Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 13 Tháng 1 2022 10:35

Không cần ai biết đến

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  KHÔNG CẦN AI BIẾT ĐẾN

 

“Ngài phải ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ”.

John Bacon, một điêu khắc gia nổi tiếng, để lại lời này trên bia mộ mình, “Là một nghệ sĩ, những gì đối với tôi, xem ra có một tầm quan trọng nào đó khi còn sống, thì từ khi biết Chúa Kitô, chúng không là gì nữa; điều duy nhất quan trọng của tôi bây giờ là Ngài. Tôi ‘không cần ai biết đến’ nữa!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ John Bacon, nhưng cả Thiên Chúa cũng vậy! Sẽ khá ngạc nhiên khi Lời Chúa hôm nay cho thấy, một đôi khi, Thiên Chúa xem ra cũng ‘không cần ai biết đến!’. Thời Cựu Ước, với Hòm Bia giữa đoàn quân, Israel vẫn bị Philitinh đánh bại; thời Tân Ước, Chúa Giêsu không muốn ai biết, sau khi chữa lành một người phong. Anh này loan tin, khiến “Ngài phải ở lại ngoài thành”.

Bài đọc Samuel kể chuyện “Quân Philitinh kéo đến gây chiến, Israel phải xuất quân chống lại”. Dân Chúa đóng trại gần nơi được gọi là “Tảng Đá Phù Hộ”; ấy thế, chẳng thấy Chúa phù hộ chút nào, họ thua liểng xiểng! Tưởng có Hòm Bia, tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa, họ sẽ chiến thắng; ngờ đâu sự thật bẽ bàng, Hòm Bia bị chiếm, Israel bị đánh một trận tơi bời. Rõ ràng, Thiên Chúa muốn cho dân hiểu, Ngài không phải là ông Bụt; chẳng ai sử dụng được Ngài. Ngài không cần nổi tiếng, ‘không cần ai biết đến’ cho đến khi dân biết khiêm tốn kêu lên, “Lạy Chúa, xin thương tình cứu chuộc chúng con!” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca.

Tin Mừng tường thuật phép lạ Chúa Giêsu chữa lành một người cùi; lập tức, Ngài bảo anh, đừng nói với ai. Có lẽ, Ngài nhận ra sự mơ hồ phấn chấn nơi dân chúng trước quyền năng của Ngài; Ngài có thể bị áp lực buộc phải thi hành sứ vụ theo cách không phù hợp với ý muốn của Chúa Cha. Thế nhưng, trong sự phấn khích, người này đã nói với mọi người. Kết quả, danh tiếng Ngài lan rộng, mọi người lùng sục Ngài, đến nỗi Ngài phải ở lại ngoài thành. Như vậy, Chúa Giêsu tiếp tục trải nghiệm sự cô lập của người phung; cho người khác sự sống, Ngài chấp nhận bị loại trừ!

Một sự thật thú vị ở đây là, thay vì tận dụng sự nổi tiếng tức thời của mình, Chúa Giêsu chấp nhận đi đến những nơi hoang vắng. Điều này đáng cho chúng ta suy nghĩ! Thật lạ, vậy mà người ta vẫn tìm đến với Ngài ở ‘những nơi khó đến’ này. Và xem ra, Chúa Giêsu lại thích có mặt ở những nơi đó để chờ đợi những kẻ tìm kiếm Ngài; bởi lẽ, cuộc đời của Ngài chỉ nhằm thúc đẩy một sự hoán cải đích thực của các linh hồn, chứ không phải sự rộn ràng hoặc nổi tiếng. Ngài không quan tâm dư luận thế gian, Ngài chỉ quan tâm đến việc thay đổi các con tim; Ngài ‘không cần ai biết đến!’. Vì vậy, bằng cách rút vào những nơi hoang vắng, Ngài có thể để Cha trên trời mang đến cho Ngài những con người biết cởi mở tâm hồn để được hoán cải thực sự.

Điều này cũng đúng với chúng ta. ‘Chúa Giêsu đại chúng’ không phải lúc nào cũng là ‘Chúa Giêsu thực!’. Nói cách khác, thông điệp Tin Mừng đích thực thường không phải là thông điệp mà nền văn hoá đại chúng sẽ hứng thú; Chúa Giêsu và sứ điệp Phúc Âm tinh tuyền của Ngài không phải lúc nào cũng xuất hiện trên các mặt báo. Đúng hơn, nếu muốn tìm thấy Ngài, chúng ta phải luôn tìm Ngài ở những nơi khuất tịch và vắng lặng, ‘những nơi khó đến’; ở đó, Ngài đang đợi chúng ta.

Anh Chị em,

“Từ khi biết Chúa Kitô, chúng không là gì nữa; điều duy nhất quan trọng của tôi bây giờ là Ngài. Tôi ‘không cần ai biết đến’ nữa!”. Phải chăng tư tưởng của John Bacon đã thấm nhuần tinh thần của thánh Phaolô, “Tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác!”. Cảm nghiệm được Thiên Chúa tốt lành, mọi sự cao sang đời này chỉ là phân bón. Cũng thế, một khi Chúa Giêsu biết được Chúa Cha là Đấng thế nào, Ngài chỉ biết say sưa cảm mến. Như thế, chẳng những Chúa Giêsu thích có mặt ở những nơi hoang vắng để chờ đợi kẻ kiếm tìm Ngài, nhưng ở đó, Ngài còn gặp được Chúa Cha, Nguồn Sống của mọi mầm sống. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy chọn cho mình một nơi vắng vẻ giữa đời thường, đó là trái tim của mình; nơi đó, Chúa Giêsu là trên hết, trước hết, và là tất cả. Đó là vườn thượng uyển, nơi trái tim chúng ta hoàn toàn dành cho Thiên Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa ‘không cần ai biết đến’, nhưng Chúa cần con biết Chúa, biết thật rõ! Vì nhờ đó, may ra, con biết con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Read 324 times Last modified on Thứ năm, 13 Tháng 1 2022 19:11