nói về sự đau khổ, cái chết và sự sống mới của Ngài; và ít nhiều, họ đã công nhận Ngài là Đấng Messia, Vua Israel và thi thoảng, nghe Ngài nói đến Vương Quốc của Ngài. Tuy nhiên, thỉnh cầu của họ cho thấy họ không hiểu gì về bối cảnh ‘lên Giêrusalem’ và những gì Thầy của họ đã nói; và xem ra họ cũng không thật sự ở với Ngài bấy lâu, vì lòng trí họ để đâu đâu. Chúa Giêsu thật tỉnh táo, Ngài không dễ mắc lừa. Ngài nói, “Các con ‘không biết mình xin gì’”; đoạn Ngài trả lời cho họ bằng một câu hỏi khác, “Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu phép rửa Thầy sắp chịu không?”. Họ lấp lửng, “Thưa được!”.

Rõ ràng, Giacôbê và Gioan không hề hiểu chiến thuật mà Vua Giêsu của họ sẽ toàn thắng. Ngài sẽ trút bỏ bản thân đến tột độ, một cấp độ thấp nhất của loài người; và chỉ sau đó, Ngài mới tiến vào Vương Quốc của Cha. Đây là điều Isaia nói đến trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Thiên Chúa sẽ để cho Tôi Tớ Đau Khổ của Ngài bị nghiền nát tột cùng hầu “Có được một dòng dõi trường tồn”; “Nhờ những đau khổ đó, Ngài sẽ công chính hoá nhiều người”. Đó là con đường Giacôbê và Gioan sẽ đi, chén đắng họ sẽ uống, và phép rửa họ sẽ chịu. Tắt một lời, họ sẽ chìm đắm trong sự tự hiến hoàn toàn của Thầy mình; và lạ lùng thay, đó là những gì họ đã làm thực sự! Giacôbê sẽ là một trong những vị tử đạo sớm nhất của Giáo Hội; họ sẽ đồng hiển trị vinh quang với Thầy, nhưng sẽ cùng Thầy đi trên con đường thập giá chứ không bằng bất kỳ ‘guanxi’ hay cửa sau nào!

Tin Mừng cho biết, nghe vậy, mười môn đệ kia tỏ ra tức giận với hai anh em. Điều này cũng dễ hiểu! Đó không phải là vì họ không đồng ý nhưng vì họ cảm thấy bị lừa dối; hai người này đã lẻn đi tắt và qua mặt họ. Thái độ giận dữ của họ lại tiết lộ sự hiểu biết của họ về Chúa Giêsu cũng không tốt hơn chút nào! Vì thế, Chúa Giêsu mới tập hợp họ, nói cho họ biết quan điểm của Ngài về sự cao cả và thành công. Chỉ có một con đường dẫn đến sự vĩ đại, con đường Ngài đã đi; đường phục vụ, đường cúi xuống, đường thập giá. Nó không bao gồm việc ngồi trên ngai, được cung phụng, “Tôi đến để phục vụ chứ không để được phục vụ”. Sự vĩ đại không là những gì tôi có, hay những gì tôi nhận được từ người khác nhưng là tất cả những gì tôi có thể cho đi! Thật thâm trầm với thư Do Thái hôm nay. Trong Chúa Giêsu, chúng ta có một “Thượng Tế cao cả”. Ngài cao cả khi nào? Khi ở trong thánh điện cẩm thạch huyền hoặc, với phẩm phục dát vàng long lanh và được mọi người bái lạy? Không, Ngài là Thượng Tế vĩ đại chỉ khi trở nên linh mục và là nạn nhân trần truồng trên bàn thờ thập giá, lúc đám đông bên dưới chế nhạo và rủa nộp Ngài!

Anh Chị em,

Đừng trở thành những người ‘không biết mình xin gì!’. Hôm nay, ngày Giáo Hội Việt Nam xin ơn chữa lành mùa đại dịch. Xin Chúa cho đại dịch mau kết thúc, xin Ngài nhớ đến các linh hồn đã qua đời và những ai đang đau khổ; xin Chúa trả công cho anh chị em đã phục vụ tha nhân cách này cách khác. Xin cho con cái Chúa học được những bài học quý nhất qua trải nghiệm dịch bệnh. Chúng ta cũng cầu xin cho chính mình và cho các vị lãnh đạo đạo và đời, bớt vô tâm, để đặt mình vào hoàn cảnh người nghèo, hầu xoa dịu và chữa lành ngần nào có thể bao vết thương lòng của hàng triệu người, như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con chạy theo áo mão, chức quyền mà đánh mất chính mình. Cho con giống Chúa qua con đường thập giá, phục vụ; dám uống chén đắng Chúa trao mỗi ngày”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Read 299 times Last modified on Thứ hai, 18 Tháng 10 2021 12:16