CON RẤT YÊU DẤU
“Con là Con rất yêu dấu của Cha!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Chúa Giêsu là ai? Bạn và tôi là ai? Trả lời hai câu hỏi đó, chúng ta hiểu được ý nghĩa của lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hôm nay. Ngài là ‘Con rất yêu dấu’ của Chúa Cha; bạn và tôi, chúng ta là ‘con rất yêu dấu’ của Chúa Cha.
Một câu hỏi khác đơn giản nhưng thú vị hơn, tại sao Chúa Giêsu chịu phép rửa? Ngài vô tội, sao Ngài làm thế? Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội để Chúa Cha tỏ cho nhân loại biết ‘chính danh’ của Con Một Ngài. Qua đó, Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là “Con rất yêu dấu” với sự chứng thực của Thánh Thần. Vì thế, phép rửa của Chúa Giêsu một phần, là lời tuyên bố công khai của Chúa Cha về Chúa Con là ‘Con Thiên Chúa, một Ngôi Vị thần linh, nên một với Cha và Thánh Thần’. Lời chứng công khai này là một ‘sự hiển linh’, một mặc khải về thần tính đích thực của Chúa Giêsu vậy!
Thứ đến, qua phép rửa, sự khiêm nhường đáng kinh ngạc của Chúa Giêsu cho phép Ngài trở nên đồng nhất với tội nhân; hạ mình ngang hàng tội nhân để liên kết với tội nhân. Ngài chấp nhận đi vào chốn bùn lầy của con người để có thể cứu con người. Bằng cách dìm mình trong nước, tượng trưng sự chết; Ngài chiến thắng bước lên hầu cho phép chúng ta cùng Ngài sống lại một đời sống mới. Như vậy, Ngài đã thánh hoá nước, ‘rửa cho nước’, để bản thân nước từ đó, có sự hiện diện thiêng liêng của Ngài hầu thông truyền sự sống mới cho tất cả những ai được rửa nhân danh Ba Ngôi. Nhờ đó nhân loại tội lỗi được thông phần thực sự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa.
Cuối cùng, phép rửa của Chúa Giêsu là một mặc khải về ‘con người mới’ mà trong Ngài, chúng ta trở nên ‘con rất yêu dấu’ của Cha, một con người mà chúng ta phải trở thành.
Một thiên nga lạc mẹ sống giữa đàn sếu; suốt ngày, nó cùng đàn sếu bắt ốc giữa đầm. Sau bao năm tìm con, ngày kia, thiên nga cha phát hiện con, nó quyết định cứu con. Bao lần tiếp cận, nó vẫn thất bại vì mỗi lần thấy nó, đàn sếu vụt bay. Nó quyết định tắm mình dưới bùn để có bộ lông xám như sếu; nó dò dẫm, lân la nhiều ngày. Cho đến một chiều kia, thoắt một cái, nó quắp ‘sếu nhỏ’ bay đi. Nó đem ‘sếu con’ đến một dòng suối, tự tắm mình trong nước. Hiện nguyên hình xinh đẹp, nó tắm cả ‘sếu con’ và nói, “Con là thiên nga; hãy xem, con xinh đẹp như cha”. ‘Sếu con’ mếu máo, “Con sẽ ăn gì, có ốc không?”. Nó đáp, “Con rất yêu dấu’, trong đền vua, con có tất cả… không phải là ốc!”.
Anh Chị em,
“Con là Con rất yêu dấu!”. Để cứu chúng ta, Con Thiên Chúa cũng nên lem luốc như chú thiên nga kia. Chúng ta được Mẹ Giáo Hội quắp vào dòng nước Giêsu; nơi đó, mỗi người được tẩy sạch những tanh tưởi của ao đầm, được chỉ cho thấy sự xinh đẹp, được phục hồi phẩm giá lấm lem vì nguyên tội và được ban Thánh Thần. Chúa Giêsu đã lội xuống dòng nước, để từ nay con người không còn ‘lạc mẹ giữa bầy sếu’, nhưng được vào đền Vua, với lời gọi ngọt ngào của Chúa Cha, “Con là con rất yêu dấu!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con tiếc nuối ‘món ốc’ tanh tưởi của đầm lầy. Bởi lẽ, con không phải là ‘sếu’, nhưng là ‘những thiên nga’ xinh đẹp, ‘con rất yêu dấu’ của Cha!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)