Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 17 Tháng 9 2015 15:05

Đạo đức sinh học-an tử

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đạo đức sinh học, an tử: Một bài viết` của Hủ Tíu người con giáo xứ Thổ Hoàng. Ban biên tập gxthohoang.net hân hạnh giới thiệu…

Con người ngày nay đã qua cái thời “ăn no mặc ấm”, mà thay vào đó là nhu cầu “ăn ngon mặc đẹp”. Điều này cho thấy thân xác con người ngày càng được đề cao cùng với nhu cầu về vật chất, dục vọng...Do đó, người ta cũng tìm đủ mọi cách để tránh né đau đớn, bệnh tật, nhất là khi lâm tử. Chính những tư tưởng đó mà an tử đang được rất nhiều người lựa chọn nhằm để tìm một sự êm ái, nhẹ nhàng khi đối diện với thần chết hay đau khổ vì bệnh tật. Tuy nhiên, nó lại là một “nố” có liên hệ mật thiết với những vấn nạn thuộc luân lý, văn hóa, y khoa, đạo đức, pháp luật.

An tử là làm cho người nào đó chết không đau đớn do bệnh tật, hoặc để chấm dứt một tình trạng hôn mê không thể phục hồi ý thức. Đối tượng của nó là những con người không còn khả năng lo cho mình và không thể đóng góp cho xã hội như người già yếu, người bệnh vô phương cứu chữa làm hao tốn cho gia đình và xã hội, tù nhân mang án tử hình, thậm chí là những người không có khả năng hiểu được những gì đang xảy ra cho mình như bào thai bị dị tật, trẻ sơ sinh thiểu năng, bệnh nhân sống thực vật vĩnh viễn, người tâm thần… bằng cách cho họ uống thuốc, bỏ đói, rút ống thở, tạm ngưng các phương thức điều trị mà đã được sự đồng ý của bệnh nhân hay người đại diện hợp pháp, thậm chí là không cần sự đồng ý của họ.  Đó là lập trường ủng hộ quan điểm hủy diệt những đời sống không đáng sống, vô dụng, dư thừa... được phát triển mạnh mẽ trong hai thập niên 1920-1930  và đã được hợp pháp bởi Adolf  Hitler năm 1933. Sau đó, an tử được lan rộng đến các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc...

Tuy nhiên, an tử lại là một hình thức ẩn chứa bên trong nó tội phạm nghiêm trọng là giết người. Nó nhân danh tình thương để giết chết, nhân danh lòng thông cảm để khai trừ những con người yếu đuối không còn sức lực để chịu đựng đau khổ, nhân danh tình đồng loại để xóa tên những cuộc đời bị xem là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, an tử không được chấp nhận xét trên quan điểm luân lý, vì nó là một hình thức phi pháp và là tội giết chết một con người cách cố ý, bất kể người bệnh có ưng thuận hay không (x. Evangelium Vitae, 65). 

Khởi đi từ Kinh Thánh, chính Đức Giêsu đã ban hành đạo luật tôn trọng sự sống con người trong Mười Điều Răn là không được giết người (x. Xh 20,13). Về sau, thánh Phaolô cũng quả quyết: "Nếu ta sống, ta có trách nhiệm với Chúa, nếu ta chết, ta cũng có trách nhiệm với Chúa. Cả khi ta sống, cả khi ta chết, ta thuộc về Chúa" (Rm 14,18). Theo đó, sống có trách nhiệm với Chúa là mạnh mẽ chống lại mọi hình thức an tử dù trực tiếp hay gián tiếp, chủ động hay thụ động, dù bệnh nhân xin hay không xin. Vì thế, ta không bao giờ được thực hiện an tử cho kẻ khác, dù chính họ muốn thế, hoặc nhất là do chính họ yêu cầu. Bởi vì khi bị chới với giữa sống và chết, bệnh nhân van xin được giúp đỡ để giải phóng linh hồn đang đấu tranh chống lại các mối dây ràng buộc với thân xác và muốn thoát khỏi nó (x. Augustino, trích Thư 204, 5: CSEL 57, 320). Hơn nữa, ước muốn trong hoàn cảnh tuyệt vọng như thế không thể coi là một quyết định sáng suốt và tự do của bệnh  nhân.

