Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 09 Tháng 1 2022 13:15

Kỷ nguyên của Ân Sủng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  KỶ NGUYÊN CỦA ÂN SỦNG

“Khi toàn dân chịu phép rửa, Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa”.

Một nhà giáo dục nói, “Không thành vấn đề nếu bạn ngã xuống một vũng bùn, miễn là bạn nhặt được một thứ gì đó giữa bùn lầy khi đứng dậy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu nói đơn sơ của nhà giáo dục nếu đem áp dụng cho việc Chúa Giêsu chịu phép rửa trong ngày lễ hôm nay, cho thấy một ý nghĩa sâu sắc đến tuyệt vời! Phải, Chúa Giêsu đã ngã xuống dòng nước và Ngài đã nhặt lên cả một nhân loại khốn cùng! Với biến cố này, Ngài mở ra một kỷ nguyên mới, ‘kỷ nguyên của ân sủng’, của các Bí tích mà Ngài cùng các tội nhân dìm mình trong đó.

Ai mà không muốn một bác sĩ trước khi giải phẫu vén áo của ông lên, để lộ vết sẹo của mình và nói với bệnh nhân, “Tôi cũng bị như vậy. Nó sẽ ổn thôi!”. Người lính nào sẽ không dũng cảm hơn, đứng cao hơn, khi nhìn thấy những bắc đẩu bội tinh lấp lánh trên ngực của người chỉ huy? Chúng ta muốn những người hùng, những nhà lãnh đạo dẫn dắt chúng ta ngang qua những trải nghiệm xương máu của họ. Họ đã có mặt ở đó, để làm được điều đó! Và chúng ta muốn Đấng Cứu Độ chúng ta cũng hãy làm vậy. Để đồng cảm, để dự phần, để liên đới với con người, Thiên Chúa đã ngã xuống dòng nước! Ngài muốn đồng hành với con người trong tất cả sự đổ vỡ, yếu đuối, dễ tổn thương vì tội lỗi của nó. Ngài đồng nhất với nó, hiệp hành với nó, ôm lấy nó để có thể cứu độ nó. Không phải vì Ngài bất toàn, nhưng chỉ vì quá yêu thương nó!

Với Phaolô, Thiên Chúa vô tội đã “trở thành” tội. Ngài hiền lành, nhu mì; Isaia trong bài đọc hôm nay nói, “Ngài không lớn tiếng”, Ngài lặng lẽ xếp hàng như bao tội nhân. Đồng nhất với tội nhưng Ngài không bao giờ phạm tội; được coi là tội nhưng không là tội nhân. Tại sao? Bởi vì trở thành người, là trở thành tội! Để có thể đi vào thực tại của con người, Ngài phải đồng nhất với tất cả những gì tội lỗi kéo theo. Vai kề vai, Ngài muốn nói với chúng ta rằng, “Đừng sợ, tôi đang đứng bên cạnh bạn!”. Chúa Giêsu không vờ trở thành người, Ngài thực sự đã trở thành một người.

Đó là lý do tại sao một Thiên Chúa vô tội lại xin phép rửa của hạng mắc tội. Ngài để sang một bên sự hoàn hảo và phẩm giá cao trọng để cúi đầu xuống một dòng sông bẩn thỉu; và rồi đây, Ngài sẽ tiếp tục đồng bàn với những con người ‘bẩn thỉu’; để cuối cùng, sẽ bị đóng đinh vì họ giữa hai tên ‘bẩn thỉu’. Thiên Chúa biết đến giá trị của sự đồng cảm; biết đến sức mạnh của sự gần gũi. Và Ngài biết, sứ vụ của Ngài dành cho các tội nhân phải bắt đầu không phải trên ngai vàng mà là trong bùn với những người khác, vốn chỉ cần họ cố gắng bắt đầu lại, bắt đầu lại nhiều lần!

Chúa Giêsu chịu phép rửa, sự viên mãn của Ba Ngôi Chí Thánh lần đầu tiên được tiết lộ còn tinh vi hơn ở biến cố Truyền Tin. Qua sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay, Phêrô nói, “Thiên Chúa dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài”. Phải, Thánh Thần, dưới hình chim câu bay lượn; tiếng nói Chúa Cha dành cho Con sự ưu ái; và Chúa Con đi vào một kết ước mới với con người, “Tôi sẽ trở nên giống bạn, để bạn có thể trở nên giống Tôi”. Tội lỗi sẽ được lấy đi nhờ nước và máu. Tôi sẽ chịu đau khổ vì lợi ích của bạn. Đây là một lời hứa! Và các linh mục của Ngài sẽ làm phép rửa, tha tội và thánh hiến cho đến khi mặt trời lặn lần cuối cùng. Chúa đến với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng mãnh liệt nhất vẫn là qua các Bí tích. Hành động của Chúa Giêsu chứng tỏ điều này; Ngài chịu phép rửa để mở ra ‘kỷ nguyên của ân sủng’, kỷ nguyên các Bí tích!

Anh Chị em,

Chúa Giêsu đã ngã xuống hàng ngũ của các tội nhân; Ngài liên đới với họ, đưa họ vào lãnh địa của Thiên Chúa, lãnh địa của ân sủng. Ngã xuống dòng nước, Ngài thánh hoá mọi dòng nước; Ngài dìm mình trong nước, để mở ra ‘kỷ nguyên của ân sủng’. Được dìm xuống với Ngài, chúng ta bước lên, để sống một đời sống mới, đời sống con cái Thiên Chúa. Cuộc đời mới ấy đã bắt đầu khi chúng ta cùng chết, mai táng và phục sinh với Ngài qua phép Rửa. Hôm nay, Ngài muốn chúng ta làm mới phép Rửa của mình mỗi ngày, qua việc thường xuyên lãnh nhận Bí tích Giải Tội và Thánh Thể. Bằng cách lãnh nhận ân sủng của hai Bí tích này, chúng ta củng cố các Bí tích khác. Khi tiếp nhận các Bí tích, chúng ta tiếp nhận chính Thiên Chúa và mỏ mạch mọi ân sủng của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tin, Chúa đã khai mở một ‘kỷ nguyên của ân sủng’, xin cho con đừng bao giờ ơ hờ với các Bí tích, nhưng biết chạy đến với các Bí tích, để múc lấy mạch ân sủng Chúa”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Read 388 times Last modified on Chủ nhật, 09 Tháng 1 2022 20:18