Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 17 Tháng 3 2022 06:51

Thánh Giuse-Đấng cứu giúp, chở che

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  THÁNH GIUSE – ĐẤNG CỨU GIÚP, CHỞ CHE | SUY NIỆM VỀ THÁNG KÍNH THÁNH GIUSE



TMĐP- Tinh thần tận tuỵ hy sinh, cũng như lòng nhiệt thành của thánh Giuse luôn là thành lũy an toàn của thánh gia.- Trích sách “Trái Tim Người Công Chính”- Cuốn sách đặc biệt kính Thánh Giuse.

Tin Mừng không ghi lại nhiều về dung mạo và cuộc đời Thánh Cả Giuse, nhưng chỉ vài lần ngắn gọn. Trừ lần thứ nhất được long trọng giới thiệu trong phần gia phả của Đức Giêsu, như người thuộc dòng dõi vua Đavít (Mt 1, 16), và lần dâng Đức Giêsu vào Đền thờ với lời tiên tri của cụ già Simêon (Lc 2,22-32); những lần khác, Tin Mừng đều đặt thánh Giuse trong những tình huống bất thường hoặc lo lắng, hoang mang, sợ hãi, căng thẳng, hoặc phải khẩn trương giải quyết, phải gấp rút lên đường, không có giờ tham khảo ý kiến ai, cũng chẳng có thể tiết lộ, chia sẻ với người nào.

Quả thực, Tin Mừng Mátthêu kể lại: “Trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 18-19). Thánh Giuse hoang mang khi biết vợ mình là người hiền thục, đạo hạnh, kính sợ Thiên Chúa mà đột nhiên lại có thai và không một lời giải thích. Ở vào tình huống này, nếu không có một lòng tín nhiệm, và
yêu mến, tôn trọng rất sâu sa, mãnh liệt, chắc chắn không người chồng nào có thể bình tĩnh chọn giải pháp kín đáo bỏ đi để giữ thanh danh cho vợ mình. Thái độ của thánh Giuse không thể coi là hèn nhát, nhu nhược, sĩ diện, “quân tử tầu”, nhưng phải được nhìn nhận là thái độ anh hùng, quả cảm của người yêu thương vô cùng và đến cùng khi sẵn sàng quên mình, xoá mình, hiến mình vì người mình yêu. Hành động âm thầm ra đi khác gì tự nguyện chết cho hạnh phúc của người mình yêu. Âm thầm ra đi trong đêm diễn tả sự hy sinh tận cùng của một người tự xoá hết dấu vết đời mình cho sự sống và tương lai của người khác.

Lần khác Tin Mừng Luca nêu danh ngài khi Đức Maria đã đến ngày sinh, mà lệnh kiểm tra dân số bắt buộc mọi người phải trở về nguyên quán, gốc gác của mình (Lc 2,1-7). Lại một tình huống khó khăn khi Bêlem hôm ấy không còn chỗ trong các nhà trọ. Rơi vào cảnh tang thương, bẽ bàng không có chỗ cho vợ sinh, không có nơi cho con vào đời, hỏi người cha, người chồng nào không cay đắng, xót xa? Chọn giải pháp cấp thời ra chuồng chiên lừa, thánh Giuse đã biểu lộ một tinh thần khiêm tốn thẳm sâu, một ý chí kiên cường đón nhận nghịch cảnh trong tin tưởng tuyệt đối. Thiếu ý chí và khiêm nhường, không ai có thể tin tưởng trước nghịch cảnh, bởi nghịch cảnh bao giờ cũng là những cơn sóng thần, mà ở tim sóng, tất cả những gì cao ngạo, ngất ngưởng đương đầu đều sẽ bị cuốn trôi, san bằng, và chỉ những gì thật sâu, thật thấp mới có thể tồn tại: sâu như ý chí kiên cường, thấp như trái tim khiêm nhu của người đầy tớ trung tín.

Lần xuất hiện tiếp theo là cuộc chạy trốn, vượt biên sang Ai Cập, khi vua Hêrôđê “đi tìm giết Hài Nhi” (Mt 2, 13-14). Vượt biên bất hợp pháp thì dám hé môi với ai, trốn tránh chính quyền đang truy lùng giết con mình thì tin ai mà to nhỏ bàn bạc, nên lại một mình dắt vợ con vượt rừng tất tả đi trốn. Trách nhiệm làm chồng làm cha thúc bách thánh Giuse làm tất cả những gì còn có thể làm để bảo vệ sinh mạng của Đức Maria và Chúa Giêsu. Và tinh thần tận tuỵ hy sinh, cũng như lòng nhiệt thành của thánh Giuse đã luôn là thành lũy an toàn của thánh gia.

Lần cuối cùng được Tin Mừng Luca vẽ chân dung là lần Đức Giêsu cùng cha mẹ trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua khi Ngài 12 tuổi (Lc 3,41-52). Lần này thì quả thực cả Đức Mẹ và thánh Giuse đều rụng rời lo lắng và áy náy nặng lòng, bởi cả hai đều sơ ý nghĩ con mình đi với đám đông hành hương. Những ngày lạc mất con, thánh Giuse đau khổ lắm, không những đau nỗi đau của người cha để lạc mất con giữa đám đông ngày hội đền thờ, mà còn đau thêm nỗi đau khi nhìn vợ hốt hoảng, héo hắt, vì không mảy may hi vọng tìm thấy con sau ba ngày ngược xuôi tìm kiếm. Chỉ một thái độ thinh lặng, kiên nhẫn hỏi thăm hết người này, nhóm nọ mà không giận dữ đổ lỗi, kết tội, không rủa mình, trách người, không ca thán thất vọng đã đủ nói lên tinh thần chịu đựng nghịch cảnh và lòng trông cậy bền vững của thánh Giuse. Thái độ ấy rất khó gặp được ở phần đông chúng ta trước thử thách của cuộc sống khi niềm hi vọng không ăn rễ sâu trong tâm hồn.

Như thế, thánh Giuse đã sống một Đức ái rất mãnh liệt, nồng nàn mới có thể nghĩ đến việc kín đáo bỏ đi để giữ thanh danh cho Đức Mẹ; đã được Thiên Chúa trang bị một Đức tin rất sắt đá mới có thể nhìn thấy Thiên Chúa trong Đức Giêsu ở
máng cỏ Bêlem; đã sống tinh thần hy sinh rất cao độ mới có thể hoàn thành sứ mạng bảo vệ thánh gia trước mọi hiểm nguy, giông bão; đã nuôi lớn một Đức Trông Cậy không gì có thể bứng gốc, đốn gục được để không bao giờ để lạc mất Đức Giêsu trong tâm hồn, trong cuộc đời, trong gia đình thánh.

Mừng kính Ngài, chúng ta tha thiết nài xin thánh cả là quan thầy Giáo Hội và các gia đình thương che chở, gìn giữ, Giáo Hội, các gia đình, và đặc biệt thương bảo vệ chúng ta, là con cái Ngài đang gặp nhiều nghịch cảnh, khốn khó.

Trích từ tuyển tập “Trái Tim Người Công Chính” cuốn sách Đặc Biệt Kính Thánh Giuse.

ĐẶT SÁCH NGAY, quý bạn hữu có thể làm theo hướng dẫn tại đây!

 

https://tinmungduongpho.com/thanh-giuse-dang-cuu-giup-cho-che-suy-niem-ve-thang-kinh-thanh-giuse/

Read 270 times Last modified on Thứ năm, 17 Tháng 3 2022 11:55