Về phần mình, Giáo Hội cũng chủ trương tôn trọng mạng sống con người từ khi thành thai trong lòng mẹ cho tới khi chết tự nhiên được đem chôn trong lòng đất. Giáo Hội không chấp nhận việc ép buộc chết hay để cho chết khi chưa đến giờ Chúa gọi ra khỏi đời này. Bởi vì xâm phạm sự sống của người vô tội là đi ngược lại tình yêu Thiên Chúa dành cho người ấy và vi phạm nghiêm trọng lề luật của Thiên Chúa (x. Tin Mừng Sự Sống, 65). Vì vậy, không ai có thể đòi hỏi việc thực hiện an tử cho chính mình hay cho người khác, dù đó là người bệnh, người thân, người đại diện pháp lý, thầy thuốc...cũng như không có quyền bính nào có thể áp đặt hay cho phép quyền này (x. Bộ giáo lý đức tin, Tuyên bố về làm chết êm dịu, II). Ngược lại, những người có sự sống suy giảm hoặc yếu đi đòi hỏi một sự tôn trọng đặc biệt. Những bệnh nhân và người bị khuyết tật cần phải được nâng đỡ để có thể sống một cuộc đời bình thường theo mức độ có thể (x.GLCG 2276). Còn việc trấn áp đau đớn và làm tê liệt ý thức bằng thuốc gây mê để giảm đau cho bệnh nhân đã hấp hối thì có thể được coi là phù hợp với phẩm giá con người về phương diện luân lý, nếu người ta không chủ ý tìm cái chết (x. Piô XII, Diễn từ 24/2/1957, tr.147). Nhưng việc ngưng những phương thuốc y khoa quá tốn kém, nguy hiểm, dị thường hoặc không xứng với những kết quả mong muốn lại là một việc làm hợp pháp. Ðây là sự từ chối "những trị liệu kịch liệt", chứ không phải muốn làm cho chết, mà chỉ chấp nhận rằng không thể cản ngăn cái chết. (x. GLCG 2279). Cho nên bất cứ ai thực hiện hành vi an tử dưới bất cứ hình thức nào là làm ô nhục, làm thối nát nền văn minh nhân loại, bôi nhọ những kẻ chủ động, xúc phạm nặng nề đến danh dự Ðấng Tạo Hóa... (x.Hiến chế Mục vụ, 27).

Thế nên, trong mục vụ săn sóc bệnh nhân, ta cần phải tôn trọng đời sống an sinh và nâng đỡ những người già cả, người bệnh tật kinh niên, người khuyết tật cách đặc biệt. Ta cũng nên thường xuyên an ủi, nhắc nhở họ giá trị của ơn gọi làm người mà Thiên Chúa đã ban tặng, giúp họ nhận ra sự hoàn hảo trong công trình tạo dựng của Ngài - nhất là nơi những người khiếm khuyết - để họ hiểu được rằng sự đau khổ hoàn toàn là do con người tạo nên, chứ không phải là lỗi của Thiên Chúa. Đồng thời, giúp họ nhận ra những giá trị thiêng liêng của đau khổ, bệnh tật nếu được kết hợp mật thiết với cái chết và Phục Sinh của Đức Kitô. Bên cạnh đó, cần bổ sung nguồn nhân lực và nâng cao đời sống vật chất nơi các nhà hưu dưỡng, nhà mở, mái ấm.... cũng như có những lớp bồi dưỡng về vấn đề đạo đức, luân lý dành cho các bác sĩ, y tá, những người công tác xã hội về phẩm giá của con người. Ở các giáo xứ, linh mục nên quan tâm khuyến khích, tổ chức thăm viếng thường xuyên người lớn tuổi và kẻ yếu đau, khiếm khuyết, nhất là cho họ được lãnh nhận Thánh Thể và của Ăn Đàng khi cấp bách. Cuối cùng, bất cứ ai cũng không thể chấp nhận với bất cứ lý do, phương tiện nào cho việc an tử trực tiếp hay gián tiếp những bệnh nhân hấp hối và người khuyết tật.

Cá nhân tôi cũng không đồng ý hành vi an tử vì người Kitô hữu không có quyền lẩn trốn đau khổ, ngay cả cái chết. Cuộc sống của con người phải dựa vào cuộc đời của Đức Kitô, dựa vào đau khổ, cái chết và Phục Sinh của Người. Vì thế, một người già yếu, dị dạng và thiểu năng đáng thương nhất cũng có vai trò đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Sự khiếm khuyết của những con người ấy là để đánh thức khả năng yêu thương nơi đồng loại. Thiên Chúa đã tác tạo con người vì tình yêu và cho tình yêu nên con người phải tìm nơi tình yêu ý nghĩa sâu xa nhất của sự sống. Dù gặp hoàn cảnh hạnh phúc hay bi thương, con người phải tìm thấy ơn gọi, sứ mạng và giá trị cao cả của cuộc sống làm người. Vì nếu như đau khổ của Đức Kitô có một giá trị cứu độ thì đau khổ của các anh em Người cũng có cùng một giá trị ấy (x. Cl 1, 24).

Hủ Tíu

Read 814 times Last modified on Thứ sáu, 18 Tháng 9 2015 20:51