Mc 5,21-43: CHẠM ĐẾN CHÚA và ĐƯỢC CHÚA CHẠM ĐẾN.
Tin mừng Mc 5,21-43 hôm nay thuật lại hai phép lạ Chúa Giê su thực hiện khi Người đang ở trên bờ Biển Hồ Ga li lê: Ông Giaia, trưởng hội đường, xin Chúa chữa con gái ông đang hấp hối và người phụ nữ bị băng huyết 12 năm, mong được chữa lành.
Hai người cùng bất lực trước bệnh tật và cái chết.
Hai người cùng chung niềm hy vọng được Chúa Giê su cứu chữa.
Hai người có một căn bản chung là Đức tin. Ông Giaia sụp xuống chân Chúa và khẩn khoản nài xin Chúa chữa con mình. (Mc5,22-23).Còn người phụ nữ, sau khi được Chúa chữa lành đã phủ phục trước mặt Chúa. (Mc 5,33).
Trong khi nhiều người Do Thái nơi hội đường, không tin Chúa Giê su, nhiều người xét nét, bắt bẻ, chống đối Người, thì ông Giaia, trưởng hội đường, lại vững tin, lại sụp lạy, khẩn khoản xin Chúa chữa con mình. Ông mạnh dạn đến trước mặt Chúa.
Còn người phụ nữ thì lén lút sờ vào gấu áo Chúa. Cô đã phá luật để đến với Chúa.
Theo luật Lê vi (Lv 15,19-30) người phụ nữ băng huyết được coi là ô uế. Người nào, vật gì đụng chạm vào người phụ nữ này cũng trở thành ô uế. Người phụ nữ phải cách ly mọi người. Mọi người xa lánh cô. Mười hai năm trời đằng đẵng với căn bệnh này.Tán gia bại sản. Đau khổ thể xác và tinh thần vùi dập thân phận nữ nhi! Trong đại dịch Covid 19, chỉ cách ly, tách biệt với người thân, với gia đình, với xã hội 14, hoặc 21 ngày, ta đã thấy như thiên thu.Thương cho người phụ nữ! Chính vì mặc cảm bệnh hoạn vả tội lỗi (trái luật), cô không dám đối diện với Chúa Giê su, cô chỉ dám lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người, (Mc 5,27).
Mỗi khi làm phép lạ, Chúa Giê su thường hỏi: Con có tin không? Hoặc sau khi chữa lành bệnh nhân, Chúa thường nói :Đức tin của con đã cứu con. Chúa cũng có thể nâng đỡ niềm tin của chúng ta, như nâng đỡ niềm tin của ông Giaia, trưởng hội đường: Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.(Mc 5,36).
Con gái ông Giaia được chữa lành vì được Chúa chạm đến. Ngài cầm tay nó và nói: Trỗi dậy đi (Mc5,41).
Người phụ nữ băng huyết được Chúa chữa lành vì chạm đến Chúa. Cô tự nhủ: “Tôi mà sờ vào được áo Người thôi, là sẽ được cứu”.(Lc 5,28)
Các thánh nên thánh cũng là do Chạm đến Chúa hoặc được Chúa chạm đến.
Các tông đồ đầu tiên, Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan được Chúa gọi: Hãy theo tôi (Mc1,18).Hay các ông đã đáp lại lời Chúa: Đến mà xem. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy (Ga 1,39).
Theo Chúa, ở với Chúa năm này qua năm khác, các tông đồ vẫn còn tham sân si, vẫn mơ ước vinh quang, địa vị, vẫn còn tranh ghế bên tả, bên hữu. Vẫn chưa gặp đươc Chúa!
Riêng Phê rô, mãi đến khi Chúa quay lại nhìn ông (Lc 22,61), sau khi ông chối Chúa, ông mới chạm đến Chúa. Sau ba lần Chúa hỏi: Phê rô, anh có mến Thầy không, anh có mến Thầy hơn những người này không? Ông mới chạm đến Chúa.
Mát thêu và Gia kêu cũng được Chúa chạm đến, trên đường Chúa đi rao giảng.
Saolô đã bị Chúa quật ngã trên đường Damas. Chúa không chỉ chạm đến ông, mà còn quật ông ngã xuống đất (Cv 9,4), để ông trở thành một Phaolô nhiệt thành rao giảng Tin mừng Nước Chúa.
Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được Chúa chạm đến bằng cảnh gà trống nuôi con của cha mình để thánh nữ cảm nhận Chúa nhân lành như người cha yêu thương với đứa con bé bỏng.
Phanxicô Xaviê đã được Chúa chạm đến bởi câu Kinh Thánh quen thuộc:
Người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? (Mt 16,26).
Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn thuật lại, sau khi tốt nghiệp đại học, ngài đi nghĩa vụ quân sự, đóng quân ở bên Kampuchia. Trong một lần lâm chiến, ngài nằm giữa 2 đồng đội, nhưng cuối cùng 2 đồng đội thiệt mạng, còn ngài sống sót. Ngài thấy ngài mắc nợ tha nhân. Từ đó ngài quyết định đi tu. Chúa đã chạm đến ngài qua cái chết của đồng đội.
Sau gần 12 năm làm luật sư, trong đó có 10 năm làm Phó Biện lý Quận Cam ở California, luật sư Trần Đình Văn Quân đã trở thành linh mục công giáo.
Và còn biết bao gương thánh nhân, vĩ nhân và thường nhân đã chạm đến Chúa hay được Chúa chạm đến.
Trong cuộc sống đời thường, cũng nhiều lần Chúa chạm đến chúng ta, nhưng nhiều khi chúng ta đã phớt lờ. Nhất là những biến cố lớn trong cuộc đời: Một cơn bạo bệnh, một tai nạn, một lần mất người thân, một thất bại, thậm chí, một thành công, …Trước những bế tắc như cơn đại dịch Covid 19, chúng ta có dịp để chạm đến Chúa. Nhưng ta có dám tin như người phụ nữ băng huyết: Tôi mà sờ vào được áo Người thôi, là sẽ được cứu”.(Lc 5,28).
Chúng ta tưởng chúng ta đạo gốc, được rửa tội ngay khi lọt lòng me, chúng ta đi lễ , đoc kinh, ăn chay, hãm mình… Chúng ta tưởng chúng ta gặp Chúa, chúng ta chạm đến Chúa. Nhưng coi chừng! Chúng ta chỉ như người con cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu, trong tin mừng Luca. Lc 15,11-32. Khi đi làm đồng về, người con cả thấy nhà ca hát vui nhộn vì cha anh mở tiệc mừng em anh đã về, anh đã nói với cha:” Này đã bao nhiêu năm trời, tôi làm tôi ông, cũng chưa hề lướt lệnh ông.(Lc 15,29- BD Nguyễn thế Thuấn). Đây là tương quan chủ-nô, không phải là tương quan cha-con (ĐC Nguyễn văn Khảm). Đúng thế, chúng ta làm công, làm tôi, chứ không làm con. Chúng ta làm đủ thứ, mà chẳng làm gì hết. Chúng ta tính toán với Chúa, hay ít ra, nhẩm tính với mình: con đã đi bao nhiêu lễ, lần bao nhiêu chuỗi, dâng cúng nhà thờ bao nhiêu triệu, làm từ thiện bao nhiêu trăm ngàn…Chúng ta kể công, tính công với Chúa. Chúng ta đến nhà thờ, nhưng chúng ta chưa gặp Chúa, chúng ta chưa chạm đến Chúa và Chúa cũng chưa chạm được đến ta. Ta như người Pharisiêu cầu nguyện trong đền thờ. (Lc 18,9-14).
Chẳng được Chúa chạm đến để sống tình cha-con. Chúng ta cũng chẳng có tình anh-em. Người con cả nói : Còn thằng con của cha đó.(Lc 15,30).(Con của ông, không phải là em tôi). Anh ta không nhận nó là em. Người Phari siêu khinh bỉ người thu thuế: Con không… tham lam, bất chính, ngoại tình, hoăc như tên thu thuế kia. (Lc 18,11).
Cũng dễ hiểu, sao đọc kinh hằng giờ, lần chuỗi cả buổi, tham dự thánh lễ liên tục, dâng cúng nhà thờ hằng triệu… mà lại không yêu thương nhau.
Lạy Chúa, xin mở mắt Đức Tin chúng con, để chúng con chạm đến Chúa, để Chúa chạm đến chúng con, để chúng con là con Chúa, là anh em của mọi người.
Nguyễn Đức Lân