MỒNG HAI TẾT KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN CHA MẸ
“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên, chúng ta nhớ lại một tập tục của người thượng, đó là tục “bỏ mả”. Với một số dân tộc vùng cao, sau khi chôn người chết, hàng ngày, con cháu mang cơm nước ra mộ; khoảng một năm sau, họ làm lễ bỏ mả. Nghi lễ này được tổ chức linh đình. Sau đó, họ san phẳng mộ; từ đó, không ai nhớ đến nó nữa. “Bỏ mả”, “bãi mả”, một tục gần như bắt buộc trong nếp sống du canh, du cư. Người Công Giáo không bỏ mả, không quên ông bà cha mẹ; nhưng kính nhớ các ngài như những ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’.
Sách Huấn Ca coi các ngài như những vĩ nhân, “Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức các ngài không chìm vào quên lãng!”. Còn hơn các vĩ nhân, các ngài là ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’; vì lẽ họ đã sinh ra các vĩ nhân và thánh nhân. Các ngài được kính nhớ trọn tháng Các Đẳng; đầu năm, mồng 2 Tết; trong mỗi thánh lễ; và sau kinh Nhật Một, 3 lần mỗi ngày.
Trước hết, phải kể đến công ơn sinh thành dưỡng dục của các ngài. “Sinh” là xé ruột, rứt ruột, rút ruột… máu chảy lênh láng; “Dưỡng” là cho ăn, cho mặc; “Dục” là giáo dục, dạy cho nên người, nên thánh. Không được “dục”, nhất định không thành người. Một em bé được thả vào rừng, có lẽ vì đấu tranh sinh tồn, sẽ kiếm được cái ăn, cái uống, nhưng đó không phải là một con người toàn diện, đó là một con vật ‘hao hao giống người’. Vì thế, ngoài sinh, dưỡng, phải nói đến “dục”, “Bé chẳng vin, cả gãy cành”. Bên cạnh đó, một điều khác còn khó hơn: làm gương sáng. Trên đời này, không việc nào khó hơn làm gương sáng. Như thế, công đức của cha mẹ ông bà dành cho chúng ta thật bao la. Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta tôn kính các ngài, ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’, và không được ‘bỏ mả’ là điều phải lẽ.
Lần kia, đang điểm tâm với một đôi vợ chồng Pháp trên một con phố, tôi thấy từ trên xe bước xuống một nhóm cỡ chừng sáu bảy người. Điều đáng nói là trong nhóm, có một cụ bà trạc ngoài 80. Một người đàn ông, khoảng lục tuần, dìu bà xuống xe; đúng hơn, ông ta nâng niu, dắt bà vào tiệm. Khi ăn, ông đút cho bà từng cọng bún một với chiếc khăn trên tay. Nhìn từng cử chỉ ấy, tôi đờ người! Vợ chồng người Pháp hỏi tôi làm sao thế; tôi nói với họ, tôi thèm, tôi ghen với ông ấy vì ông ấy còn mẹ. Mắt tôi bỗng cay cay. Giờ đây, tôi ước được dắt ba mẹ mình, ít là một lần, nhưng không thể; ‘nửa lần’ cũng không.
Tiếp đến, bạn đối xử làm sao với cha mẹ, con cái sẽ đối xử với bạn như thế! Không cần đợi 30, 40 năm sau, nhưng nhãn tiền. Bạn hiếu thảo với cha mẹ bây giờ, con cái sẽ thảo hiếu với bạn mai ngày. Chúng ta không nhớ cầu nguyện cho các ngài, con cái không học được thói quen tốt đó; mai kia, nằm ngoài mộ, ai nhớ đến chúng ta? Không làm gương cho con cái ngay bây giờ, trong luyện hình, đừng ngạc nhiên khi con cái ‘bỏ mả’ chúng ta mai ngày.
Anh Chị em,
“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng!”. Công đức các đấng sinh thành góp phần làm nên những gì chúng ta là, chúng ta có! ‘Vĩ nhân của các vĩ nhân’ không chỉ chuyển trao sự sống của Thiên Chúa nhưng còn chuyển trao đức tin để chúng ta có được sự sống của Ngài trong Chúa Kitô. Vì thế, hãy yêu thương, kính trọng; đúng hơn, trân quý các ngài khi các ngài còn sinh tiền và cầu nguyện cho các ngài khi các ngài đã khuất núi.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con ‘bỏ mả’ với các đấng đã khuất; dạy con biết con biết ‘nâng niu’ các bậc chưa khuất!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)