Mới sáng sớm, người kia gửi tin như thế này : “Chồng làm, vợ ở nhà. Chồng nhắn tin nói vợ mới làm đổ gì xuống đất mà thấy mê ra lau chùi. Vậy đó, có người chồng hết mực quan tâm. Ở chỗ làm cũng phải mở camera để nhìn vợ cho bớt nhớ đó nha. Hạnh phúc nhất đời luôn ...”
Đọc tin nhắn xong, tôi hồi đáp : “Thì chồng quan tâm đó mà ! Sợ ở nhà xảy ra chuyện gì thì chồng lo cho vợ đó mà !”
Ngưng một lát, người đó lại gửi tiếp : “Hôm qua ra ngoài chút. Về chồng hỏi mua gì ở nhà hàng X thế. Thì ra chồng theo dõi cái iPhone xem con vợ đi những đâu. Ở chỗ làm cũng nhớ con vợ, ở nhà không có vợ cũng nhớ tìm cái iPhone nó đang ở đâu”
Lại hồi âm : “Thương nhau nên mới quan tâm nhau vậy thôi !”
Thật thế ! Cũng một cung cách dành cho nhau. Nếu yêu nhau thì người ta quan tâm đến nhau. Còn nếu không yêu nhau thì mặc xác đằng ấy. Đằng ấy muốn làm gì thì làm.
Thế nhưng không khéo, sẽ có cái nhìn khác với người phối ngẫu của mình và đâm ra khó chịu với sự quan tâm như thế.
Thật sự với trường hợp người chồng này, xem chừng ra cũng hơi quá để rồi người vợ đâm ra khó chịu. Cũng là chuyện dễ hiểu trong đời sống vợ chồng. Tế nhị hơn, nhẹ nhàng hơn trong cách quan tâm lẫn nhau e rằng đời sống hôn nhân sẽ hạnh phúc hơn.
Với kiểu quan tâm như vậy, tùy phản ứng và tùy quan niệm của mỗi người.
Có một trường hợp tôi vừa quen, xem chừng ra thật dễ thương khi hai vợ chồng cùng dung chung ... 1 số điện thoại ! Cũng là cái hay ! Có lẽ vì cùng làm việc chung ở nhau ở nhà, ít rời xa nhau và vì yêu nhau quá nên đến độ dùng chung 1 số. Có thể gọi là bất tiện nhưng cũng là điều hay vì dường như là hai vợ chồng ít rời xa nhau. Và có lẽ, tôi đoán cả ngân khoản, họ cũng để chung với nhau và cùng nhau biết. Cũng là giao ước với nhau. Có người xem ra mất tự do nhưng vẫn có người thích như vậy. Đôi vợ chồng tôi quen họ đã chọn phương án ấy.
Tôi đang sống chung với người anh linh mục. Anh lớn tuổi hơn tôi, kinh nghiệm hơn tôi cũng như theo cung cách thứ bậc thì anh là người quản lý tôi hay đơn giản anh là bề trên tôi. Với vai vế như thế nhưng sống với nhau trọn tình anh em.
Trong đời sống hàng ngày, mỗi khi tôi đi đâu ra khỏi nhà như đi viếng Mẹ Măng Đen hay về Sài Gòn chữa bệnh hay đi đâu đó thì tôi luôn “báo cáo” cho anh. Vừa check in lấy vé xong là tôi chụp ngay cái vé gửi cho anh. Máy bay vừa đáp xuống đường băng và khi có sóng là tôi nhắn ngay “máy bay mới rớt”. Hay như là khi tôi đi khám bệnh. Vẫn có thói quen chụp nơi mình đến, chụp toa thuốc gửi cho anh. Tôi thấy đó là chuyện bình thường.
Với anh, anh cũng thế với tôi ! Mỗi khi đi xa nhà, có khi đơn giản là vào làng để làm lễ an táng cho bà con trong làng hay đơn giản hơn là đi làm phép nhà thì anh đều nói : “Tớ vào làng làm lễ nhé !” Hay là “tớ đi xức dầu nhé !”. Đơn giản chứ cũng chả có gì là quan trọng.
Khi về thăm nhà, trên quãng đường đi cũng như bữa cơm ở quán hay thậm chí dừng lại để “xả gió” thì cũng chụp quang cảnh xung quanh để gửi cho thằng em. Về nhà, có gì ăn đó và cũng gửi để báo tin. Về lại nhà xứ cũng thế ! Rất lịch sự : “Mìn về rồi nhé !”
Vậy đó ! Gọi là chia sẻ những thông tin thường ngày với nhau sẽ là bình thường nếu như mình nghĩ như đó là chuyện bình thường hay sự quan tâm lẫn nhau. Còn nếu mình cảm thấy như bị theo dõi hay xét nét nhau thì nó sẽ ra suy nghĩ nó khác.
Tôi có thói quen hỏi gia đình, vài người thân hôm nay ăn gì ? ăn có ngon không ? ... và chắc chắn như sự hiệp thông và quan tâm với nhau. Ngược lại, tôi ăn gì tôi vẫn gửi cho người thân quen biết. Miễn sao những tấm hình riêng tư ấy không đưa ra ngoài cũng như không up trên face là được.
Sống với nhau, theo như ngôn ngữ anh em chúng tôi hay nói với nhau là : “Sống với nhau phải có cái tìn”. Và “Uống với nhau chỉ vì cái tìn”. (chúng tôi hay phát âm kiểu tiếng của đồng bào thật dẽ thương đó là thay vì tình thì nói tìn. Thay vì nói mình thì hay nói mìn cho nó vui)
Thật thế ! Sống với nhau mà không có cái tìn thì chán lắm ! Hay uống với nhau không phải vì cái tìn thì chán lắm !
Cũng chính vì cái tình, cũng chỉ vì tình yêu hay tình thương để rồi trong cuộc sống người ta quan tâm với nhau. Nếu chả có thì chả ai quan tâm nhau làm chi. Có điều cũng nên cân nhắc và tế nhị khi hỏi thăm nhau.
Có khi tôi cũng gặp phải sự quan tâm quá đáng của đầu bên kia : “Lễ gì mà lâu vậy ông già !”. Trong khi đó bắt đầu Thánh Lễ mới có 20 phút mà tin nhắn nói như vậy. Biết là quan tâm nhưng có lẽ quan tâm nó tinh tế với nhau thì đẹp hơn.
Với tôi thì đơn giàn : khi người ta còn quan tâm thì người ta còn hỏi, khi người ta không quan tâm thì người ta lặn luôn ! Có khi người ta hỏi không khéo như anh chồng chị kia nhưng còn hỏi là con quan tâm. Chỉ sợ khi con tim chai đá không còn chút quan tâm gì nữa mới là điều đáng lo ngại.
Ở đời, đơn giản là vậy ! Còn thương thì còn ...
Lm. Anmai, CSsR